Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

MỘT NHÂN CHỨNG SỐNG


Lời BBT: 

Bài viết này của Nguyễn Thị Trâm, được đăng trên Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 05-12-2020, với tiêu đề là : “HƯỚNG ĐẠO LÀ DẪN VÀO CON ĐƯỜNG THIỆN”. Ban Biên tập chúng tôi rất trân quí bài viết và nhân cách sống của một nguyên HĐS.VN, nên xin phép tác giả và Báo Đại Đoàn Kết, cho chúng tôi được đăng lại trên nội san Vững Tiến để giới thiệu một nhân cách sống của một nguyên HĐS, Ông Nguyễn Văn Hạnh, dù rằng trải qua biết bao đổi thay, thời gian chồng chất, nhưng lý tưởng và tinh thần Hướng đạo là “Người Dẫn Đường” đi “Theo Con Đường Sáng” và “Mãi Mãi Hướng Đạo” của ông cho các em HĐS Việt Nam. 

Tiêu đề “Một Nhân Chứng Sống” là của Tập san Vững Tiến. 



“HƯỚNG ĐẠO LÀ DẪN VÀO CON ĐƯỜNG THIỆN” 


Nguyễn Thị Trâm 



Tham gia tổ chức Hướng đạo của cụ Hoàng Đạo Thúy cách đây đã 90 năm, ông Nguyễn Văn Hạnh năm nay đã 98 tuổi vẫn vẹn nguyên trong tim những điều tốt đẹp về tổ chức đó, về quãng thời gian ngắn ngủi sống trong môi trường đó. 



NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG 


Ông là người Hà Nội, nhà ở phố Cửa Nam. Cũng là “con nhà có điều kiện”. Ông kể: Năm tôi học lớp 6 (lớp nhất) mà cụ Hoàng Đạo Thúy dạy, ở trường Sinh Từ, thì mấy anh Hướng đạo sinh đã rủ tôi. Tôi kính cụ Thúy, và cũng quý anh em Hướng đạo, đã biết một số điều về tổ chức này, nhưng lúc ấy chưa chín muồi. Phải đến năm 1938, khi tôi đã 15 tuổi, cả nhà đi tản cư hết, chỉ còn mình tôi ở lại, và tôi đã tham gia Hướng đạo. Hướng đạo là dẫn đường. Họ dẫn cho mình đi đúng đường, đường thiện. 

Như vậy, có thể nói, “người dẫn đường” cho cậu Hạnh vào Hướng đạo sinh chính là thầy giáo Hoàng Đạo Thúy – Huynh trưởng của tổ chức Hướng đạo Việt Nam. Không là người trực tiếp, nhưng những điều tốt đẹp tỏa ra từ người Huynh trưởng này và các Hướng đạo sinh, những hoạt động lý thú và bổ ích do Hướng đạo tổ chức, đã thu hút rất nhiều thanh thiếu niên thời ấy tham gia, trong đó có Nguyễn Văn Hạnh. Các bậc phụ huynh đều rất yên tâm khi con cái tham gia sinh hoạt Hướng đạo. Cha mẹ Nguyễn Văn Hạnh cũng vậy. Cậu muốn mua sắm gì để phục vụ sinh hoạt Hướng đạo đều được các cụ đáp ứng, trong đó có chiếc máy ảnh - người bạn đường thân thiết của cậu trong sinh hoạt Hướng đạo. Nhờ nó, cậu đã lưu giữ được rất nhiều ảnh trong suốt 8 năm tham gia Hướng đạo. Cho đến khi đi bộ đội, những tấm ảnh Hướng đạo là báu vật mà Hướng đạo sinh Nguyễn Văn Hạnh luôn mang theo bên mình. Cụ Hạnh bảo: Cứ nhìn ảnh lại nhớ một thời thanh niên sôi nổi, vô cùng thích thú. Căn nhà Cửa Nam chính là nơi anh em Hướng đạo chúng tôi sinh hoạt, học tập. Mỗi tuần họp nhau vào thứ 5 tại đây, còn chủ nhật thì đi cắm trại dã ngoại. Vui lắm. Chúng tôi thân quý nhau như anh em ruột. 



THEO CON ĐƯỜNG SÁNG 


    Cụ Hạnh kể: Trong tổ chức Hướng đạo cũng có anh là Việt Minh tham gia. Nhà tôi không chỉ có Hướng đạo sinh mà còn có cả bộ đội ở. Chính vì thế mà năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến, anh Đỗ Trình và anh Hồ Tôn Vinh ở nhà tôi khi đó rủ tôi đi bộ đội là tôi đồng ý ngay. Sau này đi bộ đội, tôi thấy những điều được dạy cũng giống y như những điều chúng tôi đã được học ở Hướng đạo. Toàn những điều tốt đẹp. Trong 10 điều luật Hướng đạo đều có giáo dục đạo đức. Lời thề Hướng đạo chúng tôi luôn nhớ là: Trung thành với Tổ quốc; Giúp ích cho mọi người; Đã là Hướng đạo sinh không bao giờ phạm luật, chỉ làm việc tốt. Mỗi ngày khi đeo khăn quàng, chúng tôi đều được dặn phải thắt một nút, trong ngày đó làm xong một việc tốt mới tháo nút đó ra. Có khi chỉ là những việc nhỏ nhặt như nhặt vỏ chuối ở trên đường để gọn vào lề đường để người ta khỏi giẫm vào và ngã. Hoặc là dắt người già, trẻ em sang đường. Thương yêu động vật cỏ cây. Đã quàng khăn Hướng đạo là trọng danh dự của Hướng đạo sinh, không bao giờ làm điều gì bậy, không bao giờ cãi nhau, không nói tục. 

Không chỉ học đạo đức, các Hướng đạo sinh còn được dạy nhiều kỹ năng sống: cách nút buộc dây để leo núi hay cắm trại, sơ cứu thương, đánh mooc-xơ, làm cầu qua suối, vẽ đường đi, nấu ăn… Mỗi Hướng đạo sinh đều phải trải qua đến hai chục kỳ sát hạch lấy bằng cho các kỹ năng đó. 

Cụ Hạnh vẫn còn nhớ có lần đi cắm trại, được học cách làm cầu qua suối chỉ với gậy và dây thừng; rồi buộc dây thừng lên ngọn cây, mỏm núi phải đủ chặt để có thể bám vào leo lên mà không tuột dây, nhưng lúc cần tháo ra chỉ cần lắc nhẹ là nút buộc sẽ rời. Rồi vẽ đường đi để khỏi lạc. Cụ kể: Hồi đó ở phố Nhà Chung có một cửa hàng chuyên bán các đồ dùng của Hướng Đạo. Tôi lên đó mua được một tấm bản đồ nhà binh về để học cách vẽ đường. Khi đi kháng chiến gặp cụ Hoàng Đạo Thúy tôi đã tặng cho cụ. Sau này hòa bình về gặp lại, cụ Thúy đưa trả tôi tấm bản đồ này nhưng tôi không nhận. 

Mở cuốn sách Hướng đạo, tôi thấy quả là toàn những điều tốt đẹp và hữu ích: “Trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của HĐS; Trung thành với Tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự; Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào; Là bạn khắp mọi người và coi Hướng đạo sinh nào cũng như ruột thịt; Lễ độ và liêm khiết; Yêu thương các sinh vật; Vâng lời cha mẹ, huynh trưởng mà không biện bác; Gặp khó khăn vẫn vui tươi; Tần tiện của mình và của người; Trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm”. (Bước đường đầu). 

Đó là học về đạo đức và hành vi. Còn rất nhiều kỹ năng sống mà các Hướng đạo sinh được dạy dỗ, hướng dẫn, thì nói như cụ Hạnh chả sai chút nào: “Đã là Hướng đạo sinh, quăng đâu cũng sống”. Mà còn sống đẹp. 



MÃI MÃI HƯỚNG ĐẠO 


Theo “Lịch sử tổ chức Hướng đạo Việt Nam”, năm 1946, Hội nghị Trưởng (người phụ trách Hướng đạo) toàn quốc đã thống nhất phong trào Hướng đạo của ba miền Nam, Trung, Bắc và Bộ Tổng Ủy viên hội được thành lập. Tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời làm Hội trưởng Danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam. Tuy nhiên, kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì tổ chức này tan rã dần, đến năm 1954 thì hoàn toàn không còn ở miền Bắc. Có một sự thật là trong kháng chiến kiến quốc, rất nhiều các đồng chí trưởng thành từ Hướng đạo đã giữ những vai trò quan trọng của Chính phủ như: Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Điền, Vũ Quang… 


Gần một thế kỷ đã trôi qua, tinh thần Hướng đạo vẫn còn mãi tươi hồng trong trái tim các Hướng đạo sinh. Họ vẫn nhớ và tuân theo Lời hứa và 10 điều luật. Gặp nhau, họ thân thiết như anh em xa nhau đã lâu, họ giơ 3 ngón tay (thể hiện 3 điều của lời hứa) chào nhau và dùng tay trái bắt tay để truyền lửa từ tim mình cho nhau. Và họ chỉ làm điều thiện. Như ông Nguyễn Văn Hạnh, gần trăm tuổi mà vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đoàn Thiện nguyện CLB Nhà báo nữ Việt Nam nơi con gái ông là thành viên, không đi xa cùng đoàn được thì ông gửi quà theo Đoàn. Chúng tôi yêu mến gọi “Ông già Xì tin”, bởi phong cách hết sức trẻ trung và năng động như đội trưởng Đội Cò của đoàn Hướng đạo Đại La năm xưa. Ông thường lưu vào trang facebook của mình mọi hình ảnh Hướng đạo sinh mà ông thấy. Và bất cứ lúc nào có dịp là ông lại kể chuyện Hướng đạo sinh. Đúng như ông nói: Hướng đạo một ngày, Hướng đạo mãi mãi. 



Nguyễn Thị Trâm 

Đường link dẫn vào bài viết. 






Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét