Lm. Vinh Sơn Trần Hòa
Phong
trào Hướng đạo là một tổ chức giáo dục công dân, nhưng là giáo dục bổ túc nghĩa
là dạy dỗ những điều nhà trường và gia đình không có cơ hội dạy. Dù vậy HĐ ngày
nay vẫn còn phù hợp và rất cần thiết cho việc giáo dục giới trẻ trên khắp thế
giới, cụ thể là HĐ đã có mặt trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành
Tráng sẽ dựa vào đâu để giáo dục các em?
I. SÁU MỤC TIÊU GIÁO DỤC CỦA NGÀNH TRÁNG:
Phong
trào Hướng đạo (HĐ) đã đề ra 06 mục tiêu cho các ngành từ Ấu, Thiếu, Kha và
Tráng là phát triển thể chất, trí tuệ,
xã hội, tinh thần, cảm xúc và tính khí. Sáu mục tiêu trên thật rõ ràng, chúng
ta cứ việc căn cứ vào đó triển khai và thực hiện, nghĩa là chúng ta phải dạy
làm sao để mỗi Tráng sinh (TS) có cơ hội phát triển đầy đủ sáu nội dung nói
trên thì mới hoàn thành việc giáo dục. Và khi các em lên đường (ra đời) các em
có thể sử dụng những điều đã học để phục vụ xã hội.
Những
nội dung Quy chế Ngành Tráng đề ra cho các TS học: Chương trình tân sinh, hạng
nhì, hạng nhất, đọc sách Đường thành công, hướng dẫn cho trẻ em, hướng dẫn vào
nghề trưởng, PP hàng đội, Quy chế ngành Tráng... Dù có nhiều nội dung hòa trộn
lẫn vào nhau, nhưng xem ra so với 06 mục tiêu trên thì những nội dung ấy vẫn
còn thiếu nhiều điều. Hơn nữa, các ngành Ấu, Thiếu, Kha tương đối có nhiều sách,
nhiều tài liệu, nhưng ngành Tráng thì không có bao nhiêu. Vì thiếu tài liệu nên
nhiều Trưởng đã lấy nguyên những nội dung trong các sách nói trên để dạy các
em. Trở ngại lớn nhất khi sử dụng các sách này là kiến thức rải rác, không theo
thứ tự như mình mong muốn và thiếu nhiều phần so với những mục tiêu phát triển
trên đây. Chắc chắn chúng ta phải bổ túc thêm vào.
Có
Trưởng chủ trương ngành Tráng không cần chương trình, tài liệu nhất định mà sinh hoạt theo ngẫu hứng và
thiên về giúp ích và phục vụ cộng đồng... Những sinh hoạt đó có thể hấp dẫn các
TS, nhưng không phát triển được hết những mục tiêu HĐ đề ra và kết cục là đào
luyện ra những con người khập khiễng trong xã hội. Trong cuốn Hướng dẫn ngành
Tráng (Empowering Young Adults Guidelines for the Rover Scout Section) Văn
phòng HĐ thế giới nói: “Ngành Tráng là môi trường học hỏi mà HĐ dành cho người
trẻ vào giai đoạn cuối cùng của đoạn đường đưa đến cuộc sống của người trưởng
thành” (Guidelines phần WHY). Vậy ngành Tráng phải căn cứ vào 06 mục tiêu đề soạn
ra chương trình học cho các TS của mình, chứ không sinh hoạt tự biên tự diễn.
TRIỂN KHAI SÁU MỤC TIÊU ĐỂ HUẤN LUYỆN TS.
Sáu mục tiêu HĐ đề ra là những điều thiết
yếu cho một thanh niên mà các nhà giáo dục
đã nghiên cứu, chọn lựa kỹ càng và đầy đủ chuẩn bị cho một thanh niên bước vào
đời.
1.
Phát triển thể chất:
Tráng trưởng và Ban Lãnh đạo Tráng đoàn phải nghiên cứu và
hướng dẫn cho các TS học và thực hành để trau dồi sức khỏe và giúp ích:
- Rèn luyện và trau dồi sức khỏe bản thân:
hiểu biết bản thân, tổ chức các cơ quan trong cơ thể người, hiểu biết những bệnh
của bản thân và chữa trị những bệnh thông thường… Rèn luyện cho mình sức khỏe dẻo
dai để học hành và làm việc mà không sợ đau ốm bất thường.
- Rèn luyện khéo léo chân tay, các môn thể
thao, thủ công, chạy, nhảy, leo trèo, múa...
2.
Phát triển trí tuệ:
- Hiểu biết các cơ năng trí khôn, tâm lý
con người, học tập quan sát, nhận định các vật và các hiện tượng chung quanh, tập
lý luận các vấn đề xã hội, tập nói năng, phát biểu trôi chảy, lưu loát.
- Tìm cách thâu nhận kiến thức nhanh nhất
và áp dụng những kiến thức ấy vào cuộc sống.
- Tập phân tích, tổng hợp các kiến thức, tập
trình bày, truyền đạt những kiến thức cho người khác.
- Tập nhận định, tổ chức, rút kinh nghiệm, cải
tiến những công việc đơn giản đến phức tạp.
3.
Phát triển xã hội tính:
- Hiểu biết vai trò của mình trong xã hội
để chuẩn bị và đóng góp có hiệu quả cho việc xây dựng xã hội. Hiểu biết tha
nhân và tôn trọng tha nhân sống xung quanh mình.
- Hiểu biết các cơ cấu tổ chức xã hội, các
cơ quan hành chánh từ trung ương đến địa phương, chuẩn bị tham gia vào các tổ
chức xã hội.
- Hiểu biết luật pháp : hiến pháp, luật của
các tổ chức, các cơ quan, đoàn thể ngành… để tôn trọng và giúp người khác tuân
giữ những luật lệ ấy.
- Tập sống và hy sinh cho quốc gia dân tộc,
thể hiện lòng yêu nước bằng cuộc sống và đóng góp cho xã hội cách cụ thể.
4.
Phát triển và xây dựng tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh:
Mỗi
TS phải có một tôn giáo, một tín ngưỡng, đó là một đòi hỏi của Phong trào HĐ.
- TS cần học hỏi, nắm vững giáo lý, tín điều,
luật lệ và thể hiện nghiêm túc niềm tin tôn giáo và các bổn phận của tôn giáo của
mình.
- TS hiểu biết giáo lý, nghi lễ, luật lệ của
tôn giáo bạn và tôn trọng các tôn giáo bạn, tham gia các sinh hoạt liên tôn để
có tình liên đới tôn giáo.
- Hiểu biết và nhiệt tình tham gia các
nghi lễ tôn giáo của mình trong khi sinh hoạt HĐ và khi ở nhà.
5.
Phát triển đức tính tốt, tính khí:
Phong trào HĐ là môi trường giáo dục những
đức tính tốt, các Trưởng sẽ chú trọng đào luyện Tráng sinh của mình trở thành
những con người hoàn hảo mới mong phục vụ xã hội tốt đẹp. Có hai loại tính tốt
cần trau dồi:
- Những tính tốt tự nhiên do bản chất con
người sẵn có như sự tận tâm, bác ái... tự bản chất đã có, cần phát triển cho
đúng hướng.
- Những đức tính, thói quen tốt cần tập
luyện như đúng giờ, trật tự, ngăn nắp, dân chủ, thật thà, lễ độ, vị tha, vâng lời,
quảng đại... Một HĐS, một Trưởng mà thiếu những đức tính thông thường hằng ngày
thì không thể chấp nhận được. Ngày nay có Trưởng chỉ chú trọng đến những tổ chức,
huấn luyện kỹ năng, coi HĐ chỉ là một trò chơi vui mà không quan tâm tới việc
giúp các TS rèn những đức tính tốt, nhất là không làm gương thực hành Lời hứa
và Luật HĐ cho các TS noi theo. Đó là những sai lầm lớn cần phải sửa lại. Sau
này khi các em rời Đoàn chúng sẽ chẳng giúp ích được bao nhiêu cho bản thân,
gia đình và xã hội.
6.
Phát triển cảm xúc, tình cảm:
Tình
cảm, cảm xúc liên hệ đến thái độ, hành động của con người: Ta cảm xúc thế nào,
ta thể hiện ra như vậy.
Các TS cần được hướng dẫn để biết suy nghĩ
tích cực trong mọi trạng huống, vì nếu quen suy nghĩ tích cực, chúng ta sẽ luôn
thể hiện lời nói, hành vi tích cực, như thế chúng ta mới làm chủ được tình cảm,
cảm xúc, biết thể hiện cảm xúc đúng cách, đúng
nơi, đúng lúc.
HUẤN LUYỆN CÁCH NÀO?
Phong trào HĐ đã cung cấp cho chúng ta một
phương pháp gồm 07 yếu tố rất đầy đủ và có hiệu quả, nhưng trên thực tế, chúng
ta thường chỉ thực hiện những gì mình thích và dễ làm, ví dụ đi trại, giúp ích,
từ thiện (yếu tố thiên nhiên-Nature), còn những yếu tố khác như Khung biểu tượng
(Symbolic frame work,) Luật và Lời hứa, phát triển cá nhân (personnal
progression)... chúng ta thường đặt nhẹ.
Việc
làm quy ước tu thân (QƯTT), tôi thiết nghĩ, chúng ta nên chấn chỉnh lại, các Ấu,
Thiếu, Kha sinh còn là những học sinh, có sẵn chương trình thăng tiến và cứ thế
mà học luyện theo sự hướng dẫn của các Trưởng của chúng, còn các TS lớn tuổi,
thường mắc đi học, đi làm và theo nguyên tắc tự trau dồi, học luyện của ngành
Tráng thì các Trưởng cho các em làm cam kết sẽ tự học những môn do Toán Lãnh đạo
đề ra cách tự do với sự hướng dẫn của các bảo huynh. Như vậy nội dung của cam kết
học hỏi không phải là tu thân hiểu theo ý nghĩa đạo đức xã hội hay đạo đức
trong các tôn giáo mà chỉ là cam kết học chương trình phát triển cá nhân
(personal progression) mà ta quen gọi là chương tình thăng tiến của Đoàn mà
thôi.
Nhưng ở Việt Nam với ngành Tráng chúng ta
cũng có thể dạy các TS theo chương trình như VPHĐTG đề nghị:
Discovery-Journey-Departure tương đương với Tân tráng, Dự tráng, Lên đường
(chương 6 Guidelines) và với việc rèn luyện đức tính, cảm xúc, tình cảm…
chúng ta cũng có thể làm theo QƯTT như vẫn quen làm.
Ngành Tráng thế giới phát triển theo nhiều
hướng khác nhau, nhưng những hướng dẫn của Văn phòng HĐTG vẫn là điểm chung nhất
mà chúng ta có thể học tập và áp dụng để mang lại lợi ích cho việc giáo dục các
thanh niên của chúng ta. Dù trong hoàn cảnh đầy rẫy những khó khăn, chúng ta vẫn
phải cộng tác với nhau tiếp tục công việc giáo dục quan trọng này cho xã hội và
cũng là chuẩn bị cho hội nhập, khi Phong trào được tái gia nhập WOSM trở lại.
Gấu nhiệt thành Vinh
Sơn Trần Hòa
(Viết
theo những tài liệu của VP/HĐTG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét