RS. Phạm Cảnh Đáng
Mới đó mà đã 50 năm, kể từ ngày tôi được Trưởng Bùi Thế Cần, Tráng trưởng Tráng đoàn Bàn Sơn, Huế, và Trưởng Bảo huynh Phan Gia Anh (Đạo trưởng Đạo Phú Xuân, Huế), đưa tiển tôi lên đường (RS) để dấn thân vào cuộc sống.
Tráng đoàn Bàn Sơn được thành lập vào mùa hè năm 1969 tại Huế do Trưởng Bùi Thế Cần, Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Văn Mỹ chủ xướng. Tráng đoàn Bàn Sơn là một Tráng đoàn khá đặc biệt ở Huế. Các Trưởng đều là giáo sư các Trường Đại học (Văn Khoa, Sư Phạm), Trung học Kiểu mẫu, Thiên Hựu, Huế, còn các Tráng sinh thì hầu hết là Sinh viên. Tráng Trưởng là Trưởng Bùi Thế Cần, (Giảng viên Đại học Văn Khoa, Huế), Tráng phó là Trưởng Nguyễn Văn Mỹ (Giáo sư Trung học Kiểu Mẫu).Tráng đoàn có 3 Toán, và sau này có thêm một Toán nữ (tỷ muội). Đây là Tráng đoàn liên hợp (chứ không phải hổn hợp) đầu tiên ở Huế. Tôi lúc đó làm phụ tá cho Trưởng Lê Ngọc Bưu, Thiếu trưởng Thiếu đoàn La Vang, được Trưởng Bùi Thế Cần mời vào chơi với Tráng đoàn, giúp cho Tráng đoàn (Toán trưởng) trong những ngày đầu thành lập.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1 tháng 3 năm 1970, Tráng đoàn đã làm lễ ra mắt thật long trọng tại đồi “Ba Tầng” Bàn Sơn, cạnh núi Ngự Bình. Địa điểm hành lễ được trang trí rất trang nghiêm, có bàn thờ hương đèn, chiêng trống. Bên cạnh là một cột cờ có 3 nhánh ở giữa là Quốc kỳ, hai bên là Hội kỳ và Đoàn kỳ. Lễ ra mắt Tráng đoàn đã diễn ra rất trang nghiêm “Hương trầm nghi ngút, chiêng trống vang lừng” trên đồi Bàn Sơn lộng gió.
Về dự lễ ra mắt Tráng đoàn, có các Trưởng khách mời: Lm G. Lefas, nguyên tổng tuyên úy Hướng đạo Công giáo, Lm Trần Văn Dụ, Tuyên úy HĐCG Huế, các Trưởng Tôn Thất Đông, Tôn Thất Chi, Phan Gia Anh, Hoàng Tường (Sư Tử từ bi) và Trần Văn Hồng.
Sau ngày ra mắt Tráng đoàn, tôi (Toán trưởng) và Anh Tài (Toán trưởng) được Hội đồng Tráng đoàn cho làm qui ước tu thân để chuẩn bị “Lên Đường”, mở đầu cho ngành đường tại Tráng đoàn. Tôi được Trưởng Phan Gia Anh, Đạo trưởng Đạo Phú Xuân Huế nhận làm bảo huynh. Và gần 6 tháng sau đó, tôi không nhớ rõ ngày, nhưng chính xác là vào thượng tuần tháng 8 năm 1970 (Trước ngày 15-8-1970 khoảng 1 tuần), tại bãi biển Thuận An, Huế, tôi và Trưởng Nguyễn Anh Tài (sau đó là Kha trưởng Kha đoàn La Vang), được Tráng đoàn Bàn Sơn, Đạo Phú Xuân, đã tổ chức cho hai chúng tôi Lên Đường.
Đến đầu tháng 8 năm 2020, đúng 50 năm ngày Lên Đường, tôi đã gởi lời cám ơn đến nguyên Tráng trưởng Bùi Thế Cần và Bảo huynh Phan Gia Anh của tôi, hiện còn sống tại miền Nam. Tôi dự định sẽ mừng kỷ niệm với một ngày trại đơn hành để nhìn lại một khoảng đường 50 năm đã qua. Nhưng rồi cuộc trại độc hành không thể thực hiện được vì cơn đại dịch Covid-19 lại tái xuất lần thứ hai tại Đà nẵng. Tôi đành phải thực hiện một ngày trại tại chính tư gia mình. Và trong ngày đó tôi đã ghi lại một vài cảm nhận trong dịp kỷ niệm 50 năm này :
“50 NĂM TRÁNG SINH LÊN ĐƯỜNG (RS)
Chàng lộ sĩ, sau một chặng đường dài 50 năm rong ruổi đã thấm mệt, nên chàng đến ngồi trên tảng đá bên vệ đường, để nhìn lại quãng đường đã đi qua và đưa mắt nhìn về cung đường phía trước. 50 năm với biết bao ân tình, bao cung bậc thăng trầm của cảm xúc, bao ơn sâu nghĩa nặng, bao ký ức buồn vui ...
Cung đường phía trước chắc cũng đã gần đến đích, nhưng cũng không thiếu gai góc cuộc đời, không thiếu những trò nhố nhăng của bọn khỉ rừng xanh, nhưng cũng đầy hoa thơm cỏ lạ, và thích thú, trước khi đến điểm dừng chân cuối cùng. Với tinh thần tin tưởng và tín thác, với sự sắp sẵn, tỉnh thức và hoan ca, chàng lộ sĩ lại hăm hở lên đường để đi tiếp quãng đường còn lại. Chàng lộ sĩ sẽ an vui tiến bước cùng bạn đường thân thương quí mến, cho đến trọn kiếp ngưòi.
Ngày 15.8.1970 - 15.8.2020.
RS Phạm Cảnh Đáng.
Ngày hôm nay, tôi cũng đã nhớ về Tráng đoàn Bàn Sơn, đến quý Trưởng và Tráng sinh như: Nguyễn Duy Hướng, Bách (Y khoa), Nguyễn Ngọc Phước, Nguyễn Văn Toán (VK), Huỳnh Kim Ri (VK), cha Lịch (Phủ Cam), Bùi Quang Tân ( em của Trưởng Bùi Văn Giải, Nguyễn Văn Phước, Phú (Phủ Cam), Nguyễn Tráng (DCCT), Văn Đức Triệu (VK Huế), Sum (Tây Linh), Thi, Liệu, Thụy, Trần Quang Chu, Đỗ Bá Đạt, Đỗ Bá Hậu… Đặc biệt nhất là Tráng trưởng Bùi Thế Cần (đang sống ở Sài Gòn) và Bảo huynh, Trưởng Phan Gia Anh (đang sống ở Vĩnh Long), và Cha Tuyên úy Trần văn Dụ (RIP)…Nhớ để thầm gọi tên nhau, nhớ để âm thầm nói lên lời biết ơn, nhớ để biết mình vẫn là mình…
Một kỷ niệm đã làm phong phú thêm cho cuộc sống của tôi.
RS.Phạm Cảnh Đáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét