Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

TỔNG QUÁT VỀ CHÂU VÀ ĐẠO CỦA HỘI NAM HƯỚNG ĐẠO HOA KỲ

Trần Văn Long

    Lời giới thiệu: Tập san Vững Tiến xin giới thiệu đến quý Trưởng bài viết của Trưởng Trần Văn Long. Trưởng Long là cựu Thiếu trưởng tại VN (74-75). Trưởng đã phục vụ với nhiều trách nhiệm khác nhau trong Đạo/Châu địa phương tại Hoa Kỳ. Hiện Trưởng vẫn sinh hoạt với một Liên đoàn và phục vụ trong Đạo/Châu, cùng vài nhiệm vụ HĐ khác tại HĐHK.

   Bài viết này giới thiệu một cách tổng quát về Châu và Đạo của Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ, với cách tổ chức, nhiệm vụ của Châu (Council) và Đạo (District)*1. (Châu và Đạo có thể bổ sung thêm một số các trách vụ theo nhu cầu); Nhằm giúp cho các Châu đang hình thành tại VN có thể tham khảo để thực hiện qui chế Châu của mình tốt nhất. Dĩ nhiên HĐVN chúng ta chưa thể thực hiện theo cơ cấu tổ chức của HĐHK, nhưng ít ra để chúng ta có một tầm nhìn và khát vọng vươn lên.

 Vững Tiến xin cám ơn Trưởng Trần Văn Long, và mời quí Trưởng cùng tham khảo.

 

  Phong trào Hướng đạo (HĐ) trở nên phổ biến nhanh chóng trên toàn quốc gia Hoa Kỳ sau khi Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ (Boy Scouts of America, viết tắt HĐHK) được thành lập vào năm 1910. Quốc hội Hoa Kỳ công nhận sinh hoạt Hướng đạo có triển vọng như là một chương trình giáo dục giới trẻ.

    Đến năm 1916, Quốc Hội Hoa Kỳ trao “Ủy Nhiệm Quốc Gia” (National Charter) cho Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ để đem chương trình HĐ đến cho giới trẻ trong các tổ chức cộng đồng.

-----------

*1. Chữ “Council” có nghĩa là Hội Đồng nhưng theo cách của HĐVN thì gọi là “Châu”. Chữ “District” có nghĩa là khu vực địa lý nhỏ hơn và chúng ta thường gọi là Đạo.

   Qua sự trao quyền của quốc hội, Hội Nam HĐHK thực hiện hai loại ủy nhiệm.

• Ủy Nhiệm (Charter) trực tiếp cho các tổ chức cộng đồng được dùng chương trình HĐ cho việc giáo dục thanh thiếu niên của tổ chức. Các tổ chức này được gọi là Cơ Quan Được Ủy Quyền (Chartered Organization)*2. Sự ủy nhiệm này giúp bảo đảm cho sự thống nhất về luật lệ được áp dụng trong đơn vị HĐ của các Cơ quan được ủy quyền trên toàn quốc.

. • Ủy Nhiệm (Charter) cho một nhóm công dân trong một khu vực địa lý để thành lập “Châu HĐ Địa Phương” (Local Scouting Council). Sự trao quyền cho Châu cung cẩp sự phục vụ và trợ giúp các Cơ Quan Được Ủy Quyền thành công trong việc áp dụng chương trình HĐ.

Hai loại Ủy nhiệm này là nền tảng cho sự thành hình của Châu.

 

CHÂU (Council).

    Vai Trò của Châu

   Công việc chính của Châu là đem chương trình Hướng đạo đến địa phương và cung cấp sự hỗ trợ giúp đơn vị (unit)*3 của các Cơ quan được ủy quyền thành công trong công việc giáo dục thanh thiếu niên. Ngoài ra Châu còn có nhiệm vụ phát triển bằng cách mời gọi thêm các hội đoàn khác áp dụng chương trình HĐ.

 

-----------

      *2. Cơ Quan Được Ủy Quyền là một tổ chức, cơ sở kinh doanh hay cơ sở tôn giáo như chùa hay nhà thờ … được ủy quyền (cho phép) từ Hội Nam HĐHK, dùng chương trình HĐ (lập đơn vị HĐ) để giáo dục các em. Xem thêm về Cơ Quan Được Ủy Quyền trong bài viết Thành Lập Một Đơn Vị Hội Nam HĐHK (https://hd.langhue.org/hd files/bsa/Thanh_Lap_Mot_Don_Vi_Hoi_Nam_HDHK_01-2017.pdf                    

    

    Hoạt Động của Châu

   Hoạt Động của Châu được chia thành bốn lãnh vực

1. Thành viên/Quan hệ (Membership/Relationship)

2. Tài chánh (Finance)

3. Chương trình (Program)

4. Phục vụ Đơn vị (Unit Service)

     Bốn lãnh vực hoạt động của Châu

1. Thành viên/Quan hệ (Membership/Relationship)

      Liên hệ với các tổ chức, cơ quan trong cộng đồng để đem chương trình giáo dục HĐ đến các cơ quan, tổ chức trong khu vực Châu phụ trách. Thực hiện việc tăng thêm số thành viên cũng như tăng thêm số đơn vị.

   Công việc chính liên lạc với các tổ chức trong cộng đồng giúp họ nhận ra những lợi ích trong việc áp dụng các chương trình HĐ, cũng như trợ giúp để thành lập các đơn vị mới. Giúp các đơn vị đang có phát triển thêm thành viên.

2.    Tài chánh (Finance)

   Vận động, tìm kiếm các nguồn tài trợ và gây quỹ để có đủ tài chánh chi phí cho công việc điều hành Châu. Châu HĐ là tổ chức hội đoàn không vụ lợi nhưng có tính cách tư nhân

(gọi là “private non-profit organization”) nên không được tài trợ về tài chánh từ chính phủ.

Điều cần để ý là tiền ghi danh và tái ghi danh hằng năm của thành viên được chuyển thẳng về Hội.

  -----------

*3.  Hội Nam HĐHK không có hệ thống liên đoàn nhưng đa số các đơn vị HĐ người Mỹ gốc Việt sinh hoạt chung với nhau theo hệ thống liên đoàn, nhất là khi các đơn vị có chung một Cơ Quan Được Ủy Quyền. Về mặt hành chánh, các đơn vị hoàn toàn độc lập và ghi danh/tái ghi danh với Hội qua Châu

 3.    Chương trình (Program)

   Hướng dẫn những điều cần thiết để bảo đảm các tiêu chuẩn và chính sách trong việc áp dụng chương trình HĐ trong các Cơ quan được ủy quyền. Giúp các đơn vị sinh hoạt được thành công. Bảo đảm các sinh hoạt được tổ chức và đạt tiêu chuẩn cao nhất của chương trình HĐ.

   Hướng dẫn và tổ chức các chương trình hoạt động của Châu, Đạo và các khóa huấn luyện cho Trưởng và cho các em.

4.    Phục vụ Đơn vị (Unit service)

   Trọng tâm chính của Châu là để phục vụ cho các đơn vị trong Châu. Giúp đỡ, cung cấp dịch vụ trực tiếp và hỗ trợ các đơn vị có những sinh hoạt đạt được phẩm chất cao. Liên lạc, thăm viếng, lượng giá, thông tin, loan báo tin tức và các sinh hoạt của Châu/Đạo cũng như tư vấn cho các đơn vị.

                            

       Tổ Chức Châu

     Hội Nam HĐHK xác định HĐ là một phong trào nhưng dùng cách thức của một tổ chức như là một phương tiện để điều hành cho sự thống nhất về mục tiêu và chương trình HĐ của Hội.

   Châu là một hội đoàn gồm những người tình nguyện trong cộng đồng, quan tâm đến sự phát triển của thanh thiếu niên trong khu vực địa lý và dùng các chương trình giáo dục HĐ. Hội đoàn này có nhiệm vụ hỗ trợ mục tiêu, phương thức, quyết định của Hội Nam HĐHK cùng luật lệ và quyết định của chính hội đoàn khi thành lập.

   Đối với HĐ, như đã viết bên trên, tổ chức này được công nhận từ Hội Nam HĐHK qua việc ủy nhiệm (charter) để trao quyền và hợp thức hóa sự hiện diện để trở thành Châu HĐ.

  Đối với chính quyền về mặt pháp lý, mỗi Châu HĐ địa phương là một hội đoàn không lợi nhuận (non-profit organization) riêng biệt, chịu trách nhiệm đối với liên bang, tiểu bang và địa phương như là một hội đoàn độc lập.

   Khu vực Châu phục vụ bao trùm một vùng địa lý được xác định rõ ràng. Có Châu nhỏ, có Châu lớn với vùng phục vụ rộng lớn bao gồm nhiều thành phố. Có Châu chỉ có một Đạo nhưng có Châu có nhiều Đạo. Có Châu đông các em và nhiều đơn vị nhưng cũng có Châu ít các em và ít đơn vị.(*4)

          Cơ Quan Châu (Council Body - từ đây sẽ dùng chữ Châu cho gọn).

   Châu là tập hợp của những người Đại diện Cơ quan được Ủy quyền (Chartered Organization Representative) trong lãnh thổ của Châu và một số thành viên mở rộng (members at large) được Châu chấp thuận. Đại diện Cơ quan được Ủy quyền là những người có quyền bỏ phiếu trong Châu.

   Mỗi năm ít nhất là một lần, Châu tổ chức một Đại hội Châu hằng năm (Annual Council Meeting), họp nhau để thông qua việc chọn lựa ban lãnh đạo mới cũng như tu chính Luật Lệ  Châu(*5). Châu cũng có thể triệu tập các buổi họp bất thường khi cần thiết.

   Châu bầu chọn Hội Đồng Quản Trị Châu (Council Executive Board) đứng đầu là vị Chủ tịch (President) và

       Hội Đồng Quản Trị Châu (Council Executive Board)

      ( Xem sơ đồ  “Tổ Chức Châu” đính kèm)

     Hội Đồng Quản Trị Châu được trao quyền làm việc thay cho Châu, có nhiệm vụ thực hiện các luật lệ, các nghị quyết, chính sách và hoạt động của Châu, cùng đưa ra những quyết định cần thiết. Hội đồng này không có thẩm quyền thay đổi hoặc sửa đổi các Luật Lệ của Châu.

----------

 (*4). Theo báo cáo năm 2019, Châu Silicon Valley Monterey Bay phục vụ cho 13,427 em.

(*5).   Vì mỗi Châu là một hội đoàn riêng biệt nên có Luật Lệ riêng của Châu. Luật Lệ Châu ở đây cũng có thể được gọi là Hiến Chương của Châu theo cách nói của VN. Luật Lệ được nộp cho chính phủ khi thành lập hội đoàn.


   Một vài trách nhiệm của Hội Đồng Quản Trị Châu:

- Phê duyệt chương trình và kế hoạch.

- Chọn lựa (thuê mướn) một vị Châu Trưởng (Scout Executive)(*6) .

- Lập ngân sách và kế hoạch gây quỹ.

- Phối hợp công việc với các Đạo (District).

 

    Ủy Ban Điều Hành Châu (Council Executive Committee)

   Ủy Ban Điều Hành Châu gồm có những người lãnh đạo Châu, được ủy quyền để thực hiện các quyết định nhưng phải được thông qua bởi Hội Đồng Quản Trị Châu.

      Ba người chính của Châu (Council Key 3) gồm có:

    - Chủ Tịch Châu

    - Ủy Viên Châu

    - Châu Trưởng

   Nhiệm vụ của ba người chính là phối hợp công việc của Châu, liên lạc và làm việc với các ủy ban và các ủy viên trong Châu. Họ cũng có thể đưa ra những đề nghị, nhưng không có quyền hạn thay thế các quyết định của Hội Đồng Quản Trị Châu hay Ủy Ban Điều Hành Châu. 

 ------------

  (*6). Hầu hết các trách vụ trong châu là những người tình nguyện. Nhưng Châu cũng chọn (thuê mướn) một số Trưởng HĐ chuyên nghiệp (Professional Staff) và một số nhân viên chuyên môn thường trực như Tiếp tân, Hành chánh, Ghi danh, Kế toán, vv… làm việc toàn thời gian có lương và quyền lợi. Người Châu Trưởng (Scout Executive) là người đứng đầu các Trưởng HĐ Chuyên Nghiệp và nhân viên của Châu.

       Lãnh Đạo Châu (Council Officers)

• Chủ Tịch Châu (Council President)

   Người điều hành công việc liên quan đến HĐ, là người trưởng tình nguyện và lãnh đạo cao nhất của Châu. Chủ tịch Châu là chủ tọa các buổi họp của Châu, của Hội Đồng Quản Trị và của Ủy Ban Điều Hành cũng như đại diện Châu trong các cuộc họp của Vùng (Region) và Hội Đồng Quốc Gia (National Council)(*7) .

• Ủy Viên Châu (Council Commissioner)

Người lãnh đạo của nhóm các Ủy viên Đạo (District Commissioner). Hỗ trợ và hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch của Châu. Ủy viên Châu cũng là đại diện Châu trong các cuộc họp của Vùng và Hội Đồng Quốc Gia.

• Châu Trưởng (Scout Executive) và Châu Phó (Assistant Scout Executive – nếu cần có thêm)

   Châu Trưởng là người điều hành công việc hằng ngày của Châu. Châu Trưởng được ủy quyền của Hội Nam HĐHK và được lựa chọn (thuê mướn) của Hội Đồng Quản Trị. Thực hiện các quyết định của Châu với sự hướng dẫn của Hội HĐ. Châu Trưởng thuê mướn và giám sát tất cả nhân viên làm việc của Châu với sự chấp thuận của Hội Đồng Quản Trị.

• Thủ Quỹ của Châu (Council Treasurer)

Bảo đảm tất cả các hoạt động tài chính đều phù hợp, và ngay thẳng. Thủ Quỹ của Châu cũng là người giám đốc tài chính của Châu. Báo cáo tình hình ngân quỹ trong các cuộc họp thường kỳ của Hội Đồng Quản Trị. Cuối năm báo cáo tài chính được kiểm soát hợp lệ và công khai.

 -----------

  (*7).Hội Đồng Quốc Gia (National Council) hay Châu Quốc Gia có  nhiệm vụ khác biệt so với các Châu địa phương và không nằm trong chủ đích của bài viết này.

• Các Phó Chủ Tịch Châu (Council Vice Presidents)

   Những người được chọn bầu và làm việc dưới quyền của Chủ Tịch Châu với những công việc khác nhau.

* Ghi Chú: Viết tắt Phó Chủ Tịch (PCT) và Vice President (VP)

• Phó Chủ Tịch Hành Chánh (VP Administration)

Chịu trách nhiệm về

- Ủy Ban bồi thường (Compensation committee)

- Ủy Ban kiểm soát (Audit committee)

- Kế hoạch chiến lược (Strategic plan)

- Bảo hiểm (Insurance)

- Quản lý rủi ro (Risk management)

- Sức khỏe và an toàn (Health and safety)

- Ủy Ban quản trị (Governance committee)

    Phó Chủ Tịch Châu đặc trách hoạt động của Đạo (VP District Operations)

- Ủy Ban Đề Cử Đạo (District Nominating committee – chi tiết được viết gần phần cuối bài)

- Hoạt Động của Đạo (District operations)

    Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Tài chánh (VP Finance)

- Ủy Ban tài chính (Finance committee)

- Tài chánh từ United Way(*8)

- Bán bắp nổ (Popcorn sale – Chương trình gây quỹ hằng năm cho Châu và cho chính đơn vị tham gia).

- Các khoản đầu tư (Investments)

    Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Quỹ “VP Endowment”(*9)

---------

 *8. United Way là một tổ chức không vụ lợi, nhận tiền tài trợ từ dân chúng và các cơ sở tư nhân rồi chia cho các tổ chức không vụ lợi khác.

(*9).  Quỹ “Endowment”; một loại quỹ của các hội đoàn không vụ lợi dùng để đầu tư, thông thường các Châu chỉ được dùng tiền lời từ quỹ này mà không được đụng đến tiền vốn. Tiền vốn chỉ được dùng khi có trường hợp khẩn cấp như cơ sở bị hỏa hoạn, động đất mà Châu cần tiền ngay để hoạt động và có thể cần án lệnh của Tòa án trước khi được dùng. Đây là một loại ngân quỹ bảo đảm cho sự tồn tại của Châu.

    Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Chương trình (VP Program)

Làm việc chung với các Ủy ban dưới đây của Châu và Đạo

- Huấn luyện

- Cắm trại

- Sinh hoạt

- Thăng tiến

    Phó Chủ Tịch Châu dặc trách Thành viên/Quan hệ (VP Membership/Relationship)

- Ủy ban quan hệ (Relationships committee)

- Tăng trưởng thành viên (Membership growth)

- Tăng trưởng đơn vị (Unit growth)

   Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Sinh hoạt Đặc biệt (VP Special Events)

- Thể thao (các loại)

- Giải đấu gôn (Golf tournament)

    Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Quảng bá (VP Marketing)

- Liên hệ với công chúng (Pubic Relations)

- Kế hoạch quảng bá (Marketing Plan)

    Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Bất động sản (VP Properties)

- Quản lý bất động sản (Property management)

- Thanh tra trại (Camp inspections)

• Có thể thêm: Phó Chủ Tịch Châu đặc trách Chương trình Học hỏi cho Cuộc sống (VP Learning for Life)(*10)

  Chủ Tịch Các Ủy Ban Châu (Council Committee Chairs) để giúp Châu hoàn thành nhiệm vụ, một số Ủy ban (Committee)

căn bản được thành lập và kết hợp làm việc với Phó Chủ Tịch Chương trình Châu. Chủ Tịch Các Ủy Ban Châu được chỉ định bởi Chủ Tịch Châu và được chấp thuận của Hội Đồng Quản Trị.

  -------

  (*10) Một chương trình cũng do HĐHK quản lý liên quan về hướng  nghiệp.

   Mỗi Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm tuyển chọn, huấn luyện và hướng dẫn các thành viên trong từng ủy ban riêng biệt. Chủ tịch các Ủy ban Châu cũng làm việc chặt chẽ với các Ủy ban khác của Châu và Đạo có liên quan đến lãnh vực trách nhiệm.

   Các Chủ tịch Ủy ban Châu là chủ tọa của các cuộc họp với các Chủ tịch Ủy ban Đạo (District Committee Chairs) có cùng lãnh vực liên quan.

• Chủ tịch Ủy ban Huấn luyện Châu (Council Training Chair). Hỗ trợ trong mục tiêu huấn luyện và làm việc với các Chủ tịch Huấn luyện Đạo (District Training Chair) để tổ chức các khóa huấn luyện như Huấn luyện Trưởng ngành Ấu (Cub Scout Leader Training), ngành Thiếu (Scout, BSA Leader Training) và ngành Thanh (Venturing Leader Training), Kỹ năng ngoài trời (Outdoor Skills Training), Huấn luyện trẻ giúp Đàn (cho ngành Ấu) (Den Chief Trainings)(*11) ...

   Tuyển mộ, huấn luyện và hướng dẫn các Trưởng cần thiết cho các khóa huấn luyện của Châu như khóa Huy Hiệu Rừng (Wood Badge) cho người lớn và khóa cho Các Em Lãnh Đạo (Junior Leader Training). (Khi một khóa huấn luyện do Đạo hay Châu tổ chức và được Châu hay Vùng (Region),Khu Vực (Area), Quốc Gia (National) chấp thuận, các học viên trúng cách được ghi vào hồ sơ cá nhân và có giá trị trên toàn quốc).

  Chủ tịch Ủy ban Thăng tiến Châu (Council Advancement Chair)

- Theo dõi sự thăng tiến của các em và cả người lớn.

- Tổ chức các trại cho các em học và lấy chuyên hiệu (Merit badge Camp)

 ------------------ 

 (*11).  Den Chief là một em Thiếu hay Thanh tình nguyện hay được cử xuống giúp Ấu Đoàn. Den Chief là một trong những vai trò “Lãnh Đạo” của các em trong chương trình thăng tiến cá nhân.

- Tổ chức tiệc vinh danh (Recognition Banquet), Thăng thưởng của Châu/Quốc Gia (Council/National Awards)

- Ban kháng nghị (Appeals Board) khi có sự khiếu nại về việc thăng tiến.

  Chủ tịch Ủy ban Cắm trại Châu (Council Camping Chair). Hỗ trợ các trại do Châu tổ chức như

- Trại hè Hướng đạo (Scout, BSA Summer Camp)

- Trại ngày cho các em Ấu (Cub Scout Day Camp – trại sáng đến và chiều về trong 5 ngày)

- Trại Hướng đạo cho các em (ấu lớn) Webelos (Webelos Scout Camp)

- “Order of the Arrow”(*12)

• Chủ tịch Ủy ban Sinh hoạt Châu (Council Activities Chair)

- Giúp phát triển các sinh hoạt cho đơn vị, cho cấp Đạo và Châu

- Quảng bá và thực hiện các chương trình phục vụ cộng đồng ví dụ như Chương trình HĐ thu góp thực phẩm (Scouting for Food)  cho người nghèo hằng năm.

     Legal Counsel. Cố vấn pháp lý, theo dõi và thông tin đến Hội Đồng Quản Trị Châu những luật lệ mới từ chính phủ nhất là luật lệ có ảnh hưởng đến nhân viên làm việc cho Châu và liên quan đến các tổ chức không lợi nhuận.

 -----------

  (*12)“Order of the Arrow” là một “Hiệp hội Danh dự Quốc gia của Hội Nam HĐHK, bao gồm các Trưởng và các em Thiếu và Thanh, những người thể hiện rõ nhất trong cuộc sống hàng ngày với Lời thề và Luật HĐ  và do đơn vị bầu chọn.

ĐẠO (District)

     Đạo là một vùng địa lý nhỏ hơn trong Châu, được Hội Đồng Quản Trị Châu thành lập để bảo đảm sự phát triển và thành công của từng đơn vị HĐ trong khu trách nhiệm của Đạo. Châu có thể thành lập một hay nhiều Đạo với mục đích phục vụ các đơn vị cho hiệu quả.

   Khác biệt với Châu là nơi thiết lập các chính sách, mục tiêu và chương trình của Châu, các Đạo thực hiện các chương trình và chính sách của Châu và thêm vào mục tiêu cùng chương trình của Đạo.

   Các Trưởng tình nguyện phục vụ trong Đạo chính là các Trưởng thành viên của Châu, nằm trong lãnh thổ của Đạo và cũng là thành viên của các ban ngành liên quan của Châu. Mỗi Đạo cần tuyển chọn đầy đủ số người tình nguyện phục vụ trong Đạo.

   Trên nguyên tắc các trưởng phục vụ trong Đạo được Ủy ban Đề cử Đạo (District Nominating Committee) và được chấp thuận bởi Hội Đồng Quản Trị Châu ngoại trừ Đạo trưởng (District Executive) .

  Hoạt động của Đạo cũng giống như của Châu, trong bốn lãnh vực:

1. Thành viên/Quan hệ (Membership/Relationship)

2. Tài chánh (Finance)

3. Chương trình (Program)

4. Phục vụ Đơn vị (Unit service)

        Ba người chính của Đạo (District Key 3)

- Ủy viên Đạo (District Commissioner)

- Chủ tịch Đạo (District Chair)

- Đạo trưởng (District Executive) (*13)

-------------

(*13) Đạo trưởng (District Executive)  cũng là Trưởng HĐ chuyên nghiệp

   Một Đạo tiêu chuẩn gồm có các thành viên và trách vụ:

(** Xem sơ đồ tổ chức “Tiêu Chuẩn của Một Đạo” đính kèm)

    Ủy viên Đạo (District Commissioner)

   Chịu trách nhiệm tuyển dụng, huấn luyện và điều hành các Ủy viên (Commissioner) trong Đạo để bảo đảm một chương trình HĐ có phẩm chất cao. Tuyển chọn thêm các Phó Ủy viên Đạo (Assistant District Commissioner) cần thiết và giúp họ mời gọi thêm các Ủy viên Đơn vị (Unit Commissioner)(*14) .

  Khối Ủy viên Đạo họp mỗi tháng một lần.

  Tư vấn cho Chủ tịch Đạo (District Chair) và Chủ tịch Chương trình Đạo (District Program Chair). Thỉnh thoảng cần có thêm Ủy viên Đơn vị đặc biệt để hỗ trợ các đơn vị đang gặp khó khăn nội bộ.

   Các trách vụ thuộc khối Ủy viên

• Phó Ủy viên Đạo (Assistant District Commissioner)

  Phụ giúp Ủy viên Đạo, tuyển mộ thêm các Ủy viên Đơn vị với tối thiếu một Ủy viên Đơn vị chịu trách nhiệm giúp cho ba đơn vị.

• Ủy viên Đơn vị (Unit Commissioner - số người tùy theo nhu cầu)

  Cung cấp, trực tiếp hướng dẫn và tư vấn cho các Trưởng của đơn vị để giúp đảm bảo sự thành công của mỗi đơn vị. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

- Giúp đơn vị đạt được giải Hành trình Xuất sắc (Journal for Excellence) (*15) .

 --------------

(*14) Một người Trưởng có thể có nhiều trách nhiệm khác nhau, thông thường Ủy viên Đơn vị (Unit Commissioner) được chọn để giúp đơn vị khác không phải là đơn vị mình đang ghi danh phục vụ để tránh sự xung khắc hay thiên vị.

  (*15) Để đạt được giải Hành trình Xuất sắc (Journal for Excellence) cho đơn vị, một đơn vị tùy theo ngành, cần phải thực hiện số điều bắt buộc. Giải này chia thành ba loại: Vàng (Gold), Bạc (Silver) và Đồng (Bronze). Châu và Đạo cũng được lượng giá phẩm chất qua loại giải này với những điều kiện riêng cho Đạo hay Châu cần phải thực hiện.

- Thăm viếng các cuộc họp đơn vị để bảo đảm đơn vị hoạt động được hiệu quả.

- Liên lạc thường xuyên với các trưởng đơn vị và cơ quan được ủy quyền của đơn vị.

* Một điểm đặc biệt của Ủy viên Đơn vị, mặc dầu thuộc Đạo nhưng cũng là đại diện Châu và có lúc đóng vai trò đại diện Hội Nam HĐHK như khi trao giấy Chứng nhận Ủy quyền của Hội cho Cơ quan được Ủy quyền và Đơn vị mỗi năm.

• Ủy viên Hội họp Bàn tròn (Roundtable Commissioner)

Lập kế hoạch và điều hành chương trình hội họp bàn tròn hàng tháng cho các Trưởng trong Đạo. Hội họp bàn tròn thường có phần trao giải thăng thưởng, thông báo tin tức, học hỏi trau dồi hiểu biết hay năng khiếu. Các Trưởng trong nhóm này đều được gọi là Ủy viên Hội họp Bàn tròn.

      Chủ Tịch Đạo (District Chair)

Chủ tịch Đạo là đại diện và chịu trách nhiệm của Đạo.

Tuyển dụng, huấn luyện và điều hành toàn thể thành viên Ủy ban Đạo (District Committee Members). Cùng với các thành viên Đạo thiết lập các mục tiêu của Đạo. Theo dõi tiến trình, hỗ trợ lập kế hoạch thực hiện để bảo đảm đạt được mục tiêu. Lập kế hoạch khắc phục những trở ngại. Khối Ủy ban Đạo cũng họp mỗi tháng một lần.

   Các trách vụ Ủy ban Đạo (District Committee)• Phó Chủ Tịch Đạo (District Vice Chair - nếu có), thay thế Chủ Tịch khi vắng mặt.

   Thực hiện việc vận động gây quỹ trong Đạo và theo dõi việc gây quỹ cho Châu như chương trình “Bạn của HĐ” (Friend of Scouting).

• Chủ tịch Thành viên (District Membership Chair)

Giúp sự phát triển qua việc tổ chức thành lập các đơn vị mới và giúp phát triển thêm các đoàn sinh mới cho các đơn vị hiện có.

• Chủ tịch Chương trình Đạo (District Program Chair)

Giúp và hỗ trợ về tổ chức trại, các sinh hoạt, các sinh hoạt đặc biệt của đơn vị kể cả chương trình phục vụ cộng đồng, huấn luyện Trưởng, thăng tiến và thăng thưởng.

• Chủ tịch Huấn luyện Đạo (District Training Chair)

   Chịu trách nhiệm mở các khóa huấn luyện Trưởng cho mỗi ngành.

• Chủ tịch Quảng bá Cắm trại và Hoạt động Ngoài trời Đạo (District Camping Promotion and Outdoor Chair)

   Quảng bá việc cắm trại và khuyến khích các đơn vị Thiếu, Thanh tham gia ít nhất 10 trại trong một năm, trong đó có trại dài hạn (sáu ngày và đêm).

• Chủ tịch Sinh hoạt và Dân vụ Đạo (District Activities and Civic Service Chair)

   Tổ chức hay hỗ trợ và giúp tổ chức các sinh hoạt của Đạo như cuộc đua xe gỗ (Pinewood Derby), Tiệc của Đạo cuối năm (District Dinner) …

   Hỗ trợ các sinh hoạt của Châu, như chương trình HĐ, thu góp thực phẩm (Scouting for Food), tiệc Châu hằng năm (Annual Council Dinner), vv…

   Lập dự án và tham gia vào các chương trình phục vụ cộng đồng.

• Chủ tịch Thăng tiến và Thăng thưởng Đạo (District Advancement and Recognition Chair)

   Trách nhiệm chấp thuận Dự án Phục vụ HĐ Đại bàng (Eagle Scout Service Project) của các em trước khi các em thực hiện. Chủ tọa hay cử Trưởng đại diện Đạo trong cuộc phỏng vấn hoàn tất Đẳng thứ Hướng đạo Đại bàng. Theo dõi, ghi nhận vào hồ sơ và báo cáo việc thăng tiến của các đơn vị và các em.

 

    Đạo Trưởng (District Executive)

Phục vụ với tư cách là người điều hành chuyên nghiệp. Chịu trách nhiệm của Đạo với Châu. Hướng dẫn các tình nguyện viên chính của Đạo để xây dựng kế hoạch và hoạt động cho Đạo. Đóng vai trò là cố vấn và hỗ trợ cho Đạo đạt các thành quả với hiệu suất cao. Lượng giá liên tục các hoạt động để bảo đảm thực hiện đúng thời gian yêu cầu.

 Ủy Ban Đề Cử

   Tất cả các thành viên Hội Đồng Quản Trị Châu, Ủy Ban Điều Hành, cố vấn, thành viên mở rộng (member at larger), thành viên danh dự và các đại diện Châu (để tham dự cuộc họp cấp Quốc Gia) và các thành viên thiện nguyện của Đạo có nhiệm kỳ một năm. Số nhiệm kỳ không giới hạn. Chính vì thế Châu và Đạo còn có Ủy ban Đề cử Châu (Council Nominating Committee) Và Ủy ban Đề cử Đạo (District Nominating Committee). 

   Hằng năm các Ủy ban Đề cử thường họp và làm việc ba tháng trước khi có Đại hội thường niên của Châu. Nhiệm vụ đề cử các thành viên trong các trách vụ của Châu và Đạo (ngoại trừ các Trưởng HĐ chuyên nghiệp và nhân viên văn phòng) cho nhiệm kỳ năm tới.

   Thành viên của Ủy ban Đề cử Châu được chỉ định của Châu trưởng. Thành viên của Ủy ban Đề cử Đạo được chỉ định của Đạo trưởng.

    Trưởng HĐ Chuyên Nghiệp (Professional Staff)

   Tùy theo mỗi Châu vì mỗi Châu là một hội đoàn riêng biệt, thông thường gồm có:

- Châu trưởng (Scout Executive) và Châu phó (Assistant Scout Executive),

- Các Giám đốc (Director) như Tài chánh (Finance), Chương trình (Program), (Field Director), Chương trình “Học hỏi cho Cuộc sống” (Learning for Life)

- Đạo trưởng (District Executive)

 Kết

Như đã viết trong bài, Châu là một hội đoàn thuộc cộng đồng, các trách vụ thiện nguyện trong Châu và Đạo cũng như Luật lệ, các tu chính Luật lệ được bỏ phiếu bởi các đại diện Cơ quan Uỷ quyền. Trong thực hành, các vai trò thiện nguyện trong Châu và Đạo thường được tìm hiểu và đề nghị bởi những người nhiều kinh nghiệm HĐ của Ủy ban Đề cử Châu và Đạo, các Luật lệ và tu chính cũng được nghiên cứu bởi những người chuyên môn về luật pháp, nên việc bỏ phiếu được thông qua rất dễ dàng trong các Đại hội thường niên của Châu.

    Để kết thúc bài viết về Châu và Đạo của Hội Nam HĐHK này, tôi xin cám ơn những cựu Trưởng HĐ chuyên nghiệp của Châu Santa Clara (nay trở thành Châu Sillicon Valley Monterery Bay) đã giúp đỡ, cố vấn cũng như giải quyết những  khó khăn liên quan đến trách nhiệm HĐ của tôi rất nhiều: Các ông Doug McDonald (Scout Executive), Frank Erickson (Scout Executive), Martin Lee (Assistant Scout Executive), Ron Schoenmehl (Assistant Scout Executive), “J” Aderson (Council Program Director), Phu Tran (Field Director) và bà Judy Johnson (District Executive). Nhân đây tôi cũng xin tưởng nhớ đến các Trưởng thiện nguyện đã ra đi và đã sát cánh làm việc chung: Chuck Guthery (April 1- 2004), Kris Anderson (Sept. 6- 2008), Lm Nguyễn Mạnh Tân (Jan 17- 2017), Ngài thành lập Thiếu Đoàn 288), Deborah Falconio-Porras (Nov 22- 2019).

Ngày 1 Tháng 5 năm 2021

Trần Văn Long

 

   Xin cám ơn các Trưởng Trần Gia Phú và Trần Minh Hữu đã đóng góp ý kiến cho bài viết này.

             (Đính kèm sơ đồ Tổ Chức Châu và Đạo)

 Tài liệu tham khảo:

- The Council (BSA # 33071, 2013 Printing)

- The District (BSA #3300, 2006 Printing)

- District Officers Manual (Santa Clara Council 2008)

- Chartered Organization Representative (BSA# 33118, 2009 Printing




Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét