Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Tên Rừng


LUẬT CHƠI KỲ THÚ 


Lâm Vinh 


Ca khúc “Mưa Rừng” nổi tiếng một thời của nhạc sĩ Huỳnh Anh đã được một Hướng đạo sinh vui tính nhái lời lại như ihế này “Tên Rừng ơi tên Rừng, được đặt tên phải tuân theo luật chơi. Những ai tính tình mà hiền lành, tên Rừng thường được gọi Hươu hoặc Nai ”... 

Tên Rừng, một món quà kỷ thú dành tặng riêng cho những Hướng đạo sinh đã từng sinh hoạt trong ngành Tráng. Nó như một tập tục đặc biệt có hàm ý sâu sắc, với danh xưng thứ hai vi diệu đi suốt phần còn lại của đời người. 

Bất kỳ Tráng sinh nào khi chuẩn bị nhận tên Rừng, đều được Hội đồng Rừng định danh sẵn gồm hai phần.

Danh từ đứng trước thường là tên một con vật có thật như (tuấn mã, sóc, nai, tê giác, hổ, báo, sư tử, hà mã, gấu, trăn, hồ câu, hải âu, đại bàng, hải ly...). Phần tính từ đứng sau có thể là (tận tâm, trầm tĩnh, điềm đạm, nhiệt thành, từ bi, năng nỗ, hiếu hòa, uyên bác, co, hiền, đa ngôn, can trường, lự tin, đứng đắn...). Như vậy, danh từ chỉ hình thức bên ngoài có dáng dấp giống một con vật nào đó. Nội hàm chính là tính từ kèm theo, nêu bật được thông điệp mang tính giáo dục cao về tính cách của nhân vật.

(Chữ ký bằng biểu tượng tên Rừng đa dạng và ấn tượng được nhiều Hướng đạo sinh thích dùng.)

Thoạt tiên, tập tục đặt tên này được Cụ tổ Phong trào Hướng đạo Thế giới phỏng theo nghi thức của các thổ dân tại Châu Phi, cùng cách đặt tên kỳ quái của các bộ lạc người da đỏ tại Bắc Mỹ. Đặc biệt, tại Bắc Mỹ các bộ lạc tiêu biểu như Dakota, Apaches, Cheyenes, Sioux, Monica... thường có thông lệ là : Tất cả trai tráng đến tuổi trưởng thành đều trải qua nhiều thử thách khốc liệt, hòng chứng tỏ mình đã khôn lớn, có khí chất can trường, tinh thần dũng cảm để được đặt một cái biệt danh cụ thể. Khi đó, chàng ta phải đứng yên tựa lưng vào một tấm ván, hay một gốc cây lớn để những người chung quanh bắn cung, hoặc ném lao búa xua vào chung quanh người rất nguy hiểm. Chỉ một chút sơ suất có thể bị cướp đi mạng sống của mình. Nhưng chàng trai phải thể hiện sự can đảm nơi khuôn mặt như bình thản không lộ vẻ sợ sệt, chỉ như vậy mới được cộng đồng bộ lạc tôn trọng và tất nhiên, sẽ được đặt cho một cái tên Rừng chính thức. Ngược lại, ai không qua được cửa ải này sẽ không có tên Rừng và thường bị coi thường. Tệ hại hơn, các cô gái nhất định từ chối lời cầu hôn của các chàng trai thiếu can đảm, họ xem như suốt đời ế vợ !

Bộ phim Cao bồi “Dances with Wolves” đoạt 7 giải Oscar năm 1993 do đạo diễn kiêm diễn viên chính Kevin Costner đóng, kể về một câu chuyện thời nội chiến Nam - Bắc nước Mỹ có liên quan đến bộ lạc Sioux, cùng nghi thức đặc “tên Rừng” kỳ lạ cho một sĩ quan người da trắng. Trong một tình huống hiểm nghèo, trung úy Dunbar chiến đấu đơn độc tại một tiền đồn ở biên giới, đã được bộ lạc Sioux cứu sống, cưu mang như một thành viên của bộ lạc. Đồng thời ông được người bộ lạc này đặt cho một biệt danh là “Khiêu vũ với sói”. Đây chính là tên Rừng của trung úy Dunbar, cũng là tiêu đề cho bộ phim kinh điển nói trên.

Điều độc đáo của cách đặt tên Rừng dành cho Hướng đạo sinh tại nước ta ngoài sự đa dạng, phong phú gồm các con vật khắp năm châu (gấu trúc, sư tử, hà mã, bạch hạc, hải ly, tê giác, đà điểu, lạc đà, kangaroo...) chính là, nghệ thuật dùng tính từ nghe rất vui tai, nhưng uyên bác và thâm thúy do các vị trưởng bối trong Hội đồng Rừng quyết định.

Hội đồng Rừng (HĐR), gồm ít nhất ba vị đã có tên Rừng. Sau một thời quan sát, phân tích họ sẽ thống nhất chọn một tính từ thích hợp nhất dành cho đối tượng. Những nàng có thân hình đẫy đà nhưng vui tính, siêng năng thường có tên là Gấu Vui hay Gấu Đảm Đang. Các cô thon thả hơn một chút nhưng có máu thơ ca, lãng mạn sẽ được gọi là Bồ câu Thi Sĩ, hay Bồ Câu Mơ Mộng. Nhiều chị em làm công việc nghiên cứu, có tri thức, có cá tính đặc biệt không thua đấng mày râu sẽ được đặt là Bồ Câu Thông Thái, hay Hải Âu Can trường. Lại có anh Tráng trưởng dáng người bệ vệ, nhiệt tình tốt bụng nên có tên là Gấu Tận Tâm. Ngoài ra, trâu là con vật mang biểu tượng cho sự cần cù siêng năng, nhưng có vị thân hình tuy vạm vỡ lại thường trễ nải và lười biếng, nên bị gán cho đặc danh là Trâu Lười.



Sự thâm thúy còn nằm ở chỗ như trường hợp một anh do bản tính lè phè, làm công việc gì cũng qua loa, đại khái cho xong chuyện, luôn tìm cách qua mặt anh em với nhiều tiểu xảo bậc thầy. Đúng ra phải được gán cho tính từ “cẩu thả”,“lém” hay “láu cá”...mới đúng. Thế nhưng, các vị trong HĐR lại đặt cho một cái tên Rừng nhẹ nhàng là “Công Bên Chí”. Kỳ lạ thay chỉ sau thời gian ngắn, “con công” này hoàn toàn thay đổi từ chỗ không bền chí trở thành một tấm gương mẫu mực của sự bền chí (!). Nhiều người tự hỏi, phải chăng tên Rừng là một phép mầu, bởi vì rất nhiều trường hợp tương tự như thế này đã được ứng nghiệm ??? 


Không phải bất cứ ai gắn bó lâu năm với Phong trào Hướng đạo đều được đặt tên Rừng. Hiện vẫn còn nhiều Trưởng chưa có biệt danh dễ thương này. Đây là một trò chơi trí tuệ mang nhiều “thông điệp tiên tri” kỳ diệu, đã được hầu hết Hướng đạo sinh khắp nơi yêu thích, duy trì và phát triển không ngừng. Trò chơi nào cũng phải tuân theo luật chơi mới hấp dẫn, và tập tục đặt tên Rừng cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, người nào may mắn được đặt tên rồi đều phải thề giữ kín một số bí mật trong lòng, tuyệt đối không được tiết lộ, cho dù đó là người thân nhất của mình. Nhờ vậy, điều thú vị của trò chơi tên Rừng mãi mãi gây bất ngờ cho mọi người, và họ sẽ cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của nó, mỗi khi hân hạnh đón nhận phần thưởng cao quý này trong tương lai.


Đại Bàng tự tin
Lâm Vinh




Viết xong tại Đà Nẵng trong những ngày đầu đông 2018
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét