TỪ NỘI
SAN VỮNG TIẾN.
Gấu Co Hoàng Ngọc Hùng.
Nhân dịp 10 năm Vững Tiến, tôi xin có một vài trao đổi. Mỗi số Vững Tiến (VT) luôn có những bài viết đáng nhân rộng, bởi ở đó có nội dung vừa có ích cho sự phát triển cá nhân người đọc, vừa là những kinh nghiệm quý cho việc nâng chất lượng sinh hoạt của đơn vị. Bạn đọc thường gọi đây là những bài hay. “Hay” là do bạn đọc hay (thường) đọc đi đọc lại những bài này với sự thú vị, trân trọng - dù có bài báo hay nhưng chưa gây hiệu ứng “đọc đi đọc lại”. Những báo lớn trên thế giới thường định kỳ khảo sát bạn đọc, trong đó có khảo sát tần suất đọc của độc giả đối với từng chuyên mục, từng tác giả…để định hướng phục vụ tốt hơn, để báo bán đắt hơn.
Qua 10 năm phát hành, mỗi thông tin (chữ, ảnh) của nội san VT luôn giúp độc giả nâng hiểu biết: người thì nhận thêm dữ liệu (data), thông tin (information), người thì vui với tin tức (news) mới cũ, có người thêm tri thức (knowledge), có người ngộ ra quan niệm (attitude) mới để được/bị thay đổi hành vi, lối sống, lẽ sống. Nay, khi các bên gắn bó với nội san VT chưa chú trọng giới thiệu tờ báo, cũng như giới thiệu các bài viết hay ở mỗi số báo (báo tập, báo mạng https://hdvnvungtien.blogspot.com/), xin nêu một số vấn đề liên quan và vài việc nên chú ý để giới thiệu những bài hay trên báo Vững Tiến.
BÁO HƯỚNG ĐẠO:
Báo Hướng đạo cũng như báo đời có nhiều loại hình (báo viết, nói, hình [vẽ], ảnh, website, blog, video). Tập san VỮNG TIẾN (VT) là một trong số đó. Với người đọc, được đọc những bài (kể cả đoạn, câu, cụm từ) có giá trị cao, nói nôm na là “hay”, thường muốn giới thiệu cho nhiều người cùng thưởng thức. Tất nhiên, trong ganh đua đời thường, việc chia sẻ kinh nghiệm, dạy đường (đàng) làm ăn cho người khác là điều dại dột, do đó mới có câu: “thà cho hẵn cả lạng vàng, chứ không dạy rõ cái đàng làm ăn”. Nhưng với lẽ sống Hướng đạo thì khác, chia sẻ bài viết tốt là một cách giúp ích.
Nhớ xưa, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy làm công tác dạy học, vẫn tìm đọc các bài Hướng đạo ở báo Tây. Thầy giáo Thúy thấy hay nên không chỉ có lời giới thiệu cho đồng nghiệp, thân hữu, mà còn viết hẳn ra sách để quảng bá rộng rãi cho nhiều người được biết.. Quyển sách “Hướng Đạo Đoàn”, là một quyển sách tóm lược những cái hay của phong trào Hướng Đạo, được nhà in Đông Tây ở Hàng Bông in ấn, để giới thiệu cho cả nước, từ năm 1929.
Việc này không chỉ thể hiện văn hóa đọc của nhà giáo dục lớn, mà còn cho thấy trách nhiệm chia sẻ tri thức của người giúp ích.
Nay, từ tâm nguyện hảo tâm, công sức biên tập, tâm trí tác giả, mỗi số Vững Tiến (VT) luôn có bài hay, đáng chia sẻ cho mọi anh chị em (ACE) đang “chung một đường lên”. Mỗi bài quý trên VT đâu chỉ là nguồn tri thức có ích cho cá nhân mà còn là kinh nghiệm quý cho việc nâng chất lượng sinh hoạt của đơn vị. Tiếc là chúng ta đang lúng túng về giới thiệu nội san VT nói chung và giới thiệu những bài viết hay trên mỗi số VT.
ĐỌC VÀ GIỚI THIỆU BÀI VIẾT:
Nhớ trò chơi UD (unworthy to do: chẳng đáng) cho 2 Đội, với các bước sau:
* Giao cho Đội A, đọc 1 tập truyện Thiếu niên quen thuộc, trong 1 tuần.
* Sau một tuần, mỗi người sẽ gửi cho Ban tổ chức 1 tờ ghi tên các truyện cho là hay.
* Ban tổ chức sẽ thống kê tên các truyện đã chọn và những truyện không chọn.
* Sau đó giao cho Đội B đọc các truyện mà Đội A không chọn, trong 1 tuần
* Mỗi người Đội B sẽ gửi tờ ghi các giá trị tốt đẹp ở từng truyện, kèm phân tích về giá trị của nó.
*Sau cùng mời Đội A nghe (hoặc đọc) các bài phân tích, khen, của mỗi người Đội B, về từng câu chuyện mà các thành viên Đội mình đã không chọn.
Bài học ở đây là gì? Có thể thấy, nếu đọc một cách cẩn trọng, bình tâm, không coi thường tác phẩm, bài báo, thì sẽ nhận được không ít điều đáng quý từ đó.(Việt Nam ta gọi là “Đãi cát tìm vàng”)
Nhiều năm quan sát các hội nhóm trong nước về các bước làm báo nội bộ (nội san) cho thấy nhiều điều, nhất là vụ “mời đọc”. Một số người được báo tặng do có bài đăng, họ vừa vui về thành quả của mình, vừa vui khi đọc được bài hay của người khác, nhất là những bài thực sự có giá trị cao hơn bài của mình, và họ muốn giới thiệu những bài này cho người khác.
Nhưng khi trao tờ báo ra, thì bị hỏi: “Sao, chị có bài ở số này à !?” (cứ như người đưa báo chỉ muốn khoe bài của mình); Tệ hơn, sau khi người mời (mất công) giải thích về bài rất hay trong tờ báo (của người khác), thì xảy ra một vài ứng xử từ phía được mời như sau:
Được rồi. Đưa coi nào ! (kiểu hạ mình khi làm điều không muốn). Hoặc cũng hăm hở nhận, nhưng chỉ để coi ảnh (không đọc bài) – tìm ảnh người quen, ảnh đơn vị mình. Không hiếm các VIP (Very Important Person) trong các hội nhóm cũng vậy.
Có thể ném những lời có đá (lạnh, không phải lời có cánh) vào tai người mời.
Thêm nữa, các tổ chức, các đơn vị và cả một số thành viên Ban Biên tập nội san, còn thiếu chú ý chọn và giới thiệu bài báo tốt; Điều này gây lãng phí không chỉ ở công sức, tiền của mà là lãng phí thông tin, tri thức, kinh nghiệm (và bên sau đó là “tấm lòng”).
Tuy nội san VT đã đưa lên internet tại địa chỉ https://hdvnvungtien.blogspot.com/ nhưng đâu phải ai cũng quen xài desktop, laptop; Cả khi dùng smartphone thì size chữ nhỏ cũng là khó khăn lớn cho người đọc, nhất là các vị có thị lực đang lão hóa.
Khi việc viết, đọc (học) và làm theo nội san VT chưa thành phong trào thì việc giới thiệu những bài viết hay, vừa là giải pháp cho các vấn để nêu trên, vừa là một trong các cách tiếp thị cần thiết. Việc giới thiệu được tổ chức tốt, định kỳ, thì lượng người đọc, mua (bản chính) chắc chắn tăng lên.
MỘT SỐ CẦN CHÚ Ý KHI TỔ CHỨC BUỔI GIỚI THIỆU BÀI VIẾT HAY (GTBVH):
Về đối tượng tham dự:
* Toàn đơn vị cùng dự.
* Hoặc có giới hạn (Ngành, độ tuổi, giới tính, phụ huynh…)
* Đối tượng ưu tiên là Tráng sinh (Tráng đoàn dùng sự kiện GTBVH làm 1 trong các nội dung sinh hoạt hàng tháng, có giao việc, có thu hoạch và giới thiệu bài thu hoạch hay. Tráng sinh bên nhau với trà nóng, cà phê thơm, có dịp bàn việc chung, đáng quý biết bao).
Về mục tiêu giới thiệu bài viết:
* Để giới thiệu bài viết hay (đã đăng)
* Chia sẻ kiến thức Phong trào Hướng đạo (thế giới, nước bạn, trong nước)
* Chia sẻ kinh nghiệm nâng chất lượng (trong những sinh hoạt cụ thể)
* Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề, sự cố, phòng ngừa.
…
Về nội dung bài viết thường có những tình huống sau:
* Bài viết ngẫu nhiên trùng hợp với các định hướng sinh hoạt của đơn vị.
* Bài viết do Ban Biên tập mời chuyên gia viết (để phục vụ mục tiêu 1).
* Bài viết do Ban Biên tập giao các đơn vị chọn người viết (mục tiêu 3).
* Bài viết phòng ngừa, dự báo.
Về người giới thiệu:
* Chọn lực lượng Tráng sinh là chủ công trong việc GTBVH trên báo VT .
* Tráng sinh được cử giúp ích ngành nào sẽ giới thiệu bài liên quan ngành đó.
* Lấy việc GTBVH là một trong các biện pháp tự bồi dưỡng của Tráng sinh.
* Tác giả của bài được chọn sẽ là một trong các vị khách mời đặc biệt .
Về các bước offline khi GTBVH trên Nội san Vững Tiến:
Mỗi lần GTBVH là một tiến trình gồm nhiều bước chính như sau.
* Dựa vào các đặc điểm của đơn vị (độ tuổi, tính chất, mục tiêu) để chọn các bài liên quan trên VT (không nhất thiết là số cũ hay số mới phát hành).
* Chọn các mục tiêu cụ thể cho bài giới thiệu này (cho những ai; làm những gì)
* Chọn người (chọn Ngành) soạn bài giới thiệu.
* Trò chuyện với tác giả (gặp offline; qua phone, email, chatbox)
* Báo cáo với Trưởng đơn vị (TĐV).
* Gửi bản GTBVH (tóm tắt) về Trưởng đơn vị (email)
* TĐV thông báo (thời gian, địa điểm, tên bài viết, VT số, tên tác giả, tên người giới thiệu) cho đơn vị và khách mời (nếu có)
* TĐV giao người phụ trách khâu tổ chức (địa điểm, thiết bị, ghi hình, máy chiếu, màn hình, người dẫn chương trình [MC]...)
* MC viết, gửi file chương trình buổi GTBVH về TĐV.
* Thảo luận (MC + Người giới thiệu + TĐV). Phần này có sự chuẩn bị riêng, kịch bản riêng để gợi ý thảo luận, kết luận riêng, kết luận chung.
* Thực hiện buổi giới thiệu.
* Nếu chọn bài trên số VT mới phát hành, sẽ có tiết mục “mời mua” báo VT số mới, giới thiệu mục lục nội san tiếp theo.
VIẾT BÀI GIỚI THIỆU:
Cũng khuyến khích đoàn sinh (Tráng, Kha, Thiếu) không chỉ đọc và GTBVH trên VT mà chính các em sẽ viết bài gửi về Ban Biên tập VT, ở đây xin chia sẻ đôi điều khi viết bài: lời giới thiệu bài viết hay của tác giả khác.
Bài GTBVH thường mang tính mô tả, cung cấp thông tin về bài báo được chọn. Người viết có thể nêu:
- Mục đích của tác giả muốn trao bạn đọc - có trích dẫn những đoạn nổi bật (trong bài).
- Nêu rõ các ý tưởng.
- Đưa ra các thông điệp.
- Chia sẻ, giải thích sâu rộng về những kiến thức mới trong bài.
- Nêu bài học kinh nghiệm có thể ứng dụng (cho cá nhân, đơn vị). Bài giới thiệu tốt sẽ góp phần hình thành và nâng cao tình yêu với phong trào, đơn vị, con người cụ thể, khuyến khích được mọi người tìm mua/mượn và đọc.
Viết bài giới thiệu thường có các bước sau:
Trước khi viết bài giới thiệu
Dù bài gửi online hay bài offline chia sẻ trực tiếp cũng cần thận trọng giữ các bước sau:
- Phía giới thiệu tiếp tục đọc để hiểu thêm (có thể tìm hiểu thêm từ tác giả).
- Vì sao bài này được chọn giới thiệu (trao đổi với trưởng đơn vị và vài vị khác)
- Giá trị, ý nghĩa của bài: có lợi cho những ai, ở đâu, lúc nào, đối với việc gì.
- Tìm thêm thông tin về tác giả.
- Ghi đúng, đủ về các đoạn sẽ trích dẫn.
Viết bài giới thiệu.
Viết mở đầu
- Nêu thực tiễn liên quan bài báo (thiếu sót, ngộ nhận, sai phạm…)
- Nêu giá trị, ý nghĩa của bài: lợi cho những ai, ở đâu, lúc nào, đối với việc gì.
- Nêu thông tin chính số Vững Tiến này: Tháng, năm phát hành, số trang…
- Về những thông tin về tác giả liên quan bài đã đăng (đã trao đổi với tác giả).
Viết nội dung
- Hai cách giới thiệu nội dung:
* Có thể nêu từng phần của bài (do tác giả đã chia hoặc do người giới thiệu tự tách), đưa ra các giải pháp, các kinh nghiệm, giá trị của từng phần
* Có thể nêu chung toàn bài trước khi đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm, giá trị.
- Giới thiệu các giá trị, lập luận, nghệ thuật, văn phong của bài:
Nêu được những thủ pháp nghệ thuật, lập luận của tác giả. Ngoài yêu cầu chung cần chú ý tới những đặc điểm riêng của từng loại bài viết, cụ thể:
* Với bài viết chia sẻ kiến thức Hướng đạo (thế giới, nước bạn, trong nước), nêu giá trị việc xóa mù tri thức hướng đạo, giúp HĐS tránh lối sống nhầm (vì thiếu biết).
* Bài viết chia sẻ kinh nghiệm nâng chất lượng (trong những sinh hoạt cụ thể): nêu giá trị bài viết trong việc giải quyết sự trì trệ đang mắc phải.
* Bài viết chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề, sự cố, phòng ngừa.
* Bài văn thơ nghệ thuật: nêu đóng góp của bài trong việc thi vị hóa đời hướng đạo
* Bài khoa học, lãnh đạo, quản trị, xã hội: nêu lợi ích đối với nhận thức, quan điểm, hoạt động điều hành.
Về kết luận bài giới thiệu.
- Liệt kê các giá trị của bài (qua slide rõ ràng – thể hiện kỹ năng làm việc và sự trân trọng) - nhấn mạnh các giá trị của nó đối với phong trào, đơn vị cụ thể (nếu cần).
- Mời người đọc tìm mượn, photo, in online, mua (báo Vững Tiến).
- Lời cảm ơn tác giả bài được chọn giới thiệu, Ban Biên tập, nhà tài trợ.
TẬP THỂ CÙNG GIỚI THIỆU:
1. Dựa vào các đặc điểm của đơn vị (độ tuổi, tính chất, mục tiêu) để chọn các bài liên quan trên VT (không nhất thiết là số cũ hay số mới phát hành).
2. Chọn các chủ điểm, những việc nên làm qua đọc bài báo này
3. Photo toàn văn bài báo (số lượng đủ cho mọi đoàn sinh – Đội, Tuần, Toán).
4.Gặp đoàn sinh: Gửi bài báo + giới thiệu các chủ điểm, các việc nên làm từ bài báo này (để cá nhân tự chọn). Thông báo thời lượng giới thiệu (10 – 15p)/người.
5. Đoàn sinh viết bài (1 đến 2 tuần) – có thể theo dàn ý ở trên hoặc dàn ý riêng.
6. Buổi giới thiệu tập thể có nhiều đoàn sinh xuất hiện, thường thì không báo trước số thứ tự để phát triển kỹ năng, phong thái trình bày, lập luận.
7. Sau vài người giới thiệu có thể xen vào tiểu phẩm vui.
8. Mô hình này thường tổ chức nội bộ, ít người (Đội, Tuần, Toán), không quy mô như khi giới thiệu offline với đông người.
6. LỜI CUỐI:
Đọc từ tác giả khác như “vay”, và viết bài chia sẻ như “trả”; viết giới thiệu vừa rèn kỹ năng vừa giúp ích. Tìm đọc và giới thiệu còn là dịp hiểu thêm về tác giả, phát triển sự thân kính. Để GTBVH không chỉ đọc trên nội san VT, mà còn tìm thêm ở các loại hình báo Hướng đạo khác, hoặc báo hay tạp chí chuyên ngành bên ngoài.
Có thể coi số lượng, chất lượng bài GTBVH là một trong các hoạt động định kỳ của đơn vị. Với các bài đặc biệt (giới thiệu sáng tác, chuyên khảo, nghiên cứu, dịch thuật,…) có thể tổ chức buổi offline GTBVH toàn đơn vị (Châu, Đạo, Liên đoàn - theo độ tuổi và thứ bậc phù hợp).
HĐS vui đọc/học từ thiên nhiên, thời tiết, địa hình, xã hội,…nhưng không vì thế mà bỏ qua việc đọc từ bài viết của ACE mình, nhất là vì ngộ nhận đến với phong trào chỉ nhằm “chơi hướng đạo” để sinh ra thiếu nghiêm túc với việc đọc và giới thiệu bài viết giàu lời hay ý tốt trên nội san Hướng đạo Vững Tiến thân quen.
Gấu co Hoàng Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét