Hoạt động trò chơi là phần trọng yếu của sinh hoạt đơn vị. Hoạt động này giúp cho sinh hoạt vui vẻ hấp dẫn trẻ và mang lại kết quả đào luyện tính khí, đây là phương pháp thực hành chơi mà học của PPHĐ.
“Trò chơi là một nhà giáo dục đại tài nhất”
Theo Phương pháp giáo dục và rèn luyện thanh thiếu nhi, người Huynh Trưởng phải biết rõ tâm lý và ưu khuyết, nhược điểm của trẻ từ trong gia đình. Qua thực nghiệm chúng ta thấy cũng có trẻ em biết cách che dấu cái xấu của mình, nhưng qua một trò chơi các em đều bộc lộ rõ bản chất của mình. Sự quan sát và theo dõi của Huynh Trưởng đối với từng em mà mình đã nắm rõ, chúng ta mới có kế hoạch uốn nắn có hiệu quả.
Cho nên nói “Trò chơi là một nhà giáo dục đại tài nhất” là đúng, khi chơi chúng ta hiểu khả năng tiềm ẩn của trẻ, cung cấp kinh nghiệm cho Huynh Trưởng để tập luyện tính tình cho từng em. Trò chơi làm giàu thêm tiếng nói, gây mối thân thiện. Nếu chúng ta biết cách tổ chức, điều khiển, kết thúc, rút ra được một nhận xét có ích, một kế hoạch sửa trị thì mới đúng phương pháp giáo dục và rèn luyện trẻ qua cách cho trò chơi.
Mục đích trò chơi trong sinh hoạt
Trò chơi trong sinh hoạt có 3 yếu tố nhất thiết phải đạt được để có thể coi là một trò chơi đúng nghĩa, đó là: Xây dựng bầu khí thân vui – Rèn luyện kỹ năng & sức khoẻ – Giáo dục đào luyện tính khí. Nếu thiếu đi một trong ba yêu cầu này, trò chơi tức khắc trở thành phản tác dụng, đôi khi phản giáo dục, có hậu quả tai hại không đo lường được, và như thế, nó không còn được coi là một trò chơi trong sinh hoạt HĐ nữa!
1.XÂY DỰNG BẦU KHÍ THÂN VUI
Trước tiên, trò chơi sinh hoạt góp phần làm cho bầu khí tập thể thêm sống động tươi trẻ, nhanh chóng giúp mọi người có mặt thoát khỏi sự thụ động khép kín, xóa bỏ mọi cách biệt và xa lạ ngại ngùng, giải tỏa sức căng tâm lý và sức ỳ thể lý. Như thế, trò chơi ít nhất phải đem lại niềm vui, cởi mở sảng khoái trong những giờ phút sinh hoạt bên nhau, thông qua các trò chơi nhỏ cũng là dịp để mọi người hiểu biết về nhau, từ đó đưa đế sự cảm thông đoàn kết trong tập thể.
Làm thế nào để trò chơi sinh hoạt ai cũng tham gia được, không có ai thụ động, không có ai rời tập thể, phải gây ra tác dụng một nỗ lực chung thật hăng hái. Sau khi một trò chơi đã thật sự chấm dứt, mỗi người tùy vào mức độ hưởng ứng của mình, sẽ tự khám phá mình đã khác trước đó, nhanh nhẹn hơn, thông minh hơn hoặc tháo vát hơn. Những người ít sinh hoạt có thể thích thú và bỡ ngỡ, không ngờ mình lại khá năng động, đâu đến nỗi kém cỏi như bấy lâu vẫn tưởng.
2. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG & SÚC KHOẺ
Các bài học huấn luyện về kỹ năng chuyên môn khô khan tẻ nhạt đã thoát xác thành các trò chơi ứng dụng thực hành hết sức hấp dẫn và hiệu quả. Trò chơi làm phát triển trí thông minh, trí tưởng tượng, óc quan sát nhạy bén, tự chủ. Các bài tập thể dục chuyển thành các trò chơi vận động rèn luyện sức khoẻ, tính chịu đựng bền bỉ, phản xạ nhanh, tập tính tháo vát, ứng xử nhanh nhẹn, khéo léo phát triển các giác quan khác; các trò chơi động não tập luyện suy luận, phân tích nhanh và lý thú
Ở mặt yêu cầu này, trò chơi rất cần sự phối hợp của các bài hát sinh hoạt ngắn, vui, dễ tập; hoặc các điệu vũ tập thể đơn giản và có ý nghĩa thích hợp với chủ đề chung của buổi sinh hoạt.
Như vậy, trải qua một thời gian các em tham gia sinh hoạt, dự nhiều trò chơi các thể loại khác nhau, đã nghiễm nhiên được tăng cường thể lực, trau giồi trí óc, cũng như rèn luyện thành thạo được khá nhiều kỹ năng, mà những bài lý thuyết khó có thể trang bị cho họ một cách chu đáo, nhanh chóng, hiệu quả và đầy hứng thú như vậy.
3. GIÁO DỤC ĐÀO LUYỆN TÍNH KHÍ
Trò chơi nhỏ trong sinh hoạt được xem là một phương tiện giáo dục sinh động, vì mục đích của trò chơi nhỏ là giáo dục những cá nhân cụ thể rõ ràng. Do vậy, Huynh Trưởng là nhà giáo dục cần phải xác định được mục đích, ý nghĩa của trò chơi nhỏ, cụ thể khi chơi đem lại hiệu quả giáo dục đối với từng cá nhân tham gia chơi.
Yêu cầu thứ ba này có khi được thể hiện một cách nhẹ nhàng kín đáo nhưng lại hết sức quan trọng, bởi nó góp phần nâng cao các ý thức nhân bản, vun đắp những cảm nhận tính khí từng cá nhân và tìm cách uốn nắn sửa trị. Về mặt nhân bản, trò chơi sinh hoạt giúp nhận thức về tinh thần kỷ luật tập, tính trung thực trong ganh đua, các mối tương quan ứng xử tốt đẹp trong xã hội, lòng yêu mến tôn trọng thiên nhiên và của công, sự vâng phục đối với người trên hoặc huynh trưởng.
- Luyện tinh thần khắc kỷ đối trẻ
Các Huynh Trưởng phải khuyến khích tinh thần gan dạ khi các em bị đau trong lúc chơi. Tinh thần khắc kỷ là điều mới mẻ, nhưng là một ý tưởng tuyệt vời. Một điều mà chúng ta cần phải dạy cho trẻ là đừng bao giờ ghen tỵ, bực tức hoặc công kích chiến thuật của đối phương một khi phe mình bị thua, và dù có thất vọng đến đâu, cũng vẫn phải tỏ lòng thành thực ca ngợi bên thắng. Đó là kỷ luật tự giác và lòng vị tha.
- Bất cứ lúc nào Huynh Trưởng cũng có thể làm các em chăm chú chơi bằng cách diễn chung với trẻ, và qua đó có thể gieo vào lòng chúng những bài học mà ta muốn dạy. – Trẻ phải nói thật trong mọi trường hợp.
Kỹ năng hướng dẫn trò chơi
Những yêu cầu NĐK điều hành sinh hoạt HĐ:
Trước hết vai trò NĐK (người dẫn trò chơi) là một “Hoạt Viên” tương đối có kinh nghiệm về sinh hoạt tập thể, trò chơi trong sinh hoạt đòi hỏi Huynh Trưởng dẫn chơi phải rành nghề, được trang bị các kỹ năng cần thiết về nhiều mặt và có tinh thần năng động.. Nội dung trò chơi hay người chơi tham gia nhiệt tình nhưng Huynh Trưởng dẫn chơi không biết cách tổ chức trò chơi thì cuộc vui chơi sẽ kém phần hấp dẫn và khó thành công. Vì vậy rèn luyện kỹ năng dẫn chơi là một vấn đề hết sức quan trọng đối với Huynh Trưởng cầm đoàn
Sau cùng là nêu trước ý định thưởng phạt những ai chơi tốt hay phạm luật. Cần cho mọi người chơi thử một lần: "chơi nháp", sau đó tiến hành chơi thật và cử trọng tài bắt lỗi những ai phạm luật.
- Tác phong, cử chỉ
Để cho trò chơi trong sinh hoạt cho đạt yêu cầu, trước khi chơi NĐK nên nhớ đến những điều sau đây:
- NĐK tác phong, cử chỉ phù hợp trong khi điều hành trò chơi, từ dáng điệu, cử chỉ của NĐK phải gây được thiện cảm, tạo sự chú ý ban đầu, tạo nên sự gần gũi thân quen trong suốt cuộc chơi.
- Biết ứng xử, nói sao cho đúng lúc, đúng đối tượng, biết khích lệ tán dương sự cố gắng của mọi người nhằm bảo đảm hiệu quả giáo dục sâu sắc trong cuộc chơi.
- Chọn trò chơi phù hợp:
Quan sát và chuẩn bị; NĐK phải biết cách sử dụng trò chơi đúng đối tượng và hợp với môi trường xung quanh. Khi chuẩn bị cuộc chơi phải quan sát trạng thái tâm lý, niềm say mê nhiệt tình của các em, từ đó lựa chon những trò chơi cho phù hợp. Hãy chọn những trò chơi đơn giản mà các em đều có thể dễ dàng thực hiện. Khi đã nhập cuộc thì tiếp tục đưa vào những tình huống đòi hỏi cao hơn, phức tạp hơn. Cũng cần có những trò chơi hay dành cho phần kết thúc để các em có cảm giác "thòm thèm" muốn chơi nữa.
Biết phân lọai từng trò chơi phù hợp với mục đích rèn luyện. Để cuộc trò chơi thành công bắt đầu chơi NĐK dùng những lời nói ngắn gọn, hài hước, dí dỏm giới thiệu tên trò chơi, mục đích ý nghĩa của nó và cần nêu rõ cách chơi những điều kiện luật chơi để trẻ nắm vững chủ động tham gia tự nguyện, nhiệt tình. Phân chia thực lực của mỗi đội cho thật đông đều tránh sự hiểu lầm, dẫn đến nãn lòng người chơi và hỏng cả cuộc chơi. Bảo các em im lặng điều nầy rất cần khi phổ biến trò chơi. Xem các em có hiểu không, vặn hỏi vài em và cho các em hỏi. Hỏi em nhỏ nhất, em hay đãng trí, em đứng xa; bảo vài em nhắc lại một vài luật chơi quan trọng.
Nên nhớ rằng:
- Quên một chi tiết, hỏng một trò chơi.
- Thiếu vật dụng, trò chơi hay thành dở.
- Cho tất cả các em được chơi, đừng loại ai khỏi trò chơi. Dự kiến những tình huống bất trắc và xử lý tình huống một cách hợp lý. NĐK phải di chuyển sao cho có thể quan sát được toàn bộ cuộc chơi, nhanh chóng phát hiện ra những người lanh lợi, họat bát, dí dỏm làm nòng cốt cho cuộc chơi.
- Công bằng, bình đẳng, Bảo đảm thực sự cuộc chơi trong sáng cởi mở toàn tâm toàn ý cho sự vui chung. Có bản lĩnh vững vàng, ứng xử nhanh nhẹn không cáu gắt, la mắng, tinh tế nhưng biết vun đắp tâm hồn rộng lượng.
- Nghiêm túc tuân thủ luật chơi, khi chúng ta đặt ra luật để chơi thì phải tuân thủ điều đã đặt ra, song vẫn tạo ra sự vui vẻ, thoải mái và hào hứng. Cuộc chơi bắt đầu nên từ những trò chơi đơn giản nhất và phức tạp lên dần.
- Biết kết thúc trò chơi đúng lúc, đúng thời điểm (hoặc lúc cao điểm) hay đã phân định thắng thua rõ ràng. tốt hơn là kết thúc cuộc chơi với sự luyện tiếc của các em vì chúng đang còn thích chơi. Biết dùng những trò chơi phụ làm "hình phạt" tạo điều kiện cho mọi người được thư giãn và cố gắng duy trì một bầu không khí hoàn toàn thoải mái, thư giãn thật sự, không kể gì thắng hay thua.
- Điều hòa khen thưởng, sửa phạt để để duy trì kỷ luật, NĐK Không la mắng mà hãy khích lệ động viên làm cho trẻ hăng hải trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương. Người được khen thưởng sẽ cố làm nhiều điều thú vị, nâng cao tinh thần cố gắng, người thua sẽ cố gắng hơn nữa vào lần sau.
- Kết thúc cuộc chơi phải nhận xét Đánh giá kết quả, phân tích ưu khuyết điểm, rút ra bài học theo mục tiêu huấn luyện của Bầy sẽ tăng thêm sự thích thú và củng cố thêm mục đích giáo dục.
Những điều nên tránh:
- Đưa ra trò chơi không phù hợp với tâm trạng mọi người, các em chưa nắm vững luật chơi, chưa có sự chuẩn bị chu đáo.
- Những trò chơi xúc phạm đến nhân cách của người chơi, những trò chơi thiếu văn hóa, thiếu tính giáo dục.
- Dùng hình phạt thô bạo hay kéo dài thời gian phạt đối với người phạm luật hay người thua, dễ gây nhàm chán.
- Dáng vẻ qúa đạo mạo, nghiêm nghị khi điều hành như là trọng tài của cuộc thi đấu thể thao.
- Thiên vị hoặc quá dễ dãi bỏ qua hình phạt đối với người phạm luật, người thua. Kéo dài những động tác thừa làm cho các em cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
NGUYÊN TẮC KHEN THƯỞNG
1.Phần thưởng không quan trọng, quan trọng là cách khen thưởng.
2. Nên khen thành tích, những gì các em đã làm được những hành động giúp ích, sự thật thà ngay thẳng, các đức tính tốt,…
3. Khen những gì các em có trách nhiệm hơn là khen những gì ngoài tầm tay hoạt động của các em.
4. Lời khen quan trong nhất là nơi những người có quan hệ với các em: cha mẹ, thầy cô, huynh trưởng. Khen thưởng nhiều giúp trẻ em thắng lướt tính nhút nhát và phát triển tính tự lập. Ngoài ra sự khen thưởng còn phát triển tinh thần cộng tác.
5. Khen thưởng phải chân thành, không phóng đại. Trẻ em thông minh hiểu khi nào ta chân thành mà không nịnh bợ.
6. Khen thưởng các em làm vì sáng kiến riêng và có giá trị. giúp các em phát triển thêm nhiều sáng kiến trong tương lai.
7. Khen thưởng càng sớm càng tốt, đừng để lâu quá sẽ thành vô nghĩa, các em không kiên nhẫn như ta.
NGUYÊN TẮC SỬA PHẠT
Huynh Trưởng HĐ khi thực hiện trò chơi cần phải nhận biết rằng hình phạt là một phương cách giúp cho các em sống xứng đáng hơn, hiểu biết lỗi lầm để tự sửa đổi, để em kém kỷ luật lấy đó làm gương.
1. Đừng bao giờ vơ đũa cả nắm.
2. Không bao giờ ỷ vào quyền hạn và chức vụ của mình.
3. Không dùng hình phạt như sự trả thù cá nhân.
4. Không áp dụng hình phạt bởi sự hấp tấp thiếu đắn đo suy nghĩ, thiếu nhận xét và phán đoán.
Sổ tay trò chơi
¬¬
Mỗi Huynh Trưởng phải có sổ tay trò chơi riêng
Nhiều Huynh Trưởng đã thu thập đặc biệt cuốn sách trò chơi của họ. Sử dụng một sổ tay riêng để chép các trò chơi mà họ đã chọn lọc, chia ra nhiều mục đích để huấn luyện, hoặc ghi lại tên và chi tiết của trò chơi mà họ đã quan sát thấy trong các lần sinh hoạt đó đây.
Viết lại những giá trị bổ sung như là: số lần chơi, phản ứng của các bé trai, bé gái, những nguy hiểm...v v. Sau qua một số năm một cuốn sách trò chơi sẽ là một sở hữu có giá trị. Bởi vậy, Trưởng phải có sổ tay “ các trò chơi cho mọi tình huống” khi cần đến đem ra ứng dụng ngay.
Làm thế nào để có nhiều trò chơi?
Huynh Trưởng đơn vị thường xuyên sinh hoạt với các em, vậy anh/chị nên có bộ sưu tập trò chơi theo nhiều thể loại nêu trên. Các trò chơi đã được in trong các báo chí và giới thiệu trên truyền hình, các trò chơi trong sinh họat cộng đồng mà bản thân được tham dự, được quan sát, sau đó ghi chép lại, những trò chơi được người khác phổ biến..vv. Hãy chọn lọc biên tập lại, nếu có điều kiện thì tổ chức chơi mà mỗi trò chơi đều được người sưu tầm đứng ra làm NĐK.
- Sáng tác trò chơi phục vụ cho từng đối tượng. Sáng tác trò chơi theo chủ đề, các ngày lễ lớn trong năm, hoặc gắn với các vấn đề sức khỏe, môi trường và sinh họat hàng ngày của các em. Sáng tác trò chơi phục vụ cho từng loại hình sinh họat như: kỹ năng, hoa đỏ, cắm trại, dã ngoại, Mỗi trò chơi khi sáng tác cần tuân thủ những qui định chặt chẽ: Mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của trò chơi, đối tượng, số lượng người chơi, luật chơi và cách tổ chức. Sau mỗi cuộc cần biên tập lại, bổ sung, sửa đổi và phổ biến cho mọi người thông qua chơi thử.
Những trò chơi nào đạt yêu cầu cần đưa ngay vào bộ sưu tập. Từ một trò chơi đã có, thiết lập nguyên tắc đưa ra nhiều trò chơi khác tương tự: Trên thực tế có những trò chơi hay có thể phát triển thành nhiều trò chơi khác mà người chơi không cảm thấy bị trùng lặp. Bí quyết chính là ở chỗ tìm thấy nguyên tắc của nó rồi dựa vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể để hình thành các trò chơi khác.
- Biết tích lũy kiến thức và kinh nghiệm,
Qua quan sát những NĐK khác, rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân về vốn trò chơi, kỹ năng tổ chức chơi và phong cách của người quản trò. Đồng thời chú ý lắng nghe ý kiến nhận xét quan sát thái độ của người chơi để điều chỉnh những gì chưa hợp lí. NĐK cần thuộc và hát đúng một số những bài hát cộng đồng, những băng reo trong sinh họat tập thể. (đơn giản, dễ nhớ, dễ hát), để phục cho trò chơi.
- Sưu tập các mẩu chuyện vui, các câu đố:
Những mẩu chuyện vui, các loại câu đố dân gian hàng ngày là kho tư liệu qúy cho chúng ta trong điều hành cuộc chơi. NĐK đầu tư nó để sử dụng khi cần thiết như làm thư giãn cuộc chơi, hay chuyển sang trò chơi trí tuệ (đố vui) hoặc trò chơi mang tính vui chơi giải trí (thi kể chuyện )
Ngoài những phương pháp trên có thể tận dụng mọi điều kiện, mọi lúc để ghi chép những kinh nghiệm, tư liệu của người khác mà mình bất chợt gặp hay những ý nghĩ xuất hiện trong đầu. Nếu mỗi Huynh Trưởng quan tâm thường xuyên đến những vấn đề trên anh/chị sẽ trở thành người quản trò "giàu có" .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét