Võ Bạch Đằng
Các bạn trẻ bây giờ, hầu như ai đều cũng từng xem và biết về truyện tranh hoặc phim hoạt hình Tintin. Chúng ta - những người Hướng Đạo - có khoảnh khắc nào nghĩ rằng, phải chăng Tintin là một Hướng đạo sinh? Hãy nhìn lại xuyên suốt các cuộc phiêu lưu của Tintin, sao thấy những kỹ năng sống có vẻ quen thuộc quá! Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu, điều này có đúng thật vậy không?
CÂU CHUYỆN TRƯỚC ĐÂY
Vào khoảng đầu năm 1971, nếu người viết nhớ không lầm, thì nguyệt san Tuổi Hoa ở miền Nam, có đăng kỳ truyện tranh với tên “Tintin ở xứ Congo”. Hồi đó, tờ nguyệt san này có nhiều bài viết dành cho tuổi học trò; gồm truyện ngắn, truyện dài nhiều kỳ, thơ, hướng dẫn thủ công, khéo tay, thư đi tin lại… mà chỉ in một màu; riêng phần truyện tranh lại được in màu offset như trang bìa, đâu như khoảng 16 trang. Vì truyện Tintin này đăng nhiều kỳ, phải qua hết 3, 4 tờ nguyệt san mới hết một tập truyện. Do vậy, tạo sự hào hứng cho học sinh khi chờ đợi báo ra số mới.
Đồng thời, lúc ấy cũng có nhà in cho phát hành bộ truyện tranh nhiều tập trắng đen “Tintin phiêu lưu ký”, tuy không đẹp bằng báo Tuổi Hoa, nhưng đáp ứng nhu cầu cho giới trẻ đọc tức thì. Như nhiều sách truyện khác, đa số học sinh đi thuê ở các sạp báo nhỏ, chuyền tay nhau đọc trong lớp học. Hồi đó các bản dịch, đôi lúc có tên khác hẳn bây giờ. Ví dụ như tập 11 là “Kho tàng hải khấu”, tập 21 là “Tôi thấy mình đẹp trong gương”. Con chó thì gọi là Milou theo bản tiếng Pháp, mà Tintin lại không đọc là “Teng-teng”. Thuyền trưởng Haddock trên thư từ, bưu thiếp đề “Trần Văn Hách Dật”… Nhưng dù gọi là gì đi nữa, thì bộ truyện Tintin này đã để lại rất nhiều kỷ niệm cho lứa tuổi học trò ở thời kỳ đó.
Khi người viết trao đổi với một số huynh trưởng Hướng Đạo bậc đàn anh, thì được biết là, từ những năm 1965–1966 đã có lưu hành các tập truyện Tintin nhưng với bản tiếng Pháp. Thường chỉ “học sinh trường Tây” đọc được và một số ít học sinh “nhà có điều kiện” mới có thể mua để dành riêng. Nghĩa là, giới trẻ miền Nam tiếp cận với Tintin cũng không đến nỗi muộn màng lắm.
TẬP TRUYỆN TRANH TINTIN
Bản tiếng nước ngoài
Bộ truyện tranh Tintin do nhà văn, hoạ sĩ người Bỉ, bút danh là Hergé sáng tác, vừa xây dựng nội dung, vửa tự vẽ tranh. Theo dòng thời gian, Hergé đã cho ra đời 24 tập truyện. Đánh số theo thứ tự các tập tiếng Anh như sau:
1. Tintin, Reporter in the Land of the Soviets (1929–1930)
2. Tintin in the Congo (1930–1931)
3. Tintin in America (1931–1932)
4. Cigars of the Pharaoh (1932–1934)
5. The Blue Lotus (1934–1935)
6. The Broken Ear (1935–1937).
7. The Black Island (1937–1938)
8. King Ottokar's Sceptre (1938–1939)
9. The Crab with the Golden Claws (1940–1941)
10. The Shooting Star (1941–1942)
11. The Secret of the Unicorn (1942–1943)
12. Red Rackham's Treasure (1943–1944)
13. The Seven Crystal Balls (1943–1948)
14. Prisoners of the Sun (1946–1949).
15. Land of Black Gold (1948–1950)
16. Destination Moon (1950–1953)
17. Explorers on the Moon (1950–1954)
18. The Calculus Affair (1954–1956)
19. The Red Sea Sharks (1958)
20. Tintin in Tibet (1960)
21. The Castafiore Emerald (1963)
22. Flight 714 (1968)
23. Tintin and the Picaros (1976)
24. Tintin and Alph-Art (1986–2004)
[25]. Tintin and the Lake of Sharks (1972)
Hình 1. So sánh ở trang đầu, tập 2 bản trắng đen và bản màu
* Theo sự liền mạch của nội dung, tập cuối cùng là tập 24, khi mà nhân vật phản diện Rastapopoulos chết. Hergé chưa thể hoàn thành tập này, nó chỉ ở dạng phác thảo. Các họa sĩ về sau là Yves Rodier và Richard Wainman phải tiếp tục vẽ, tô màu, thêm lời thoại dựa vào bản gốc của Hergé. Có khả năng, họ để cho nhân vật phản diện ngã từ vách đá xuống nhằm kết thúc bộ truyện.
Chín tập đầu, Hergé chỉ vẽ trắng đen, nét vẽ đơn giản, không có tô màu. Mãi đến năm 1946, Hergé mới vẽ lại và tô hình màu, ông cũng chỉnh sửa một số câu văn cho phù hợp với hoàn cảnh sau chiến tranh. Chúng ta có thể thấy sự khác biệt ở trong một hình minh họa. Từ năm 1942, số trang trong mỗi tập cũng được điều chỉnh theo định dạng chung là 62 trang. Riêng tập đầu tiên vì một lý do đặc biệt, Hergé không thực hiện việc tô màu.
* Có người cho là tập “Tintin and the Lake of Sharks” là tập 25. Theo ý người viết, điều này không đúng, vì đó chỉ là tập cắt ghép hình ảnh từ phim hoạt hình cùng tên do Pháp và Bỉ liên kết sản xuất năm 1972. Đạo diễn là Raymond Leblanc, kịch bản do một người bạn của Hergé là Greg viết. Số lượng trang của tập truyện này chỉ là 44.
Một vài nhà văn và họa sĩ về sau, phóng tác Tintin và một người bạn gốc Hoa là Tchang (trong tập 5, 20), thành nhiều tập truyện tranh khác. Nhưng nội dung chẳng liên quan gì với truyện gốc, đôi lúc lại trở thành nhảm nhí.
Bản tiếng Việt
Thời gian gần đây, nhà xuất bản First News Trí Việt có phát hành bản tiếng Việt của các tập truyện Tintin. Không rõ vì vấn đề chi phí mua tác quyền hay sao, mà chỉ thấy lưu hành một số tập chứ không được trọn bộ. (Ký hiệu # chỉ tập của bộ truyện gốc).
1. Cua càng vàng [# 9]
2. Ngôi sao bí ẩn [# 10]
3. Bí mật tàu Kỳ lân [# 11]
4. Kho báu của Rackham áo đỏ [# 12]
5. Bảy quả cầu pha lê [# 13]
6. Đền thờ thần Mặt trời [# 14]
7. Cá mập vùng biển Đỏ [# 19]
8. Viên ngọc bích Castafiore [# 21]
9. Chuyến bay 714 đến Sydney [# 22]
10. Tintin và những người Picaros [# 23]
TẬP PHIM HOẠT HÌNH VỀ TINITIN
Phim lẻ
* Năm 1947 hãng phim Wilfried Bouchery của Bỉ, sản xuất phim hoạt hình đầu tiên về Tintin “The Crab with the Golden Claws” - “`Cua càng vàng”. Phim không đạt chất lượng nên chỉ sau vài lần trình chiếu, nhà sản xuất bị phá sản.
Năm 1964 phim “L'Affaire Tournesol” - “Công việc của giáo sư Calculus” chuyển thể từ tập truyện cùng tên, Ray Goossens làm đạo diễn, do hãng Belvision Studios của Bỉ sản xuất.
* Bên cạnh phim hoạt hình “Tintin and the Lake of Sharks” - “Tintin và hồ Cá mập” năm 1972 như nói ở trên, đạo diễn Raymond Leblanc còn làm phim “Tintin and the Temple of the Sun” - “Tintin và đền thờ thần Mặt trời” năm 1969, dựa vào tập 13 và 14, cũng do hãng Belvision Studios sản xuất.
* Năm 2011, tập phim 3D đầu tiên về Tintin. Phim “The Adventures of Tintin: The Secret of the Unicorn” - “Bí mật tàu Kỳ lân”, do đạo diễn Steven Spielberg và Peter Jackson thực hiện. Hãng phim Columbia Pictures và hãng Nickelodeon Movies sản xuất vào năm 2011.
Sê-ri phim hoạt hình truyền hình
* Loạt phim hoạt hình nổi tiếng khác là “Les Aventures de Tintin” - “Những cuộc phiêu lưu của Tintin”, do hãng Ellipse (Pháp) và Nelvana (Canada) sản xuất từ năm 1992, được chia từng mùa (S - season) và phần (E - episode). Đạo diễn là Stéphan Bernasconi.
* Mùa 1 phần 1 và phần 2 - S01E01E02: Le Crabe aux Pinces d’Or - partie 1&2, [# 9]
- S01E03E04: Le Secret de la Licorne - partie 1&2, [# 11]
- S01E05: Le Trésor de Rackham le Rouge, [# 12]
- S01E06E07: Les Cigares du Pharaon - partie 1&2, [# 4]
- S01E08E09: Le Lotus Bleu - partie 1&2, [# 5]
- S01E10E11: L’Île Noire - partie 1&2, [# 7]
- S01E12E13: L’Affaire Tournesol - partie 1&2, [# 18]
* Mùa 2 tập 1 - S02E01: L’Étoile Mystérieuse, [# 10]
- S02E02E03: L’Oreille Cassée - partie 1&2, [# 16]
- S02E04E05: Le Sceptre d’Ottokar - partie 1&2, [# 8]
- S02E06E07: Tintin au Tibet - partie 1&2, [# 20]
- S02E08E09: Tintin et les Picaros - partie 1&2, [# 23]
- S02E10E11: Au Pays de l’Or Noir - partie 1&2, [# 15]
- S02E12E13: Vol.714 pour Sydney - partie 1&2, [# 22]
* Mùa 3 phần 1 và phần 2: S03E01E02: Coke en Stock - partie 1&2, [# 19]
- S03E03E04: Les Sept Boules de Cristal - partie 1&2, [# 13]
- S03E05E06: Le Temple du Soleil - partie 1&2, [# 14]
- S03E0708: Les Bijoux de la Castafiore - partie 1&2, [# 21]
- S03E09E10: Objectif Lune - partie 1&2, [# 16]
- S03E11E12: On a Marché sur la Lune - partie 1&2, [# 17]
- S03E13: Tintin en Amérique, [# 3]
* Thứ tự các tập phim không giống như truyện. Theo người viết, tập 9 được làm phim trước nhất bởi vì trong tập đó lần đầu tiên thuyền trưởng Haddock xuất hiện.
MỘT VÀI NHÂN VẬT TRONG BỘ TRUYỆN TINTIN
* Tintin. Nhân vật chính trong bộ truyện - là một thanh niên người Bỉ, làm nghề phóng viên, cư ngụ tại 26 đường Labrador, Brussels. Trừ tập đầu tiên Tintin làm phóng sự viết bài, các tập còn lại gần như chuyên về nghiệp vụ điều tra.
* Tintin theo nghĩa đen của tiếng Pháp là “rien du tout - không có gì cả”. Trong tác phẩm tự truyện “Tintin et Moi”, Hergé xem Tintin là một hình ảnh phản ánh bản thân của mình.
Chú chó Snowy
* Snowy thuộc giống chó săn cáo fox terrier, là bạn đồng hành suốt các cuộc phiêu lưu của Tintin. Đó là một con chó nhỏ lông trắng, đuôi ngắn. Snowy nhiều lần hỗ trợ và cứu thoát Tintin trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Ngược lại, Tintin cũng luôn bảo vệ người bạn bốn chân này. Snowy thông minh và đánh hơi, theo dõi dấu vết rất tốt. Tuy nhiên, nó cũng có tật xấu là thích đào bới kiếm xương, thậm chí giành xương của báo đốm và đánh cắp xương khủng long trong viện bảo tàng. Ngoài ra, nó cũng nghiện rượu whisky như là thuyền trưởng Haddock.
* Tên tiếng Pháp của Snowy là Milou. Theo nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hergé đặt tên Milou theo biệt danh của người bạn gái Marie-Louise mà ông ngưỡng mộ từ nhỏ.
Vì truyện tranh và phim hoạt hình có những tình tiết hư cấu về loài vật mà phim người thực không thể nào đóng được. Do vậy chúng ta để ý sẽ thấy rằng: Hầu hết các phim hoạt hình, nhân vật chính thường có một (hoặc nhiều) con “vật nuôi” đi kèm theo. Chẳng hạn như Tintin và Snowy, cao bồi Lucky Luke và ngựa Jolly Jumper, thám tử ngốc nghếch Shaggy Rogers và chó Scooby-Doo, thằng người gỗ Pinocchio và chú dế lương tâm Jiminy… Đạo diễn dùng vật nuôi để diễn đạt những ý nội tâm nhân vật chính không thể hiện được, hoặc tháo gỡ điểm nút mà phim không bị xem là vô lý hoặc siêu thực.
Thuyền trưởng Haddock
* Nhân vật thuyền trưởng Archibald Haddock xuất hiện từ tập thứ 9 trở đi, và trở thành một người bạn đồng hành không thể thiếu của Tintin.
Thuyền trưởng thể hiện bên ngoài diện mạo một người nóng nảy, thô lỗ đôi lúc là ngu ngốc; nhưng bản chất bên trong lại là con người tốt, thương dân nghèo, sống vì bạn bè. Ngôi nhà mà các nhân vật chính cư ngụ là tòa lâu đài Marlinspike, có được nhờ tài sản thừa kế và kho tàng hải khấu mà cụ tổ Haddock tìm thấy. Thuyền trưởng Haddock có hai tật xấu là chửi thề, mặc dù Hergé viết ra những câu từ đó thuộc về “dân đi biển”; và nghiện rượu nặng, đến mức gần như lệ thuộc, có rượu là tỉnh táo ngay ra.
* Tác giả Hergé xem Haddock cũng là hình ảnh của bản thân mình.
Anh em nhà Thom(p)son
* Anh em thám tử Thompson và Thomson là biểu trưng cho một trật tự pháp chế cứng ngắt, áp đặt đến mức thô thiển và sai lệch.
Hình 2. Anh em Thom(p)son trong tập 4
Lúc đầu, anh em nhà Thom(p)son xuất hiện ở Cairo với bí danh là X33 và X33 bis trong tập “Xì gà của Pharaoh” bản trắng đen; nhưng ở bản màu và các tập sau lại được đổi tên. Anh em nhà Thom(p)son đội mũ quả dưa, mặc bộ đồ vest đen có cravat. Hai người chỉ phân biệt được nhờ vào bộ râu; Thompson (tiếng Pháp là Dupond) có bộ râu mép thẳng, trong khi Thomson (Dupont) râu mép cong ra phía ngoài.
Chúng ta cũng nhớ rằng thời điểm thập niên 1930s, để râu mép, đội mũ quả dưa, mặc bộ vest sậm là mốt thời thượng. Nghệ sĩ hài Sạc-lô (Charlie Chaplin) cũng trang phục như thế, Hitler và Stalin cũng để râu như thế.
* Hergé đã lấy hình tượng người cha và người chú sinh đôi của ông là Alexis Remi và Léon Remi, làm mẫu cho anh em nhà Thom(p)son. Theo ý người viết; bằng diện mạo hai thám tử hóa trang lúc theo dõi Tintin, tuy nhìn có vẻ kỳ cục nhưng Hergé gián tiếp giới thiệu trang phục truyền thống của cư dân ở các vùng đất mà Tintin đã đi qua.
Giáo sư Calculus
* Nét vẽ giáo sư Cuthbert Calculus khá lập dị; khoác áo dạ màu xanh rêu với chiếc nón nỉ cùng màu, mặc áo sơ mi cổ cao, đeo kính cận bé tí, cặp nách cái dù. Đầu hói, nhưng tóc xoăn hai bên tai, râu chóp nhọn. Là người phát minh thiên tài với máy giặt cỡ lớn, tàu ngầm mini [# 12]; máy bơm ép nghiền dập đa năng, quả lắc dò đường [# 13]; phi thuyền và đồ du hành [# 16]; máy siêu âm hủy diệt [# 18]; giày trượt xoay bay được [# 19]; thuốc chống nghiện rượu [# 23]… nhưng tính tình ngô nghê, cộng thêm tật lãng tai nên giáo sư gây ra nhiều chuyện hiểu lầm.
* Tên tiếng Pháp của giáo sư là Tournesol. Theo Hergé, giáo sư Calculus là hình ảnh của nhà vật lý Thụy Sĩ Auguste Piccard, mà ông thường gặp ở Đại học Brussels.
Danh ca Bianca Castafiore
* Bianca Castafiore là người có giọng opera bẩm sinh. Cô ta đi nhiều nơi để biểu diễn, luôn cùng với cô hầu phòng Irma và nghệ sĩ dương cầm riêng Wagner. Castafiore là người yêu bản thân, thích mặc đẹp và đeo nhiều đồ trang sức. Cô ta cũng ngưỡng mộ Haddock, nhưng có tật không bao giờ đọc thuộc chính xác tên của thuyền trưởng.
* Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Castafiore như là “một vị thần may mắn” của Tintin và Haddock trong suốt bộ truyện. Ở những tình huống khó khăn mà hai người bạn chúng ta cần hỗ trợ, gần như luôn xuất hiện Castafiore một cách tình cờ.
Theo Hergé, Castafiore được xây dựng từ hình ảnh người dì tên Ninie đam mê âm nhạc của ông.
Trùm tội phạm Rastapopoulos
Roberto Rastapopoulos còn gọi là “Hầu tước Gorgonzola - Marquis di Gorgonzola”, xuất hiện từ tập 4, sau khi nhân vật trùm tội phạm Al Capone ở Chicago [# 3] bị bắt. Rastapopoulos có đặc điểm là hói đầu, mũi to và đỏ, thường đeo kính một bên mắt phải. Ông ta rất giỏi về kỹ năng hóa trang [# 5,19,24], có thể vì xuất thân là một nhà sản xuất phim [# 4].
Để tạo bất ngờ, ngay từ đầu Hergé không cho biết sự thật về Rastapopoulos, mà phải qua vài cuộc phiêu lưu, Tintin mới phát hiện ra ông ta là trùm tội phạm.
Rastapoupolos đứng đằng sau các vụ việc phạm pháp. Trong suốt bộ truyện, ông ta là nhân vật duy nhất để lại hình ảnh xác chết ở tập 24, tập cuối cùng của Hergé.
(Lần sau sẽ tiếp: TÍNH CÁCH CỦA TINTIN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét