Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Bài 4: Gãy xương

BS. Lê Quang Khanh – Sơn dương từ tốn

Gãy xương là tình trạng gãy hoặc vỡ của xương. Gãy xương có thể là do một lực trực tiếp tác động, như bị đánh hoặc đá mạnh vào xương; hoặc có thể do lực gián tiếp, nghĩa là xương bị gãy ở một nơi xa hơn điểm mà lực tác động vào. Một vài loại bệnh của xương cũng có thể gây gãy xương dù với một áp lực rất nhẹ.

I. CÁC LOẠI GÃY XƯƠNG


Yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá gãy xương là tình trạng của mô chung quanh. Do vậy, một cách tổng quát, gãy xương được phân loại là gãy kín và gãy hở:
  • gãy xương kín là những kiểu gãy mà vùng da chung quanh không bị phá thủng; 
  • gãy xương hở là loại gãy mà da bị đâm thủng, đầu xương gãy chồi ra ngoài. 
  • gãy xương phức tạp là loại gãy mà các phần xương gãy gây hư hại cho các cơ quan nội tạng như các mạch máu, gan, phổi, hoặc lách. 
Hình 4.1. Gãy xương kín Hình 12.2. Gãy xương hở


II. DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG


Bạn nên nghi ngờ có gãy xương khi tổn thương gây nên bởi một ngoại lực nào đó. Có thể nghe thấy tiếng gãy xương hay tiếng lạo xạo. Một hay nhiều dấu hiệu và triệu chứng dưới đây sẽ xuất hiện trong mọi loại gãy xương:

  • đau và nhạy cảm gần nơi tổn thương. 
  • mất hoạt động hoặc mất khả năng di động phần bị gãy. 
  • phù nề, gây nên bởi sự tích tụ dịch vào các mô chung quanh chỗ gãy. 
  • biến dạng là bất kỳ hình dạng bất thường nào, hoặc có sự gập góc của chi thể hoặc khớp, khi so sánh với chi lành. 
  • cử động bất thường có thể thấy được ở vị trí chỗ gãy. 
  • sốc gia tăng với mức độ trầm trọng của tổn thương. 
  • tiếng kêu răng rắc hay lạo xạo là cảm giác hoặc âm thanh có thể nhận biết hoặc nghe được khi các đầu xương gãy cọ xát vào nhau. Không bao giờ cố ý thực hiện dấu hiệu này. 

III. NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT KHI SƠ CỨU


Sơ cứu gãy xương có nghĩa là ngăn ngừa tổn thương trầm trọng thêm, và hạn chế đau. Những quy tắc tổng quát khi sơ cứu gãy xương như sau:

  • thực hiện việc sơ cứu ngay tại chỗ bị tai nạn ngoại trừ khi bạn hoặc nạn nhân ở tình cảnh nguy hiểm. 
  • giữ vững và nâng đỡ phần bị tổn thương cho đến khi xương gãy đã được bất động. 
  • băng bó vết thương để làm ngưng xuất huyết và phòng ngừa bị nhiễm bẩn. Bảo vệ tất cả những phần xương chồi ra ngoài bằng tấm đệm vành, không được cố đẩy xương vào lại phía trong vết thương. 
  • bất động xương gãy để ngăn chận sự di động của những phần xương bị vỡ. Buộc chặt nẹp lên những xương dài ở điểm phía trên và phía dưới chỗ gãy, và bất động khớp phía trên và khớp phía dưới chỗ gãy. 
  • nâng cao và nâng đỡ nhẹ nhàng chi bị gãy sau khi bất động để làm giảm xuất huyết và phù nề. 
  • theo dõi tuần hoàn ở chi tổn thương để bảo đảm là sự băng bó không quá chặt. 

1. SỬ DỤNG ĐỆM LÓT VÀ BĂNG ĐỂ BẤT ĐỘNG


Các loại băng bó dùng để bất động xương gãy nên được luồn qua phía dưới người của nạn nhân bằng cách sử dụng những chỗ hõm tự nhiên của cơ thể ở vùng cổ, vùng thắt lưng, gối, và cổ chân. Các loại băng bó nên:
  • đủ rộng để tạo ra một sự nâng đở vững chắc mà không gây khó chịu; 
  • đủ chặt để ngăn ngừa chuyển động; 
  • các gút thắt nắm phía chi lành hoặc ở trên nẹp để hạn chế sự khó chịu, và để bảo đảm là phần lớn nhất của mảnh băng nằm về phía tổn thương. Nếu cả hai chân đều bị tổn thương, buộc các gút thắt ở đường giữa. 
Cần bảo đảm rằng, sự băng bó không ảnh hưởng đến tuần hoàn và không gây đau đớn. Cứ mỗi 15 phút, kiểm tra những phần được bất động để bảo đảm là băng không trở nên quá chặt do sự phù nề của các mô chung quanh.

Những phần của cơ thể được băng kẹp lại với nhau nên được phân tách bằng lớp đệm mềm để ngăn ngừa sự cọ xát và gây khó chịu.

2. NẸP


Một cái nẹp được đặt đúng khi nó ngăn ngừa được chuyển động của đầu xương gãy, làm giảm sự tổn thương của mô, và hạn chế đau. Một cái nẹp tốt nên có các đặc tính sau:
  • cứng; 
  • đủ dài để bất động được khớp ở trên và khớp ở dưới chỗ gãy; 
  • đủ rộng và được chêm lót tốt để tạo thoải mái. 

IV. SƠ CỨU GÃY XƯƠNG


Ngoài những dấu hiệu và triệu chứng chung, cũng như những nguyên tắc tổng quát trong việc sơ cứu các loại gãy xương, một vài tổn thương xương có những dấu hiệu và triệu chứng đặc thù, và cần những biện pháp sơ cứu đặc biệt.

1. GÃY XƯƠNG ĐÒN


Xương đòn có thể bị gãy do một lực trực tiếp hay gián tiếp. Đau và mềm nhũn ở chỗ gãy, và chức năng của tay bị mất. Có thể thấy hay nhận biết sự phù nề và biến dạng phía trên xương đòn. Để làm giảm đau, nạn nhân thường nâng đở tay gãy ở khớp khuỷu và nghiêng đầu về phía bên gãy. Sơ cứu cho trường hợp gãy xương đòn:

Hình 4.2. Sơ cứu gãy 
xương đòn 

  • nâng đỡ tay phía bị tổn thương bằng băng đeo kiểu hình ống để chuyển trọng lượng của chi thể sang phía không tổn thương; 
  • buộc chặt tay được nâng đỡ vào thân mình bằng một băng tam giác bản hẹp chồng lên băng đeo. 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét