Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

TẢN MẠN CUỐI NĂM: CUỐI NĂM NHIỀU SUY NGHĨ

 Huỳnh Tấn Thưởng

      Từ câu chuyện của Trưởng Sóc vui vẻ - Nguyễn Đức Lập, đến câu chuyện về hàng loạt cụm từ Hướng đạo + (ghép) đăng trên Vững Tiến 18. Tôi trích 2 đoạn văn:

- "Hướng Đạo không phải là một thánh nhân. Hướng đạo có hơn người hay không là ở sự "gắng sức". Chúng ta cũng bậy bạ tùm lum, nhưng chúng ta luôn "gắng sức, gắng sức, gắng sức", từ bỏ những điều không nên, thực hiện những điều nên." (Tr Nguyễn Đức Lập)

- “Bên cạnh “lễ độ”, các bậc huynh trưởng tiền bối của nước ta rất cao thâm khi cố tình gắn thêm hai từ “liêm và khiết” vào trong điều luật thứ 5, để dứt khoát đây là thông điệp bắt buộc và hy vọng rằng không bao giờ xảy ra trường hợp có những Trưởng sẽ mang tiếng là “HĐ vô liêm sĩ”, “HĐ cơ hội”, “HĐ thân hữu”, “HĐ kinh doanh” hoặc “HĐ ngụy quân tử”. (trích “Liêm và Khiết” của tác giả ĐBTT, Vững Tiến 18).

 

    Thật sự đây là 2 đoạn văn rất ấn tượng và nhiều suy nghĩ. Trước hết tôi trân trọng tác giả sử dụng những cụm từ mà nói như đời sống bên ngoài xã hội là “nói thẳng”, “nói thật”; và trân trọng BBT Vững Tiến đã tôn trọng nội dung và cho đăng bài viết nầy.

     Tôi không bàn luận về quan điểm, mà tôi nhìn ở một góc độ khác. Phải nói 2 tác giả đã từng trải và yêu phong trào đến cao nhất mới nhìn thấy thực tế hơi buồn và sử dụng những cụm từ, được cấu tạo đặc biệt, để tạo nên một ngữ nghĩa mới: “Danh từ + từ ghép” = danh từ tổng hợp, mang hơi hám thời sự, để báo động và chỉ ra một “người HĐ lệch chuẩn”. Tác giả biết nghĩa ngữ của từng từ, nên ghép lại và khẳng định đó là con người HĐ lệch chuẩn, qua chứng kiến và tiếp xúc hay nghe được. Lần đầu tiên tôi nghe những cụm từ nầy: “Hướng đạo không phải là một thánh nhân”, “HĐ vô liêm sĩ”, “HĐ ngụy quân tử”, “HĐ thân hữu”, “HĐ kinh doanh…” với tâm trạng kinh ngạc. Ồ! có thật không! HĐ cũng có vô liêm sĩ, ngụy quân tử, thân hữu nữa à! Ừ, Hướng đạo không phải là một thánh nhân kia mà, cho nên …

     Phải chăng đâu đó trong phong trào đã xảy ra những hiện tượng không đúng với tinh thần Luật và Lời hứa mà mình đã hứa, không đúng với phương pháp và mục đích của Phong trào mà mình mang tên… nên tác giả đã tạo ra một ngữ nghĩa để mô tả một người HĐS sai lệch.

     Ngay trong thực tế, khi đàm đạo quanh câu chuyện cà phê, có nhiều câu hỏi: “sao HĐS ấy hành xử như thế?  Sao làm vậy mà làm cho được? Sao HĐS coi nhau như ruột thịt mà không chung sống được với HĐS nào cả? Sao HĐS đó đã hứa rồi mà không thực hiện…”, chỉ hỏi thôi, chỉ bộc lộ cảm xúc thôi, chỉ than phiền rồi im lặng và đi vào lãng quên. Hình như người HĐS ấy không biết trọng danh dự, không biết dị, không biết suy nghĩ, chẳng có ai “dặm đường”. HĐ không có phê bình kiểm điểm, bảo huynh anh ấy ở đâu… hay là cứ để thời gian sẽ giúp HĐS ấy nhận ra sai sót, thay đổi. Nhưng … con người khó đổi thay.

     Tôi thích cái mới là dám nhìn thẳng vấn đề không vòng vo cho “phải đạo”, kiểu như “HĐ không nhắc tới là chê rồi đó”. Khi viết bài nầy, tôi nhớ lại những HĐS có một số hoạt động mà tôi chứng kiến “rất khó chịu”, “làm rứa sao làm được”. Từ việc làm sai trái đó, nay có những cụm từ nầy, tôi tìm ở đấy từ nào trong các loại từ trên. Ừ “HĐ thân hữu” hay “HĐ lợi ích nhóm”. Hiện nay ngoài xã hội từ “thân hữu” được ám chỉ lợi ích nhóm. Có hay không “HĐ ngụy quân tử”? Ui, có cần minh họa không?...

   Quân tử là người có nhân cách cao thượng, sống đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, theo quan điểm của Nho giáo; đối lập với tiểu nhân. Còn trong Hướng đạo, ngụy quân tử lấy chuẩn từ đâu? Chắc có lẽ sống trái ngược với tinh thần Lời hứa và Luật, trái với Hướng đạo cho trẻ em? Trái mà không biết sửa, không gắng sức, gắng sức, tưởng như không ai biết mình sai trái.   

    Hôm qua ghé tặng một lão Trưởng tập san VỮNG TIẾN 18, sáng nay Trưởng đến nhà sớm, rủ tôi đi cà phê và nói nhiều về chuyện phong trào. Trưởng lão còn nói sao không thêm từ: “HĐ thù vặt”.

Tôi hỏi lại:

- “Sao Trưởng nói vậy”?

- “Sao em không dũng cảm chỉ ra điều nầy à. Đọc tập san anh cứ lấy mũ ra chào hoài vì anh có thói quen gặp người quen hay chào. Trong tập san có nhiều ảnh quen lắm mà không có tên tác giả em ạ”.

    Mong rằng các cụm từ trên không gắn vào bất kỳ một HĐS nào, khi chúng ta lấy chuẩn từ “Lời hứa và Luật”, từ “Scouting for boy” (Hướng đạo cho trẻ em). Lấy trẻ em làm trung tâm cho hoạt động của phong trào.

                                                      

                                                                    Huỳnh Tấn Thưởng.

 

Lời bàn:

Anh Phuoc Vo

    Nghe những dòng tự sự của anh, Cheo rất tâm đắc! Cheo sẽ tìm mua Vững Tiến 18 để đọc. (Tối qua ghé thăm Tráng trưởng Báo sốt sắng, mới chộ qua, thấy dày ghê).

     Những từ ghép trên đúng là nghe rất đau lòng! Trước đây Em đã từng dùng "ngụy quân tử" (NQT) hay "Nhạc Bất Quần" (NBQ), để chỉ một ace nào đó khi thấy họ có những biểu hiện, hoặc có thiên hướng "hư" dần... Tuy nhiên, Em không ghép 2 chữ HĐ phía trước, mà nói là họ đang bị "tư tưởng, tính cách NQT/NBQ đồng hóa", nếu không ai chỉnh sửa cho họ thì trong "nồi canh" HĐ sẽ lại thêm một "con sâu", một "hạt sạn"!

    Em rất trân trọng, cảm ơn các suy tư của anh, của các Trưởng viết bài... như anh trích dẫn! Vâng, phải tìm đọc sớm thôi!

 

                                       TABTT thật chặt!    Huỳnh Tấn Thưởng

 

Hoai Phuc Truong

     Hướng Đạo sinh được rèn luyện trong môi trường tháo vát và tập luyện bản năng rất nhanh nhẹn làm cho cuộc sống mỗi HĐS luôn là người đi trước, hầu như cái gì cũng thông suốt và phán đoán rất nhạy bén, nhưng vậy thôi. Quan trọng nhất là cuộc sống sau này có thành đạt trong cuộc đời hay không là quan trọng nhất. Biết nhiều không hẳn là hơn người, người HĐS cái gì cũng biết nhưng chưa chắc biết và giỏi hơn những người chuyên nghiệp, đừng nói gì đến những bậc học thức, nghề nghiệp, hy sinh học hỏi năm năm, mười năm, có người phải học cả một đời để thành tài.

    Vì thế nên mới luận về HĐ vô liêm sĩ – HĐ ngụy quân tử, Từ câu chuyện của Tr Sóc vui vẻ “HĐ vô liêm sĩ”, “HĐ cơ hội”, “HĐ thân hữu”, “HĐ kinh doanh” hoặc “HĐ ngụy quân tử”. Vì cái gì cũng biết nên mới tưởng tượng mình là người hùng, vì cái gì cũng biết nên mới nhớm vai quá đầu, cái gì cũng biết nên ngôn từ không uốn lưỡi. Bởi vậy HĐS lưu lại những danh tiếng tốt đẹp, danh thơm lưu truyền hay là danh ô như các Trưởng luận bàn là vậy. Thân ái bắt tay trái các Trưởng trong ban biên tập đã luận đề tài rất hay rất chính xác trong cuộc sống của HĐS.

    Cầu mong Vững Tiến được nhiều bài hay để các em học hỏi.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét