Sóc tử tế
- Alo, em chào Trưởng. Hôm nay ở Đà Nẵng đã hết thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 chưa Trưởng?
- Mới vừa được phép sinh hoạt trở lại trên toàn thành phố Đà nẵng, kể từ ngày hôm qua, 18-9-2020.
- Em chúc mừng Trưởng và thành phố Đà Nẵng đã vượt qua cơn đại dịch.
- Vâng, cám ơn em. Tuy hết thời kỳ “nhà ai nấy ở”, nhưng hiện đang bước vào một thời kỳ “Bình thường mới”, nghĩa là vẫn còn phải tuân thủ “5K”. (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế). Sáng nay, ngày 19-9-2020, sau gần 2 tháng tự nhốt ở nhà, Trưởng mới xuất hành, ra bờ sông Hàn để hít thở chút khí tự do, trong lành, và đón chào thời kỳ “bình thường mới” đang ló dạng sau rặng núi Sơn Chà. Em gọi cho Trưởng có việc gì không vậy?
- Dạ thưa Trưởng, HĐVN chúng ta đang hào hứng sôi nổi chuẩn bị mừng 90 năm HĐVN. Em có một vài điều chưa hiểu rõ về thời gian thành lập HĐVN, cũng như ai thành lập và danh xưng “Hướng Đạo” có từ khi nào và ai đã khai sáng ra danh xưng Hướng Đạo?
- Câu hỏi của em rất hay, có lẽ cũng nên có một bài về việc này. Cứ theo logic thì năm nay 2020, chúng ta mừng 90 năm HĐVN, như thế có nghĩa là HĐVN được khai sinh vào năm 1930 phải không.
- Dạ đúng vậy Trưởng. Nhưng có một số người lại nói HĐVN có trước năm 1930.
- Những người nói HĐ ở VN có trước năm 1930 cũng đúng thôi. Vì từ năm 1925 tại Hà Nội đã thấy xuất hiện một vài đơn vị Eclaireurs (HĐ) tại Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng những đơn vị này là HĐ của con em người Pháp. Theo Trưởng Mai Liệu, trong tập sách “Nửa thế kỷ Hướng đạo tại Việt Nam” thì vào năm 1927 tại hai trường Trung học Pháp là Albert Sarraut (Hà Nội) và Chasseloup Laubat (Saigon) đã có 2 đoàn Hướng đạo mà phần đông là con em người Pháp, chỉ có vài người Việt Nam.
- Có phải anh Vũ Ngọc Tân là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hướng đạo không Trưởng.
- Theo Trưởng Phạm Văn Nhơn, trong cuốn “Kỷ Yếu HĐVN 1930-1945” và Trưởng Lê Ngọc Bưu, trong cuốn “Những Dấu Ấn 85 Năm HĐVN” thì cho đến hôm nay chúng ta chỉ mới biết anh Vũ Ngọc Tân là người Việt chơi HĐ từ năm 1929. Trưởng tin là có nhiều người Việt đã chơi HĐ trong thời kỳ này, nhưng không được biết đến.
- Trưởng vừa nói, Phong trào HĐVN được khai sinh vào năm 1930, nhưng rồi Trưởng cũng công nhận những người chủ trương HĐVN có trước năm 1930. Như vậy nghĩa là sao Trưởng?
- Ồ, đừng nghĩ Trưởng “ba phải” nhé. Cái nào cũng có cái gốc của nó. Trước hết em hãy nghe Trưởng Hoàng Đạo Thúy kể lại việc chơi Hướng đạo của mình trong bài viết “Một số điểm về Hội Hướng đạo Việt Nam”, được viết vào ngày 05-01-1988 mà tạp chí “Xưa và Nay” số 27, đã đăng lại vào tháng 05-1996. Trưởng Thúy đã kể :“Trong lúc nghiên cứu nghề dạy, được đọc quyển Eclaireur De France (Hướng đạo sinh Pháp)…tôi thấy thích ngay về những chỗ hay của phương pháp giáo dục nàỳ. Khoảng năm 1925 lên dạy học ở Quảng Yên (Cao Bằng) làm thử với học trò, ngày nghỉ đưa các em vào rừng, núi, các em rất thích.”
- Như vậy xem như sinh hoạt Hướng đạo cho các em học sinh Việt Nam đã thực sự bắt đầu từ Cao Bằng năm 1925.
- Thật ra Trưởng Thúy có tổ chức cho các em sinh hoạt theo phương pháp Hướng đạo, nhưng cũng chưa thể gọi là đơn vị HĐ đúng nghĩa.
- Vì sao Trưởng.
- Vì lúc này các em chỉ chơi theo một trong những phương pháp của HĐ là dã ngoại, là cắm trại ngoài thiên nhiên, nhưng chưa thực sự trở thành một đơn vị HĐ đúng nghĩa (Lời hứa, Luật, Đồng phục…)
- Thế thì Trưởng Thúy chính thức lập HĐ khi nào Trưởng.
- Năm 1929 Thầy Thúy về dạy học tại trường Yên Thành (Lò Lợn Yên Ninh, phố Đỗ Hữu Vị) Thầy Thúy được sự giúp đở của Ông Đốc học Carré, nên ngày nghỉ ông đưa học trò của mình là lớp nhì (Cour Moyen) đi sinh hoạt, Các em đã được may đồng phục và đặt tên là Đoàn Vạn Kiếp, nhưng rất kín đáo, không dám công khai vì sợ bị Sở Cẩm theo dõi.
Cuối năm 1929, tạp chí Thời Đại Mới (Temp Nouveau) của Pháp có dành một số đặc biệt để giới thiệu về Phong trào Hướng đạo (Eclaireur). Thầy Thúy đọc thấy hay quá nên Thầy dịch ra tiếng Việt và tóm lược lại rồi biên soạn thành một cuốn sách nhỏ với tên chính thức là : “Les Scouts - ĐOÀN HƯỚNG ĐẠO - Thêm một bài thể thao rễ tập”.
Theo tư liệu của Trưởng Trần Minh Hữu, (mua từ thư viện Quốc Gia Pháp), thì cuốn sách “Đoàn Hướng Đạo”này của tác giả là Ba Tô (Thầy Thúy), ấn bản vào năm 1930 tại nhà in Đông Tây, Hà Nội. Tháng 9 năm 1930, thấy Trưởng Trần văn Khắc có lập một đoàn Scoutisme ở Trường Thể Thao và gọi tên là “ BAN ĐỒNG TỬ QUÂN VÀ CỔ ĐỘNG THỂ THAO” nên Thầy Thúy cũng đến Trường Thể Thao xin cho đơn vị Vạn Kiếp được sinh hoạt chính thức.
- Có lẽ vì thế mà quý Trưởng tiền bối chọn năm 1930 là năm khai sinh phong trào HĐVN phải không Trưởng.
- Đúng rồi. Năm 1930 là năm HĐVN được chính thức ra mắt với xã hội, cho nên các Trưởng chọn làm năm khai sinh của HĐVN cũng là điều dễ hiểu.
- Theo Trưởng thì ai là người đầu tiên khai sinh ra HĐVN?
- Trước hết là mình nói theo ý chung thì Trưởng Hoàng Đạo Thúy và Trần Văn Khắc là những người đồng sáng lập ra phong trào HĐVN, vì hai đoàn HĐVN của hai Trưởng đều được chính thức ra mắt vào năm 1930. Tuy nhiên khi tìm hiểu sâu hơn thì chúng ta thấy rằng Trưởng Hoàng Đạo Thúy là người đầu tiên khám phá và thực hành Hường đạo. Trưởng Thúy đã đọc và nghiên cứu rất kỷ về Hướng đạo, và là tác giả đầu tiên xuất bản sách Hướng đạo tại Việt Nam. Trong phần mở đầu cuốn sách “Đoàn Hướng Đạo” Trưởng Thúy đã viết:
“Hướng Đạo Đoàn” dựng nên là cốt để giúp cho việc giáo dục. Nhiều người cứ tưởng rằng ở đời chỉ cần có học vấn thôi, chứ không nghĩ ra rằng chỉ có học vấn mà không có giáo dục thì nên một hạng người tài nói mà không thạo, thuộc sử mà không hiểu, có tấm văn bằng mà thiếu trí thức, không sáng. Bắt tay vào làm việc thì những người ấy chỉ làm bộ, làm dạng, huynh hoặc, chứ không biết tự mình theo một phép tắc nào, không có gan làm điều mới lạ, không giám (dám) dấn mình vào việc”.
- Như vậy Trưởng Thúy là người đầu tiên biết đến HĐ phải không Trưởng?
- Đúng vậy. Trưởng Trần Minh Hữu là người chuyên nghiên cứu về HĐVN đã viết :
“… Trưởng Thúy đã đọc và thấu hiểu về Hướng Đạo rất nhiều, để đưa ra cái tên “Hướng đạo” mà lúc đó chưa có đoàn Hướng đạo nào của người Việt cả”.
. Nhưng các Trưởng tiền bối của chúng ta là những người rất lịch thiệp, rất khiêm tốn, là những bậc quân tử cao thượng. chan hòa tình anh em Hướng đạo, nên họ không tranh giành công trạng, không quá chú tâm về “cái tôi” của mình.
Năm 1993 khi ra họp ở Hà Nội, có phái đoàn HĐ miền Nam đến nhà thăm Trưởng Thuý. Trưởng Trần Hữu Khuê giới thiệu: Trưởng Thuý là người sáng lập HĐVN, tức thì Trưởng Thuý xua tay và nói: “là một trong những (người sáng lập)”. Em thấy các Trưởng tiền bối của mình đáng kính trọng biết bao!
- Thưa Trưởng, như vậy Trưởng Thúy là người đầu tiên dùng danh xưng “Hướng đạo”phải không Trưởng.
- Đúng đó em. Danh xưng “Hướng đạo” là do chính Trưởng Thúy xử dụng đầu tiên. Trước đó người Trung Hoa (Tàu) dịch chữ “Eclaireurs” từ tiếng Pháp là “Đồng Tử Quân”. Trưởng Thúy thấy từ Đồng Tử Quân không chính xác nên đã xử dụng từ “Hướng đạo”.
Giờ em có thể tóm lược lại những gì mà Trưởng đã chia sẻ với em không?
- Dạ thưa Trưởng:
Một là, HĐVN đã âm thầm, lén lút manh nha từ trước năm 1930, nhưng đến năm 1930 được Trường Thể Thao đỡ đầu, nên mới chính thức công khai. Vì thế các Trưởng tiền bối đã chọn năm 1930 làm năm khai sinh ra phong trào HĐVN.
Hai là, Trưởng Hoàng Đạo Thúy đã nghiên cứu và thực hành sinh hoạt Hướng Đạo ngay từ trước năm 1930, mà rõ nét nhất là vào năm 1929. Còn Trưởng Trần Văn Khắc biết đến Eclaireurs vào năm 1929 và thành lập Đồng Tử Quân vào năm 1930. Nhưng các Trưởng tiền bối đã đồng lòng công nhận hai Trưởng Hoàng Đạo Thúy và Trưởng Trần Văn Khắc là đồng sáng lập phong trào HĐVN.
Ba là, danh xưng “Hướng đạo” là do Trưởng Hoàng Đạo Thúy đã chọn khi dịch từ Eclaireurs Pháp ngữ sang Việt ngữ vào năm 1929, khi Trưởng viết cuốn sách “HƯƠNG ĐẠO ĐOÀN”. Có phải thế không Trưởng.
- Cám ơn em. Em rất thông minh.
- Em xin cám ơn Trưởng. Chúc Trưởng luôm an vui khỏe mạnh.
- Vâng, chào em. Thân ái bắt tay trái em từ xa vậy.
Sóc tử tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét