Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Nơi không có khoảng cách

Lưu Văn Thiên 


Người Việt Nam thường tự hào về một nét đẹp văn hóa độc đáo, đó là nếp nhà 3 thế hệ, trong đó ông bà, cha mẹ, con cháu sống chung trong một mái nhà, hòa thuận thương yêu nhau. Thế nhưng trên thực tế vẫn luôn luôn có một khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình, một phần vì theo lễ giáo “kính nhi viễn chi” cần phải có một giới hạn nhất định; ngoài ra quan niệm “khôn đâu trẻ, khỏe đâu già” nên cha mẹ thường xem con cái mình lúc nào cũng còn non dại, họ thích khuyên dạy con cháu và truyền đạt cho chúng những kinh nghiệm cuộc sống; họ cho đó chính là trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Thế nhưng con cái lại không muốn thế, chúng không muốn bị kiểm soát và muốn làm theo ý của mình. Khoa học ngày càng tiến bộ nên bất cứ kiến thức nào con cái cũng có thể truy cập internet để tìm hiểu, nên chúng ít bị lệ thuộc vào những kinh nghiệm cha mẹ dạy và nhiều khi những kinh nghiệm đó có tính cách chủ quan. Từ đó những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh và sự gần gũi thân mật giữa cha mẹ con cái không còn như xưa, khoảng cách vô hình dần dần hình thành ngăn cách giữa cha mẹ và con cái. Con cái có thể bồng bột, nông cạn về lẽ sống, nhưng chúng có nhiều hoài bão, lúc nào cũng muốn vươn lên, không thỏa mãn với những cái đã đạt được, chúng có nhiều nhiệt huyết, kiến thức cao hơn cha mẹ, chúng thích suy luận thực tế và khoa học hơn. Ngược lại cha mẹ không muốn có sự đảo lộn những sinh hoạt quen thuộc đã thấm vào máu xương, họ mặc cảm tự ti, cho rằng mình đã lỗi thời và không còn quyền uy đối với con cái nữa. Khoảng cách ngày càng lớn cha mẹ cảm thấy tủi thân, hờn dỗi và dè dặt với con cái mình, ngược lại con cái không còn muốn tâm sự với cha mẹ nữa, thật đúng như lời vị sử gia Alexis de Tocqueville : “Trong các quốc gia dân chủ, mỗi thế hệ là một bộ lạc mới”. 

Ngoài xã hội lại còn phức tạp hơn, biết bao nhiêu khoảng cách mà có lẽ mãi mãi không thể nào san lấp được. Con người phải lao động mới có cái để nuôi sống bản thân nên họ phải chấp nhận mình là những người bị sai khiến còn “xếp” là người ra lệnh, không có sự thông cảm, muốn tồn tại phải phục tùng, còn không sẽ bị đào thải. Việc đấu tranh giai cấp mãi xảy ra, cuộc sống cứ mãi thế và con người không có sự lựa chọn. Một khoảng cách khác đó là sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, tạo nên hai thế giới khác biệt mà họ gọi là đẳng cấp. Người giàu thì được tôn trọng còn người nghèo bị khinh miệt. Những người giàu sống xa hoa, sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đô la chi trả cho một ngày đêm tại các resorts, trong khi lương của các công nhân chỉ ba bốn triệu một tháng. 

Phân biệt chủng tộc và khác biệt tôn giáo cũng là một khoảng cách rất lớn khiến con người thù nghịch lẫn nhau. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ phát xuất từ sự kỳ thị màu da; Người da trắng coi người da đen như là những nô lệ, dù Tổng thống Abraham Lincoln đã ra bản tuyên ngôn Giải phóng nô lệ vào ngày 22/9/1862, nhưng đâu đó vẫn còn âm ỉ những sự kỳ thị này và sẽ bùng phát khi nước tràn ly. Sự kỳ thị tôn giáo một phần bắt nguồn từ những sự bất công, thiếu lòng khoan dung, nhân ái. 

Theo bản phúc trình của diễn đàn Pew, có 41 quốc gia có tỷ lệ rất cao về những thù nghịch giữa các tôn giáo đặc biệt là các nước theo Hồi giáo. 

Thế nhưng có một nơi không còn khoảng cách đó là đại gia đình Hướng đạo. Những người sống trong gia đình này không có khoảng cách thế hệ, họ không xưng hô với nhau bằng các danh từ ông bà, chú bác, cậu dì hay cấp trên bề dưới… Họ coi nhau như những người anh em trong một đại gia đình: người lớn tuổi gọi những người nhỏ tuổi hơn là các em, và những người nhỏ tuổi gọi họ là anh hoặc chị hoặc trưởng. 

Tuổi chỉ xứng hàng con cháu 
Vẫn phải gọi già hom hem 
Bằng “Chị” như lời dạy bảo: 
“Hướng Đạo như anh, chị, em!” 

Hướng Đạo gọi nhau “em, anh” 
Dù tuổi bảy ba, ba bảy 
Nên nhiều khi khó phân ranh 
Cha, con cùng đoàn. Trái khoáy! 

Bạn con “Thưa Anh” với “ba” 
Rồi bắt con kêu bằng “chú” 
Ăn gian, chúng xúm cười xòa. 
Con quyết đòi ăn thua đủ: 

“Mai sau tôi quyết làm Trưởng 
Thì tôi trẻ mãi không già 
Làm “anh” của đám cháu bạn 
Mặt tình bạn già như cha !” 

Ý Nga, 1-8-2014 

Trong đại gia đình này, anh chị trưởng chỉ là người hướng dẫn, là những người tuổi cao nhưng mang tâm hồn trẻ. Không ra lệnh, không áp đặt, các em thoải mái tâm sự chia sẻ vì các Trưởng chính là những người bạn thực thụ. 

Gia đình Hướng đạo không có giai cấp, không có chủ, không có người làm công, tất cả mọi địa vị xã hội đều được gác lại khi tham gia Phong trào Hướng đạo. Hướng đạo sinh không nói chào xếp, chào giám đốc, chào chủ tịch, chào thầy, chào linh mục … mà chỉ đơn giản là chào anh Trưởng, chị Trưởng, chào em…. Gia đình Hướng đạo không ưu tiên cho một thành phần xã hội nào cả, luôn luôn mở rộng vòng tay đón tất cả những ai muốn gia nhập, không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay thôn quê. Gia đình Hướng đạo không đóng khung trong một làng xã, thành thị, quốc gia hay một châu lục nhưng tỏa rộng khắp thế giới vì “chúng ta bốn bể anh em một nhà”. Gia đình Hướng đạo không có sự phân biệt chủng tộc, màu da mà là sân chơi cho tất cả mọi người khắp năm châu bốn bể, ngay cả nước Mỹ được gọi là Hiệp chủng quốc vì bao gồm đủ mọi thành phần chủng tộc, màu da nhưng sự kỳ thị thì cứ mãi luôn tồn tại còn Hướng đạo thì không. 

Gia đình Hướng đạo buộc tất cả Hướng đạo sinh đều phải có một tôn giáo, một tín ngưỡng riêng cho mình nhưng các tôn giáo được tôn trọng như nhau. Trong mỗi cuộc cắm trại, gia đình Hướng đạo chọn khung cảnh thiên nhiên ngoài trời vào sáng tinh mơ để làm giờ tinh thần. Các Hướng đạo sinh lần lượt thay mặt cho tôn giáo mình cầu nguyện với Đấng mình tôn thờ, một hình ảnh tuyệt đẹp, một tinh thần đoàn kết tôn giáo có thể nói có một không hai mà chắc chắn chỉ có ở trong gia đình Hướng đạo mà thôi. 

Hướng đạo sinh chúng ta có thể tự hào vì mình đang sống trong một mái nhà chung không khoảng cách, bình đẳng, thân thương, biết lắng nghe và chia sẻ với nhau một cách chân thành. Chúng ta không đến với nhau để thể hiện cái tôi của mình, để hơn thua nhau bằng lý lẽ, để có bề trên bề dưới, vì gia đình Hướng đạo là nơi thân thương huynh đệ, đối xử với nhau như anh em ruột thịt, chứ không phải là nơi tranh giành quyền lực, là nơi giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Chúng ta hãy đến với nhau bằng con tim vì “Con tim có những lý lẽ của nó” (Pascal) 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét