Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Trăn trở với ngành Tráng


Báo sốt sắng-RS


Là một trong 4 ngành của Hướng Đạo, ngành Tráng có tính đặc thù bởi các hoạt động mang lại sự phát triển cá nhân, để phục vụ mục tiêu gồm: Cung cấp huynh trưởng cho phong trào; đủ trí lực, thể lực phục vụ đến cộng đồng xã hội. Chính xác hơn, ngành Tráng là giai đoạn hoàn tất những hạng mục cuối cùng của chương trình huấn luyện Hướng Đạo (HĐ), đào tạo thanh thiếu niên trở thành con người hữu ích cho xã hội. 

Sinh thời, Baden-Powell - Người sáng lập phong trào Hướng Đạo (PTHĐ) có quan niệm rằng ngành Tráng không có giới hạn tuổi phần trên (no upper age limit); tuy nhiên sau khi ông mất vào năm 1941, độ tuổi tiêu biểu Tráng sinh ở hầu hết các nước trong phạm vi từ 18 – 27. Tuy vậy do hoàn cảnh lịch sử, hiện nay ngành Tráng HĐVN còn có phân nhánh Tráng huynh tuổi không giới hạn.

Gian nan ngành Tráng thế giới

Không chỉ ở Việt Nam, mà hiện nay ngành Tráng tại PTHĐ nhiều nước đối diện với những khó khăn nhất định. Đặc biệt sự hình thành các Tráng đoàn tỏ ra khá đa dạng và linh hoạt tùy theo đặc điểm tình hình đơn vị hoặc địa phương đó. Ví dụ ở Úc, Tráng sinh bao gồm các thanh niên và phụ nữ tuổi từ 17 đến 25. Nó là nguồn hỗ trợ huynh trưởng và phục vụ những hoạt động lớn cho hội HĐ. Không ít ý kiến nên bãi bỏ nó. Và hiện tại nhiều địa phương, các Tráng sinh chọn phương pháp tự trị; các huynh trưởng rút lui ra phía sau để trở thành các Cố vấn, vì vậy trong tự điển HĐ từ Advisor hiện được định nghĩa là huynh trưởng trong các Tráng đoàn. Ngành Tráng Úc cung cấp huynh trưởng phục vụ các ngành trong phong trào, nhưng đặc biệt nhấn mạnh ở khía cạnh phục vụ cộng đồng dân cư sở tại.

(UNITED KINGDOM - JULY 16: The First Rover Moot )

Đặc điểm nổi bật của ngành Tráng nước Úc là sự hiện hữu của nhiều Tráng đoàn biệt lập tại các tiểu bang. Trong đó nhiều thành viên không có những sinh hoạt chính thức, nhưng họ họp mặt qua thư từ, mạng xã hội và chỉ gặp trực tiếp nhau ở một cuộc trại Tráng đoàn (Rover Moot) hàng năm ở cấp tiểu bang, hay quốc gia. Trại Họp bạn Tráng sinh Úc được tổ chức ba năm một lần.

Tại Canada, độ tuổi Tráng sinh được quy định từ 18-26 và là một phần thuộc chương trình của Hội Hướng đạo. Chương trình Tráng sinh là giai đoạn cuối cùng trong sinh hoạt Hướng đạo Canada sau chương trình Kha sinh (Venture Scout). Sinh hoạt ngoài trời là một phần thiết yếu của chương trình Tráng sinh. Ngoài các hoạt động thám du như leo núi, đi thuyền vượt thác, cắm trại trong thiên nhiên… Tráng sinh giúp các cộng đồng địa phương bằng việc điều hành các hoạt động phục vụ cộng đồng như thu gom cứu trợ nạn nhân thiên tai, lũ lụt, chiến tranh; dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường… 

Giống như Úc, các Tráng sinh họp thành nhóm gọi là "Crew" (Tráng đoàn), và tự phát triển, điều hành chương trình riêng của họ dưới sự chỉ dẫn của một cố vấn có uy tín.

Tại Anh – nơi khởi nguồn của phong trào HĐ cũng gian nan không kém. Năm 1967, ngành Tráng (Rover Scouts), Hội HĐ Anh quốc ngưng trệ hoạt động, do chương trình Tráng sinh nguyên thủy chấm dứt và được thay thế bởi chương trình ngành Kha (Venture – mạo hiểm), sau được cải tiến thành (Explorer – khám phá). Gần đây, ngành Tráng, Hội HĐ Anh tái xuất hiện với chương trình Scout Network (kết nối mạng). Riêng bên cạnh Hội HĐ Anh, có các tổ chức HĐ khác (chủ yếu là Hội Hướng đạo Baden-Powell và Hội Tráng sinh Hướng đạo) không liên kết với Tổ chức PTHĐ Thế giới, và tiếp tục chương trình Tráng sinh nguyên thủy.



Tráng sinh tại Hoa Kỳ


Tại Hoa Kỳ, năm 1928 vài Tráng đoàn ở Seattle, Detroit, Toledo… xuất hiện sau vài hội nghị huynh trưởng các Châu, Đạo. Để hỗ trợ sự khởi đầu ngành Tráng trong Hội Nam Hướng đạo Mỹ (BSA), khóa Huy hiệu Rừng đầu tiên được tổ chức là một khóa dành cho Tráng sinh, được huynh trưởng Anh là John Skinner Wilson hướng dẫn. Tuy vậy, ngành Tráng được ghi nhận chưa bao giờ lan rộng trong BSA. Văn phòng Quốc gia cũng không có quảng bá nhiều về nó mà chỉ chú trọng vào việc thúc đẩy các chương trình lớn tuổi khác như HĐ Hải đoàn và Kha sinh (Explorer Scouts hoặc Venturers). Đặc biệt, Đệ nhị Thế chiến ngành Tráng tại Hoa Kỳ có nhiều thanh niên trong độ tuổi phải chiến đấu cho quốc gia của họ ở hải ngoại… Đến năm 1949, Hội Nam Hướng đạo Mỹ chỉ công nhận 1.329 Tráng sinh. Và năm 1952, Hội Nam Hướng đạo Mỹ quyết định ngưng không cho đăng ký thêm Tráng đoàn mới. Các Tráng đoàn tiếp tục tồn tại là vì họ tái đăng ký như Kha đoàn (Exploring) nhưng tiếp tục sử dụng chương trình của ngành Tráng.

Hiện nay, Tráng sinh nguyên thủy ở Hoa Kỳ đang tập họp lại trong hình thức Hội Tráng sinh Hoa Kỳ và không liên hiệp với Hội Nam Hướng đạo Mỹ. Nhóm Hướng đạo sinh Mỹ này tận tụy cống hiến để làm sống dậy lịch sử và truyền thống ngành Tráng nguyên thủy. Cũng có một số Kha đoàn (Venture Crews) của BSA sinh hoạt tương tự các Tráng đoàn nguyên thủy và phát triển các hoạt động thám hiểm cao cấp ngoài trời, phục vụ cho các kỳ họp bạn lớn…

Gian nan sinh hoạt Tráng đoàn


Dù vậy, ngày nay ngành Tráng vẫn là một phần quan trọng của Hướng đạo tại nhiều quốc gia. Ngành Tráng HĐ thậm chí còn tiếp tục trong hàng ngũ các binh sĩ thời Đệ nhị Thế chiến; kể cả ngay trong trại Tù binh Chiến tranh. Các dấu vết còn lại của Tráng đoàn tại Changi (Singapore) gồm có cờ đoàn đã được cất giữ; hiện nay các kỷ vật đó được giữ tại Trung tâm Di sản Hướng đạo của Hội Hướng đạo Úc ở Victoria. Nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ… thường xuyên tổ chức các trại họp bạn của ngành Tráng thường niên. Ví dụ Tân Tây Lan tổ chức Trại Họp bạn Tráng sinh Quốc gia hàng năm vào cuối tuần Lễ Phục sinh và tiếp đón trọng thể các đoàn Tráng sinh quốc tế đến tham dự.



Trước khi lìa rừng, Người sáng lập phong trào Hướng Đạo (HĐ) Baden Powell đã nói: “Phong trào nằm trong tay Tráng sinh”. Quan điểm này có thể hiểu: Không có Tráng sinh, sẽ không có huynh trưởng. Và điều đó có nghĩa phong trào sẽ lụi tàn.



Ở Việt Nam, ngành Tráng chưa một ngày ngơi nghỉ. Và từ năm 1930, khi Tráng đoàn Lam Sơn do Trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập cho đến nay, ngành Tráng có ý nghĩa quan trọng và giữ vai trò là vườn ươm Trưởng, mà nguyên liệu chính là các Tráng sinh. Đáng chú ý, sau năm 1975 cho đến nay phong trào các địa phương từ Bắc chí Nam tái phục hoạt rộng khắp đều bắt đầu từ những Tráng đoàn.
          
Từ trạng thái “giữ lửa”, bước ra công khai, phong trào luôn đối diện với những trăn trở, áp lực mới. Một trong số đó là tình trạng thiếu huynh trưởng trầm trọng diễn ra không trừ một đơn vị nào. Thời gian hơn 25 năm tạm ngừng sinh hoạt là một khoảng trống quá lớn để cho một thế hệ HĐ trưởng thành. Ở Đà Nẵng, tính từ ngày Ấu đoàn đầu tiên của Đạo An Hải tái hoạt động chính thức vào năm 2006, thì đến nay, phong trào bắt đầu đón lớp Tráng sinh mới. Ở Sài Gòn thì sớm hơn một chút. Thế nhưng điều đáng trăn trở hiện nay hầu như trong số hàng trăm huynh trưởng trong PTHĐ Đà Nẵng hôm nay, số HĐS trưởng thành, nhận được sự giáo dục tiệm tiến từ lứa tuổi Ấu, lên đến Tráng sinh, và trở thành những huynh trưởng không nhiều, thậm chí đếm trên đầu ngón tay.

Chiếm đa phần các Trưởng đơn vị cầm đoàn hiện nay hầu hết những cựu HĐS, vì trách nhiệm với phong trào, xông pha trở lại, trở thành huynh trưởng, mà không qua chương trình giáo dục của ngành Tráng, hoặc là những thanh niên yêu thích phong trào mà tham gia, rồi trở thành Trưởng HĐ. Họ phải “tự chèo lái con thuyền” bằng cách tự học lại các kỹ năng HĐ tân sinh, hạng nhì, hạng nhất của ngành Thiếu, Kha… Đó là một thử thách không nhỏ cho bản thân họ và hơn hết là cho cả đoàn, nơi họ đang làm công việc giáo dục các em trở thành con người hữu ích cho xã hội.

Vì vậy nhiều Tráng sinh thiếu kỹ năng HĐ, dẫn đến mất tự tin khi được giao điều khiển sinh hoạt đơn vị là chuyện không hiếm. Từ đó dẫn đến tự ty, thấy không còn thích hợp… và cuối cùng là rời đoàn, dù rằng họ vẫn còn rất yêu phong trào. Từ thực tế đó, nhiều Tráng đoàn buộc phải “bấm bụng” huấn luyện trở lại chương trình Tân sinh của ngành Thiếu cho Tráng sinh, nhưng kết quả cho thấy là việc gần như bất khả. Và các em có bản lĩnh, quyết “sống chết” với phong trào chỉ có con đường duy nhất là phải tự hoàn thiện kỹ năng HĐ cho mình bằng cách tự học. Trong khi đó, để tròn vai trò GIÚP ÍCH theo châm ngôn của ngành thì các Tráng đoàn còn vô số các công trình, dự án… phải thực hiện.

Có những Tráng đoàn một thời gian dài tỏ ra mạnh mẽ trong sinh hoạt, nhưng lâu dần, các em bước vào đời, lo công ăn việc làm, chồng con đã đến các thành viên rơi rụng dần, và việc xây dựng, phục dựng lại nề nếp sinh hoạt ngày càng trở nên khó khăn. Hơn hết hoạt động các Tráng đoàn lặp lại những trở ngại mà ngành Tráng chung thế giới từng đối diện.

Một khía cạnh khác, khoảng trống trên con đường giáo dục tiệm tiến của một HĐS vô hình trung cung cấp cho phong trào, những sản phẩm thiếu hoàn chỉnh, và không ít thì nhiều, sẽ mang lại những kết quả không mong muốn cho mục tiêu của phong trào. Đặc biệt, hiện nay phong trào HĐ ở khắp ba miền đều bắt đầu phát triển nhanh. Nhu cầu huynh trưởng cầm đoàn ngày càng lớn. Và hơn hết các sinh hoạt HĐ đã công khai trên hầu hết các địa phương, nhất là sau khi được Phong trào HĐ Thế giới tái công nhận vai trò thành viên thứ 170, nên có thể khẳng định rằng phong trào HĐ đang yêu cầu một sinh hoạt quy cũ, đúng phương pháp, nguyên lý của Người sáng lập đề ra.

Đứng trước những yêu cầu của phong trào, của cuộc sống, ngành Tráng HĐVN đang đối diện với nhiều thách thức. Khó có thể tìm được một mẫu số chung cho sinh hoạt các Tráng đoàn nói riêng, ngành Tráng trong nước và thế giới nói chung.

Vì vậy sự tồn tại mạnh hay yếu hiện nay của “vườn ươm” Trưởng phụ thuộc vào trình độ nhận thức và lòng nhiệt thành của người Tráng trưởng. Ông bà ta có câu “Có bột mới gột nên hồ”, người Tráng trưởng hôm nay, không mong muốn gì hơn được nhận dồi dào nguyên liệu đạt tiêu chuẩn từ ngành Kha, để tiếp tục công cuộc đào tạo huynh trưởng cho phong trào và cung cấp cho xã hội những con người hữu ích.      
 

BSS


*(Ảnh minh họa: thaithuan st)

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét