Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Hướng dẫn cho ngành Tráng

(VĂN PHÒNG HĐTG PHÁT HÀNH)

Võ Văn Tuấn – Nai thiện chí

Lời thưa :

Để giúp cho việc tìm hiểu, nhìn nhận một cách đúng đắn, nhằm xây dựng một chương trình học tập, rèn luyện phù hợp cho Tráng sinh, nhân dịp mừng gần 100 năm phát triển ngành Tráng Hướng đạo Thế giới, và chuẩn bị cho trại họp bạn Tráng sinh Việt Nam (Rover Moot) sắp đến; Chúng tôi sẽ lần lượt trích dịch tập tài liệu “Guidelines for the Rover Scout Section” (Hướng dẫn cho Ngành Tráng) của Văn phòng HĐTG phát hành đến quý độc giả Vững Tiến.

Đây là tập tài liệu với các hướng dẫn và ý tưởng giúp cho những người xây dựng chương trình cách để xây dựng và thực hiện Chương trình Tráng sinh của Ngành Tráng, mà Tráng trưởng cần biết. 



GIỚI THIỆU: CHƯƠNG TRÌNH TRÁNG SINH 

Mục lục:

A. PHẦN TÓM LƯỢC

       Chương trình Tráng sinh là gì?.
    Phần 1 – “LÝ DO TẠI SAO”
       Chương 1 – Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng.
      Chương 2 – Ai là Tráng sinh: Đặc điểm và nhu cầu của những người vừa mới trưởng thành.
    Phần 2 – “BẰNG CÁCH NÀO”
      Chương 3 – Luật và Lời Hứa.
      Chương 4 – Học bằng cách làm..
      Chương 5 – Hệ thống hàng đội
      Chương 6 – Khung biểu tượng.
      Chương 7 – Thiên nhiên.
      Chương 8 – Các mục tiêu giáo dục và sự thăng tiến cá nhân.
      Chương 9 – Sự hỗ trợ của người lớn.
    Phần 3 – “NHỮNG VIỆC GÌ”
      Chương 10 – Những hoạt động trong Ngành Tráng.

B. PHẦN CHI TIẾT . 

   Phần 1 – “LÝ DO TẠI SAO
     Chương 1 – Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng.
       Các khái niệm chính:
         1. Giới thiệu:
         2. Ngành Tráng: giai đoạn cuối cùng – Tại sao Ngành Tráng quan trọng?.
             Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng.
         3. Gắn kết với sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo.
         4. Kết luận:
----***----

A. PHẦN TÓM LƯỢC  

Spoiler:
Chương trình Tráng sinh là gì?

Chương trình Tráng sinh tập trung về ngành cuối cùng của Phong trào Hướng đạo: Ngành Tráng.

Như trong tất cả các Chương trình đoàn sinh trong Phong trào Hướng đạo, Chương trình Tráng sinh là toàn bộ về: Lý do tại sao được thực hiện (mục đích và các mục tiêu), thực hiện bằng cách nào (thông qua Phương pháp Hướng đạo) và những việc gì mà trẻ mới trưởng thành làm trong Ngành Tráng (các hoạt động).

Chương trình đoàn sinh trong Phong trào Hướng đạo bao gồm toàn bộ các giai đoạn trải nghiệm của giới trẻ trong Phong trào Hướng đạo, bắt đầu từ khoảng tuổi 6-8 và kết thúc khi tuổi lớn rồi rời khỏi Phong trào, thường từ khoảng tuổi 18-25. Đó là một tiến trình giáo dục tiệm tiến và phát triển cá nhân thông qua các phương tiện có tính chất giải trí.

Lý do tại sao: Chương trình Tráng sinh được dựa trên các nguyên tắc của Phong trào Hướng đạo và góp phần đạt được mục đích của Phong trào:

Góp phần đến sự phát triển của giới trẻ trong việc đạt được trọn vẹn tiềm năng về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, tính xã hội và tinh thần với vai trò là những cá nhân, công dân có trách nhiệm và là thành viên của cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.”

Bằng cách nào: Chương trình Tráng sinh cũng có một chiều kích cơ bản để định rõ cách thực hiện: Phương pháp Hướng đạo. Phương pháp của Phong trào Hướng đạo được đề cập như là Phương pháp Hướng đạo (Từ P được viết hoa) vì nó bao gồm nhiều công cụ giáo dục khác nhau. Đó là: Luật và Lời hứa, học bằng cách làm, hệ thống hàng đội, khung biểu tượng, sự thăng tiến cá nhân, thiên nhiên và sự hỗ trợ của người lớn. Thực hiện riêng rẽ, nhiều công cụ giáo dục này được sử dụng trong những hình thức giáo dục khác, ví dụ như làm việc nhóm về các dự án. Tuy nhiên, trong Phong trào Hướng đạo, những công cụ khác nhau này được xem như là các yếu tố của Phương pháp Hướng đạo, mỗi một yếu tố là một phần của một tổng thể. Thực tế rằng tất cả những yếu tố này hình thành một tổng thể và được sử dụng như một hệ thống tạo nên sự độc đáo của Phong trào Hướng đạo.

Những việc gì: Chương trình Tráng sinh bao gồm tất cả các hoạt động mà người trẻ mới trưởng thành trong Ngành Tráng tham gia: cắm trại và các hoạt động ngoài trời, xây dựng các dự án và giúp ích cộng đồng, trò chơi, các nghi thức, các giải thưởng của Hướng đạo thế giới…Tất cả những việc này phải có một điểm chung: Đó là phải hấp dẫn, đầy thử thách và phù hợp với trẻ mới bước sang tuổi trưởng thành.

Trong các chương của hướng dẫn này, những yếu tố khác nhau của “Lý do tại sao” (mục đích và mục tiêu), “Cách nào” (Phương pháp Hướng đạo) và “Những việc gì” (các hoạt động) được đáp ứng với Chương trình Tráng sinh, như sau:

Phần 1 – “LÝ DO TẠI SAO”

Chương 1 – Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng 

Tạo cơ hội cho thanh niên mới trưởng thành đảm trách việc phát triển cá nhân thông qua sáu lĩnh vực sinh trưởng. Giúp cho sự chuyển biến của trẻ từ lứa tuổi thanh niên đến trưởng thành.

Chương 2 – Ai là Tráng sinh: Đặc điểm và nhu cầu của những người vừa mới trưởng thành

Chương trình Tráng sinh phải dựa trên những đặc tính và nhu cầu của thanh niên vừa mới bước sang tuổi trưởng thành và những yếu tố cơ bản của Phong trào Hướng đạo. Mỗi Tổ chức Hướng đạo Quốc gia phải có phương pháp phù hợp nhất để cân nhắc, xem xét những đặc điểm chính ở giới trẻ của họ khi xây dựng Chương trình Tráng sinh.

Phần 2 – “BẰNG CÁCH NÀO”
Spoiler:

Chương 3 – Luật và Lời Hứa

Một sự cam kết có ý thức, cách mà người Tráng sinh lựa chọn để thực hiện trong đời sống của họ, theo một hệ thống giá trị được đặt ra bằng Luật Hướng đạo và một Lời Hứa mà họ phải cố gắng hết sức để đạt được.

Chương 4 – Học bằng cách làm

Học bằng cách làm nói lên phương pháp tích cực của Phong trào Hướng đạo đối với giáo dục. Điều này bao gồm nhiều trải nghiệm khác nhau của các thanh niên ở lứa tuổi sắp trưởng thành, là những thành viên của các Tráng Đoàn: được học tập từ chính vai trò, trách nhiệm của họ cũng như từ những hoạt động mà họ đã chọn lựa để thực hiện.

Chương 5 – Hệ thống hàng đội

Hệ thống hàng đội chính là một cơ hội mang tính giáo dục khác được đưa ra từ Phong trào Hướng đạo. Nó giúp cho sự hiểu biết sâu sắc về các động lực của nhóm, khả năng lãnh đạo, sự tham gia của các thành viên. Người lớn giữ vai trò cố vấn và hỗ trợ.

Chương 6 – Khung biểu tượng

Khái niệm về “con đường”, “đường đi”, “hành trình” thường được dùng để minh họa cho Ngành Tráng Hướng đạo. Ngành Tráng là cuộc hành trình hướng đến tuổi trưởng thành. Khung biểu tượng nêu bật tính hay biến đổi và những điều mới lạ mà chúng ta khám phá khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác; nó phù hợp với ước muốn tự nhiên của trẻ mới trưởng thành thích du hành, khám phá những thực tế mới mẻ và những triển vọng, đáp ứng được cho con người mới.

Chương 7 – Thiên nhiên

Thiên nhiên cho chúng ta sự thiết lập hoàn hảo một số đáng kể các hoạt động của Ngành Tráng: Thiên nhiên thử thách khả năng của chúng ta, cho chúng ta cơ hội để lưu ý đến việc tôn trọng và bảo vệ môi trường; nó làm cho người Tráng sinh phát triển các kỹ năng hoặc tinh thần phiêu lưu và thích thú sự trải nghiệm về chiều kích tinh thần.

Chương 8 – Các mục tiêu giáo dục và sự thăng tiến cá nhân

Chương trình thăng tiến đánh giá việc đạt được về các kiến thức và kỹ năng, sẽ tạo thuận lợi trực tiếp đến vai trò người lớn và sự chấp nhận trách nhiệm trong xã hội. Đây là cách đo lường giai đoạn phát triển cá nhân (đối với các mục tiêu giáo dục đã đồng thuận) và thừa nhận những “công cụ” mỗi một người có được để giúp giải quyết những thử thách họ sẽ đối mặt.

Chương 9 – Sự hỗ trợ của người lớn

Sự hỗ trợ của người lớn và mối quan hệ giữa Tráng sinh với các Trưởng của họ là một phần quan trọng của Phong trào Hướng đạo. Người lớn trong Ngành Tráng là những người hỗ trợ (bảo huynh) hoặc cố vấn. Họ giúp đỡ các Tráng sinh sống với những trải nghiệm có ý nghĩa, góp phần giúp cho người Tráng sinh phát triển toàn diện, cùng đi với nhau chứ không phải xô đầy hoặc lôi kéo.

Phần 3 – “NHỮNG VIỆC GÌ”
Spoiler:

Chương 10 – Những hoạt động trong Ngành Tráng

Các hoạt động tạo nên sự vui thú, phiêu lưu và thử thách cho các thanh niên mới trưởng thành, dẫn đến việc phát triển các kỹ năng sống. Những hoạt động trong Ngành Tráng đặc biệt tập trung vào việc tích cực di hành nay đây mai đó và những trải nghiệm đa văn hóa, phiêu lưu nơi hoang dã, phục vụ cộng đồng, hội nhập kinh tế và xã hội.

B. PHẦN CHI TIẾT


“Tự chèo lấy thuyền của bạn, bạn đang bắt đầu với một chuyến phiêu lưu từ dòng suối của tuổi ấu thơ, xuôi theo dòng sông của tuổi thanh niên, rồi băng qua đại dương của tuổi trưởng thành để đến bến cảng bạn muốn đến. Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, bị mắc cạn và những cơn bão tố trên đường đi. Nhưng nếu không có phiêu lưu, cuộc sống sẽ trở nên ngu muội chết người, với sự dẫn dắt thận trọng, thẳng thắn chèo thuyền, vui vẻ và kiên trì, hành trình của bạn không có lý do gì không đạt đến thành công, cho dù lúc bạn khởi hành trong dòng suối nhỏ bao nhiêu cũng chẳng vấn đề gì”

Đường Thành Công – Baden Powell

Phần 1 - “Lý do tại sao?”

Chương 1 – Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng

Các khái niệm chính:

Spoiler:

  • Ngành Tráng giúp cho các thanh niên mới trưởng thành xây dựng chính con đường đi của mình trong cuộc sống và kế hoạch tích cực cho tương lai để đạt được sự hòa nhập kinh tế, xã hội.

  • Ngành Tráng là môi trường học tập mà Phong trào Hướng đạo đưa ra cho những ai theo đuổi đến chặng cuối cùng của con đường dẫn đến cuộc sống người lớn. Đó là giai đoạn cuối cùng “chương trình giáo dục” của Phong trào Hướng đạo.

  • Mục đích của Ngành Tráng là giúp cho sự chuyển biến từ lứa tuổi thanh niên đến tuổi trưởng thành và hỗ trợ cho nam, nữ thanh niên mới trưởng thành ở giai đoạn cuối cùng, hội nhập vào thế giới người lớn.

  • Các mục tiêu của Ngành Tráng nhằm tạo cơ hội cho trẻ mới trưởng thành thực hiện sự phát triển bản thân thông qua các lĩnh vực tăng trưởng mà Phong trào Hướng đạo thừa nhận: đó là phát triển về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, tính xã hội và tinh thần để dẫn đến phát triển tính cách.

1. Giới thiệu:

Có một số thách thức đang đối mặt với những người xây dựng chương trình và các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia khắp thế giới về sự liên quan đến mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng. Trong số đó bao gồm:


  • Một số người ở các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia không nhìn thấy lý do tại sao phải cần có một giải pháp giáo dục cho lứa tuổi này.
  • Đôi khi Ngành Tráng được xem như chỉ mang tính chất giải trí, không có một phương cách giáo dục và không có giới hạn tối đa của tuổi tác. Khi không có giới hạn tối đa của tuổi tác thì khó để xác định một cách rõ ràng yếu tố giáo dục của Ngành Tráng và nó có thể sẽ trở thành một hoạt động giải trí.
  • Do việc thiếu huynh trưởng ở các Ngành Ấu, Thiếu, Kha…, có khuynh hướng sử dụng những thanh niên mới trưởng thành đóng vai trò của Trưởng hơn là cung cấp cho những thanh niên này một chương trình phù hợp để đáp ứng những nhu cầu riêng biệt của họ.
  • Trả lời câu hỏi “Tại sao có Chương trình Ngành Tráng?”
  • Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng; và
  • Chương trình Ngành Tráng liên quan đến sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo như thế nào.

Trong khi xây dựng Chương trình Ngành Tráng, các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia nên:


  • Thiết lập giới hạn tối đa của độ tuổi để đề ra một chương trình giáo dục bao gồm cho cả trẻ chuẩn bị trưởng thành.
  • Đặt ra một số mục tiêu cho Ngành Tráng theo tình hình xã hội, văn hóa và kinh tế của chính đất nước mình, và
  • Xây dựng một chương trình tạo môi trường học tập, rèn luyện cho lứa tuổi này.

2. Ngành Tráng: giai đoạn cuối cùng – Tại sao Ngành Tráng quan trọng?

“Đường đời, tôi không có ý nói là lang thang không mục đích, mà là tìm cho mình một lối đi với mục đích nhất định qua bao nẻo tươi đẹp. Vẫn biết rằng ở dọc đường có thể gặp nhiều khó khăn và lầm lạc. Bạn nên sẵn sàng chờ đón các trở ngại ấy”
“Đường Thành công” - Baden Powell

Câu này đã được viết lên từ rất lâu nhưng vẫn còn cho chúng ta hiểu về Ngành Tráng nếu chúng ta có thể hiểu được những biểu tượng phía sau nó.

Mục đích chính của Phong trào Hướng đạo là hỗ trợ và khuyến khích mỗi trẻ phát triển tiềm năng của nó, làm cho trẻ trở thành những công dân tích cực và hạnh phúc khi chúng trưởng thành và góp phần tạo nên thế giới tốt đẹp hơn. Do vậy, thiên chức của chúng ta là trợ giúp cho trẻ trên “con đường” từ thơ ấu đến trưởng thành.

Những gì Phong trào Hướng đạo làm là “Cùng với mỗi Hướng đạo sinh, theo bước phát triển của từng cá nhân và giúp mỗi người phát triển các nguồn lực nội tại để các Hướng đạo sinh sẽ được tiếp tục phát triển dù không có sự trợ giúp của Phong trào Hướng đạo”.

Có một số thách thức mà những thanh niên mới trưởng thành phải đối mặt trong các lĩnh vực khác nhau và họ sẽ thành công khi bước vào cuộc sống người lớn. Tìm được một vị trí trong xã hội, lựa chọn một nghề nghiệp, phát triển một hệ thống giá trị đạo đức, xây dựng các mối quan hệ cá nhân và hợp tác lâu dài là một số thách thức. Mỗi một ngành trong Phong trào Hướng đạo sẽ sẵn sàng đón nhận và hỗ trợ cho trẻ có thể đóng một vai trò to lớn trong giai đoạn quan trọng này cho sự phát triển của mỗi một trẻ. Đây là lý do tại sao có Ngành Tráng là điều quan trọng – vì nó có thể tạo một môi trường để mỗi một thanh niên có thể tự cá nhân tìm cho mình những quyết định cho cuộc sống với sự hỗ trợ của những bạn đồng trang lứa và những người có nhiều kính nghiệm khác.

Ngành Tráng là môi trường học tập mà Phong trào Hướng đạo đưa ra cho những ai theo đuổi đến cuối cùng “con đường” dẫn đến cuộc sống của người trưởng thành. Đó là giai đoạn cuối cùng “giáo dục được đề ra” của Phong trào Hướng đạo.

Tất cả những điều đó đã được giải thích một cách rõ ràng ở trên cũng như lý do tại sao nên có giới hạn tối đa về độ tuổi của Ngành Tráng: Vai trò của Phong trào Hướng đạo là để phát triển bản thân trẻ cho đến khi trưởng thành. Bởi thế cho nên chương trình chúng ta đưa ra không nên kết thúc trước khi đạt đến giai đoạn đó, nó sẽ trở nên “không hoàn hảo”.

Cùng lúc, chúng ta phải cân nhắc rằng cũng dường như không thích hợp để tiếp tục cung ứng một chương trình giáo dục cho những người “đã phát triển đầy đủ” và họ đã tìm được một chỗ đứng trong cộng đồng. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng sự phát triển cá nhân là một tác vụ liên tục. Tuy nhiên, trong Phong trào Hướng đạo có một sự khác biệt giữa chương trình giáo dục được đề ra cho giới trẻ với công tác huấn luyện và hỗ trợ được cung ứng cho “Người lớn trong Phong trào Hướng đạo”, như đã nhận biết trong Chính sách Nguồn Nhân lực người trưởng thành Thế giới (The World Adult Resource Policy). Đây là một trong những lý do tại sao điều quan trọng là phải có giới hạn tối đa của độ tuổi đối với Chương trình Tráng sinh.

Nhưng giới hạn tuổi là bao nhiêu? Dĩ nhiên nó khác nhau ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào một số nhân tố như văn hóa, kinh tế và xã hội; có thể là 20, 22, 25 (xem chương “Những đặc tính và nhu cầu của trẻ mới trưởng thành”). Điểm quan trọng là tìm được giới hạn mà với hoàn cảnh xã hội riêng biệt đó, người đàn ông và phụ nữ vừa mới trưởng thành đã được trang bị “những công cụ” đúng đắn để đóng một vai trò chuẩn xác và tích cực trong xã hội.

Trong tài liệu Tráng sinh này, sẽ đề cập đến những người trẻ có độ tuổi từ 18-22.

Mục đích và các mục tiêu của Ngành Tráng

Để lĩnh hội tốt hơn vai trò quan trọng được đảm nhận bởi ngành lớn tuổi trong Phong trào, tên gọi truyền thống là Ngành Tráng, chúng ta hãy định rõ mục đích và các mục tiêu của nó.

Mục đích:

Chúng ta có thể định rõ mục đích của Ngành Tráng như sau:

Để giúp cho sự chuyển biến từ lứa tuổi thanh niên sang tuổi trưởng thành và hỗ trợ những thanh niên sắp sửa và mới vừa trưởng thành, trong giai đoạn cuối cùng của việc hòa nhập vào cuộc sống người lớn.

Giải pháp của Phong trào Hướng đạo cho lứa tuổi từ 18 - 22 không nên chủ yếu tập trung vào việc chuẩn bị làm Trưởng mà Phong trào Hướng đạo đang cần. Mục tiêu trước tiên của chúng ta nên hoàn thành chương trình đoàn sinh bằng cách giúp cho trẻ mới trưởng thành tìm được vị trí trong xã hội theo hướng sáng tạo và tích cực. Điều này phù hợp với sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo.

Ở lứa tuổi này, thử thách quan trọng nhất cho những thanh niên mới trưởng thành là tìm được chính con đường đi của mình trong cuộc sống. Họ phải thâm nhập vào thị trường việc làm và khởi đầu một nghề nghiệp chuyên môn; họ phải tự mình chuẩn bị việc xây dựng, duy trì tính tích cực và các mối quan hệ bình đẳng giới. Cuối cùng, họ phải học cách gánh vác trách nhiệm trong cộng đồng với vai trò là những công dân tích cực ở địa phương, quốc gia và quốc tế.

Các mục tiêu:

Một số mục tiêu được xác định trong Ngành Tráng, đó là:

  •  Tạo cho thanh niên mới trưởng thành cơ hội nhận lấy sự phát triển bản thân qua các lĩnh vực sinh trưởng mà Phong trào Hướng đạo thừa nhận: Phát triển về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, tính xã hội và tinh thần dẫn đến sự phát triển về tính cách.
Tài liệu Phương pháp Đổi mới Chương trình (Renewed Approach to Programme) đã đề nghị một chương trình tiệm tiến dựa vào các mục tiêu giáo dục cá nhân bao gồm từ Ấu sinh cho đến Tráng sinh. Các mục tiêu cuối cùng của chương trình này là những giải pháp cho lứa tuổi từ 18 - 22. Các Tráng sinh và Trưởng trẻ có nhu cầu phát triển bản thân mà Phong trào Hướng đạo phải đáp ứng. Do vậy họ được khuyến khích và giúp đỡ trong việc đạt được những mục tiêu này theo khả năng của mỗi người.

  • Cho những thanh niên mới trưởng thành cơ hội để khám phá những thách thức của thế giới ngày nay, phát triển sự năng động và các kỹ năng để đối mặt với những thách thức đó, không chỉ ở trong cộng đồng và đất nước của mình mà còn với cả ở cấp độ quốc tế.
Thanh niên mới trưởng thành hiểu được thế giới họ đang sống, có được sự năng động và các kỹ năng là điều cần thiết, để đóng một vai trò tích cực và góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

  • Giúp những thanh niên vừa mới trưởng thành có được kinh nghiệm và kỹ năng lãnh đạo
Trong Phong trào Hướng đạo liên quan đến việc đóng một vai trò tích cực trong việc giúp đỡ những người khác hợp tác tốt với nhau: phân tích và giải quyết vấn đề, quản lý các mâu thuẫn và cùng nhau ra quyết định, thiết lập và đánh giá các mục tiêu, lập kế hoạch và tổ chức các dự án tập thể, xây dựng các quy tắc tập thể, cùng nhau tiến bộ và có được niềm vui cuộc sống. Có được những kỹ năng này là cần thiết cho những công dân có trách nhiệm và tích cực trong tương lai.

  • Giúp cho những thanh niên vừa trưởng thành xây dựng chính đường đi của họ trong cuộc sống và vạch kế hoạch tích cực cho tương lai để có được sự hòa nhập về kinh tế và xã hội.
Đây là vấn đề số một cho các thanh niên vừa trưởng thành. Họ phải chuẩn bị sự hòa nhập của họ vào xã hội: các chuẩn mực đạo đức và đời sống tinh thần, sự lựa chọn về gia đình, nghề nghiệp, những cam kết của công dân. Vấn đề này là rất quan trọng trong những xã hội hiện đại bởi vì sự chuyển biến sang vai trò người lớn là có nhiều khó khăn và phức tạp hơn với thời kỳ trước đó. Sự tín nhiệm của Phong trào Hướng đạo sẽ tùy thuộc ngày càng nhiều vào khả năng của nó để đóng một vai trò có hiệu quả trong tiến trình này.

“Một con người sẽ chưa thực sự khởi đầu cuộc sống cho đến khi nào anh ta có thể vượt lên trên ranh giới hẹp hòi của chủ nghĩa cá nhân để quan tâm nhiều hơn đến tất cả mọi người”.
Martin Luther King, Jr.

3. Gắn kết với sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo.

“Sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo là góp phần đến sự giáo dục của giới trẻ, thông qua một hệ thống giá trị dựa vào Lời Hứa và Luật để giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mà con người tự hoàn thiện như những cá nhân và đóng một vai trò xây dựng xã hội”.

Có một điều quan tâm là một số Tổ chức Hướng đạo Quốc gia, có hoặc không ý thức được, dường như đã từ bỏ lĩnh vực thanh niên và người mới trưởng thành và đang chỉ tập trung vào những lứa trước tuổi thanh niên. Làm việc với lứa tuổi thanh niên và trẻ vừa trưởng thành là khó và đòi hỏi các huynh trưởng có chất lượng cao. Chương trình của các ngành lớn tuổi không chỉ nên là giải trí mà còn nên đề ra các vấn đề khó khăn phải đối mặt đối với lứa tuổi thanh niên và những người vừa trưởng thành: những giá trị cho cuộc sống; thái độ mạo hiểm; lòng yêu thương, vai trò giới tính, nhận thức giới tính; những việc liên quan đến cộng đồng; chọn lựa hướng đi cho nghề nghiệp;…

Tuy nhiên, giá trị của một Phong trào Hướng đạo đang khước từ đặt ra những vấn đề này là gì? Nó có còn gắn kết với sứ mệnh của Phong trào không?

Khi các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia đang than trách về hình ảnh không tốt họ phải chịu bởi dư luận, họ có nên tự hỏi rằng mình đã có những nỗ lực gì để đưa ra đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi thanh niên và những người mới trưởng thành? Đây có phải là những nỗ lực mà xã hội đang trông mong từ họ?

Số lượng đoàn sinh sụt giảm là một thực tế mà Phong trào Hướng đạo ở nhiều quốc gia ngày nay đang đối mặt. Điều quan ngại nhất là việc sụt giảm này phần lớn tập trung vào lứa tuổi thanh niên và chủ yếu là những thanh niên lớn tuổi. Điều này dẫn đến do các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia có thể nhận thức rằng phong trào dành cho trẻ em hơn là lứa tuổi thanh niên.

Dường như rõ ràng rằng nếu chúng ta muốn giữ được các thanh niên lớn tuổi ở trong Phong trào Hướng đạo, chúng ta phải “tạo nên một nơi riêng” dành cho họ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải có một tầm nhìn rõ ràng rằng Phong trào Hướng đạo phải giúp đỡ những thanh niên mới lớn bước đến tuổi trưởng thành và giai đoạn cuối cùng đó của tiến trình giáo dục này cũng quan trọng như các ngành khác (Ấu, Thiếu) nếu không muốn nói là quan trọng hơn. Luôn nhớ rằng, chúng ta phải tạo thuận lợi cho “không gian” riêng của họ (một ngành với các mục tiêu, hoạt động… riêng của nó) và tạo một chương trình nhiều thử thách và hấp dẫn cho họ.

Nếu chúng ta phân tích điều tra của Hướng đạo Thế giới về cấu trúc các ngành theo lứa tuổi ở nhiều Tổ chức Hướng đạo Quốc gia thì có thể nhận thấy rằng, nhìn chung, các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia nào yếu về các ngành là thanh niên lớn tuổi thì cũng yếu về các ngành có tuổi thanh thiếu niên. Hầu như chúng ta có thể nói rằng nếu không chú trọng đến ngành lớn tuổi hơn có thể dẫn đến sự sụt giảm những kỳ vọng mà tuổi thanh niên hun đúc trong Phong trào Hướng đạo (như họ không thấy tương lai gì trong Phong trào), làm cho họ sớm rời bỏ Phong trào hơn.

Mặt khác, một số kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, trên cơ sở dài hạn, việc thiếu hụt huynh trưởng (điều thường được nói đến như lý do chính về việc không có một hoạt động Tráng sinh mạnh, từ khi họ được kêu gọi đến hỗ trợ cho các ngành nhỏ hơn (Ấu, Thiếu, ...)) có thể được cải thiện nếu trong một số giai đoạn, “chúng ta hãy để Tráng sinh là Tráng sinh”. Từ những người mà sẽ được hoàn tất tiến trình giáo dục của Phong trào Hướng đạo, nhiều người trong số đó muốn sẽ có vai trò tích cực cho xã hội bằng một cách rất đặc biệt: Trở thành một huynh trưởng Hướng đạo.

Với tất cả những lý do đó, dường như có một giải pháp tốt cho những người mới trưởng thành ở các Tổ chức Hướng đạo Quốc gia và xây dựng một Ngành Tráng mạnh mẽ có thể là một tiêu chí thành công và là một cách giúp đỡ tốt để đạt được Sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo.

4. Kết luận:

Ngành Tráng là môi trường học tập mà Phong trào Hướng đạo đưa ra cho những ai theo đuổi đến giai đoạn cuối cùng của “con đường” dẫn đến cuộc sống của người lớn: cuối kỳ thanh niên và sắp trưởng thành. Do vậy, nó được xem như là giai đoạn cuối cùng của “Giáo dục mà Phong trào Hướng đạo đưa ra”.

Mục đích của Ngành Tráng là giúp và hỗ trợ cho trẻ trong giai đoạn chuyển biến từ tuổi thanh niên sang tuổi trưởng thành, ở thời kỳ cuối cùng sự hòa nhập của họ vào xã hội người lớn.

Để có một Ngành Tráng không chỉ là sự góp phần hoàn thành sứ mệnh của Phong trào Hướng đạo mà còn là một cơ hội đưa Phong trào Hướng đạo đến nhiều hơn cho giới trẻ, tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống và thế giới rộng lớn của họ.


VÕ VĂN TUẤN - Nai thiện chí
(Trích dịch từ “Guidelines for the Rover Scout Section” của VP HĐTG phát hành)
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét