Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

CHƠI CHO ĐÚNG

 Lê Thọ (LĐ Ngũ Hành Sơn)



   Chào xuân mới 2024, chào tập san Vững Tiến số 25.

    Trong các phương pháp Hướng đạo (HĐ) trò chơi là món trọng yếu của hoạt động HĐ, hoạt động nầy không thể thiếu và thường xuyên đan xen các chương trình, giúp cho buổi họp của đơn vị thêm vui vẻ hấp dẫn đoàn sinh và mang lại kết quả rèn luyện các khả năng mong muốn. Năm mới, để khơi lại kỹ năng sinh hoạt nhộn nhịp, thu hút đoàn sinh các đơn vị, mong các Trưởng trẻ và anh chị phụ tá quan tâm nhận diện lại phương thức nầy để khi ra cho trò chơi cho đúng, thêm thân vui ý nghĩa và hữu ích.

   Chơi cho đúng? Làm thế nào là gọi chơi cho đúng? Có phải khi cho trò chơi thật đàng hoàng, đứng đắn, trật tự mới gọi là chơi cho đúng? Nghệ thuật dẫn trò chơi sinh hoạt HĐ cho đúng cách, có thể vài anh chị muốn tìm hiểu?

 

LỢI ÍCH CỦA TRÒ CHƠI

 Thông thường, những hoạt động trò chơi là một kỹ năng lý tưởng nhất, giúp trẻ phát triển toàn diện, đây cũng là phương tiện giáo dục sinh động cho trẻ em “chơi mà học” là một trong những Phương pháp HĐ:

  - Giúp trẻ phát triển về khả năng nhận thức, tình cảm, thể lực, trí tuệ, phát hiện các thuộc tính, đặc điểm của sự vật, so sánh, phân loại, phát hiện các chi tiết thừa, thiếu hoặc bất hợp lý và mối liên hệ của sự vật cụ thể,

   - Khi chơi, đem lại hiệu quả tích cực đối với tập thể tham gia chơi. Trò chơi cũng làm giàu thêm tiếng nói, gây mối thân thiện kết đoàn.

   Cho nên nói “Trò chơi là một nhà giáo dục đại tài nhất” là đúng, nếu chúng ta biết cách tổ chức, điều khiển, kết thúc, rút ra được một nhận xét có ích, một kế hoạch sửa đổi đối với cá nhân hay một tập thể thì mới đúng phương pháp giáo dục và rèn luyện trẻ qua trò chơi.

 - Trò chơi, không phải là một vài hình thức trẻ em tham gia với tính cách giai đoạn. Trái lại trò chơi là một sản phẩm hiển nhiên và xuất phát cụ thể từ một trạng thái thường xuyên của trí óc trẻ. Nếu công việc chiếm ưu tiên trong người lớn thì trò chơi chiếm hàng đầu trong trí óc trẻ.

 Nói như vậy không có nghĩa là trẻ con ghét công việc, chúng liên tưởng công việc là làm một nghề gì đó bắt buộc, không được đùa giỡn. Nếu công việc được giải thích bởi một nghệ sĩ chân chính thì trẻ lao mình vào bằng tất cả sức lực và nhiệt thành...Trẻ em là những người thợ làm việc đầy hứng thú nhất trên thế gian nầy, khi chúng hiểu rằng công việc chỉ là một hoạt động trò chơi có mục đích để đạt kết quả rõ ràng.

 - Thông thường các trò chơi nhỏ, nhằm thực hiện trong một môi trường mọi người đều tham gia và điều hành trò chơi công bằng quan trọng hơn sự chiến thắng.

 


  “Một điều mà chúng ta cần phải dạy cho trẻ là đừng bao giờ ghen tỵ, bực tức hoặc công kích chiến thuật của đối phương một khi phe mình bị thua, và dù có thất vọng đến đâu, cũng vẫn phải tỏ lòng thành thực ca ngợi bên thắng. Đó là kỷ luật tự giác và lòng vị tha”. Baden Powell 

THẾ NÀO CHƠI CHO ĐÚNG?

      Trong 1 trò chơi hội tụ 3 yếu tố:         

      1. Xây dựng Bầu khí thân vui

      2. Rèn luyện Kỹ năng & sức khoẻ

      3. Giáo dục Đào luyện tính khí.

      Nếu thiếu đi ba yếu tố này, trò chơi tức khắc trở thành vô bổ, một trò hề đôi khi phản tác dụng, không đem lại kết quả tích cực như mong muốn. Có thể tùy nội dung trò chơi mà soạn 1 trong 3 yếu tố trên sẽ nổi trội hơn.

     


1. BẦU KHÍ THÂN VUI

 - Trò chơi trong sinh hoạt đơn vị trước nhất góp phần làm cho bầu khí thêm sống động tươi vui, nhanh chóng giúp mọi người có mặt thoát khỏi sự thụ động khép kín, thông qua các trò chơi cũng là dịp để mọi người hiểu biết nhau, từ đó đưa đến sự cảm thông, kết thân tình trong đơn vị, xóa bỏ mọi cách biệt. xa lạ, ngại ngùng, giải tỏa sức căng tâm lý và tự ti.

 - Sự phối hợp trò chơi với các bài hát, băng reo ngắn vui, các vũ điệu tập thể đơn giản ý nghĩa thích hợp với chủ đề chung, làm cho buổi sinh hoạt thêm phong phú.

- Thời gian chơi với các em sẽ giúp chúng ta đặt mình vào vị trí của chúng, để hiểu được cách nhìn, cách suy nghĩ và cá tính của từng em. Từ đó, chúng ta có thể thấu hiểu nhu cầu và khả năng của các em trong mỗi giai đoạn phát triển.

- Qua các trò chơi, chúng ta còn giúp trẻ cải thiện hành vi, hình thành sự tự tin và cảm nhận được giá trị của bản thân. Hơn thế nữa, thông qua việc chơi cùng các em, mối quan hệ của Trưởng và đoàn sinh sẽ càng gắn bó hơn.

- Khi chơi, không thể chơi bừa lấy lệ, mà chúng ta cần chọn lọc và xác định được mục đích, ý nghĩa của trò chơi HĐ.

2. KỸ NĂNG & SỨC KHOẺ

  Làm thế nào cho các bài học về kỹ năng chuyên môn khô khan tẻ nhạt thoát xác thành các trò chơi ứng dụng thực hành hết sức hấp dẫn và hiệu quả? 

 - Sự tài tình của Trưởng là khi giảng dạy món kỹ năng nào đó mà đoàn sinh tưởng họ đang chơi, không phải bị “tra tấn” vì học. Điều nầy thực tế không phải khó lắm khi chúng ta đã am hiểu nhiều thể loại và mục đích trò chơi để kết hợp, biết rõ ràng phương cách dẫn chơi cho đúng…

 - Khi học các kỹ năng bằng thực hành thi đua vui nhộn qua trò chơi làm phát triển trí thông minh, trí tưởng tượng, luyện óc quan sát nhạy bén, tập tính tự chủ hành động.

 - Trò chơi HĐ cung cấp một số cơ hội cho các em dễ nhớ các kỹ năng cơ bản của một môn nào đó. Cạnh tranh trong tinh thần thể thao tốt và có thói quen làm động tác tập thể dục.

- Các bài tập thể dục chuyển thành các trò chơi vận động rèn luyện sức khoẻ, tính chịu đựng bền bỉ, phản xạ nhanh, tập tính tháo vát, ứng xử nhanh nhẹn, khéo léo phát triển các giác quan khác; các trò chơi động não tập luyện suy luận, phân tích nhanh và chính xác một cách lý thú.

 Như vậy, trải qua một thời gian các em tham gia sinh hoạt, dự nhiều trò chơi các thể loại khác nhau, đã nghiễm nhiên được tăng cường thể lực, trau dồi trí óc, cũng như rèn luyện thành thạo được khá nhiều kỹ năng, mà những bài lý thuyết khó có thể trang bị cho họ một cách chu đáo, nhanh chóng, hiệu quả và đầy hứng thú như vậy.

3. RÈN LUYỆN TÍNH KHÍ

  Trò chơi lớn, nhỏ HĐ, được xem là một phương tiện giáo dục sinh động đa dạng, và yếu tố rèn luyện tính khí cho từng cá nhân trở nên quan trọng. Do vậy, Trưởng đang cầm đoàn là người làm công tác giáo dục cần phải:

  - Hiểu rõ mục đích ý nghĩa từng loại trò chơi và cách chơi, để khi triển khai trò chơi đem lại hiệu quả rèn luyện như mong muốn đối với các cá nhân và tập thể đơn vị mình.

 - Quan sát và theo dõi khi chơi chúng ta mới hiểu được khả năng tiềm ẩn của trẻ, đặc tính tâm lý và ưu khuyết của chúng từ trong gia đình, đến các hoạt động tập thể, qua đó cung cấp kinh nghiệm cho Trưởng, để có kế hoạch uốn nắn có hiệu quả, dần dần sửa đổi tính khí cho các em.

 - Qua thực nghiệm chúng ta thấy cũng có em biết cách che dấu cái xấu của mình, nhưng qua một trò chơi các em đều bộc lộ rõ bản chất của mình. Việc sửa sai này được thể hiện một cách nhẹ nhàng kín đáo nhưng lại hết sức quan trọng, bởi nó góp phần nâng cao các ý thức, vun đắp những cảm nhận tính khí từng cá nhân và để chúng tự uốn nắn sửa sai.

 - Chủ đề hoạt động trò chơi rèn luyện tính khí phải mang tính giáo dục tích cực, để mong có tác dụng sâu xa hơn. Về mặt ý thức, khi chọn trò chơi biết áp dụng yếu tố nầy giúp chúng ta nhận thức về tinh thần kỷ luật, tập tính trung thực trong ganh đua, các mối tương quan ứng xử tốt đẹp trong xã hội, lòng yêu mến tôn trọng thiên nhiên và của công, sự kính trọng đối với người trên hoặc huynh trưởng.

- Khuyến khích tinh thần gan dạ khi các em bị đau trong lúc chơi, dạy cho trẻ là đừng bao giờ ghen tỵ, bực tức hoặc công kích chiến thuật của đối phương một khi phe mình bị thua, và dù có thất vọng đến đâu, cũng vẫn phải tỏ lòng thành thực ca ngợi bên thắng. Đó là kỷ luật tự giác và lòng vị tha.

- Sau khi một trò chơi đã thật sự chấm dứt, mỗi người tùy vào mức độ hưởng ứng của mình, sẽ tự khám phá mình đã khác trước đó, nhanh nhẹn hơn, thông minh hơn hoặc tháo vát hơn. Những người ít sinh hoạt có thể thích thú và bỡ ngỡ, không ngờ mình lại khá năng động, đâu đến nỗi kém cỏi như bấy lâu vẫn tưởng.

 - Bất cứ lúc nào Trưởng cũng có thể làm cho các em chăm chú chơi bằng cách diễn chung với trẻ, và qua đó có thể gieo vào lòng chúng những bài học mà ta muốn dạy.

      “Các em thường nói thật trong mọi trường hợp.”

TẠO NGÂN HÀNG “GAME” CỦA TRƯỞNG

   Lời khuyên của nhiều huynh trưởng là nên thu thập đặc biệt cuốn sổ tay trò chơi “bỏ túi” của mình. Làm thế nào?

 - Sổ tay nầy chỉ cần viết gọn danh sách tất cả các đầu đề tên các trò chơi mà chúng ta đã biết và chọn lọc.

 - Phân loại chia thứ tự nhiều trang ghi chú mục đích để trưng dụng: Trò chơi tĩnh, trò chơi hoạt động, luyện giác quan, luyện kỹ năng…

 - Ghi chú lại tên và chi tiết các trò chơi đặc biệt thú vị hấp dẫn mà mình đã quan sát thấy trong các lần sinh hoạt đó đây.

 - Viết lại những giá trị bổ sung như là: số lần chơi, phản ứng của các bạn nam, bạn nữ, những nguy hiểm, những trở ngại không mong muốn…

- Sổ tay “Game" thường xuyên sử dụng, nên sưu tầm, dự trữ các trò chơi, chọn lọc biên soạn, cải tiến, biến thể trò chơi không để bị cạn, tiếp thu các thể loại trò chơi mới trong sinh họat cộng đồng mà bản thân mình đã tham dự, được quan sát, hoặc những trò chơi được người khác phổ biến ...  

 - Sau mỗi lần chơi cần biên tập lại ngay, bổ sung, sửa đổi và phổ biến cho mọi người thông qua để lần sau chơi tốt hơn. Lưu ý sắp xếp từng thể loại, luôn sắp sẵn khi cần đến dễ tìm, không mất thời gian.

- Ngoài ra có thể sử dụng các tấm thẻ nhỏ cơ động bỏ túi hoặc dán để viết trò chơi, thêm chi tiết về thiết bị, vật dụng, thể loại trò chơi tĩnh hay động, chủ đề chơi, ngày chơi... Chúng ta bận rộn hay quên, nên lợi thế của việc làm các thẻ nầy là nó được dễ dàng hơn để sinh hoạt, khi có yêu cầu chơi sẵn sàng lấy thẻ trong túi áo của bạn để tham khảo triển khai nhanh chóng.

 Sổ trò chơi nầy dần dần là ngân hàng “Game” thú vị, là một sở hữu có giá trị của Trưởng đang cầm đơn vị.

SÁNG TẠO TRÒ CHƠI, BĂNG REO

“Trưởng là người câu cá, phải biết dùng mồi câu thích hợp với cá, chứ không phải với người câu”. BP

Trước hết chúng ta hãy quên đi và loại bỏ những trò chơi làm người lớn say mê vì nó không tương đồng gì với trò chơi trẻ nhỏ. Trò chơi không nghiên cứu chọn lọc và không rõ ràng cách chơi, đôi khi nó là “con dao hai lưỡi” và sẽ phản tác dụng giáo dục và có thể gây hậu quả khó lường.

 Đối với trẻ “tham dự vào trò chơi là sống với cuộc đời”. Như vậy, để thành công khi biên soạn trò chơi cho trẻ, Trưởng phải nhìn trò chơi dưới nhãn quan, dưới lăng kính tâm lý của trẻ và cố gắng nhen nhúm trong tâm hồn chúng những xúc động về tuổi thơ, những trò chơi có tính cách tưởng tượng càng tốt, nếu không được vậy trẻ chơi theo cách tưởng tượng mà chúng ý thức được.

Nhưng muốn cho trẻ chơi một cách bổ ích, không thể phú cho may rủi, nhớ đến trò chơi nào thì cho chơi trò chơi ấy. Cần phải lựa chọn trò chơi thích hợp với lứa tuổi, với thời tiết, với sân chơi, với tính nết hay năng khiếu chúng.

 Làm thế nào sáng tạo các thể loại chủ đề trò chơi và băng reo phục vụ sinh họat hàng tuần của đơn vị mình?  Không ai khác là huynh trưởng trong đơn vị (người trong cuộc) đảm đương công việc nầy, biết mình sẽ giảng dạy, huấn luyện chủ đề gì cho đoàn sinh, hiểu được nội tình của đơn vị chúng ta mới soạn trò chơi ưng ý hoặc chơi kết hợp các chủ đề chơi làm kỹ năng nào đó cho từng đội hoặc nhóm lứa tuổi.

 Khi biên sọan cần lưu ý tránh nội dung các trò chơi gây oán thù, chế giễu. Khi chúng ta sáng tác trò chơi, cần có các yêu cầu cần thiết khi biên soạn trò chơi:

1.Thể loại: Trò chơi nhỏ trong vòng tròn, trò chơi lớn hoạt động dã ngoại, trò chơi trong đêm lửa trại, các trò chơi thân vui đón các ngày lễ trong năm, hoặc gắn với các chủ đề sinh hoạt của đơn vị:

- Trò chơi đối kháng (chia phe, chia nhóm, theo đội…) 

- Luyện trí lực và thể lực (phát huy sự thông minh, thi đua vận động) 

- Luyện giác quan (rèn luyện thính giác, khứu giác, xúc giác, thị giác, vị giác).

- Luyện kỹ năng chuyên môn: (nhớ dai, áp dụng kỹ năng)

- Tinh thần (tinh thần đội, sự hòa đồng, cùng kết thân)

- Tính khí (thể hiện các cá tính mỗi người)

2. Mục đích: ý nghĩa nội dung trò chơi.

3. Đối tượng:  giới tính, lứa tuổi, số lượng người chơi.

4. Khung cảnh, môi trường: ngoài trời, trong nhà, mưa nắng, đêm ngày…

5. Cách chơi và luật chơi: cụ thể rõ ràng, minh bạch. 

   Các ‘Băng Reo HĐ’ cũng là phương pháp chơi, chúng ta nên nghiên cứu sáng tạo, biến thể các băng reo ngắn vui. Đây cũng là món đặc trưng hấp dẫn trong các buổi họp chung đơn vị.

   Biên soạn và sáng tạo các trò chơi và băng reo, là một quá trình kinh nghiệm của bản thân, hoạt động nầy đòi hỏi sự trải nghiệm sinh hoạt và có chút năng khiếu. Dễ dàng hơn là từ một trò chơi và băng reo đã có, thiết lập nguyên tắc để biến thể đưa ra nhiều trò chơi khác tương tự. Trên thực tế có những trò chơi hay có thể phát triển thành nhiều trò chơi khác mà người chơi không cảm thấy bị trùng lặp. Bí quyết chính là ở chỗ tìm thấy nguyên tắc của nó rồi dựa vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể để hình thành các trò chơi khác nhau.  

 Những trò chơi hoặc băng reo nào đạt yêu cầu cần đưa ngay vào bộ sưu tập ngân hàng trò chơi. Nếu mỗi chúng ta quan tâm thường xuyên việc biên soạn các trò chơi thì Trưởng sẽ trở thành người điều khiển đơn vị "giàu có" nhất.



VAI TRÒ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN TRÒ CHƠI (Quản trò)

 Trò chơi mình thích hay các em thích? Đôi khi có vài trường hợp cuộc chơi lấy lệ, chơi theo ý thích của mình, chơi xong ai hiểu gì đó thì hiểu, không gieo kết quả gì bổ ích. Một trò chơi là một “vở tuồng”, trong đó người điều khiển và người được chơi hưởng chung bầu khí sướng vui và ai nấy cũng thèm muốn chơi nữa. Để thực hiện trò chơi đạt kết quả tốt, chúng ta quan tâm tham khảo những yếu tố sau đây:

1.Tác phong, cử chỉ, ngôn từ:

  - Quan trọng lúc khởi đầu khi điều hành trò chơi, từ dáng điệu, cử chỉ, ngôn từ của người điều khiển (quản trò) phải tạo sự chú ý tức khắc gây được thiện cảm, từ đó tạo nên sự gần gũi thân quen suốt cuộc chơi.

   - Dùng những lời nói ngắn gọn, hài hước, dí dỏm giới thiệu tên trò chơi, mục đích ý nghĩa của nó và cần nêu rõ cách chơi, những điều kiện luật chơi để người được chơi nắm vững và chủ động tham gia tự nguyện, nhiệt tình.

   - Biết làm tín hiệu tạo sự im lặng lắng nghe, điều nầy rất cần khi phổ biến trò chơi. Xem người chơi có hiểu không, có thể vặn hỏi vài em nhỏ nhất, em hay đãng trí, em đứng xa, bảo em nhắc lại một vài luật chơi quan trọng.

  - Biết ứng xử nhanh, nói sao cho đúng lúc, đúng đối tượng, công bằng, biết khích lệ tán dương sự cố gắng của mọi người nhằm bảo đảm hiệu quả trong cuộc chơi.

  - Đừng tạo dáng vẻ qúa đạo mạo, nghiêm nghị khi điều hành như là trọng tài của cuộc thi đấu thể thao.

  - Trò chơi trong tập thể đòi hỏi người dẫn chơi phải có nghề, hiểu các kỹ năng cần thiết và có tính năng động hoạt bát, biết “câu độ” người chơi tham gia nhiệt tình.

  Nên nhớ rằng: - Quên một chi tiết, hỏng một trò chơi.

                          - Thiếu vật dụng, trò chơi hay thành dở.

2.Tuân thủ luật chơi,

  - Khi đặt ra luật để chơi thì phải tuân thủ điều đã đặt ra, song vẫn tạo ra sự vui vẻ, thoải mái và hào hứng. Cuộc chơi bắt đầu nên từ những trò chơi đơn giản nhất dần đến phức tạp.  

 - Trò chơi nào cũng có luật lệ của nó, đôi khi vài trò chơi đi lệch ngoài ý muốn, phải cân chỉnh nhanh để cuộc chơi được công bằng, minh bạch.

 - Có thể cho mọi người chơi thử một lần: "chơi nháp", sau đó tiến hành chơi thật và cử trọng tài bắt lỗi những ai phạm luật, để duy trì ý nghĩa của cuộc chơi.

  - Khi người chơi chưa nắm vững luật chơi, chưa có sự chuẩn bị chu đáo… thì không nên chơi ngay.

    - Không la mắng mà hãy khích lệ, động viên làm cho cuộc chơi hăng hái trong tinh thần hiệp nhất và thân ái.

    - Thiên vị hoặc quá dễ dãi, bỏ qua lỗi đối với người phạm luật, kéo dài những động tác thừa làm cho người chơi cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

     - Điều hành thực sự công bằng, bình đẳng, tâm hồn trong sáng, cởi mở toàn tâm toàn ý cho cuộc vui chung.

     - Tránh dùng hình phạt thô bạo, hay kéo dài thời gian phạt đối với người phạm luật hay người thua, dễ gây nhàm chán và mất sự vui chung.    

     - Người điều khiển trò chơi mà mù mờ về cách thức cho trò chơi thì cuộc chơi sẽ kém phần hấp dẫn, khô khan và khó thành công.

3. Chọn trò chơi phù hợp

   - Dựa vào bối cảnh, môi trường hoạt động của đơn vị, chọn trò chơi phù hợp, có ý nghĩa.

   - Dựa vào chủ đề sinh hoạt của đơn vị, rèn kỹ năng, rèn thể dục thể thao, ngày lễ, ngày sinh nhật Đoàn…

   - Nên tránh đưa ra trò chơi không phù hợp với tâm trạng hoặc thể lực của mọi người

  - Tránh chọn những trò chơi xúc phạm đến nhân cách của người chơi, những trò chơi thiếu văn hóa, thiếu tính giáo dục.

  - Khi đã nhập cuộc chơi có thể tiếp tục đưa vào những tình huống đòi hỏi cao hơn, phức tạp hơn. Cũng cần có những trò chơi sẽ kết thúc nhanh để các em có cảm giác "thòm thèm" muốn chơi nữa.

   - Người điều khiển thạo nghề, am hiểu và có nhiều dạng trò chơi, có sổ tay ngân hàng trò chơi, luôn sưu tầm, sáng tạo các trò chơi,

   - Thuộc nhiều bài hát khen thưởng, băng reo vui ngắn cộng đồng đơn giản, dễ nhớ, dễ hát, để phục vụ cho trò chơi.

4. Đối tượng được chơi:

   - Chọn những trò chơi để người chơi dễ dàng thực hiện, làm sao cho tất cả được chơi, không có ai thụ động, không có ai rời tập thể, phải tác động gây nên một nỗ lực chung, thật hăng hái cho người được chơi. 

  - Thiết lập trò chơi cho đối tượng nam hay nữ hoặc chơi theo nhóm lứa tuổi, hoặc cùng chơi chung…

  - Phân chia thực lực của mỗi đội cho đồng đều tránh sự hiểu lầm, dẫn đến nản lòng người chơi và hỏng cả cuộc chơi.

  - Quan sát cuộc chơi về trạng thái tâm lý, niềm say mê nhiệt tình của các em, từ đó lựa chọn những trò chơi cho các đối tượng phù hợp.

   - Dự kiến những tình huống bất trắc xảy ra và xử lý một cách hợp tình hợp lý. Người điều khiển phải di chuyển sao cho có thể quan sát được toàn bộ cuộc chơi, nhanh chóng phát hiện ra những người lanh lợi, họat bát, dí dỏm làm nòng cốt cho cuộc chơi.  

    - Quan sát các đối tượng chơi, rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân về vốn kiến thức, kỹ năng tổ chức chơi và phong cách của mình. Đồng thời chú ý lắng nghe ý kiến nhận xét quan sát thái độ của người chơi để điều chỉnh những gì chưa hợp lí.            

5. Kết thúc đúng lúc.

    - Tốt hơn là kết thúc cuộc chơi đúng thời điểm hoặc lúc cao điểm, hay đã phân định thắng thua rõ ràng với sự luyến tiếc của các em vì chúng đang còn thích chơi.

    - Cho chơi quá lố sinh nhàm chán hoặc quá mệt sẽ ảnh hưởng đến chương trình và sinh ra sự ngán ngẩm lần sau.

    - Dùng những trò chơi phụ làm "hình phạt" vui, tạo điều kiện cho mọi người được thư giãn và cố gắng duy trì một bầu không khí hoàn toàn thoải mái, thư giãn thật sự, không kể gì thắng hay thua.

   - Nhận xét lượng giá nhanh khi vừa kết thúc cuộc chơi, phân tích ưu khuyết điểm, rút ra bài học theo mục tiêu đề ra, sẽ tăng thêm sự thích thú và củng cố thêm tính giáo dục.

   - Mù mờ khó kết luận khi chung cuộc, lúc tổng kết gây cãi vã, làm nản chỉ, mất phấn khởi chung.

6. Khen thưởng, sửa phạt

     Khi vừa kết thúc cuộc chơi, nêu ý định thưởng phạt những ai chơi tốt hay phạm luật. Bên được khen thưởng và bên thua cuộc không so đo hơn thua mà nêu tinh thần tất cả đã cố gắng hết sức, sẽ làm tốt hơn nữa vào lần sau.

a. Khen thưởng  

  - Phần thưởng không quan trọng, quan trọng là cách khen thưởng.

  - Nên khen thành tích, những gì người chơi đã làm được những hành động giúp ích, sự thật thà ngay thẳng, các đức tính tốt…

  - Khen những gì người chơi có trách nhiệm hơn là khen những gì ngoài tầm tay hoạt động của người chơi.

  - Khen thưởng phải chân thành, không phóng đại. Trẻ thông minh, hiểu khi nào ta chân thành không nói quá.

  - Khen thưởng sáng kiến riêng và có giá trị, giúp người chơi phát triển thêm nhiều sáng kiến trong tương lai.

  - Khen thưởng càng sớm càng tốt, đừng để lâu quá sẽ thành vô nghĩa, trẻ không kiên nhẫn như ta.

  - Lời khen quan trọng nhất là đúng lúc, đúng đối tượng. Khen thưởng nhiều giúp trẻ em thắng lướt tính nhút nhát và phát triển tính tự lập. Ngoài ra sự khen thưởng còn phát triển tinh thần cộng tác.

b. Sửa phạt:

       Biết rằng hình phạt là một phương cách giúp trẻ sống xứng đáng hơn, hiểu biết lỗi lầm để tự sửa đổi, để các em kém kỷ luật lấy đó làm gương, hình thức sửa phạt là vì lợi ích chung, bất đắc dĩ mới áp dụng hình phạt.

Trước khi phạt

-  Luật chơi có được giải thích rõ ràng không?

- Nguyên nhân nào làm người chơi phạm luật. Có phải luật một đàng nhưng lại áp dụng một nẻo không?

- Người phạm luật có vì cố ý hay vô tình không?

- Người chơi có đủ điều kiện để thi hành không?

- Đừng bao giờ ỷ vào quyền hạn và chức vụ của mình.

- Biết chọn lọc những trò chơi phạt nhưng vui, mang tính giáo dục.

Trong khi phạt

- Giải thích rõ để người chơi nhận biết mình có lỗi và đáng bị phạt. Phải để cho người có lỗi tự biện hộ cho hành động của mình

- Cân nhắc kỹ lưỡng hình phạt cho xứng đáng, không vượt quá khả năng của họ. Đừng bao giờ vơ đũa cả nắm.

- Đừng áp dụng hình phạt bởi sự hấp tấp thiếu đắn đo suy nghĩ, thiếu nhận xét và phán đoán, gieo ác cảm trong lòng các em.  

- Không để người chơi biến hình phạt thành một trò đùa hay mục tiêu chế giễu bêu xấu các em khác.

Sau khi phạt

- Tuyệt đối không nhắc lại lỗi lầm, tránh làm cho người chơi có mặc cảm với chính mình

- Không nên hoài nghi các em sẽ tiếp tục vi phạm nữa

- Nên áp dụng theo phương pháp hàng đội để khuyến khích tinh thần đồng đội.



                                    Lê Thọ

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét