Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Bàn về sự thành công với một Hướng đạo sinh

Nguyễn Đức Là 
“Tặng Hải Âu bền chí.” 

Trong chương đầu cuốn sách gối đầu của Tráng sinh có tên “Rovering to Success” do Robert Stephenson Smyth Baden-Powell (Cụ BP), người sáng lập Phong trào Hướng đạo Thế giới, viết và phát hành ngày 14/6/1922 được hai Trưởng Nguyễn Tấn Đức và Nguyễn Thúc Toản dịch ra Việt ngữ có tựa đề là “Đường Thành công” và tặng không bản quyền cho Hội Hướng đạo Việt Nam (HHĐVN), Cụ trình bày quan niệm thành công của người Hướng đạo như sau: “Thành công không phải là của cải, địa vị, quyền thế, tột đỉnh cao sang, hay hưởng lợi trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác, cũng không phải là khoái lạc. Thành công là đạt được nguồn hạnh phúc thật sự do một đời sống hoạt động tích cực và biết chia sẻ với mọi người”. 


Theo quan niệm của BP. khi nói đến sự thành công của người Hướng đạo, Cụ có đề cập đến 2 phạm trù đó là vật chất (bao gồm của cải , địa vị…) và tinh thần (nguồn hạnh phúc), trong đó coi trọng phần tinh thần hơn vật chất. Ta hãy liên hệ với cuộc sống đời thường để thấy được chân giá trị của những lời dạy của Người. 



Thường thì trong đời sống người ta phân biệt kẻ nào có của cải, giàu sang, có địa vị, quyền thế; Đi đến đâu cũng đựơc nhiều người “Tiền hô, hậu ủng”, lời họ nói ra vô hình trung có một trọng lượng nhất định, nên người đời có câu mỉa mai rằng “Vai mang túi bạc lè kè , nói quấy nói quá họ nghe rầm rầm ”. Những người đó được cho là những người ở bậc cao, trên những bậc thang của đời sống lấy vật chất làm thước đo, và họ được gọi là người thành công trong cuộc sống . Ngược lại, những người sống chân chính, nhưng kinh tế không dư dả gì… thì gọi là những người thất bại . 

Cách hiểu và đánh giá như vậy liệu có phiến diện chăng ? 

Một điều dễ nhận ra là, một con người sống không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào yếu tố vật chất mà yếu tố tinh thần cũng chiếm một phần quan trọng, không nhỏ, nếu không muốn nói là nhu cầu thỏa mãn về vật chất và tinh thần là ngang nhau. Đời sống tinh thần là gì, phải chăng đó là những giá trị vô hình, phi vật thể. Những giá trị khó cân đo, đong đếm , thiếu nó trong đời sống con người như thức ăn thiếu gia vị, nghĩa là ăn no chứ không ăn ngon được. Một cách hình dung hơn là những giá trị tinh thần đó giúp con người sống cân bằng vừa có vật chất – vừa có tinh thần, như con người bước đi vững vàng trên hai chân của mình. Giá trị tinh thần đó chính là việc họ được hiến dâng cho tha nhân, giúp ích vô vị lợi cho những người đang sống cùng họ, cho cộng đồng, xã hội nhân quần trong khả năng của họ mà họ thấy cần phải làm và họ cảm thấy vừa lòng, cũng như để có chút hãnh diện về điều đó và họ lấy làm mãn nguyện khi nhắm mắt xuôi tay như lời di huấn của BP. :“Hãy cố gắng lưu lại thế giới này một chút gì đó đẹp đẽ hơn so với lúc các bạn chào đời và đến lúc bạn từ giã cõi đời, bạn có thể hoan hỉ nhắm mắt và nhận biết rằng bất cứ giá nào bạn cũng đã không lãng phí thì giờ trái lại đã cố gắng hết sức” . 

Sự thành công của một HĐS, theo tôi, BP đã quan niệm khác với sự thành công của một người nào đó trong xã hội. Vậy để vấn đề được sáng tỏ ,trước tiên ta hãy khái quát về ý nghĩa của 2 từ “Thành công”. Trên bình diện chung, theo định nghĩa Thành công là đạt được kết quả, mục đích như dự định. 

Như vậy đối với một Hướng đạo sinh thì mục đích hướng tới là gì ? Có phải chúng ta chơi Hướng đạo là để : hình thành nhân sinh quan, hình thành nhân cách để ứng xử một cách tốt đẹp với gia đình, xã hội, với quốc gia và cộng đồng tha nhân. Muốn làm được điều đó chúng ta phải tự rèn luyện trí lực, thể lực để làm bổn phận với tâm linh, tín ngưỡng và quốc gia mình, vun đắp lòng vị tha, nhân ái, giúp ích tha nhân, sống gần gũi và thân thiện với môi trường thiên nhiên. 


HĐS khi nhằm đến những mục đích như vậy, không phải họ là những siêu nhân, những thánh nhân mà họ cũng chỉ là những con người bình thường như bao người khác. Họ có quyền mưu cầu một cuộc sống thành đạt, có quyền hưởng thụ những kết quả về vật chất, về vị trí trong xã hội, mà do khả năng và uy tín của mình tạo ra. Vấn đề ở đây là, BP khuyên dạy chúng ta đừng đặt nặng vấn đề lấy việc mưu cầu vật chất làm lẽ sống của đời mình. Chúng ta có quyền hưởng lợi những gì từ công sức, mồ hôi nước mắt của mình làm ra. 

BP. còn nói “Thành công là đạt được nguồn hạnh phúc thật sự do một đời sống hoạt động tích cực và biết chia sẻ với mọi người”.Đây là một phần trong nội dung của Lời hứa Hướng đạo : HĐS giúp ích mọi người bất cứ lúc nào. Cụ đã nhắc nhở chúng ta không sống đơn độc mà phải sống cùng với mọi người. Cùng ở đây là cùng giúp nhau mưu sinh, chia sẻ cho nhau những nhọc nhằn khó khăn khi hoạn nạn về vật chất lẫn tinh thần. Khi khó khăn thì chưa nói đến vật chất, chỉ cần một lời động viên cũng đã thêm động lực để người không may mắn vượt qua những gian nan, thách thức. Chúng ta sống cùng nhau là không phải để hùa vào, củng cố địa vị, góp thêm quyền lực để lấn át người khác mà tranh giành lợi quyền một cách không công bằng. Xu thế cuộc sống thời đại ngày nay người ta chọn là xu thế hợp tác, hạn chế tranh giành, đối đầu, đó là xu thế WIN- WIN, mọi người cùng thắng. Điều đáng mừng là, sau bao ngày do những biến cố về thời cuộc, ít có điều kiện gần nhau, chưa hiểu nhau nhiều, chưa có sự thống nhất cao nên tình huynh đệ Hướng đạo trong ngôi nhà Hướng đạo Việt Nam chưa được gắn bó, đến nay các Trưởng lãnh đạo của Phong trào HĐVN vì trách nhiệm của mình đối với Phong trào đã ngồi xuống, cùng nhau bàn bạc, xây dựng lại mái nhà chung. Rất mong ở đâu đó trong Phong trào chúng ta không còn những suy nghĩ, động thái không trong sáng như : suy bì, ganh đua, ganh tị, ích kỷ, đố kỵ, cục bộ, tồn tại làm cản trở bước tiến của Phong trào. 

Khi nói về hạnh phúc, trong di chúc của mình để lại cho Hướng đạo sinh toàn thế giới BIPI có viết “Hạnh phúc không đến từ sự giàu sang, cũng không chỉ đơn thuần là sự thành công trong nghề nghiệp mà cũng không đến từ sự thoả mãn của những đam mê xác thịt. Một bước tiến đến hạnh phúc là lúc thanh xuân, hãy tự luyện cho mình một thân thể khoẻ mạnh và tráng kiện để trở thành người hữu dụng và đến lúc thành nhân có thể tận hưởng cuộc sống…..Những phương cách để đạt được chân hạnh phúc là biết chia sẻ hạnh phúc với người khác. “ 


Trong những ngày gần đây, chúng ta là những Hướng đạo sinh cũng như những người đang sống trên toàn thế giới đều đau buồn, xót thương đối với những nạn nhân vụ thảm họa động đất tại NEPAL. Thử hỏi liệu chúng ta có hạnh phúc trọn vẹn không khi chúng ta chưa có một động thái nào đó để sẻ chia những đau thương mất mát của người dân NEPAL. Tôi thật sự hãnh diện khi biết có một nữ Hướng đạo sinh, em đã từng sinh hoạt tại Đạo An Hải Đà Nẵng, là người Việt Nam đầu tiên tình nguyện sang NEPAL tham gia đội cứu hộ, trong khi dư chấn của trận động đất vẫn còn đâu đó trên vùng xảy ra thảm họa. Tôi đã comment trên facebook:” Hải Âu bền chí, rất cảm phục em, em đã làm rạng rỡ tinh thần Hướng đạo, là Hướng đạo sinh, là người Việt Nam đầu tiên tham gia đội cứu trợ thảm họa động đất ở NEPAL”. 

Cảm ơn BP. đã để lại những lời di huấn ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng một tâm hồn cao thượng. Cảm ơn các Trưởng Hướng đạo đã giáo huấn, truyền đạt những di huấn của Người cho bao thế hệ trẻ Hướng đạo sinh hình thành nhân sinh quan, hình thành nhân cách sống “Luôn giúp ích tha nhân”, trong đó có em nữ Hướng đạo sinh, tên rừng Hải Âu bền chí, là trường hợp tiêu biểu. Hiện giờ tôi vẫn chưa biết rõ cuộc sống đời thường của em này ra sao, nhưng em đã biết chia sẻ hạnh phúc đối với những người khác, kề vai sẻ chia những khó khăn với những người hoạn nạn, theo tôi em đã thành công trong cuộc đời mình theo quan niệm của BP. về sự thành công của một Hướng đạo sinh. 

Nguyễn Đức Là, RS. 
Hoẵng điềm đạm. 

Tráng đoàn Hải Vân. Đạo An Hải
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét