Lâm Vinh
Đã
lâu lắm rồi, kể từ lúc còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, tôi chưa hề được
nghe lại từ “danh dự” trực tiếp từ miệng một ai đó phát ra. Thời trước, mọi người
rất coi trọng danh dự. Hễ có chuyện gì căng thẳng một chút, người ta dám đem
danh dự (gia đình, dòng tộc hoặc học đường…) ra để bảo chứng cho những gì mình
sẽ thề thốt. Tôi cũng nhớ rất rõ rằng, các cuộc giao dịch, buôn bán lúc đó người
ta chỉ dùng uy tín để tạo niềm tin, chứ không nhất thiết phải ràng buộc với
nhau bằng nhiều loại hợp đồng phức tạp như bây giờ, nhưng vẫn cứ bị lật kèo, bị
lừa đảo một cách trắng trợn.
Lời
hứa Hướng đạo thường được đọc một cách trang trọng trong các nghi lễ chính
Thông
thường danh dự được hiểu là “Sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị
tinh thần, đạo đức tốt đẹp hay uy tín của một người nào đó”. Thật ra, đây là một
từ Hán Việt thâm thúy, và muốn hiểu tường tận ta phải chiết tự để tìm về từ
nguyên của nó.
Danh
“名”là tên, gồm bộ tịch “夕” (đêm
tối) hội ý với bộ khẩu “口” (cái miệng) mà thành. Từ thời
thượng cổ, con người phải sống trong các hang động tăm tối nên luôn bị nhiều mối
nguy hiểm rình rập, đe dọa. Có lẽ vì thế, trong bóng đêm muốn liên lạc với nhau
người ta phải dùng miệng kêu to tên ai đó lên, nên “danh” có nghĩa là tên hoặc
danh xưng của một người.
Dự
“譽” là tiếng tốt, gồm chữ dự “與”
(tham dự) hài thanh với bộ ngôn “言” (lời nói) làm nên.
Cho nên, tên tuổi tốt, xấu của một người lại được hình thành từ lời nói của
chính người đó. Người xưa thường nói “Quân tử nhất ngôn” có nghĩa người đàng
hoàng chỉ nói một lời là đủ tin cậy, ngay cả xe do bốn con ngựa kéo chạy theo
cũng khó bắt kịp (Quân tử nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy).
Như
vậy, danh dự gắn liền uy tín của một người thông qua việc tiếp xúc hằng ngày với
mọi người bằng ngôn ngữ. Người luôn giữ lời, hẹn đúng giờ, không ba hoa sẽ luôn
được mọi người quý mến, kính trọng. Ngược lại, kẻ khoác lác, hay khoe khoang
quá đáng, nói không giữ lời, chuyên gia hứa lèo… tất bị mọi người coi thường. Đức
Đạt Lai Đạt Ma cũng khuyên rằng “Trên đời có hai thứ quý giá nên tiết kiệm đó
là sức khỏe và lời hứa”. Sức khỏe thì khỏi phải bàn, nhưng lời hứa thì cần cân
nhắc cẩn thận, và khi đã hứa thì phải chắc chắn giữ lời. Trong cuộc sống đời
thường, nhất là trên thương trường, sự uy tín chính là chiếc chìa khóa bảo đảm
mức độ thành công cao và lâu dài cho bất kỳ người nào biết thủ tín.
Trong PTHĐ các Trưởng luôn là tấm gương
mẫu mực để các em noi theo. Vì vậy, đừng vì cao hứng nhất thời, hứa hẹn lung
tung nhưng không thực hiện được sẽ là một hệ lụy vô cùng nghiêm trọng sau này.
Có nhiều vị khi đã xảy ra sự cố lại phân bua do thế này, tại bởi kia…(?). Các vị
lại không hiểu được rằng, nếu đứng về góc độ đoàn sinh, hình ảnh “thần tượng”
dưới nhãn quan của các em đã bị sụp đổ một cách thê thảm mà vô phương cứu vãn.
Hướng
đạo sinh quý trọng danh dự không khác một hiệp sĩ Châu Âu thời Trung cổ, hoặc
người quân tử chân chính của Phương Đông xưa kia. Đó chính là, họ thà chịu thiệt
thòi để làm “Quân tử dại” chứ nhất quyết không chịu mang tiếng “Quân tử khôn”.
Trên tinh thần Baden Powell, chúng ta chỉ cần giữ đúng điều luật thứ nhất, chín
điều luật còn lại sẽ tự động theo sau. Bởi vì “Hướng đạo sinh trọng danh dự và
ai cũng có thể tin lời nói của Hướng đạo sinh”. Vâng, đã hứa được phải giữ lời.
Có như vậy, chúng ta mới cảm thấy tự hào mỗi khi mang sắc phục truyền thống này
trên người.
LV
(Đà Nẵng, Mồng mười tháng ba Kỷ
Hợi 2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét