ÁP DỤNG TRUYỀN THÔNG VÀO HUẤN LUYỆN
Lm.Trần Hòa
Việc trao truyền các bài khóa trong huấn luyện càng ngày càng tiến bộ hơn. Một trong những cách người ta đã áp dụng để cải tiến việc dạy bài khóa là dùng phương pháp truyền thông trong giảng khóa.
Truyền thông là gì?
Truyền thông (communication) (truyền: giao lại; thông: chung): là chuyển giao những cái chung liên quan giữa 2 hay 3 bên với nhau.
Truyền thông theo nghĩa đầy đủ là dùng cử chỉ, lời nói, ký hiệu truyền đạt, chia sẻ những ý tưởng, tình cảm, thông điệp của mình cho người khác, biến cái tư riêng cá nhân thành cái chung (communicare).
Phương tiện truyền thông (mass media): là những phương tiện dùng để truyền thông như báo in, báo nói, báo hình, quảng cáo, sách vở, diễn thuyết... Mass media không có nghĩa là truyền thông. Từ thế kỷ XIV, Guttenberg (Đức) phát minh ra máy in thì phương tiện truyền thông phát triển gấp bội. Và những năm gần đây, việc phát minh ra các máy kỹ thuật số (điện thoại, máy tính, TV, radio…) đã tạo nên những xa lộ thông tin tràn ngập khắp thế giới.
Cơ cấu của truyền thông
Nhà toán học Hoa Kỳ Claud E. Shannon (1916-2000) đã xây dựng nên thuyết truyền thông. Theo ông, truyền thông đầy đủ phải có 04 yếu tố căn bản: Nguồn phát (source), thông điệp phát đi (message), kênh để phát (channel) và nơi tiếp nhận thông điệp (receiver).
1.Nguồn phát: là cơ quan, tờ báo, đài truyền thanh, truyền hình, tác giả...phát ra, nói ra những thông tin mang tính chủ động và phải chính xác, trung thực, cụ thể và chịu trách nhiệm về những nội dung mình phát ra cho công chúng.
2.Thông điệp : là nội dung khách quan của thông tin được mã hóa bằng chữ viết, cử chỉ, lời nói...phải làm sao phát ra cho rõ ràng, hấp dẫn, cuốn hút người xem, nghe, đọc. Ta nên nhớ, hơn 90% cử chỉ người phát thông điệp được thu nhận cùng với âm thanh, tiếng nói của người phát.
3.Kênh chuyển tải: là đường dẫn chuyển thông điệp tới người nhận đó là những phương tiện truyền thông (mass media) như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, quảng cáo... phải hấp dẫn, lợi ích, không bị nhiễu, có chất lượng và dễ tiếp nhận, cuốn hút người xem, nghe và đọc.
4.Nơi tiếp nhận: là quần chúng nghe, xem, đọc các phương tiện truyền thông. Khán thính giả có nhiều thành phần khác nhau, người có học, người dân quê, người già, trẻ…mỗi người có mức độ cảm xúc và thái độ khác nhau mà người làm truyền thông cần phải hiểu biết: “Ta phải câu cá bằng mồi chúng thích, chứ không phải mồi ta thích”. Ta phải luôn luôn đặt câu hỏi: Ta nói, viết cái gì, để làm gì và nói, viết cho ai?
Áp dụng truyền thông vào huấn luyện
Huấn luyện các HĐS, các huynh trưởng là truyền đạt kiến thức có chất lượng cách hấp dẫn cho người nghe. Chúng ta sẽ áp dụng những nguyên tắc của E Shannon như sau:
1.Nguồn phát: là các bài khóa được HLV soạn có nội dung chính xác, có nguồn gốc, có chất lượng truyền đạt tới các khóa sinh. Ngày nay người ta rất chú trọng đến nguồn của thông tin: Khi trích đăng một thông tin nào, người ta thường ghi ở dưới bài từ “Nguồn” (source) làm bằng chứng là thông tin ấy lấy từ nơi có uy tín.
Bài khóa ta dạy phải có nội dung chính xác: Ta không thể sáng tác vu vơ, thiếu logic, nhất là những bài khóa thuộc nguyên tắc, nguyên lý và nghi thức...Nếu cần ta nên ghi ở dưới: bài được lấy từ nguồn nào, để ai muốn tìm hiểu thêm có thể dễ dàng tham khảo. Ta có thể dùng hình thức chú thích nhỏ (foot note)
Trước khi soạn bài khóa ta nên tìm đọc những tài liệu liên quan của những tác giả uy tín và dựa vào đó để soạn bài dạy. Nếu điều gì chưa hiểu, ta nên khiêm tốn tìm hiểu chứ không soạn ẩu, dạy sai.
2.Kênh chuyển tải: là phương tiện chuyển tải thông tin gồm Ban tổ chức, phòng ốc, âm thanh, ánh sáng và HLV.
Ta phải chọn địa điểm dạy khóa yên tĩnh, mát mẻ, đủ ánh sáng, không có người lui tới, ra vào làm mất tập trung. Nơi dạy có thể ở trong nhà hay ngoài trời nhưng phải có điều kiện tạm đủ. Ngoài ra chúng ta cũng cần cung cấp trợ huấn cụ như bảng đen, đèn chiếu, máy phóng thanh (ampli), bản photo, áp phích...Ta cố gắng bắt đầu và kết thúc bài khóa đúng giờ bằng cách coi đồng hồ hay nhắc nhở.
Bản thân HLV đóng vai trò quan trọng trong truyền đạt bài khóa: HLV phải ăn mặc gọn gàng, dễ coi, giọng nói rõ ràng, tác phong đĩnh đạc, khiêm tốn, cởi mở và dễ thân thiện, trình bày bài khóa linh hoạt, dễ hiểu và vui tươi, đôi khi khôi hài cho vui...
Ban tổ chức khóa học đóng vai trò quan trọng đối với thành công của khóa từ nơi dạy khóa, HLV, ăn uống, ngủ nghỉ đều phải tươm tất và ổn định.
3.Thông điệp: Là bài khóa xét theo tính khách quan của nó.
Nội dung bài khóa phải được soạn đầy đủ, mới mẻ, xuôi xắn và dễ hiểu, các HLV khác đọc có thể hiểu ngay, phòng khi ta vắng mặt, có người thay thế dễ dàng. Hết sức tránh tình trạng: Khóa sinh học xong mà không hiểu HLV nói gì.
Ngày nay có rất nhiều thông tin, tài liệu, nhưng ta phải chọn lựa và sắp xếp cho chúng liên đới với nhau theo một logic. Ta không nên chỉ ghi những gạch đầu hàng rời rạc đọc lên không ai hiểu gì hay trình bày quá nhiều ý tưởng, nhưng chúng lại lộn xộn, không ăn nhằm gì với nhau như một tấm áo vá đầy những miếng xanh, đỏ, tím, vàng, ngổn ngang và hỗn độn...Ta nên soạn bài khóa như một bài thuyết trình trước công chúng tức là có mở, có thân, có kết, có chia phần, lý luận, thuyết phục người nghe.
4.Nơi tiếp nhận: là các khóa sinh, người nghe.
Người nghe phải có trình độ phù hợp với nội dung khóa học và tương đối đồng đều. Nếu có khóa sinh quá thấp kém, ngồi chung với khóa sinh có trình độ cao, ta khó trình bày khóa. Nếu trình bày cao, khóa sinh thấp sẽ không hiểu, nếu trình bày thấp quá, khóa sinh có trình độc cao sẽ chán nản. Trước khi mở khóa, ta nên thông báo trình độ tối thiểu của khóa sinh.
Nên có những chuẩn bị trước cho các khóa sinh như bài tiền khóa (kiểm tra nhập trại), hậu khóa (bài thu hoạch cuối khóa) sẽ nâng cao kết quả khóa học lên.
Đào tạo nhân sự là điều quan trọng trong bất cứ tổ chức hay ngành nghề nào. Chúng ta thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện trưởng hay các HĐS, nhưng phải tổ chức sao cho có chất lượng để cung cấp cho Phong trào những huynh trưởng giỏi, nắm vững Phong trào, có đạo đức và có khả năng lãnh đạo.
Lm Trần Hòa.
(Soạn theo tài liệu khoa TT-BC, Saigon)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét