Lưu Văn Thiên
Đã
từ lâu, Suối Lương là địa điểm thân thương của gia đình Hướng đạo, là nơi tổ chức
các khóa huấn luyện Cơ bản, Dự bị và Huy Hiệu Rừng cho các ngành Ấu, Thiếu, Kha
và Tráng. Ngoài ra, hằng năm các đơn vị cũng tổ chức trại Đạo, trại Liên đoàn, cũng như những khóa
huấn luyện về chuyên môn và họp mặt. Suối Lương đã khắc ghi vào mỗi HĐS biết
bao kỷ niệm thân thương không thể xóa nhòa. Thế rồi khu du lich Lái Thiêu xuất
hiện để san sẻ gánh nặng cho Suối Lương, một địa điểm cũng rất thích hợp cho
phong trào sinh hoạt. Tôi đã biết khu du lịch này từ rất lâu nhưng tên gọi Lái
Thiêu thì bây giờ tôi mới biết.
Rồi
trong đợt cắm trại hè 2018 của Đạo Quảng Nam, lần thứ hai tôi lại đến với Lái
Thiêu, ông Nguyễn Đình Quảng, trưởng ban
quản lý của khu du lịch, đã giới thiệu cho tôi và một số Trưởng Hướng đạo xem những cây trái lạ, quý hiếm và
đặc biệt là cây cam trĩu trái có đến khoảng 500 quả xanh mướt mượt mà. Vừa lúc
đó có một cặp đôi từ nước Úc vào khu du lịch tham quan, tôi và Trưởng Nam Chinh
ở Tráng đoàn Sông Thu đã giúp ông Quảng và nhân viên giao tiếp với họ. Ông thật hiếu khách, thết
đãi cho cặp đôi này một trái mít rừng thơm lựng. Ông tâm sự rằng, ông rất vui
khi đón tiếp khách nước ngoài. Ông cũng kể lại những gian nan vất vả khi phải đối
phó với lũ quét hằng năm. Tôi hỏi ông, có phải khu du lịch muốn tái hiện vườn
cây trái giống như ở Lái Thiêu Miền Nam, nên khu du lịch có tên là Lái Thiêu?
Ông trả lời: không hẳn là vậy, và ông cho biết: Vườn cây ở Lái Thiêu Miền Nam
khác hẳn với vườn cây trái ở khu du lịch này, những cây trái ở đây là những cây
trái của địa phương, của núi rừng quê hương
Quảng Nam Đà Nẵng, và một số cây trái phải lặn lội từ Nam ra Bắc để mang
về. Khách du lịch có thể tìm thấy những cây trái mà cả đời chỉ nghe tên nhưng
chưa tận mắt thấy. Theo sự hiểu biết của mình, tôi điểm danh được một số cây:
cây trâm, cây sim, cây chòi mòi, cây chùm cơm, cây dủ dẻ, cây bứa, cây mãng cầu
rừng, cây chay, cây bòn bon, cây bưởi, cây cam sành, cây chanh leo, chanh ta,
cây chà là, cây mít, cây chuối, cây dâu tây, cây dâu tằm, cây dừa, cây đào, cây
mận, cây đu đủ, cây hồng quân, cây xoài, cây ổi, cây óc chó, cây sung, cây vải,
cây vú sữa, cây cò ke, cây thị nhung, cây nhãn, cây sầu riêng….. và còn vô số
cây trái tôi không biết. Vườn cây của khu du lịch đã được Kỷ lục Guiness Việt
Nam xác nhận là khu sinh thái có nhiều loại cây trái nhất, khoảng trên 120 loại
khác nhau .
Câu
chuyện lại tiếp tục khi ông hỏi tôi có biết
ý nghĩa của tên gọi Lái Thiêu ở Miền Nam không. Hỏi xong, ông giải thích ngay vì ông tin rằng chúng tôi
chưa biết. Mà đúng vậy, ngay cả khi về nhà tôi tra tìm trên các trang mạng cũng
không tìm thấy câu chuyện độc đáo mà ông đã kể. Ông nói rằng: Lái Thiêu (Miền
Nam) là vùng đất khi đó chưa có tên gọi và rất ít người sinh sống ở đó, vì đường
đến đó phải di chuyển bằng thuyền bè, phải vượt qua những đoạn sông nước chảy
xiết đầy hiểm nguy, nên không ai dám mạo hiểm. Có một lái buôn đã bỏ tiền và
công sức đóng nhiều thuyền bè và đưa người đến đó sinh sống, những khúc sông chảy
xiết ông cho thuyền chở cát đến san lấp để giảm bớt sức nước và những vùng
xoáy. Miệt mài nhiều năm tháng, dòng sông được thuần hóa, nên việc đi lại dễ
dàng. Ngôi làng càng ngày càng có nhiều người đến lập nghiệp, tạo thành một
ngôi làng sầm uất nhộn nhịp. Ông lái buôn luôn giúp đỡ những người chân ướt
chân ráo đến đây mà chưa biết cách làm ăn, giúp cho cuộc sống của họ được nâng
cao, cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhưng nào ngờ, một số người đã vô ơn và
phản bội, họ quên đi lúc cơ hàn thuở ban đầu, họ quên đi tình nghĩa, họ tranh
giành quyền lợi và bôi xấu ông nhằm giành giật khách hàng. Buồn cho thế thái
nhân tình, buồn vì cuộc đời đen bạc, ông gom hết đội thuyền của mình khoảng 12
chiếc và đưa ra giữa ngã ba sông, cột chặt các chiếc thuyền lại với nhau và hỏa
thiêu, kết thúc một ước mơ còn dang dở, kết thúc một cuộc đời đầy bi thương.
Sau sự cố này người ta mới bừng tỉnh, mới nhớ đến công lao của ông, nên đặt tên
cho vùng đất này là Lái Thiêu (có nghĩa là ông lái buôn tự thiêu), câu chuyện
này nghe có vẻ hoang đường nhưng cũng
hay hay…
Khu
du lịch sinh thái Lái Thiêu (Đà Nẵng) hiện nay thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú,
nơi có nhiều đồng bào Cơ Tu sinh sống, nên Lái Thiêu cho xây dựng những khu nhà
để cho du khách nghỉ ngơi theo kiểu nhà Gươi, nhà sàn của người Cơ Tu, vừa tạo
nét riêng cho khu du lịch, vừa nhằm bảo tồn văn hóa và bản sắc của họ. Người Cơ
Tu sống rải rác khắp các triền đồi và thường an táng người thân của mình gần
nơi sinh sống, nên khu du lịch đã xây dưng một nghĩa trang rộng rãi để đưa các
phần mộ rải rác trong khu vực về đó.
Tại
đây cũng có một khu vườn xoài tươi mát,
có thảm cỏ xanh tốt rất thích hợp để dựng
lều trại và cũng có khu đốt lửa trại tách biệt nằm trên
triền núi cao hơn, dưới ánh lửa bập bùng tha hồ mà ca hát. Tôi mong rằng khu du
lịch sinh thái Lái Thiêu ngày càng phát triển, một Lái Thiêu có một tương lai rực sáng, ngày càng vươn cao để
nối kết mọi người khắp đất nước, qui tụ về đây như một đại gia đình, rũ bỏ những
mệt nhọc thường ngày, để tận hưởng mùi thơm
dịu dàng của hoa thơm cỏ lạ, tận hưởng hương vị ngọt ngào của những quả
rừng nơi vùng sơn cước yên bình này.
Lưu
Văn Thiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét