Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

SĨ KHÍ CỤ CÒ



Khi Trưởng Trần Trung Du mất tại Sài Gòn, hầu hết các lão huynh trưởng đều đến phúng viếng cùng tang quyến hiếu chủ. Trong phái đoàn của Hội đồng trung ương đến viếng, tôi thấy có Trưởng Cò yêu đời Tôn Thất Đông (từ Huế vào). Trong sổ tang, Trưởng Đông ghi:

“Quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ,

Cúi đầu làm ngựa đứa hài nhi.”

     Hai câu thất ngôn này ca tụng vẻ kiêu kì của Trưởng Hươu nóng tính, nhưng đồng thời cũng nói lên khí phách của Cò yêu đời. Dưới đây là một vài câu chuyện mà Sáo tôi đã nghe Trưởng Cò yêu đời Tôn Thất Đông kể lại hoặc ghi trong cuốn Hồi ký của Trưởng.

 1. KHÔNG CHỊU ĐẾN DÙNG CƠM VỚI THƯỢNG TỌA THÍCH TRÍ QUANG

   Vào năm 1963, Thượng tọa Thích Trí Quang được mệnh danh là người làm rung chuyển nước Mỹ, uy danh lừng lẫy, uy quyền tối cao, “nhất hô bá ứng”, nhưng cụ Cò lại từ chối không nhận lời mời dùng cơm với Thượng tọa... Chuyện thật như biện. Xin xem hồi ký của cụ Cò.

   Sau khi Đại Hội đồng chấp thuận đề nghị mời Thầy Cố  vấn giáo lý cho Hội, anh chị em Phật tử ở Sài Gòn dặn tôi về Huế nên gặp Thượng toạ Thích Trí Quang và xin thầy viết thư cho Văn phòng Giáo hội, xin đề cử người. Về Huế, tôi nhờ anh Nguyễn Thúc Toản và anh Lê Cảnh Đạm đưa tôi lên chùa Từ Đàm gặp Thầy Trí Quang. Thầy Trí Quang đồng ý, nhưng cuối cùng có hỏi tôi: “Anh chủ trương mời Thầy Cố vấn giáo lý cho HĐVN, anh có hậu ý chi không?”. Tôi trả lời rằng: “Không! Vì bên Thiên Chúa giáo có Cha Tổng tuyên uý nên tôi thấy phía Phật giáo cũng cần có Thầy Cố vấn giáo lý để chăm lo về việc học đạo cho anh chị em Hướng đạo Phật giáo”.

Đến khi cuộc tranh đấu Phật giáo bùng nổ ở Huế, có một nhóm Tráng sinh, Thiếu sinh và huynh trưởng Hướng đạo Huế tham gia việc cố thủ chùa Từ Đàm.

Cuộc tranh đấu thành công, trong 1 buổi họp Đạo Thừa Thiên, nhóm anh em ấy tỏ vẻ đắc thắng và tuồng như muốn cướp chính quyền HĐ.

Tôi bèn nói: “Tôi không làm được như anh em, chẳng phải vì lớn tuổi, dẫu còn trẻ như các anh, chắc tôi cũng không làm được, vì không đủ can đảm như anh em. Để chuộc tội, tôi xin kể một câu chuyện:

Chuyện rằng: “Một hôm, hai cha con đi ngoạn cảnh. Người cha thấy phong cảnh đẹp, nên cõng con lên vai để con nhìn ra đằng xa. Đứa con khi được cõng lên vai rồi, thấy cảnh đằng xa đẹp quá, lấy hai tay đập vào đầu cha, hai gót chân nện vào ngực cha mà reo hò: cha ơi, đằng xa đẹp quá. Con thấy được, cha thấp thua con, chắc cha không thấy hết rồi. Người cha nói: Phải rồi, khi cha chưa cõng, con đứng dưới đất con không thấy gì hết”.

Kể câu chuyện thôi, tôi không kết-luận, nhưng may mà anh em hiểu ý tôi, nên dịu dần, không còn hùng hổ như trước nữa và cuộc họp diễn ra trong tình huynh đệ.

Nhưng riêng tôi vẫn bực mình vì sự việc trên, nên một tuần sau, nhân gặp anh Tôn Thất Kỳ, tôi nói với anh Kỳ: anh lên thưa với Thầy Trí Quang là Thầy sợ tôi lợi dụng Phật giáo cho Hướng đạo, mà Thầy đã lợi dụng HĐ cho Phật giáo.

Ba hôm sau, anh Kỳ đến tìm tôi nói:” Thầy Trí Quang mời anh trưa mai lên chùa Từ Đàm dùng cơm với Thầy và nói chuyện cho vui”.

Tôi bảo: “Trưa mai tôi bận không lên được. Nhờ anh qua trường Đồng Khánh nói với chị Dần (chị Thân Trọng Thị Hường) trưa mai lên hầu cơm Thầy, rồi Thầy có dặn gì, về nói lại với tôi”.

Chị Hường từ chối, không nhận lãnh trách nhiệm.

Sau đó, biết chuyện, anh Tôn Thất Dương Vân la tôi: “Bộ trưởng ở Sài Gòn ra yết kiến, Thầy Trí Quang không thèm tiếp, anh được Thầy mời lên ăn cơm, anh lại từ chối. Anh còn quá quắt: không thiếu gì Trưởng “nam”, sao anh không cử đi thay anh mà lại cử một mụ đàn bà lên gặp Thầy!”

Tôi chỉ biết nhận tội.

2 . KHÔNG NHẬN TIỀN VIỆN TRỢ CỦA CƠ QUAN VĂN HÓA Á CHÂU

Năm 1970 mở một khoá Bằng Rừng Thiếu tại lăng Cụ Ngô Đình Khả do tôi làm Khoá trưởng với sự phụ tá của Trưởng Nguyễn Tấn Định.

Trưởng Định đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc tổ chức cũng như điều hành khoá học. Trưởng Định đã xin được của cơ quan văn hoá Á Châu ở Đà Nẵng một số tiền lớn, và đã dùng số tiền ấy mua sắm vật dụng cho trại, trong đó có một máy phát điện nhỏ và một số đèn ống để dùng trong trại. Ngoài ra, anh Định còn  xin được 70 ngàn đồng để hỗ trợ cho bữa ăn hằng ngày của trại. Về số tiền này, tôi không nhận và bảo anh Định trả lại cho cơ quan viện trợ. Anh Định bàn, dầu ban tổ chức có sẵn tiền đài thọ bữa ăn rồi, cũng nên nhận thêm để cho anh em được ăn uống đầy đủ hơn. Tôi đáp: “Anh muốn cho anh em ăn sướng thế nào, tôi cũng sẽ thực hiện như ý anh, nhưng tôi không muốn xin tiền người khác cho anh em ăn. Nếu anh thấy trả tiền lại khó, sợ mất lòng họ, thì anh nói nếu là họ đồng ý chuyển số tiền ấy qua mục mua sắm vật dụng trại, thì tôi nhận, nếu không thì tôi xin hoàn lại”.

Sau khi anh Định tiếp xúc lại với cơ quan Văn hóa Á Châu, họ nói rằng: Đây là lần đầu tiên, có một đoàn thể nhận viện trợ rồi, mà yêu cầu trả bớt lại. Để vui vẻ cả 2 bên, họ đồng ý thu hồi lại một nửa, và một nửa để tôi giữ lại mua sắm dụng cụ cắm trại.

Thấy tôi quả quyết không nhận số tiền ấy, cực chẳng đã, anh Định phải đi thương lượng lại, nhưng trong thâm tâm rất bực vì sự “cứng cổ” của tôi. Sau đó, có lần anh thú thật với tôi rằng: Trong một dịp gặp riêng anh Điền, anh ấy có xin anh Điền cho biết ý nghĩ của anh Điền về các Trưởng ở Huế. Khi nói về riêng tôi, thì anh Điền có nhận xét: “Anh Đông chướng lắm, ảnh muốn làm gì thì ảnh làm chứ không ai can ngăn được, nhưng không có anh Đông, thì Hướng đạo miền Trung xuống dốc” và nay anh Định mới thấy nhận xét của anh Điền là đúng.

3. TỪ CHỐI GẶP TƯỚNG MỸ VÀ TIẾP ĐÓN TƯỚNG MỸ

Năm 1967, có một ông Tướng Mỹ ngõ ý muốn giúp chúng tôi. Ông ấy cho một Đại úy (người Việt Nam), ở đồn Mang Cá đến nhà nói với tôi rằng: Ông Tướng Mỹ, Cố vấn sư đoàn 1 ở Mang Cá muốn gặp tôi để bàn về việc giúp đỡ Hướng đạo Huế và cho xe đến mời tôi vào Mang Cá nói chuyện.

Tôi bèn trả lời:

“Nhờ Đại úy vào nói lại với ông Tướng Mỹ rằng, ông ấy muốn gặp tôi, thì xin mời ông ấy ra đây nói chuyện chứ tôi có xin yết kiến ông ấy đâu mà tôi vào”.

Vì thái độ ương ngạnh, cà xốc của tôi mà cuộc gặp không thành.

Đến năm 1971, một ông Tướng Mỹ khác, chỉ huy đồn lính Mỹ ở Giạ Lê cũng nhờ người đến nhà tôi, nhưng lần này không phải là một quân nhân, mà một người Việt làm ở cơ quan CORD của Mỹ, và họ nói:

Ông Tướng Mỹ ở Giạ Lê muốn gặp tôi để bàn về việc giúp đỡ Hướng đạo Huế. Ông ấy yêu cầu tôi:

Nếu tôi xuống Giạ Lê nói chuyện được thì xin cho biết ngày giờ thuận tiện để ông cho xe lên đón tôi về, hoặc nếu tôi không về được thì xin cho ông ấy biết là ngày giờ nào tôi có thể tiếp đón ông ấy để ông ấy lên.

Vì ông ấy nói hoặc tôi xuống, hoặc ông ấy lên nên tôi bèn nhận lời về.

Nhưng khi nghe tin tôi nhận lời về, thì ông ấy cho báo tin lại là sẽ đích thân đến gặp tôi trước.

Khi đến ông ấy cho tôi biết ông là 1 huynh trưởng Hướng đạo  Mỹ. Ông cũng ở trong Ban Huấn luyện trung ương như tôi, nhưng ông ấy thấp hơn tôi, vì ông ấy chỉ có 3 cục gỗ (Assistant Leader Trainer) phụ tá Trưởng Huấn luyện, chứ tôi có đến 4 cục gỗ (ông tự nhún nhường đó). Vì thế, nhân dịp qua Việt Nam, ông ấy muốn giúp Hướng đạo Việt Nam và hỏi tôi xem, ông có thể giúp được gì?

Ông Tướng này lịch sự lắm, chứ không võ biền như ông Tướng kia. Mỗi lần mời tôi về Giạ Lê, ông ấy cho xe lên đón tôi. Rồi khi tôi trở về, thì ông ấy lại lấy trực thăng đích thân đưa tôi về. Đến đồn Mang Cá, đáng lẽ tôi bắt tay từ biệt ông ấy, xuống trực thăng, rồi lên xe hơi (do ông ấy cho đón sẵn) để về nhà. Nhưng khi tôi xuống trực thăng thì ông ấy cũng mở nai nịt xuống cùng tôi, đứng dưới đất nói chuyện đôi câu đã, rồi mới lên máy bay lại để trở về trại trong khi tôi lên xe hơi để về nhà.

4. CHUYỆN 5 CHIẾC XE LĂN

Khi cụ Cò vào Sài Gòn, anh em có tổ chức một bữa cơm thân mật, trong bữa cơm đó, cụ Cò kể chuyện: “Anh em ở Mỹ gởi về cho tôi 5 chiếc xe lăn, tôi đã trao cho 2 thương binh của chế độ cũ, 2 cán bộ khuyết tật của Cách Mạng và 1 người bán vé số bị xe đụng làm cụt cả 2 chân. Một tuần sau, tôi được Công An thành phố mời đến làm việc lúc 8 giờ sáng.

Đúng ngày giờ, tôi đi bộ đến trụ sở Công An thành phố nhưng chẳng thấy ai cả, độ hơn  10 phút sau thì họ mới lục đục kéo đến. Tôi vào trình diện, họ hỏi về chuyện 5 chiếc xe lăn, tôi đưa địa chỉ người cho và người nhận đầy đủ, họ xem kỹ thấy minh bạch rõ ràng nên không hỏi gì, tôi thong thả ra về. Trước khi về, tôi nói: “Tôi có mấy ý kiến sau với các chú (con trai tôi năm nay đã 70 tuổi), vậy tôi gọi các anh bằng chú, chắc là phải lẽ. Điều thứ nhất, tôi muốn nói là các anh làm việc không đúng giờ để dân phải chờ đợi, điểm thứ 2, Bác Hồ thường nói cán bộ kính già yêu trẻ mà nay các anh gửi thư cho 1 ông già 90 tuổi mà chỉ đề là gửi Tôn Thất Đông thì không ổn, ít nhất thì cũng gọi bằng chú, bác hay ông chứ như thế này thì các anh gọi 1 ông cụ 90 tuổi là thằng. Điểm thứ 3, nước ta rừng vàng biển bạc mà các anh không mua nổi cái bì thư để gửi. Lần sau mà còn thế này thì tôi không đến. Nghe xong họ nhận lỗi và cho xe chở tôi về, tôi từ chối vì đi bộ đã quen chân. Kể xong ông cười ha hả, và nói: Tại vì mình khom lưng nên người ta mới đạp đầu mình được chứ cứ đứng thẳng thì đứa nào dám.

Chuyện cụ Cò thì còn nhiều nhưng chỉ xin kể đến đây mà thôi, lần sau xin nói về các trưởng Phan Thanh Hy, Nguyễn Duy Thu Lương, Trần Văn Khắc,....

 

     Sáo Huế Phạm Văn Nhơn

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét