Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Mỗi kỳ một nhân vật Rừng

Sáo dễ thương Phạm Văn Nhơn

Lời BBT: Đặt tên Rừng là một tập tục kỳ thú bậc nhất của HĐS. Kể từ nay VỮNG TIẾN sẽ lần lượt chọn đăng một số nhân vật Rừng tiêu biểu, mới mẻ. và những câu chuyện dí dỏm kỳ thú của chuyện đặt tên rừng. Xin quí Trưởng và Tráng sinh, nếu có tên rừng mới, câu chuyện dí dỏm hoặc phát hiện những dân rừng đặc biệt thì xin gởi về cho BBT, có chữ ký Rừng thì càng tốt. Mục này do Sáo Huế phụ trách 

Trước hết Sáo dễ thương xin hỏi các bạn, có ai biết tên rừng của Thủ lĩnh Baden Powell là gì không ???


Thưa các bạn.

Trong một dịp mừng sinh nhật của Trưởng Vịt Bể (Tr. Cung Giũ Nguyên), có cả Trưởng Bò Rừng lém Trần Văn Lược, nguyên Tổng Ủy Viên. Trong lúc mọi người trò chuyện huyên thuyên, bổng Cụ Vịt Bể vỗ tay, nhìn vào mọi người với nụ cười hóm hỉnh hỏi : Tôi có một câu hỏi này muốn đố các anh chị : Ai biết BP mang tên rừng là gì nào ? Bầu khí đang “rần rần” bỗng “im phăng phắc”, mọi người đều ngẩn ngơ vì câu đố quá bất ngờ. Vịt Bể đưa mắt nhìn khắp mọi người và dừng lại chổ Bò Rừng lém ngồi, như có ý muốn hỏi Bò có biết không. Thấy Bò lém khe khẽ lắc cái đầu như : xin chịu. Mọi người lại ngạc nhiên vì nghĩ một sư tổ HĐ như Bò Rừng lém mà còn chịu thì ai biết cho đây ? Vịt Bể ranh mãnh cười ròn rã nói: BP làm gì mà có tên rừng.

Đúng là không có Hội đồng rừng nào đặt tên rừng cho Cụ BP, nhưng trong thực tế Cụ lại có 5 tên riêng . Lúc còn đi học bạn bè gọi Cụ là “Cái khăn mặt”. Khi đi săn sư tử ở Đông Phi thổ dân đặt cho cái tên “người nằm rồi mới bắn” (M’Hal Panzi). Lúc làm kỵ binh ở Tây Phi, dân địa phương tặng Cụ cái biệt danh “người đội mũ rộng vành” (Kantaky). Dân Matabeles ở Nam Phi thì gọi Cụ là “Con Sói không ngủ” (Impeasa). Tên rừng sau cùng là “người thổi còi hòa bình” (Piper of Paix). Trong năm tên đó, ta thấy tên “Con Sói không ngủ” là thích hợp cho tên rừng của Cụ, do Hội đồng rừng nhân dân Matabeles (Nam Phi) đặt cho Cụ đó.

Giờ tôi xin giới thiệu một dân rừng ở xứ Bắc Kỳ :

Mèo Fakir VƯƠNG KHẢ TẾ


Mèo Fakir Vương Khả Tế là một Dân Rừng tiền bối, là Đoàn trưởng Đoàn Ngô Quyền ở Bắc kỳ năm 1934. Chính Vương Khả Tế là tác giả vở kịch, 3 cảnh 3 hồi, có nhan đề “Thủy Trung Nghĩa Thạch”. Trước khi trình diễn vỡ kịch này người ta thấy đăng quảng cáo trên các báo HĐ, báo ngoài và bích chương dán khắp nơi với lời lẽ như sau: 

Ai là HĐS, ai chưa là HĐS, ai yêu mục đích HĐ, ai chưa hiểu mục đích HĐ” đều nên đến xem vở kịch: “Thủy Trung Nghĩa Thạch” được trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào những ngày 15, 16, 17 Juillet 1935. 

Chúng tôi không hiểu Mèo Fakir là gì. Phải chăng Fakir là những phù thủy Ấn Độ có nhiều ma thuật thường ngồi thổi sáo trong rừng, khi tiếng sáo vang lên thì các mãng xà, rắn rung chuông, cạp nong, cạp nia… đều bò đến vươn mình uốn éo theo tiếng sáo. Khi tiếng sáo dứt chúng bò quanh mình thuật sĩ Fakir rồi đến trước mặt gục gặc cúi đầu chào, xong lặng lẽ bò về hang. 

Như vậy Mèo Fakir có nghĩa là Mèo ma thuật ?


Sáo dễ thương Phạm Văn Nhơn.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét