Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

90 NĂM HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM, HAY HƠN NỮA?


  (1930 – 2020)



Duy Trà 


    Trong những ngày tháng 10 này, Phong trào HĐVN đang hân hoan, nô nức chuẩn bị, mừng kỷ niệm 90 năm, ngày thành lập Phong trào HĐVN. Nhiều cuộc hội luận của quí Trưởng chủ chốt đã diễn ra qua không gian mạng (Zoom) để bàn thảo và trao đổi về những công cuộc sinh hoạt thiết thực chào mừng kỷ niệm, trong bối cảnh cả nước đang bị dịch Covid-19 hoành hành, phải giãn cách xã hội. Chương trình sinh hoạt nhìn chung thì rất phong phú, đa dạng, đa lãnh vực. Chúng ta có thể tìm hiểu cụ thể tại trang nhà Fanpage : http://www.facebook.com/pathfinderscoutsvietnam

    Ở đây, tôi xin có một vài chia sẻ về cột mốc lịch sử khai sinh của Phong trào HĐVN, mà nhiều người còn chút băn khoăn: 90 năm Hướng đạo Việt Nam, hay hơn nữa? để chúng ta an tâm mừng lễ cho trọn vẹn. 

    Theo một số tư liệu và hồi ký, gần đây nhất là cuốn « Kỷ Yếu Hướng Đạo Việt Nam, 1930-1945 » của Trưởng Phạm Văn Nhơn, và cuốn «Những Dấu Ấn 85 Năm Hướng Đạo Việt Nam, 1930-2015» của Trưởng Lê Ngọc Bưu, thì chúng ta biết rằng, từ năm 1925 người ta đã thấy nhiều đoàn “Eclaireur” (HĐ) xuất hiện ở Hà Nội và Sài Gòn, “nhưng tất cả là HĐ Pháp, đa phần là Công giáo”. Đó là những đoàn Eclaireur của các trường Trung học Pháp, như Albert Sarraut (Hà Nội), Chasseloup Laubat (Sài Gòn), và ở một vài giáo xứ Công giáo. 

    Nhưng tại các trường học Việt Nam thì sao ? Năm 1925, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy, khi lên dạy học ở trường Quảng Uyên, Cao Bằng, thầy mới đem cái phương pháp giáo dục của Phong trào Hướng đạo Pháp, mà thầy đã đọc được trước đó, ra áp dụng cho học sinh của mình. Cuốn sách thầy đã đọc là cuốn “Eclaireur de France” (Hướng Đạo sinh Pháp). Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy kể lại rằng :“Trong khi nghiên cứu nghề dạy, được đọc quyển Eclaireur de France, của Fédération des Eclaireurs de France (Liên hiệp HĐS Pháp), một Liên hiệp không tôn giáo, và đã phát triển nhiều trong phương pháp giáo dục. Tôi thấy thích ngay về những chỗ hay của phương pháp giáo dục này. Khoảng năm 1925 lên dạy học ở Quảng Uyên (Cao Bằng), đem làm thử với học trò mình, ngày nghỉ đưa các em vào rừng, núi… các em rất thích”.(Hoàng Đạo Thúy “Một số điểm về Hội HĐVN”, ngày 5-1- 1988, (trang 1), được đăng trên tạp chí “Xưa & Nay”, số 27, tháng 5-1996) 

    Đến năm 1929, khi nhà giáo Thúy về dạy học ở trường Yên Thành (Lò Lợn Yên Ninh, Phố Đỗ Hữu Vị), thầy cũng xin phép thầy Đốc học là ông Carré cho phép thầy, trong các ngày nghỉ được đưa học trò đi chơi. Ông Carré đồng ý bảo: “Cứ làm đơn xin, tôi sẽ cho phép”. Thầy giáo Thúy đã lo sắm đồng phục cho các em gồm: quần ngắn (short) và áo, mỗi em mất 9 hào. Có em nhà nghèo không sẵn tiền, thầy Thúy phải ứng cho các em. Các em là học trò lớp Nhì (Cour Moyen) của thầy. Thầy đã lấy tên là “Đoàn Vạn Kiếp”. Như vậy, thầy Thúy là người lập Đoàn Hướng đạo Việt Nam đầu tiên tại trường Yên Thành, Hà Nội, vào năm 1929.(Sách đã dẫn, “Một số điểm về Hội HĐVN”). Chúng ta biết rằng, lúc bấy giờ đất nước ta đang ở trong hoàn cảnh bị đô hộ, nên mật thám Pháp luôn để ý đến vấn đề an ninh, luôn theo dõi mọi sinh hoạt của người bản xứ, nên không ai dám công khai lập hội, lập nhóm. Trưởng Thúy đã tâm sự: “ Việc đi lại sinh hoạt phải giữ kín đáo, sợ gây tiếng vang to, sinh chuyện. Buổi nào đi cũng phải báo Sở Cẩm (Cảnh sát Pháp) Hàng Đậu. Như thế không ai quấy rầy được mình. Sau này mới biết là lần nào đi sinh hoạt Hướng đạo lúc nào cũng có người đi theo dõi, nội dung sinh hoạt lúc mới còn nghèo, phương pháp chưa thạo, nhưng các em thích lắm”. (Hoàng Đạo Thúy “Một số điểm về Hội HĐVN”, năm 1988, trang 1-2). 

    Danh từ “Hướng đạo” cũng do chính thầy Thúy đã dịch từ chữ Eclaireur (Pháp) và Scout (Anh) qua tiếng Việt, chứ không dùng từ “Đồng Tử Quân” như người Tàu dịch. Như vậy danh từ “Hướng đạo” xuất hiện chậm nhất là năm 1929, năm thầy viết cuốn sách “Đoàn Hướng Đạo”. Trưởng Thúy cũng đã lý giải một cách rõ ràng và chính xác về chữ Hướng đạo khác với Đồng Tử quân như thế này. 

    “Người Tàu dịch là Đồng tử Quân. Gọi thế sợ nhầm với những đoàn quân đồng tử của các trường trong một thời thượng võ. Gọi thế sợ nhầm với các hội vũ bị. Gọi thế không đúng cái ý của người gầy dựng ra “Hướng Đạo Đoàn”, cốt để giúp các trường học mà vì xã hội dự bị những tay làm việc, chớ không phải vì binh gia mà dự bị một bọn quân lính.Tên “Hướng Đạo Đoàn” tôi dịch ở chữ “Eclaireur” cũng dịch ở chữ Anh “Boy Scouts” ra. Chữ “Scout” gốc ở chữ Pháp “Ecouteur” nghĩa là nghe ngóng, xem xét”. (Ghi chú số 1 của Trưởng trên tập sách Đoàn Hướng Đạo). 

    Một sự kiện khác cũng rất thú vị là vào cuối năm 1929, Trưởng Hoàng Đạo Thúy đọc được trên tạp chí “Thời Đại Mới” (Temps Nouveaux) của Pháp, có một chủ đề đặc biệt, là giới thiệu về phương pháp giáo dục của Hướng đạo. Thấy hay và quá đầy đủ, nên Trưởng Thúy đã dịch ra tiếng Việt và tóm lược lại thành một tập sách nhỏ với tựa đề : “Les Scouts. ĐOÀN HƯỚNG ĐẠO- Thêm một bài thể thao rễ tập”. Ba Tô dịch. Tập sách dày 21 trang, được in và bán tại nhà in Đông Tây, 193 phố hàng Bông, Hà Nội vào tháng 3 năm 1930. 

    Tập sách này được Trưởng Trần Minh Hữu mua từ thư viện Quốc Gia Pháp. Trên trang bìa, có ghi đầy đủ những chi tiết như: tác giả là Ba Tô, sách được đóng mộc bỏ vào thư viện “Depôt Legal, ngày 22 tháng 9 năm 1930”, sách ấn bản vào năm 1930 tại nhà in Đông Tây, Hà Nội với tựa đề “Đoàn Hướng Đạo. Thêm một bài thể thao rễ tập”. Phía trong trang bìa nói đến nguồn đã dùng để biên soạn, chuyển dịch… 



    Trong khi đó, năm 1929, Trưởng Trần Văn Khắc đọc được cuốn “Pour devenir Eclaireur” (Để trở thành một HĐS). Đến tháng 9 năm 1930, Trưởng Trần Văn Khắc mới xin phép ông Nguyễn Lễ, Hội trưởng trường Thể dục cho lập một đoàn Eclaireur và gọi là “Ban Đồng Tử Quân và Cổ động Thể thao” (Section le Scoutisme et de Propagande pour Sport). (Trích trong “Lịch sử HĐVN”, Hồi ký của Trưởng Trần Văn Khắc, xuất bản tại Ottawa, Canada, 1984, do Trưởng Lê Ngọc Bưu trích dẫn trong cuốn “Những Dấu Ấn 85 năm HĐVN”, trang 17) 



    Sau khi thấy Trần Văn Khắc lập Ban Đồng Tử Quân, núp bóng trường Thể dục Thể thao một cách an toàn, nên tháng 10 năm 1930, thầy Thúy đưa đoàn Vạn Kiếp của mình đến xin đầu quân dưới trướng trường Thể dục Thể thao cho chắc ăn. 

    Qua những tư liệu lịch sử nêu trên, chúng ta thấy Trưởng Thúy là người am hiểu rất sâu rộng về HĐ. Trưởng đã đọc rất nhiều sách về HĐ như: HĐS của Baden Powell - Làm thế nào để dẫn dắt một đoàn - Hướng dẫn căn bản cho Huấn luyện viên - Hướng dẫn cho Trưởng HĐ - Sách trò chơi - Làm thế nào để trở thành HĐS… 

    Chính Trưởng đã thông báo rộng rãi trên tập sách Đoàn Hướng Đạo của mình rằng : “Ai muốn hỏi điều gì về việc lập Đoàn Hướng Đạo, xin cứ gởi thư cho nhà in Đông Tây, nhờ chuyển giao cho Ba-Tô, Ba-Tô sẽ vui lòng đáp ngay . Tháng 3 năm 1930” 




    Theo ý kiến của Trưởng Trần Minh Hữu, thì Trưởng Hoàng Đạo Thúy chắc đã lập đoàn HĐ trước năm in sách (1930), nên mới dám nhận hướng dẫn cho ai muốn lập đoàn thì cứ hỏi, Ba Tô sẽ vui lòng đáp ngay. Trưởng Trần Minh Hữu đã viết: 

    “Theo suy nghĩ của riêng em, việc Vạn Kiếp thành lập tháng 10 năm 1930, {theo như sách Lịch sử HĐ của Phạm Văn Nhơn} có thể là trước đó Trưởng Thúy đã có đoàn sinh hoạt HĐ, là những học trò của mình… nhưng không có tên tuổi thông báo như đoàn Lê Lợi. Khi biết được đoàn Lê Lợi có sự hỗ trợ địa điểm của nhà trường, nên Trưởng Thúy dắt các em học trò trong đoàn của mình qua xin Trường Thể thao cho lập đoàn Vạn Kiếp. Cũng với suy nghĩ cá nhân, với những tài liệu được dẫn chứng, Trưởng Thúy biết và hiểu nhiều về HĐ hơn Trưởng Khắc lúc ban đầu, vì đã tham khảo, đọc và biên soạn sách, do đó mới có thể nghĩ ra, và dịch được chữ “Hướng Đạo” thay thế cho các ngôn từ Pháp, Anh, và thay vì dùng tiếng Tàu. … 

    Tuy nhiên, cả hai trưởng Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy đều là bậc Trưởng tiên khởi”. 

    Nhận định của Trưởng Trần Minh Hữu cũng đúng theo như lời kể của Trưởng Thúy. Nhưng cứ theo thông lệ, thì muốn thành lập một tổ chức, một đoàn thể như Đoàn HĐ, thì phải có khâu chuẩn bị, rồi khi mọi sự đã tương đối đầy đủ và đúng lúc thì mới ra mắt, mới công bố. Phong trào HĐVN chúng ta cũng thế, có thể nói là đã được manh nha, chuẩn bị từ trước năm 1930, nhưng cho đến năm 1930 mới có cơ hội, điều kiện chính thức ra mắt cộng đồng xã hội. Vì thế các Trưởng tiền bối đã chọn năm 1930 làm năm khai sinh Phong trào HĐVN cũng là phải lẽ. 

    Còn việc ai là người sáng lập ra HĐVN thì cũng là một việc gay go. Theo tư liệu thì Trưởng Hoàng Đạo Thúy là người đầu tiên âm thầm lập Đoàn Hướng Đạo năm 1929. nhưng xét về thực tế thì Trưởng Trần Văn Khắc đã chính thức ra mắt Đoàn HĐVN trước Trưởng Thúy một tháng. Nhưng ở đây, quí Trưởng tiền bối của chúng ta đã để lại cho chúng ta một bài học rất sâu sắc, rất nhân bản, rất phù hợp với tinh thần của một Trưởng HĐ, đó là các Trưởng luôn tương kính nhau, không tranh công, không giành chức, không vì hư danh, không vì quyền lợi riêng mình, mà đã sống chan hòa, thân ái. Vì thế mà phong trào mới tôn vinh các Trưởng là những người “Đồng sáng lập” Phong trào HĐVN. Chính Trưởng Hoàng Đạo Thúy đã khiêm tốn và mạnh mẽ đính chính lời giới thiệu của Trưởng Trần Hữu Khuê, khi ra Hà Nội thăm Trưởng (1993). 

    Trưởng Trần Hữu Khuê giới thiệu: Trưởng Thuý là người sáng lập PT HĐVN, tức thì Trưởng Thuý xua tay và nói: “là một trong những”( người sáng lập). Đúng là cao quí thay, không cần phải ra tòa phân xử. 



Quả thật, quí Trưởng tiền bối của chúng ta rất đáng kính trọng biết bao! 

Duy Trà .





Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét