DANH XƯNG “HƯỚNG ĐẠO” CÓ TỪ KHI NÀO?
Sóc tử tế
reng reng reng …
- Alo. Trưởng nghe đây. Có gì em cứ nói đi.
- Thưa Trưởng, em thấy trên tập san Vững Tiến số 19-20, nơi mục
“Trưởng ơi” trang 136, Trưởng có minh định là: Danh xưng “Hướng đạo” là do Trưởng
Hoàng Đạo Thúy (HĐT) đã chọn khi dịch từ Eclaireurs Pháp ngữ sang Việt ngữ vào
năm 1929 …; Nhưng có Trưởng lại bảo, lúc ban đầu dùng danh xưng Đồng Tử Quân,
vài năm sau mới đổi danh xưng Hướng đạo. Như vậy nghĩa là sao Trưởng?
- Em cũng chịu khó đọc tài
liệu sách báo hướng đạo nhỉ. Rất mừng cho em, vì một Trưởng trẻ mà không chịu
tìm hiểu thì sẽ hạn chế lắm đó. Đúng là có nhiều người chưa hiểu hết việc dùng
danh xưng nào cho HĐVN lúc ban đầu. Điều chắc chắn là danh xưng “Hướng Đạo” đã
xuất hiện chậm nhất là vào năm 1929, trước khi chính thức thành lập HĐVN.
- Em thấy trong tập sách “Kỷ Yếu Hướng Đạo Việt Nam (1930-1945)” của
Trưởng Phạm Văn Nhơn, do nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, tại
trang 49 có viết : Năm 1933 “Đổi danh xưng Đồng Tử Quân thành Hướng Đạo Sinh, Đồng
Tử Ban thành Hướng Đạo Đoàn” kia mà Trưởng.
- Vâng, đó là ý kiến của tác giả, nhưng không thấy tư liệu nào chứng minh cả. Nếu em có đọc tập “Lược sử 77 năm HĐVN 1930 – 2007 của Trưởng Tôn Thất Hy” (Cọp đứng đắn) thì em lại thấy một ý kiến khác. Theo Trưởng Hy thì:
“Năm 1930, Trưởng Trần Văn Khắc cùng một số thân hữu thành lập Thiếu
đoàn Lê Lợi tại Trường Thể Dục Hà Nội, gọi là Ban Đồng Tử Quân. Hai năm sau cải danh xưng thành Hướng đạo (
Eclaireurs) theo đề nghị của Trưởng Hoàng Đạo Thúy.”
Như vậy Trưởng Tôn Thất Hy
nói Trưởng Trần Văn Khắc (TVK) đổi danh xưng (theo đề nghị của Trưởng Hoàng Đạo
Thúy) vào năm 1932 chứ gì! Cũng chưa chính xác, Năm 1932 Trưởng TVK đã vào Sài
Gòn rồi và lập “Tổng Cục Hướng Đạo Nam Kỳ” (Fédération des Eclaireurs de
Cochinchine) và đăng báo kêu gọi phụ huynh cho con em gia nhập “Đoàn Hướng Đạo
và Sói Con”, chứ không dùng từ Đồng Tử Quân nữa.
- Ý Trưởng muốn nói là Trưởng TVK đã đổi danh
xưng Đồng Tử quân trước năm 1932.
- Đúng, em rất logic. Năm
1932 Trưởng TVK không còn ở Hà Nội và đã giao phong trào lại cho Trưởng HĐT.
Trưởng tin rằng hai Trưởng HĐT và TVK đã bàn bạc và trao đổi về việc danh xưng
và cách thế tiến hành phát triển phong trào. Cho nên năm 1932, Trưởng Thúy ở Hà
Nội thành lập “Hội Hướng Đạo Bắc Kỳ”, thì ở trong Nam, Trưởng Khắc cũng thành lập
“Tổng Cục Hướng Đạo Nam Kỳ”. Từ năm 1932 em thấy có ai dùng danh xưng Đồng Tử
quân nữa đâu.
- Trưởng có thể làm sáng tỏ việc này không Trưởng?
- Dĩ nhiên là có. Trước hết chúng ta hãy nghe lời kể của bác Huỳnh
Thành Hưng, Sói Con đầu tiên (số 1) của Tổng Cục HĐ Nam Kỳ: “Năm 1932. Tr Trần
Văn Khắc vào Sài Gòn làm việc nên cùng với ông Trần Văn Khá vận động để lập nên
Tổng Cục Hướng Đạo Nam Kỳ. Trưởng Trần Văn Khắc có đăng báo kêu gọi phụ huynh
cho con em tham gia vào “Hướng Đạo”. Tôi gia nhập Sói Con năm 1932”.
Hơn nữa, trên thẻ “Sói Con” số 1 (đầu tiên) của Huỳnh Thành Hưng,
trên góc phải, đã có một huy hiệu nhỏ trong một vòng tròn, có 4 chữ “Hướng Đạo
Việt Nam”, (không dùng Đồng Tử Quân nữa) và Hoa Huệ. Ở dưới có 2 từ “Thẳng Tiến”
Thẻ này có thể đã được lập từ năm 1932, khi Tr Trần Văn Khắc lập Bầy
Trưng Trắc gồm có 24 Sói Con và Huỳnh Thành Hưng lúc đó 13 tuổi là Sói Đầu đàn
(Premier Sizenier = Trưởng đàn) mang 3 khoanh vàng trên tay áo trái; nhưng thẻ
được ký vào năm 1933, vì đến ngày
12-6-1933 mới có giấy phép chính
thức để hợp thức hóa. Thẻ Sói Con của Huỳnh Thành Hưng có chữ ký của Đoàn Trưởng
Trần Văn Khắc và Hội Trưởng Hướng Đạo Nam Kỳ Ông Trần Văn Khá.
Như vậy, chắc chắn là từ năm 1932, Đoàn Lê Lợi của Trưởng Trần Văn
Khắc không còn dùng danh xưng “Đồng Tử quân “ nữa, vì năm 1932 Trưởng Thúy đã
thành lập Hội Hướng Đạo Bắc Kỳ rồi.(Không dùng Đồng Tử Quân). Danh xưng Đồng Tử
quân chỉ được Trưởng Trần Văn Khắc dùng lúc lập đoàn Lê Lợi mà thôi ( tháng 9
năm 1930). Tháng 10 năm 1930, khi Trưởng Hoàng Đạo Thúy dẫn Đoàn Hướng Đạo Vạn
Kiếp của mình đến xin núp bóng dưới mái trường Thể Dục Hà Nội cùng với Trưởng
Khắc, thì Trưởng Thúy đã dùng danh xưng “Hướng Đạo đoàn” rồi.
Chúng ta biết rằng, năm 1929 Trưởng Thúy đọc được tài liệu giới
thiệu về Phương pháp giáo dục Hướng đạo, đăng trên tạp chí “Cổ vủ cho Thời Đại
Mới” (Animateur des Temps Nouveaux) của Pháp; Trưởng Thúy đã dịch ra Việt ngữ,
và tóm lược lại thành một tập sách Hướng Đạo Việt Nam đầu tiên, đó là cuốn
“ĐOÀN HƯỚNG ĐẠO”, in và phát hành khoảng tháng 5 năm 1930. Trong tập sách này, Trường Hoàng Đạo Thúy
cũng đã trình bày một cách rõ ràng và chính xác về chữ “Hướng Đạo đoàn” khác với
chữ “Đồng Tử quân” (xem tập “Hướng Đạo Đoàn” của Ba Tô trang 5).
Lúc bấy giờ chắc Trưởng Trần văn Khắc không thể không biết đến tập
sách Hướng Đạo đầu tiên của Việt Nam này.
- Như vậy thì theo Trưởng danh xưng Đồng Tử
quân tồn tại bao lâu.
- Từ những chứng từ trên,
chúng ta có thể nói rằng, danh xưng “Đồng Tử Quân” chỉ được Trưởng Trần Văn Khắc
dùng lúc ban đầu (1930), và có lẽ đã đổi sang danh xưng Hướng đạo năm 1931, vì
sau đó (1932) Trưởng Khắc đã dùng danh xưng Hướng Đạo đoàn, như Trưởng Thúy đề
xuất.
- Như vậy, danh xưng Hướng đạo có từ năm thành
lập HĐVN, tức là năm 1930 phải không Trưởng?
- Chúng ta có thể nói rằng, danh xưng Hướng đạo
đã đươc dùng ngay từ ngày thành lập (Trưởng Thúy) và xuyên suốt đến nay, còn từ
Đồng Tử Quân chỉ dung nội bộ của đoàn Lê Lợi lúc ban đầu thôi, và sau đó không lâu cũng đã được đổi sang từ Hướng
đạo chậm nhất là năm 1931.
- Em xin cám ơn Trưởng vì
đã làm mất thời giờ của Trưởng.
- Cũng không sao, mất thời giờ cho việc tốt thì
cũng nên mất lắm chứ. Để Trưởng chuyển cho em mọt vài hình ảnh để em hiểu rõ
hơn nhé.
Chào em.
Dấu mộc HĐ của Hội HĐ Trung Kỳ và Nam Kỳ xuất hiện năm 1933
Huy hiệu” HĐVN” bằng kim khí hình tròn, kích cở giống y như Huy hiệu
của Hội Thế tục Pháp (chiếc Cung trương), xuất hiện rất sớm, năm 1934.
(xem “cây thời gian
HĐVN” của Trưởng Trần Minh Hữu ở trang sau)
Sóc tử tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét