Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Hướng đạo sinh và võ thuật từ góc nhìn giúp ích

Gấu co

Giúp ích kiểu hướng đạo sinh khác với giúp ích thông thường, hướng đạo sinh (HĐS) “giúp” là để người khác hưởng “ích” chứ không để kéo lợi ích về cho mình; thậm chí, nếu giúp người khác mà chịu thiệt thòi ở mức chấp nhận được thì HĐS vẫn vui tươi. Giúp ích và làm việc thiện (từ thiện, thiện nguyện) giống nhau nhưng nếu việc thiện có thể làm gián tiếp (nhờ người khác đóng tiền từ thiện) nhưng giúp hầu hết cần trực tiếp dù giúp bản thân, giúp tha nhân, giúp danh đấng tối cao thêm sáng. Một số ý sau, cho tình huống HĐS với các vụ bạo lực, liên quan về Chuyên hiệu Tự vệ, Chuyên hiệu Võ thuật cho HĐS Việt Nam. 

BẠO LỰC CÀNG TĂNG - THỰC TIỄN VIỆT NAM: 

Hiện nay, bạo lực ở Việt Nam càng nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống kê: 

Mỗi năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). 
Hơn 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; 
Hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; 
9 trường thì có 1 trường có HS đánh nhau. 

Bộ Công An qua tổng hợp đã kết luận: 
Mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. 

Trước kia kẻ giết người có độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất; bây giờ thủ phạm càng trẻ: 
Độ tuổi 18 đến dưới 30 chiếm 41% 
Độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17% 
Chỉ cần (cho rằng) vừa “nhìn đểu” cũng bị (bị đánh hoặc đâm chết) 

Do đó, bạo lực nói chung và bạo lực học đường trở là một trong các mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường, trăn trở của toàn xã hội, của phong trào (cũng như các tổ chức, đơn vị) hướng đạo.

ỨNG XỬ: 

Một bé mách mẹ rằng mình vừa bị bạn kia đánh; mẹ hỏi vì sao bạn ấy đánh con thì bé đáp là vì con đánh bạn ấy – qua đây cho thấy việc xác định nguyên nhân, xác định thủ phạm là hết sức cần sự thận trọng. Hầu hết khi vụ bạo lực đang diễn ra thường có hai phía (phía tấn công và phía bị đòn) và luôn có một bên (một hoặc nhiều người) đang bị nguy hiểm tăng dần và đó thường là phía đang cần sự cứu giúp trực tiếp và khẩn cấp. 

Mỗi sự giúp đỡ thường không duy nhất (một người giúp, một cách giúp, mà còn thêm vào những sự can thiệp khác. Nếu giúp thì nên làm gì để tạo lợi ích cao nhất cho nạn nhân (hoặc giảm thiệt hại ở mức thấp nhất cho các bên). Dù nạn bạo hành có thể xảy ra bất cứ đâu và dù người bị nạn có thể là bất cứ ai nhưng Hướng đạo Việt Nam vẫn chưa có những định hướng cần thiết cho vấn nạn đang ngày càng tăng này, thậm chí vẫn chưa coi “các kỹ năng tự vệ” là một trong các chuyên hiệu cần thiết (như bơi lội) phải có trước khi rèn các chuyên hiệu khác. Thực tế, ngoài những kỹ năng phù hợp từ võ thuật, người giúp ích cho nạn nhân các vụ bạo lực nói chung và HĐS nói riêng còn cần có kiến thức pháp luật (Quyền Phòng vệ chính đáng), hiểu biết về đạo lý (các vụ bạo lực gia đình, vợ chồng, anh chị em ruột,…) 

Trước năm 1975, Liên đạo Thừa Thiên có một Hội quán đường Lục Bộ (nay là đường Nguyễn Chí Diểu) trong Thành Nội làm rạp chiếu phim (Rạp Lửa Hồng) chủ yếu cho học sinh, thanh thiếu nhi. Hội quán Hướng đạo này cũng là võ đường Karate-Do (Cương Nhu), trong số môn sinh có các HĐS Huế. Năm 1973, tại đây có võ đường Vovinam. 

Cũng trước 75, có huynh trưởng dạy Thái Cực Đạo một cách bài bản (võ phái Taekwondo ITF của Đại Hàn) và đã lập logo với “hoa bách hợp và nắm đấm”. 

Tuy nhiên, đến nay, nội dung võ thuật nói chung và kỹ năng tự vệ nói riêng vẫn chưa được các đơn vị hướng đạo ở Việt Nam quan tâm đúng mức. 

QUYỀN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG: 

Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, Điều 15 ghi rõ: 

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Vì thế, sẽ rất có ích nếu ngoài chương trình hiện hành ở các đơn vị, có thêm các hội thảo về pháp luật – trong đó có chủ đề “Phòng vệ chính đáng – kiến thức & kỹ năng cho HĐS” để chia sẻ những kinh nghiệm quý giá về quyền “Phòng vệ”.Bên cạnh sự hiểu về quyền phòng vệ là những hiểu biết về kỹ năng phòng vệ để thực hiện quyền này đúng các giới hạn, giữ an toàn cho các bên liên quan theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy người hiểu rõ Luật Phòng vệ nhưng thiếu kỹ năng phòng vệ cũng là nạn nhân, cụ thể: 

Tháng 12.2007: luật sư Trần Hồng Lĩnh đi xe máy từ Hải Phòng sang huyện An Dương thì bị hai đối tượng đi trên một xe máy ép vào lề đường, dùng dao nhọn đâm liên tiếp hai nhát vào vùng đùi. 

Tháng 11.2015: luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân ở Hà Nội bị đánh trên đường phố – một người bị sứt mí mắt chảy máu, người kia nặng hơn, bị chảy máu mồm, vùng mắt mũi bị sưng, phù nề. 

Tháng 12. 2016: luật sư Võ Thị Tiết, của Đoàn luật sư tỉnh Bình Định bị đánh tại Tòa án vào tháng 12.1916, dẫn đến chấn thương vùng đỉnh đầu, gãy 2 răng, phải điều trị tại bệnh viện Quân y 211 TP Pleiku. 
… 

VÕ TỰ VỆ VÀ CHUYÊN HIỆU VÕ THUẬT CHO HĐS HOA KỲ 

Từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, môn võ Quyền Anh (Boxing) đã là trò chơi thể thao đầy thú vị của nhiều đoàn sinh Anh quốc và các nước Châu Âu, từ Thiếu sinh tới Tráng sinh, từ các trận đấu tự phát đến các giải có trọng tài. Đoàn sinh vui tập kỹ thuật đòn tay của Quyền Anh đến các kỹ thuật của môn võ khác, kể cả kỹ thuật vật. 

Sự quảng bá kỹ năng tự vệ cho HĐS cũng phát triển từ các bài giới thiệu, các buổi tập, các giải đấu và các áp phíc quảng cáo, ảnh giới thiệu (được vẽ và in màu như truyện tranh) để giới thiệu các bước (steps) tập đòn thế tự vệ. 
Ở Hoa Kỳ, nhiều đơn vị không chỉ giúp nữ HĐS tập võ mà Sói con cũng được tập các thế tự vệ với sự ủng hộ của quý vị phụ huynh. 

Không chỉ phát triển ở mức tạo điều kiện cho đoàn sinh rèn tập kỹ năng tự vệ (bằng cách mời người ngoài đơn vị vào tập cho đoàn sinh cách tự vệ hoặc khuyến khích đoàn sinh đi tập võ ở bên ngoài), Hướng đạo Mỹ còn xây dựng chuyên hiệu liên quan (như Chuyên hiệu kỹ năng tự vệ nữ, Chuyên hiệu võ thuật - cho thiếu sinh, kha sinh). 
Chuyên hiệu Tự vệ (Nữ HĐS) 

Chuyên hiệu Tự vệ

Chuyên hiệu võ thuật (Kha sinh – nền nâu)

 Chuyên hiệu võ thuật (Thiếu sinh – nền blue)
Lớp kỹ năng tự vệ (cho Thiếu sinh nữ) 

Rèn kỹ năng phản đòn (Quyền Anh) một kiểu chuyên hiệu
Lớp kỹ năng tự vệ (cho Sói) 


 Một kiểu Chuyên hiệu võ thuật 

TÓM LẠI: 

Mỗi người đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực bất cứ lúc nào, ở đâu. Là nạn nhân, để tự giúp mình thoát hiểm, HĐS cần thạo kỹ năng tự vệ; là người chứng kiến, để giúp nạn nhân thoát hiểm, HĐS cũng cần kỹ năng tự vệ. Do đó, việc trang bị kỹ năng tự vệ nói chung và có mức trình độ võ thuật nào đó là cần thiết. 

HĐS có thể rèn kỹ năng tự vệ ngay tại đơn vị hướng đạo hoặc đi tập ở các võ đường bên ngoài với sự định hướng của các trưởng có kinh nghiệm. Có thể xây dựng chuyên hiệu kỹ năng tự vệ (tương đương Chuyên hiệu võ thuật cơ bản) hoặc Chuyên hiệu võ thuật nâng cao (từ đai đen trở lên – với các bậc [đẳng] phù hợp). 

Bên cạnh việc trang bị, rèn tập kỹ năng, đơn vị hướng đạo cũng trang bị kiến thức pháp luật phù hợp với bài tập giải quyết tình huống giả định để HĐS có nền tảng cho việc sắp sẵn khi giúp ích hiệu quả, đúng pháp luật hợp đạo lý, an toàn cho các bên. 

Gấu Co. Hoàng Ngọc Hùng 

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét