Trước khi lìa rừng, Người sáng lập phong trào Hướng Đạo (HĐ) Baden Powell đã nói: “Tôi trao Phong trào lại cho các Tráng sinh”. Quan điểm này có thể hiểu: Không có Tráng sinh phong trào sẽ lụi tàn.
Ngành Tráng, hay cụ thể hơn, Tráng đoàn giữ vai trò là vườn ươm trưởng trong phong trào, mà nguyên liệu chính là các Tráng sinh (Ý này tôi viết trên thực tế Phong trào HĐVN, vì vài nước trên thế giới hiện nay không còn duy trì ngành Tráng, mà xây dựng, phát triển lực lượng Trưởng HĐ theo một quy trình khác).
Điều này có thể thấy khá rõ trong thực tế sinh hoạt hiện nay, và hơn hết trong những ngày đầu khai sinh ra phong trào HĐ tại Việt Nam năm 1930. Sau khi Ấu đoàn Lê Lợi thành hình, tiếp theo đó là Thiếu đoàn Hùng Vương (Trưởng Trần Duy Hưng), thì Trưởng Hoàng Đạo Thúy đã sớm xây dựng ngay Tráng đoàn Lam Sơn để cung cấp huynh trưởng cho phong trào.
Sau gần 25 năm giữ lửa, hôm nay phong trào HĐ đã xuất hiện trở lại và sinh hoạt sôi nổi trên khắp cả ba miền, tập trung ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành duyên hải Miền Trung- Tây Nguyên. Từ một ít đơn vị tập hợp, rụt rè sinh hoạt, tản mát sau tấm bình phong thân hữu… nay con số Liên đoàn đã lên đến hàng trăm và số đơn vị cũng nhân lên tối thiểu gấp bốn lần. Từ cái hạn chế của trạng thái “giữ lửa”, bước ra công khai, phong trào lại đối diện với những khó khăn, áp lực mới. Một trong số đó là tình trạng thiếu huynh trưởng trầm trọng diễn ra không trừ một đơn vị nào trên khắp cả nước.
Thời gian hơn 25 năm HĐ tạm ngưng sinh hoạt chính thức đã lấy đi của phong trào một thế hệ HĐ trưởng thành.
Ở Đà Nẵng, sau thời gian dài “ngủ đông”, năm 2006 Ấu đoàn đầu tiên của Đạo An Hải chính thức tái hoạt động. Đến nay, ấu sinh già tuổi nhất trong bầy cũng chỉ mới ở tuổi Kha.
Huynh trưởng được giáo dục từ lứa tuổi Ấu, qua Thiếu, đến Kha, Tráng, sau khi qua các khóa Dự bị, Bạch Mã và cuối cùng là Huy hiệu rừng từ trước năm 1975, trở lại giữ vai trò quan trọng trong phong trào không có nhiều. Còn lại hiện nay, hầu hết huynh trưởng cầm đoàn là những cựu HĐS, sói con trước đây, vì trách nhiệm, xông pha trở lại phong trào, mà chưa từng kinh qua chương trình giáo dục tiệm tiến của HĐ. Ngoài ra còn có một số không nhỏ là các phụ huynh, thanh niên chưa từng khoác áo HĐ ngày nào, nay yêu thích phong trào mà tham gia. Tất cả họ đều phải “tự chèo lái con thuyền” mà hầu như chưa được trang bị gì đáng kể. Đó là một thử thách không nhỏ cho bản thân họ và hơn hết là cho cả đoàn, nơi họ đang làm công việc giáo dục các em trở thành con người hữu ích cho xã hội theo phương pháp, nguyên lý của Baden Powell.
Từ đặc điểm trên, trong sinh hoạt ngành Tráng ở Đà Nẵng, hiện nay lực lượng Tráng sinh hầu hết là các thanh niên yêu thích phong trào xin vào chơi ngang. Số trưởng thành từ các Kha đoàn đưa lên không nhiều. Vì vậy nhiều Tráng sinh thiếu kỹ năng HĐ, dẫn đến mất tự tin khi được giao điều khiển sinh hoạt đơn vị là chuyện không hiếm. Từ đó không ít trong họ dẫn đến tự ty, thấy không còn thích hợp… và cuối cùng là rời đoàn, dù rằng họ vẫn còn rất yêu phong trào.
Từ thực tế đó, nhiều Tráng đoàn buộc phải “bấm bụng” trở lại huấn luyện chương trình Tân sinh… của ngành Thiếu, Kha cho Tráng sinh. Ở lứa tuổi 18 trở lên, các em như một cái cây đã phát triển hoàn chỉnh, không có nhiều cơ hội cho Tráng đoàn uốn nắn đoàn sinh mình như ở lứa tuổi Ấu, Thiếu, Kha. Người Tráng trưởng giỏi lắm cũng chỉ đủ sức tỉa tót cho cây gọn gàng, dễ coi mà thôi. Với lứa tuổi Tráng, nhu cầu tiếp cận đời sống đã mạnh mẽ, tâm sinh lý… cũng đã đổi khác, vì vậy việc mỗi tuần, dành một hai buổi để ngồi dạy lại cho nhau gút dây, mật thư, dấu đi dường, semaphore… là việc gần như bất khả. Rất ít các em có bản lĩnh, quyết “sống chết” với phong trào, thì chỉ có con đường duy nhất là phải tự hoàn thiện kỹ năng HĐ cho mình bằng cách tự học.
Trong khi đó, để tròn vai trò GIÚP ÍCH theo châm ngôn của ngành thì các Tráng đoàn còn vô số các công trình, dự án… phải thực hiện, nên thời gian dành cho tự học kỹ năng HĐ càng hiếm.
Trục xuyên suốt của phương pháp HĐ là hệ thống giáo dục tiệm tiến từ tuổi mầm non lên đến bậc đại học. Mục tiêu cuối cùng là cùng với gia đình, học đường rèn luyện thanh, thiếu niên trở thành con người hữu ích cho xã hội mai này.
Vì lẽ đó, HĐVN tổ chức sinh hoạt theo hệ thống liên đoàn. Mỗi lứa tuổi ấu, thiếu, kha, tráng được thụ hưởng một phạm vi giáo dục phù hợp với lứa tuổi của mình. Trong các liên đoàn, sự thăng tiến của các sói con là nền tảng vững mạnh của ngành Thiếu, tiếp theo đó là ngành Kha và cuối cùng ngành Tráng sẽ đảm nhận công cuộc hoàn thiện tính khí của các HĐS trưởng thành, cung cấp lại cho phong trào những huynh trưởng có chất lượng và cho xã hội những thanh niên sống có kỷ luật, đủ trí lực, thể lực để gánh vác công việc cho cộng đồng xã hội…
Có thể hình dung công cuộc giáo dục trong phong trào HĐ như một guồng máy vận hành theo một chu trình chặt chẽ, ăn khớp giữa các bánh răng. Bất kỳ sự khập khểnh nào cũng đều mang lại sự xộc xệch, thiếu hoàn chỉnh. Tất nhiên kết quả mang lại, guồng máy sẽ cung cấp những sản phẩm không như mong đợi cho mục tiêu chung của phong trào.
Hiện nay phong trào HĐ ở khắp ba miền đều bắt đầu phát triển nhanh. Nhu cầu huynh trưởng cầm đoàn ngày càng lớn. Và hơn hết các sinh hoạt HĐ đã công khai trên hầu hết các địa phương nên có thể khẳng định rằng phong trào đã bước qua giai đoạn “giữ lửa”, và bắt đầu đi vào hoạt động nề nếp, đúng phương pháp, nguyên lý của Người sáng lập đề ra.
Tuy rằng không phải mọi chi tiết trong công cuộc duy trì, phát triển phong trào HĐ đã hết những trở lực, nhưng với yêu cầu xã hội ngày càng cao; tính chất quan trọng trong công cuộc giáo dục của phong trào, hy vọng mỗi huynh trưởng, mỗi ngành trong HĐ ý thức đầy đủ vai trò của mình. Và hơn hết ngành Tráng- công đoạn cuối của chu trình, sẽ nhận được nhiều “nguyên liệu” đạt tiêu chuẩn từ ngành Kha, để tiếp tục công cuộc đào tạo huynh trưởng cho phong trào và cung cấp cho xã hội những con người hữu ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét