Sáo dễ thương Phạm Văn Nhơn phụ trách
CHUYỆN RỪNG KHỈ
Loài khỉ tuy được xếp vào loại vô tổ chức, lếu láo, ưa làm trò “khỉ”, nhưng cũng được một số dân rừng mang tên. Cách đây 12 năm tôi đã viết về một số dân rừng mang tên khỉ như Tinh Tinh ngang ngạnh Hoàng Đắc Quang, Độc Hầu bất tà Trần Lê Quang…năm nay là năm con khỉ xin viết về Khỉ Khô Thái Bá Hầu.
Trước đây Trưởng Ong Lắm Mật có kể cho nghe, ở Hà Nội thời khởi thủy có hai anh em Thái Bá Lộc và Thái Bá Hầu mở tiệm bán dụng cụ, áo quần Hướng Đạo tại Hà Nội. Tên rừng của Thái Bá Lộc là “Nga đa năng”, tên rừng của Thái Bá Hầu là “Khỉ Khô”. Trong cuốn Kỳ Thú Chuyện Tên Rừng xuất bản năm 2007 chúng tôi không nêu tên Khỉ Khô vì ngại. Nay đọc một tài liệu xưa mới biết Khỉ Khô là một tên rừng đặc biệt nên đăng tên Khỉ Khô và câu chuyện sau: (lược trích bài khỉ khô của nhà văn Huỳnh Ngọc Tảng trong cuốn bia miệng).
…Một hôm, Tâm cầm giàn thun đi sâu vào rừng để bắn chim. Tâm đi mãi từ lúc mặt trời vừa ló khỏi đọt cây tới đứng bóng. Thì thấy trên chạc ba cây gió có xác một con khỉ khô. Tâm bèn leo lên cây đem con khỉ xuống nhưng hai tay con khỉ bám chặt vào nhánh cây gió nên Tâm phải dùng rựa chặt nhánh cây đem con khỉ xuống.
Xác con khỉ khô cứng, mắt lõm sâu vô, ngực và bụng tóp lại nhưng lông vẫn còn nguyên. Chắc con khỉ này già lắm. Lông nó trắng như tuyết. Con khỉ chết không có mùi hôi thối hay khét nắng, mà trái lại nó có mùi thơm lạ thường mùi đó lại không giống bất cứ loại mùi thơm nào. Cây gió này sống cách đây mấy trăm năm, Đáng lẽ có nhiều trầm nhưng lại không có mùi thơm,vì bao nhiêu mùi đều ướp vào con khỉ hết.
Tâm xách con khỉ về đến nhà thì trời cũng chạng vạng. Nó bị bố nó là ông Sáu Lái đánh một trận đòn nên thân vì đi rong chơi cả ngày. Tâm bèn thú nhận là tại con khỉ khô này, nên mới bỏ nhà đi suốt ngày. Sáu Lái không màng để ý tới. Nhưng thấy mùi thơm từ xác con khỉ xông lên, ông cũng lấy làm lạ.
Hàng ngày Tâm mang xác con khỉ ra phơi mùi thơm xông lên ruồi nhặng bay đi hết.
Một hôm có một người Hoa Kiều bán cao đơn hoàn tán. Hắn cứ nhìn và hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia về con khỉ khô, và dụ Tâm bán cho hắn, Tâm từ chối vì tiếc bộ lông trắng và mùi hương phảng phất từ xác con khỉ khô.
Sáu Lái cứ thấy người khách tò mò nài nỉ mãi và đòi mua với giá quá sức tưởng tượng của ông, nên cho rằng con khỉ khô này có cái gì quý lắm. Bởi thế ông cho trả lời người khách là nhất định không bán vì tiệm thuốc Bắc ở Chợ Lớn đã dặn trước rồi.
Người khách không nản chí, vẫn kèo nài:
- Thôi, để cho ngộ đi bao nhiêu thì bao!
Sáu Lái ướm thử :
- Bao nhiêu là bao nhiêu, bốn chục ngàn (1) nị dám mua không ?
Khách le lưỡi :
- Hà, cái gì mà mắc quá xá vậy. Nị bớt xuống chút đỉnh đi. Thỏi vàng to bằng nó cũng không mắc như vậy.
Sáu Lái nhất định :
- Mắc thì thôi, vàng còn dễ có chớ con khỉ có xạ hương tìm mấy ngàn năm mới được.
- Người khách biết Sáu Lái không hiểu gì về cái quí của con khỉ khô, nên cười lớn
- Này, khỉ làm gì có xạ. Trầm ở cây gió ướp vào. Nị không tin, thì hỏi thằng nhỏ coi có phải không?
- Sáu Lái giật mình: sao mà thằng cha giỏi vậy cà! Người khách độ được sự ngạc nhiên của Sáu Lái nên hỏi :
- Có cái gì mà không biết? Con khỉ rũ, bao giờ cũng rũ trên gió có trầm tự nhiên trầm nó rút vào xác con khỉ. Có như vậy mới quí! Thôi bán cho ngộ mười ngàn đi. Mắc quá rồi !
Sáu Lái lắc đầu, người khách dặn:
- Bữa nay tối rồi, ngày mai ngộ trở lại, đừng bán cho ai nghe.
Sáu Lái nói:
- Mai nị không tới, mốt ngộ đem đi Chợ Lớn bán
Người khách ra về nhưng còn dặn với lại:
- Nhớ đừng bán cho ai nghen. Nị hứa rồi mà
Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, người khách ấy trở lại cùng với một vị thầy thuốc già, bơi xuồng ba lá tới nhà Sáu Lái.
Vô tới nhà hắn dáo dác, dòm không thấy con khỉ khô, hắn cau mày sửng sốt hỏi:
- Nó đâu rồi, bộ nị bán cho ai rồi sao?
Sáu Lái lại ướm thử:
- Ngộ đem đến Chợ Lớn hồi khuya rồi.
Hắn hét lên :
- Ngộ hứa mua rồi mà.
Nhưng hắn thấy Sáu Lái cười nên hắn mới an tâm:
- Nị phá hoài, nó đâu rồi ?
Sáu Lái trả lời :
- Ngộ cất nó trong rương, nị chịu giá xong ngộ lấy ra cho coi.
- Thì ông cho thầy coi một chút mà!
Sáu Lái lấy con khỉ khô ra. Ông thầy thuốc già người Hẹ tuổi đã bảy mươi nhưng da dẻ hồng hào lắm. Ông ta nói nhà mình làm thuốc đã ba đời rồi, có hai đời làm thái y cho vua.
Ông coi xác con khỉ khô hồi lâu, rồi nói với người khách :
- Con khỉ này bị rũ chết chứ không phải bị bắn. Khỉ bị bắn cũng quí nhưng không bằng rũ, giá trị nó khác nhau một trời một vực. Con khỉ này sống ít nhất cũng năm trăm năm trở lên – khỉ có thể sống đến cả ngàn năm – tôi coi lông nó trắng hết, không sót một sợi nào vàng hoe, chớ đừng nói tới đen, quí vô cùng. Không bao giờ có. Nó là thứ “Bạch lão hầu”, chỉ ở Cảnh Sơn Dương và Ngũ Đài Sơn mới có. Đời nhà Chu, ông Thiều Công Thích có bắt được một con nuôi đến tám trăm năm mới rũ, nghĩa là đến đời Đông Châu Liệt Quốc, số tuổi nó ngang với khí số nhà Châu.
Đến đời Hán mạt, Bình Nam Mạnh Hoạch có hiến một con Bạch Lão Hầu cho Gia Cát Võ Hầu. Vua Chiêu Liệt thua trận Lục Tốn, uất khí thổ huyết ở Bạch Đế Thành. Gia Cát Võ Hầu dùng nó làm thuốc sai Trương Bảo đem dâng cho Vua Chiêu Liệt, nên cải tử hoàn sinh được. Không ngờ ở Việt Nam cũng có một Bạch Lão Hầu. Tôi dám chắc chỉ có một con này thôi, có lẽ nó đi lạc từ Ngũ Đài Sơn qua chớ ở đây làm gì có nó. Thứ này chỉ thích ăn thứ trái cây tên là Yến Lê thôi. Xứ này không có Yến Lê làm gì có Bạch Lão Hầu được. Yến Lê là một thứ trái cây mà thầy Trọng Do hiến cho mẹ ăn để tăng thêm tuổi thọ. Giống Bạch Lão Hầu nhờ ăn Yến Lê nên mới sống lâu và cuờng tráng. Giống này khi rũ thì tìm cho được cây có trầm để ướp xác cho thơm. Nhưng cây ấy bị xác khỉ khô rút hết trầm nên không còn mùi thơm nữa. Vậy, con khỉ khô này có ba thứ quí trong mình. Một là sống lâu trên năm trăm năm lông toàn tuyết; hai là nó rũ, chớ không phải bị giết chết; ba là nó ướp hết trầm của cây gió. Con khỉ này rũ mau lắm cũng một năm, xác nó thấm nhuận được phong sương tuyết nguyệt hấp thụ được tinh khí của trời đất. Nó lại rũ trên cây cao giữa cánh rừng mênh mông nên ô trọc không vương lấy một tí; do vậy xác này vô cùng tinh khiết. chẳng những làm được nhiều thứ thuốc mà còn chế được thuốc trường sanh kéo dài tuổi thọ.
Nhờ nghe vậy mà Sáu Lái biết cái quí của con khi khô. Ông nương theo đó mà làm dày làm mỏng nêu giá quá cao, có ý không bán con khỉ khô. Người thầy Tàu không mua được con khỉ khô, bực tức nói:
- Nị không nghe người ta nói: “tôi có con khỉ khô gì đâu” nếu có con khỉ khô thì người ấy đã giàu bằng mấy ông Bang của ngộ lận Vậy mà không bán cho ngộ. Ngộ mua giá hai chục ngàn đồng. Với số bạc đó nị có thể mua mấy sở ruộng, tạo mấy dãy nhà. Nhờ có con khỉ khô mà nị trở thành nhà giàu lớn.
Sáu Lái không nói gì, chỉ mỉm cười khi người khách và ông thầy Tàu thất vọng ra về.
(Trích trong cuốn Chuyện Kỳ Thú Về 4875 Dân Rừng Bách Hợp của Sáo Dễ Thương xuất bản nhân dịp 85 năm HĐVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét