Lê Thọ
Thưa Trưởng Trần Xê, trước đây em gởi cuốn sách “ĐỘI TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO” Trưởng đã đọc, xin Trưởng viết cho lời tựa tâm tình giới thiệu sách nầy, để em in và phát hành nội bộ để chia sẻ cùng các đơn vị hiện nay đang cần.
Trưởng Xê: Tôi đã đọc cuốn: “ĐỘI TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO” do Trưởng Lê Thọ dày công biên soạn. Trong sách, Trưởng gởi những điều tâm đắc của mình để giúp các Đội trưởng hiểu rõ thêm công việc chăm sóc cho Đội, hiểu thêm vai trò và trách nhiệm của Đội trưởng hiện nay.
Tác giả: Dạ, thưa Trưởng, trước 75 Trưởng đã từng chơi với ngành Thiếu, nay Trưởng có thể tâm tình cho biết thêm về Phương pháp hàng Đội.
Trưởng Xê: Tôi trước đây từng là Đội sinh, gia nhập chơi Hướng đạo năm 1955, đã từng Đội phó, Đội trưởng, Thiếu Phó rồi Thiếu Trưởng. Tôi rất quan tâm về huấn luyện các Đội trưởng, ngành Thiếu là ngành chủ lực của phong trào Hướng đạo, một Liên đoàn mà không có Thiếu đoàn thì chưa gọi là Liên đoàn được. Cho nên vai trò của anh Thiếu trưởng rất nặng nhọc, anh phải làm sao cho các Đội trưởng giỏi qua việc huần luyện các Đội trưởng, Đội phó thường xuyên. Đội trưởng là cánh tay nối dài của Thiếu trưởng, khi Đội trưởng giỏi có thể sinh hoạt “Hàng Đội Tự Trị” thì mới thành công.
Phong trào Hướng đạo là một phong trào giáo dục, hỗ trợ thêm cho gia đình và học đường, đào tạo các công dân hữu ích sau nầy. Hướng đạo giáo dục qua phương pháp “Hàng đội tự trị”. Vai trò Đội trưởng rất lớn, em như là người anh cả trong một gia đình, là một thủ lĩnh chăm sóc các Đội sinh của mình. Một Thiếu đoàn thông thường có 4 Đội, từ 6-8 em, số lượng chung từ 24 đến 32 em trong một Thiếu đoàn. Hướng đạo khác với các đoàn thể khác là không dùng một tập thể lớn mà chia thành các Đội. Thiếu đoàn thành lập lấy từ Đội kiểu mẫu sau đó phát triển các Đội để lập thành đơn vị. Vậy, mỗi Đội trưởng đóng vai trò chính trong phương pháp nầy.
Tác giả: Em thấy vai trò Đội trưởng rất quan trọng, vậy các Thiếu đoàn nên chú ý mặt nào để huấn luyện cho Đội trưởng?
Trưởng Xê: Trong sách nầy có nhiều phần làm việc của Đội trưởng, biết phân công cho từng người để đảm nhận công việc và Đội phó làm gì cho Đội, không để một ai ở không và thái độ ứng xử công bằng trung thực, lấy tinh thần Đội làm nền tảng. Đội trưởng phải làm gương cho Đội sinh noi theo. Làm Đội trưởng là một cái nghề còn gọi là “Nghề Đội Trưởng”, em phải luôn rèn luyện bản thân mình, cố gắng được đẳng thứ HĐ Hạng nhất càng sớm càng tốt, cũng như lấy các Chuyên hiệu để hòng có vốn điều hành Đội. Một Đội trưởng mà không qua HĐ Hạng nhì thì làm sao Đội sinh mình có Hạng nhì được. Vậy bản thân em phải tự rèn luyện các kỹ năng nhuần nhuyễn và hiểu rõ trách nhiệm của mình. Đội trưởng là đầu tàu luôn nung nấu phát triển tinh thần Đội, và rất vinh dự khi em nhận trách vụ nầy của phong trào Hướng đạo.
Đội trưởng phải chắc chắn rằng: em phải giỏi hơn Đội sinh mình, làm thế nào đó để Đội sinh nể phục. Khi sinh hoạt em phải làm gương và có một chương trình Đội cụ thể. Phương pháp HĐ là lấy trẻ dạy trẻ là hữu hiệu nhất, người lớn (huynh trưởng) chỉ hướng dẫn cho các Đội trưởng mà thôi,
Tác giả: Dạ cảm ơn Trưởng, Trưởng có lời nhắn nhủ gì các Thiếu đoàn đang sinh hoạt hiện nay không?
Trưởng Xê: Điều mong muốn là trước tiên Thiếu đoàn phải luôn có Đội Kiểu Mẫu để các Đội trưởng và Đội phó được huấn luyện. Đội nầy phải duy trì thường xuyên, các Đội trưởng giỏi thì Đội mới mạnh và các Đội mạnh thì Đoàn mới mạnh được. Đội trưởng phải noi theo anh Đoàn trưởng, luôn cầu tiến, học hỏi kinh nghiệm việc bày vẽ cho Đội sinh mình.
Cuốn: “ĐỘI TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO” nầy của tác giả cũng rất mong muốn đến với các em đang là Đội trưởng, cũng như thêm một tài liệu bổ sung cho các Thiếu đoàn để tham khảo huấn luyện Đội trưởng.
Mến chúc các Đội trưởng vững tiến để phát triển phong trào tại địa phương vững mạnh.
Lê Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét