Giới thiệu tập sách
“KIM CHỈ NAM CỦA HUYNH TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO”
(tiếp theo VT số 25 và hết)
PHẦN BỐN & NĂM
“ĐỂ DOANH NGHIỆP” và “GIÚP NGƯỜI”
“Kim Chỉ Nam của Huynh Trưởng Hướng Đạo” do Robert Baden Powell viết năm 1919, nhằm hướng dẫn cho các huynh trưởng HĐ nắm vững các nguyên lý, và hiểu biết phương pháp giáo dục thanh thiếu niên, của phong trào HĐ.
Tập sách quan trọng này đã được Trưởng Nguyễn Hữu Tạo, Uỷ viên HĐ Hải Phòng, Cửa Cấm chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Pháp và được Liên hội Hướng đạo Đông Dương xuất bản năm 1942. Sách dày 162 trang và được chia thành 5 Tiết. Nội dung căn bản gồm có:
Tiết thứ 1: Làm thế nào luyện một người thiếu niên.
Tiết thứ 2: Tính cách.
Tiết thứ 3: Kiện khang và thể dục.
Tiết thứ 4: Để doanh nghiệp.
Tiết thứ 5: Giúp người.
Và cuối cùng là phần phụ lục.
Tuy ngôn từ và cách hành văn thời xưa chưa được trong sáng nhẹ nhàng, nhưng tác giả đã trung thành với ý hướng của Baden Powell và cố gắng chuyển tải trọn vẹn quan điểm của BP về phương pháp giáo dục các thanh thiếu niên của phong trào HĐ. Có nhiều từ cổ xưa làm cho chúng ta hơi khó hiểu nếu như chúng ta không quen với những từ cũ xưa này, chẳng hạn như: “các trò du hý” (trò chơi hấp dẫn của HĐ). “Đổi câu mà nói” (Nói cách khác), “Phát siển” (phát triển) v.v.
Tuy nhiên tập sách này giúp cho các Trưởng biết được ý định của Vị Sáng Lập về phương pháp giáo dục thanh thiếu niên, đúng theo mục đích (trong sách gọi là “chủ nghĩa Hướng đạo”) của phong trào HĐ.
Kỳ trước chúng ta đã lược ghi những điều quan trọng trong tiết thứ nhất: “Làm thế nào luyện một người thiếu niên”. Tiếp đó chúng ta qua tiết thứ hai: “Tính cách”, tiết thứ ba “Kiện khang và thể dục”. Số này chúng ta qua tiết thứ bốn: “Để Doanh Nghiệp” và tiết thứ năm: “Giúp người”.
Tiết thứ 4. “ĐỂ DOANH NGHIỆP”
Để Doanh ngiệp có nghĩa là chúng ta cần có ý niệm và quan tâm về vấn đề “Hướng nghiệp” cho các em.
Tiết thứ bốn này (với tiêu đề “Để Doanh Nghiệp”, mà ngày nay chúng ta gọi là “Hướng Nghiệp”), Baden Powell muốn lưu tâm quí Trưởng là nên quan tâm đến việc hướng các em đến một nghề nghiệp nào đó trong tương lai. Trưởng phải nghĩ đến việc làm cách nào để giúp các em đoàn sinh của mình vào đời thành công, nghĩa là có nghề nghiệp ổn định, chứ không phải là loại “du thủ du thực”, ăn chơi vô tích sự. Các em đó sẽ bị bất hạnh, bị đau khổ đã đành, mà còn là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, có khi là mối nguy cho cuộc sống.
Qua mọi sinh hoạt của HĐ, từ trò chơi đến công tác thủ công trại…chúng ta giúp các em rèn luyện về tính “Tự trị” và “Năng lực”, đó là hai đức tính cần thiết giúp các em dễ dàng tạo dựng cuộc sống, nghề nghiệp cho chính mình.
Qua việc vâng lời, tần tiện, vui tươi, can đảm, tháo vát, linh động, hoà đồng, lễ nghi và nghiêm phép theo tinh thần Lời hứa và Luật HĐ và sinh hoạt ở trại…sẽ giúp cho các em tính Tự trị.
Bên cạnh đó qua việc nuôi dưỡng “Ước vọng”, rèn luyện thể lực và qua các chuyên hiệu, đẳng thứ, thủ công… Sẽ giúp các em rèn luyện được “năng lực” cho chính mình. Một HĐS “Cừ”, “Giỏi” thì không thể nào trở thành kẻ rồi nghề, thất nghiệp trong cuộc sống được.
BP đã viết: “Song chuyên môn giỏi, thủ công khéo léo, chưa chắc đã đủ để giúp cho các em đoàn sinh lập nghiệp sau này, nếu như không có vài ba đức tính tốt đi kèm” (trang 108).
BP lại nói thêm: “Người thợ tốt phải có năng lực nghĩa là phải có sự say mê, ước vọng nghề của mình, với trí óc sắc sảo, tài tháo vát và cả sức khoẻ nữa”.
Tiết thứ 5. GIÚP NGƯỜI.
Khi tuyên Lời Hứa, HĐS có hứa “Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào”, nên giúp người mà chúng ta thường gọi là giúp ích, là bổn phận của HĐS. Nhưng muốn giúp ích hữu hiệu, thì người giúp đó phải được rèn luyện đầy đủ. Trong những sinh hoạt của HĐ chúng ta đã cố gắng giúp cho các em trở thành rắn rỏi, khoẻ mạnh và siêng năng. Bên cạnh đó huynh trưởng cần giúp cho các em đoàn sinh có sự quan tâm, đồng cảm với các sự kiện, cuộc sống chung quanh. Để phát huy tinh thần giúp ích, trước hết là giáo dục các đoàn sinh tinh thần “Tín ngưỡng Tâm linh” của mình. Ở đây BP dùng danh từ “Thành Kính Thượng Đế”, nhưng BP đã lưu ý các Trưởng rằng: Từ Thượng Đế là nói chung, chứ trong thực tế thì tuỳ theo giáo phái, giáo hội, tôn giáo của đoàn sinh mà ta áp dụng cho đúng. BP dặn: “Ta phải nhớ rằng, trong phong trào ta có các trẻ em ở hầu hết các tôn giáo khác nhau, vì thế chúng ta không thể định những điều lệ “Tính xác” dùng trong việc giáo dục về tôn giáo, Tín ngưỡng tâm linh được”.
Đối với vấn đề Tín ngưỡng tâm linh, BP khuyên, trong phong trào HĐ chúng ta nên giữ thái độ sau đây:
1/ Mỗi đoàn sinh đều có một Tôn giáo, Tín ngưỡng và theo những lễ nghi của Tôn giáo, Tín ngưỡng ấy.
2/ Ở chỗ nào mà một đoàn toàn nhũng đoàn sinh cùng theo 1 Tôn giáo, Tín ngưỡng, thì Trưởng sau khi hỏi ý kiến của vị giáo sĩ tôn giáo ấy, rồi mới tổ chức lễ nghi và huấn luyện cho các em.
3/ Chỗ nào mà Đoàn gồm các đoàn sinh khác Tôn giáo Tín ngưỡng, ta nên khuyên các em ai theo tôn giáo tín ngưỡng nào cố dự các lễ nghi của tôn giáo, tín ngưỡng ấy.
Nói chung việc giáo dục niềm tin có nhiều cách, tuỳ theo tính tình, tính cách, hoàn cảnh của mỗi đoàn sinh.
“Lối giáo dục hợp với em này, vị tất đã có hiệu quả với em khác. HLV có bổn phận chọn lấy phương pháp hay mà dùng”
Một điều cần lưu ý là không phải ai cũng có thể giáo dục tâm linh cho các em được, mà phải là những người có năng lực, có hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng. Trường hợp HLV (Trưởng) không thể “giáo đạo” cho đoàn sinh thì tốt nhất nên tìm một giáo sĩ hay thầy giáo nào có kinh nghiệm khả năng giúp cho các em. Nếu không được thì phải khuyên các em nên về các giáo sĩ, thầy giáo của tôn giáo mình mà học hỏi, chứ không phải im lặng không quan tâm đến vấn đề giáo dục niềm tin cho các em.
Việc giáo dục niềm tin cho các em qua cuộc sống thiên nhiên cũng hết sức hiệu quả. Thiên nhiên: Sự sinh tồn của muôn loài muông thú một cách tốt đẹp, trật tự… là một bài giảng hùng hồn về Tạo Hoá.
Trưởng cũng nhắc nhở các em tập tành việc làm việc thiện mỗi ngày. Mỗi ngày một việc thiện theo tinh thần và phương pháp của HĐ sẽ giúp cho các em tinh thần “Giúp người”, “Giúp ích” sau này.
Bên cạnh đó, để giúp cho các em có tinh thần Giúp ích thì HLV phải rèn: tính vị tha, tinh thần nghĩa hiệp, nhân từ, xả kỷ, ái quốc, trung thành, công bình…qua cách thực hiện các việc thiện, thương yêu loài vật, cấp cứu, cứu người bị nạn, chơi thật thà… Nói chung là “Chủ nghĩa HĐ (Nguyên lý, Phương pháp và Mục đích) dùng để giúp trẻ em đạt được mục đích ấy” (trang 123).
BP cũng lưu ý các Trưởng là luôn nhắc nhớ các em làm việc thiện “mỗi ngày một việc thiện” để nuôi dưỡng tinh thần Giúp người, giúp ích trong cuộc sống của các em.
Duy Trà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét