Trên giấy in và màn hình điện tử
Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.
Khái niệm văn hóa hiện thông dụng nhất được phát xuất từ chữ La tinh: cultus, do động từ colere, có nghĩa là “gieo trồng ruộng đất” (Cultus Agri), như khai hoang, trồng trọt, chăm nom cây lương thực, về sau có nghĩa là “gieo trồng tinh thần” (Cultus Animi) như chăm nom, giáo dục, đào tạo khả năng, tâm hồn con người về mọi mặt.
Còn nhà văn Hữu Ngọc trong tác phẩm “ Lãng Du Trong Văn Hóa Việt Nam - 2017” thì “Văn hóa là trình độ phát triển lịch sử nhất định của một xã hội về vật chất và tinh thần”
VĂN HÓA HƯỚNG ĐẠO
Văn hóa Hướng đạo là bao gồm tất cả các giá trị tinh thần cũng như vật chất, đã tồn tại qua thời gian và không gian, như tinh thần Lời hứa và Luật, các loại ấn phẩm sách báo, các cơ sở vật chất như: Hội quán 18 đường Bùi Chu, quận I, Sài Gòn, các Đạo quán, các Trại trường: Bạch Mã, Tùng Nguyên, Hồi Nguyên…
Ở đây chúng ta cùng trao đổi về sách, báo Hướng đạo (trên giấy hoặc trên mạng) có khả năng truyền đạt thông tin liên lạc hoặc sử dụng làm tài liệu lịch sử, huấn luyện…
Từ thập niên 1930, sách báo HĐ đã tác động đến các Huynh trưởng tiền bối, đã giúp cho các Trưởng nghiên cứu, từ đó mới có cơ sở thành lập HĐVN từ năm 1930. Lời nói có thể bay đi và truyền đạt thông tin truyền khẩu thì tam sao thất bản, nhưng văn tự vẫn còn lưu lại với thời gian.
Trưởng Trần Văn Khắc và Trưởng Hoàng Đạo Thúy thuở ban đầu cũng nhờ đọc sách báo HĐ bằng Pháp ngữ rồi nảy sinh việc tổ chức đoàn Lê Lợi, Tráng đoàn Lam Sơn.
Thử nhìn lại sách báo HĐVN trong thời gian gần đây, từ năm 1990 đến nay. Trước hết là tập san Vững Tiến, đang mừng 10 năm tồn tại. Vững Tiến trên giấy (Tập san) và Vững Tiến trên mạng (hdvnvungtien.blogspot.com), do Tráng đoàn chuyên biệt Bạch Mã tại Đà Nẵng chủ xướng và đã được 10 năm với 20 số báo. Ban Biên tập Vững Tiến chỉ là một số Trưởng ngành Tráng, không phô trương hoành tráng, không có đại gia tài trợ, nhưng nội dung và hình thức tờ báo đã trỗi vượt hơn các tờ báo HĐ đã xuất hiện sau gần 30 năm tái hoạt động HĐVN. Hình ảnh sinh hoạt nhiều, đa dạng, và màu sắc khá bắt mắt, còn hơn thế nữa, “giá tiền” rất khiêm tốn, hợp túi tiền của anh chị em HĐVN còn nghèo và cận nghèo.
Trong lúc đó, những năm tháng làm kỷ yếu các kỳ trại HL ngành Kha, ngành Tráng và các Nội san Bạn Đường, Nội san Trưởng, Trại Hoa Nhân Ái … tôi thấy rất nhiều khó khăn về tài chánh, về in ấn và nhất là sự cộng tác viết bài của các Trưởng. Thời bấy giờ ra được một tờ báo in thật là một sự cố gắng vượt quá sức của một Trưởng nhận trách nhiệm của các khóa HL và của BĐH/ HĐVN. Rất tiếc Nội san Trưởng chỉ dừng lại đến số 17 và bỏ qua bản thảo ghi lại cả 3 kỳ Đại Hội Nghị HT. Các bản thảo đã sưu tập, ghi chép lại các bài tham luận, nhật ký, hội nghị… phải bị bỏ xó không in được, lý do có thể người chủ biên đã vi phạm một số ý tưởng có “đụng” đến một số người lợi ích nhóm nào đó. Tờ Bạn Đường dừng lại số 25 và im hơi cho đến nay, năm 2020, năm kỷ niệm 36 năm HĐ tái sinh hoạt và 90 năm HĐVN.
Đọc lại các Nội san, Kỷ yếu đã được in ra trên giấy ắt hẳn chúng ta cũng nhận được, từ năm 1993 đến nay, nhiều kỷ niệm khó quên. Từ Trại Trường Suối Sao, Bạch Mã, Bình Châu, Thác Mai, Suối Lương…
Nhớ để không thể quên, nhờ những trang chữ in trên giấy cho những kỳ trại gian khó, hội nghị hoành tráng, thời kỳ mà đa số Trưởng chúng ta hiện nay, thời bấy giờ chưa được hân hạnh có HHR để chính thức cầm đơn vị.
Từ năm 2018, BĐH tổ chức bản tin HĐ qua màn hình điện tử, mỗi tháng một kỳ. Bản tin trên màn hình rất đẹp, nhiều màu sắc, có thông tin các đơn vị HĐ khắp nơi, nhiều hình ành rất sống động và các thông báo từ BĐH, các khối sinh hoạt, khối HL, cập nhật đáp ứng được nhu cầu của toàn thể HĐS trong thời đại truyền thông bằng kỹ thuật hiện đại.
Văn hóa điện tử có nhiều ưu điểm thật tuyệt vời, người đọc chỉ cần mở máy vi tính là thấy được HĐVN phát triển cách toàn diện và công khai. Các Trưởng cũng đã nhạy bén giới thiệu các đơn vị cách sống động, nên các đơn vị được ghi hình cảm thấy vui vui và hãnh diện trong đồng phục HĐ và xem như HĐVN được chính thức sinh hoạt.
Nhận định về sách báo giấy in và sách báo điện tử, có chuyên gia xuất bản tiên đoán là sớm muộn gì sách báo giấy in sẽ chết, đễ nhường chỗ cho sách điện tử (e-book). Mặc dầu hiện nay sách điện tử đã vào thời điểm thịnh hành, nhưng thực tế sách giấy in vẫn tồn tại, do tính lịch sử và sự tiện dụng của sách báo in giấy. Sách báo giấy in là sản phẩm tiếp theo của hình thức lưu trữ, bắt nguồn từ loại hình in trên mai rùa, cuộn giấy. Nhà xuất bản sách điện tử tại Mỹ là Mc Graw – Hill cho là sách giấy in hay sách điện tử đều có giá trị gợi cảm, của óc tưởng tượng.
Thực tế sách báo giấy in vẫn còn nhiều lợi thế hơn sách điện tử như nhà văn Mỹ J. Updike phân tích như sau :
Sách in có tính tư liệu nhiều, có thể cất vào tủ sách gia đình và lưu lại cho nhiều thế hệ trong gia đình.
Sách in cung cấp cho người đọc thú vui thể chất: Cầm gọn trên tay, người yêu sách nâng niu từng trang giấy với khoái cảm.
- Các bộ sách quý được đóng bằng vải da, mạ vàng, nhìn ngắm như một tác phẩm hội họa.
Sách in là kho kỉ vật cá nhân, mỗi cuốn nhắc lại một tình huống vui buồn từ thời niên thiếu đến tuổi xế chiều.
Còn sách điện tử muốn đọc thì cần phải có máy tính, điện thoại thông minh.
Sách điện tử quá phi vật chất, nên ít vướng mắc vật chất trần gian và mất đi khá nhiều tình người.
Chúng ta không phủ nhận tiến bộ khoa học thời gian qua, kỹ thuật điện tử, bộ nhớ máy tính được lưu trữ rất nhiều dữ liệu cần tra cứu, chỉ bấm nút cả sự kiện đều được hiện ra trước mắt.
Làm công tác tu thư ta cần thống nhất ưu điểm của mỗi loại giấy in cũng như điện tử. Tuy nhiên khi nghiên cứu lịch sử HĐVN, chúng ta đã nhờ rất nhiều các bản văn còn lưu lại từ năm 1930 đến nay như báo Tráng Sĩ, Thẳng Tiến, Trưởng.
Các thế hệ HĐS tương lai muốn nghiên cứu lịch sử HĐVN ắt hẳn khó khăn vì giai đoạn từ năm 2000 các kỷ yếu khóa HL không tiếp tục ghi dấu qua sách báo in trên giấy.
Với tư cách người đã từng nghiên cứu lịch sử HĐVN, tôi xin kêu gọi các Trưởng có trách nhiệm tu thư, nên tiến hành song song báo in giấy và báo điện tử, để ghi lại môt chặng đường dài HĐVN đã đi qua, đầy gian nan kể cả khổ đau để đến gần đích, là chắc chắn HĐVN sẽ được chính thức công nhận, y như HĐTG đã công nhận HĐVN là thành viên thứ 170 của Phong trào.
Lê Ngọc Bưu , Báo khiêm tốn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét