Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Trưởng ơi ?



Sóc tử tế


Tôi đang thu xếp một vài vật dụng cá nhân vào balo để sẵn sàng rời đất trại, thì có vài em khóa sinh đến bên tôi và lên tiếng:
- Trưởng ơi! Trưởng chuẩn bị hành trang ra về à?
- Ừ, thì cũng sắp sẵn đó mà.
- Trưởng có thể cho chúng em hỏi Trưởng một vài điều không ạ.
- Ok, có việc gì thì cứ hỏi, nhưng hỏi khó quá thì Trưởng xin chịu đó nghe.
- Dạ những điều này chắc là Trưởng đã biết cả rồi.
- Nào, hỏi gì nào..

- Dạ, đêm qua (tối 29-4-2019) Ban Huấn luyện (khóa DB/HHR Thiếu Miền I – 2019) tổ chức đêm Gala mừng 100 năm HHR quá hoành tráng, quá hấp dẫn và quá vui… nhưng tụi em cũng chưa hiểu rõ về lịch sử 100 năm HHR nó như thế nào?
- Đúng là các em chưa hiểu hết đâu. Nếu đêm Gala tối qua được tổ chức cho một khóa HHR thì đêm đó thật là ý nghĩa. Vì năm nay – 2019, đúng 100 năm mà BP đã mở khóa huấn luyện HHR đầu tiên tại Gilwell Park gần London, nước Anh.

- Tại sao phong trào được thành lập từ 1907 mà mãi đến 1919 mới có khóa huấn luyện Trưởng?

- Câu hỏi rất hay, có suy tư logic. Có thể nói là sau trại thử nghiệm năm 1907, thì phong trào được chính thức phát triển  vào năm 1908, lúc đó BP đã nghĩ đến việc huấn luyện rồi. Năm 1911,1912, tức sau 3 năm, BP đã có những khóa huấn luyện nhỏ cho các trưởng đơn vị, nhưng chưa qui mô bài bản. Đến năm 1913, BP đã soạn thảo một giáo trinh huấn luyện bài bản  cho các Thiếu Trưởng, (lúc đó chỉ mới có ngành Thiếu) và gọi là khóa  “Wood Badge” (tức là Huy Hiệu Rừng)… Nhưng phần vì do chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), phần vì chưa có địa điểm thích hợp để mở trại trường, cho nên mãi đến năm 1919, thì cơ hội mới đến: chiến tranh chấm dứt và có người mua đất tặng cho phong trào.

-        Ai mua đất tặng cho phong trào vậy Trưởng ?

-        Đó chính là ông William de Bois Maclaren, một thương gia giàu có người gốc Tô Cách Lan; Ông cũng là Ủy viên Đạo Trưởng  Đạo Rosneath vùng Dumbartonshire.
-        Mua đất ở đâu Trưởng ?
-        Đầu năm 1919, Ông  William de Bois Maclaren có ý nguyện “làm một điều gì đó” cho phong trào HĐ Anh quốc, nên Ông đến văn phòng Trung Ương gặp Ủy viên Francis Morgan và nói có thể giúp cho Phong trào một số tiền lớn (độ năm bảy ngàn bảng Anh). Nghe vậy Morgan mới trình bày 2 ước nguyện lớn nhất của BP hiện nay: Một là  có đất để cho các em cắm trại, hai là có nơi để  mở trại huấn luyện (Camp d’ecole).
          
Sau đó ông Francis Morgan đưa Ông William đến gặp BP, và hai bên quyết định lập một ban đi tìm kiếm vùng đất thích hợp. Đến khoảng tháng 4 năm 1919 thì mua được khu đất Gilwell Park, cách London chừng 32 km. Đây là khu đất tương đối rộng, đủ chổ cắm trại và làm trại trường. Việc chỉnh trang, tu sửa, và tái phối trí  được thực hiện ngay và đến ngày 25-7-1919 thì khánh thành.

-        Và khóa HHR đầu tiên đó được mở ngày nào Trưởng?.

-        Đây là một thời điểm rất dễ nhớ. Khóa được chính thức mở ngày 9-1 (tức ngày 8) đến ngày 19 tháng 9 năm 1919. Tổng cọng khóa là 11 ngày, trải qua 3 giai đoạn: 1, 2 và 3. Khóa này gồm có 20 khóa sinh.



-        Chắc BP là Trại trưởng đầu tiên này phải không Trưởng ?

-        Không  đâu, BP là Thủ Lĩnh mà, Cụ đã trao cho Trưởng Francis Gidney làm Trại Trưởng (Camp Chief), nhưng BP là người trực tiếp hướng dẫn khóa.

-        Trưởng nói là Huy Hiệu Rừng, nhưng sao có Trưởng lại nói là Bằng Rừng?.

-        Đúng là trước đây chúng ta quen gọi là “Bằng Rừng”, vì nghĩ rằng kết quả của một cuộc học tập thì được cấp văn bằng để chứng nhận. Nhưng nay chúng ta dùng đúng danh xưng của nó là Wood Badge (Wood là gỗ, là rừng, còn Badge là huy hiệu, là phù hiệu…). Hơn nữa danh xưng Huy Hiệu Rừng nó nói lên cái ý nghĩa chuyên biệt của HĐ, đó là một trọng trách, là 2 cục nợ, mà Phong trào giao cho Trưởng để Trưởng dấn thân đảm nhận công việc giáo dục các em, chứ không phải là cái Văn Bằng đem về treo cho thiên hạ lé mắt chơi.

-        Cụ thể Wood Badge mà BP trao cho các khóa sinh đó là gì Trưởng ?

-        Khi một khóa sinh hoàn tất 3 phần của khóa trại một cách thỏa đáng, thì BP mới trao cho họ (mang vào cổ) môt cái dây da may mắn mà 2 đầu có đính 2 mẫu gỗ nhỏ được đốt cháy nám 2 đầu, mà BP lấy trong xâu chuổi dài khoảng 3 mét của Tù Trưởng Dinizulu dâng cho Cụ khi còn ở Châu Phi. Các em có kinh ngạc và thán phục tài sáng tạo của Cụ tổ chúng ta không. Chỉ với một chiếc dây da với 2 cục gỗ bé nhỏ đó mà Cụ đã sáng chế ra cái HHR lừng danh trên thế giới, mà trong suốt 100 năm qua, ai được trao, dù trẻ hay già, trí thức hay thương gia, cũng đều thích thú và trân quí một cách hết sức nghiêm túc.



-        Dạ đúng như vậy Trưởng, chúng em cũng háo hức mong cho đến ngày hoàn tất khóa HHR để được đón nhận cái HHR thật ý nghĩa này.
-        Quyết đi thì sẽ tới đích thôi, nhưng nên nhớ rằng, khi được trao cái HHR là lúc các em mới chính thức lên đường, nhập cuộc, nhận trách vụ giáo dục các em, chứ không phải nhận được rồi là chấm hết, là đem về để khoe mẻ, để có dịp mang vào mang ra cho nó le lói, cho nó oai vệ.

-        Em thấy có Trưởng nhận HHR nhưng không có nhận hướng dẫn đơn vị, đoàn nào cả. Sao thế Trưởng ?

-        Vụ này thì xin phép nhường cho mấy Trưởng đã nhận HHR, (không những một ngành mà có khi đến 2,3 ngành) mà chưa hề đảm nhận trách vụ Trưởng đơn vị nào cả, hãy trả lời cho các em.
-        Chắc không ai trả lời đâu Trưởng.
-        Có lẽ họ nín thở để qua sông nhỉ ! Thôi mình bỏ qua câu này kẻo có người xấu hổ tội nghiệp.

-        Thưa Trưởng, em có nghe nói là có HHR Ủy viên Liên Đoàn trưởng nghĩa là sao Trưởng?.

-        Đúng, thỉnh thoảng do nhu cầu quản trị Liên đoàn, nên Khối Huấn luyện có mở khóa Ủy viên LĐT, gọi là khóa HHR Ủy viên Liên đoàn trưởng, để giúp cho các Trưởng phụ trách việc điều hành Liên đoàn biết được công việc của Liên đoàn. Đây không phải là khóa HHR thông thường, nhằm đào tạo Đơn vị trưởng, tức Đoàn trưởng một đoàn. HHR/ Ủy viên LĐT không thể đảm trách công việc Đơn vị trưởng. Thường các Trưởng đã đảm trách đơn vị trưởng (đã có HHR) nay có thể đảm nhận trách vụ Liên đoàn Trưởng, Liên đoàn phó… thì sẽ đi học khóa chuyên môn về Liên đoàn này, để về điều hành Liên đoàn mà thôi.

-        Sao có Trưởng chưa cầm đoàn, không có HHR mà cũng đi dự khóa Ủy viên LĐT Trưởng?

-        Các em giỏi thật, thời buổi này khó mà giấu diếm được. Trưởng cũng xin chào thua các em rồi đó?  Câu này phải nhờ đến các “Tiến sĩ HĐ” (Trưởng 4 gỗ) may ra mới trả lời nỗi, chứ trình độ làng nhàng của Trưởng thì phải thành thật nói rằng: “bó tay”. Hi hi…
-        Ủa sao lại có Tiến sĩ HĐ vậy Trưởng.
-        À, cái này là cách ví von (so đủa) của anh em tay trái nhà mình ấy mà. Hễ ai qua khóa HHR (có 2 gỗ) thì coi như đã qua Tú tài II (Tốt nghiệp THPT); Ai qua khóa ALTC (Trưởng 3 gỗ), coi như qua Cử nhân; còn ai qua khóa LTC (Trưởng 4 gỗ)  là Tiến sĩ vậy mà.

-        Ngoài cái dây da và 2 cục gỗ còn có gì khác không Trưởng?.

-        Vâng, ngoài dây da và 2 mẫu gỗ, BP còn trao cho khóa sinh một chiếc khăn quàng Gilwell 2 màu: Mặt ngoài là màu berge hơi xám, mang ý nghĩa khiêm nhường. Mặt trong màu đỏ hồng, nói lên ý nghĩa nồng nhiệt. Trên góc tam giác có đính kèm một mẫu vải ca rô  Tô Cách Lan, để nhớ đến công ơn của ông bà Willian de Bois Maclaren, người đã cho tiền để mua khu biệt thự Gilwell Park này. Khăn quàng này được gọi là khăn quàng của Đệ nhất Liên đoàn Gilwell, và chỉ mang vào những dịp Hội ngộ Gilwell, hoặc về Trại trường. Khi đi sinh hoạt thì phải mang khăn quàng đơn vị, không mang khăn quàng Gilwell.



-        Sau này, Trại Trưởng Gilwell đương thời, là Francis Gidney đã dùng sợi giây da làm phương tiện đánh lửa, thắt làm cái a nô 2 vòng để đeo với khăn quàng Gilwell.

-        Thưa Trưởng, còn cái rìu cắm trên khúc gỗ là ý nghĩa gì Trưởng?.

-        Cái  rìu  cắm vào khúc gỗ đó là biểu tượng của công việc huấn luyện HHR (hướng đạo) trên toàn thế giới. Biểu tượng này là nhãn hiệu cầu chứng của Gilwell. Cái rìu cắm ngập trong khúc gỗ tượng trưng cho sự thân thiện của tình huynh đệ hướng đạo.



        
Đang trao đổi đến đây thì có tiếng tù và vang lên báo hiệu giờ ăn cơm trưa đã đến. Các em khóa sinh phải tạm ngừng cuộc trao đổi tại đây và nói lời tạm biệt.

-        Chúng em xin cám ơn Trưởng, vì đến giờ chúng em phải đi ăn cơm. Ước mong có dịp được trò chuyện với Trưởng.
-        Trưởng cũng cám ơn các em, nhờ các em mà Trưởng có dịp ôn lại những gì mình đã học. Người ta bảo phải “văn ôn, võ luyện” kia mà.

                                                                              Sóc tử tế.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét