“ĐẠO AN HẢI TUỔI 70”
Nguyễn Đức Là
-Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là: Vai trò và vị thế của thành phố Đà Nẵng (đây là nguyên nhân khách quan do lịch sử hình thành Đà Nẵng). Năm 1858, cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Năm 1888, Pháp thành lập ba thành phố ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp. Năm 1889, Pháp thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam, là thành phố loại 2. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1905, Toàn quyền Đông Dương tách Đà Nẵng (Tourane) khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chính độc lập .
Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành phân chia lại địa giới hành chính. Lúc này, Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Đà Nẵng là đô thị lớn thứ hai miền Nam và năm 1962 Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Sau 30/4/1975 Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1996, Quốc hội VN đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương ( theo Wikipedia).
Với vị trí và vai trò quan trọng của mình, Đà Nẵng (ĐN) sớm tiếp cận và tiếp thu với đời sống văn minh và văn hóa ÂU- MỸ, trong đó có Phong trào Hướng đạo Thế giới của huân tước Baden Powell (BIPI) sáng lập tại Anh và do người Pháp mang sang VN và sau đó đến ĐN sớm hơn so với một số địa phương khác. Từ nguyên do này, Phong trào Hướng đạo tại Đà Nẵng mà Đạo An Hải là người đi đầu cầm ngọn đuốc Hướng đạo “Đà Nẵng và vùng phụ cận” và đã góp phần giữ lửa cho phong trào trong 70 năm qua.
Sở dĩ tôi nói vậy vì thực tế cũng là vậy, Đạo An Hải trước đây thực sự là cái nôi cho các đơn vị Hướng đạo tại Đà Nẵng và Quảng Nam và cũng là hạt nhân hình thành nhiều đơn vị vùng lân cận hiện đang tái sinh hoạt và thành lập mới để đúng theo Quy chế Hướng đạo Việt Nam (HĐVN) (như đạo Bắc Đẩu ngày nay mà ban đầu đựơc thành lập năm 1967 từ việc tách 2 Liên đoàn : Trà Kiệu và Bửu Châu từ đạo An Hải; Liên đoàn Hội An trước đây thuộc An Hải, đến cuối năm 1964 đầu năm 1965 tách ra trở thành Liên đoàn biệt lập và đến gần cuối năm 1965 chính thức trở thành Đạo Quảng Nam cho đến ngày nay.Vừa rồi Đạo An Hải cũng đã tách và thành lập thêm một đạo mới là Đạo Điện Hải).
-Cảm nhận tiếp theo là qua 70 năm thăng trầm theo thời cuộc, nhưng Đạo An Hải không những duy trì và vững tiến đối với bản thân mà còn tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị mới thành lập vùng lân cận cùng phát triển. Nhân tố nào đã giúp cho Đạo An Hải xứng đáng với vai trò người anh cả trong gia đình, vừa tự lập thân vừa dìu dắt những đứa em cùng trong gia đình HĐ khu vực Quảng Nam Đà Nẵng và các tỉnh lân cận phía Nam. Qua thời gian sinh hoạt tại Đạo An Hải, theo cảm nhận của tôi, Đạo An Hải đã có một lực lượng Trưởng đầy nhiệt huyết với phong trào, đầy tận tụy và yêu quí các thế hệ trẻ nối tiếp, theo tinh thần Hướng đạo mà Cụ tổ BIPI đã mong mỏi, là góp phần giáo dục các em phát triển toàn diện để các em được sống trong một thế giới ngày càng tươi đẹp hơn.
Theo sự tìm hiểu, và được một số trưởng kỳ cựu của Đạo An Hải kể lại, tôi được biết trước năm 1975 Đạo An Hải là một trong những đơn vị mạnh của Phong trào HĐVN. Đạo đã chủ chốt đứng ra đăng cai tổ chức nhiều cuộc huấn luyện của Miền 1 tại Đà Nẵng. Đạo cũng đã huấn luyện, tôi rèn nhiều Trưởng và các Trưởng đã dìu dắt các em, giáo dục nhiều thế hệ đoàn sinh hoàn thiện bản thân và giúp ích tha nhân. Trong những mùa mưa bão, những năm có biến động xã hội, người dân Đà Nẵng cũng đã chứng kiến và cảm kích những hành động, việc làm nhân đạo của những Hướng đạo sinh (HĐS) đối với những nạn nhân do thiên tai, do bạo động của người dân đối với chính quyền cũ, người dân di tản trong chiến tranh, thậm chí đã có trường hợp một HĐS của Đạo hy sinh trong lúc cứu người. Cũng như ở những nơi khác, nhiều Trưởng trước đó đã tham gia chính quyền cũ, sau năm 1975, có Trưởng sau khi cải tạo về phải lăn lộn trong thời bao cấp để mưu sinh. Có trưởng phải tất tả làm nghề buôn bán ở chợ trời, có Trưởng làm cửu vạn ở các chợ nội thành và cũng có Trưởng phải lên vùng kinh tế mới để sinh sống qua ngày. Nhưng những điều đó không làm các Trưởng buồn lòng bởi vì các Trưởng đã thuộc nằm lòng Điều luật thứ 8 “HĐS gặp khó khăn vẫn vui tươi”. Điều làm các Trưởng có chút buồn, rồi ưu tư, trăn trở chính là mỗi lần đi qua đi lại, nhìn thấy ngôi nhà số …. đường Hoàng Diệu khi trước là Đạo quán của mình nay không còn bóng dáng những đoàn sinh thân yêu của mình sinh hoạt như ngày xưa nữa.
Như lời của Lord Kitchener ”Once a scout always a scout” (Hướng đạo một ngày là Hướng đạo mãi mãi) được BIPI viết trong quyển Scouting for boys, xuất bản năm 1908 đã thôi thúc các Trưởng đạo An Hải tìm lại, hẹn gặp nhau trong những ngày hiếu hỷ, lễ Tết để cùng nhau quyết tâm phục hoạt lại phong trào tại địa phương, mặc dù chính quyền sở tại lúc đó chưa có cái nhìn thiện cảm đối với phong trào và tất nhiên là các Trưởng đã phải “sinh hoạt chui”. Một thời gian sau giai đoạn mở cửa có chút dễ thở hơn, các Trưởng đã mời gọi một số đoàn sinh cũ và anh em thân hữu ở tuổi tráng sinh để làm nòng cốt gầy dựng lại phong trào tại địa phương. Thế rồi nhiều Tráng đoàn, Thiếu đoàn, Kha đoàn và Ấu đoàn đã ra đời, họ đã cùng chung tay dựng lại “ngôi nhà Hướng đạo” tại Đà Nẵng. Lần hồi các Trưởng đã liên lạc và giao lưu với các đơn vị ở thành phố Hồ Chí Minh (thời gian này sinh hoạt hướng đạo ở đó đã sôi nổi và thường xuyên tại công viên Tao Đàn) để xây dựng lại ngôi nhà “ Huynh đệ nhất gia ”của Phong trào HĐVN.
-Một cảm nhận nữa là các Trưởng tiền bối của Đạo An Hải có sự đoàn kết và gương mẫu.
Nói về sự đoàn kết thì ai cũng biết Hướng đạo có Điều luật thứ tư “HĐS là bạn khắp mọi người và coi HĐS khác như ruột thịt”, vậy đã là ruột thịt thì phải rất là thân tình, máu thịt thì làm sao có sự mất đoàn kết . Nói vậy chứ thực tế cuộc sống như ông cha ta cũng có câu thành ngữ “ chén bát cùng một chạn cũng có va chạm lẫn nhau” thì huống hồ gì nhiều người cùng sinh hoạt trong một đơn vị mấy chục năm thì làm sao tránh khỏi đôi lúc bất đồng, bất hòa. Ở Đạo An Hải cũng vậy, qua 70 năm qua biết bao thay đổi về việc giao trách vụ, ứng xử hằng ngày với nhau thì làm sao tránh khỏi “tiếng chì tiếng bấc”. Tuy nhiên ở đây, những điều “nói ra nói vào” đó rồi cũng chóng qua, rồi anh em cũng cùng nhau chia sẻ, gánh vác công việc chung.
Một nhân tố nữa giúp cho sự đoàn kết thật sự ở đơn vị, đó là bản thân các Trưởng cựu trào cũng là “con dòng cháu giống” và các thế hệ con cháu của họ vẫn kế tục, nên ngoài tình anh em HĐ họ còn tình bà con, tộc họ. Tiêu biểu là Trưởng Trần Xê, Đạo trưởng An Hải trước đây là con rễ của một gia đình toàn là Hướng đạo, Trưởng Nguyễn Xuân Vinh, Liên đoàn trưởng Duy Tân, cũng có nhiều thành viên gia đình 3 thế hệ cùng đang sinh hoạt tại đơn vị. Thêm vào đó các Trưởng này đã ngoài 80 tuổi, có một số vẫn đang tiếp tục nhận trách vụ dẫn dắt các đơn vị và một số do sức khỏe hạn chế nhưng vẫn luôn đồng hành bên cạnh phong trào, luôn góp mặt trong những sự kiện quan trọng và là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ nối tiếp. Họ đã để lại tấm gương về sự hy sinh tuổi tác, thời gian nghỉ ngơi, tiền bạc để tiếp tục đóng góp cho đơn vị, cho phong trào. Có Trưởng đã về với cụ tổ BIPI nhưng con cháu họ hiện vẫn đang nối tiếp con đường mà cha ông đã chọn.
- Một cảm nhận về sự giữ gìn những tập tục có tính truyền thống của Đạo là hàng năm vào ngày mồng 4 Tết Âm lịch, BHT Đạo An Hải thường xuyên tổ chức gặp mặt đầu năm giữa các Trưởng trong BHT Đạo, các Trưởng phụ trách tuyên úy, các Tráng sinh của hai Đạo An Hải, Bắc Đẩu để chúc mừng nhau những lời tốt đẹp, cầu mong mọi người trong năm mới An khang, Thịnh vượng và Hạnh phúc và kèm theo cuộc bốc thăm trúng thưởng may mắn đầu năm. Đồng thời tổ chức cuộc đấu giá các vật phẩm Hướng đạo để ủng hộ cho một sự kiện nào đó của Đạo trong năm mới. Ngoài ra Đạo hoặc Liên đoàn cũng luôn tổ chức những buổi lửa dặm đường thật trang nghiêm và đầy tình thân ái Hướng đạo đối với những Trưởng và đoàn sinh chẳng may qua đời. Những hoạt động này thật sự gắn kết thêm tình huynh đệ hướng đạo một cách sâu sắc.
Hoẵng điềm đạm Nguyễn Đức Là. RS .
Liên đoàn Hải Vân, Đạo An Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét