Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

XƯỞNG GIỚI THIỆU CHÍNH SÁCH SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ TRONG PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO

 

(KHU VỰC MIỀN TRUNG)

 PV/VT


           Ngày 30/07/2022 tại thành phố Đà Nẵng. Ủy Ban chương trình trẻ và Châu Đà Nẵng, Hướng Đạo Việt Nam, đã tổ chức "Xưởng giới thiệu chính sách sự tham gia của người trẻ trong Phong trào Hướng Đạo", dành cho các Trưởng đơn vị, các Trưởng trẻ khu vực miền Trung (gồm Châu Đà Nẵng, Châu Liên Quảng và Châu Quảng Thừa).

     Xưởng nhằm trao truyền sự hiểu biết, giá trị sự tham gia của người trẻ vào quá trình ra quyết định, để đạt được mục đích của phong trào Hướng đạo, là một Phong trào của người trẻ, được sự hỗ trợ bởi người lớn, từ đó hình thành mối quan hệ hợp tác lành mạnh...

    Về tham dự Xưởng, tổng cộng có 66 tham dự viên, trong đó có sự hiện diện của Trưởng LT, Trần Minh Thiện, TUV. HĐVN (lâm thời); Trưởng LT Trần Xê, Ủy viên Quản trị Huấn luyện; Châu trưởng Châu Đà Nẵng; Quý trưởng Châu Trưởng; Đạo Trưởng, Liên Đoàn Trưởng và 45 Trưởng trẻ cùng các em Kha sinh và Tráng sinh tham dự…

 

    Xưởng Trưởng là Trưởng trẻ Nguyễn Tiêu Quang Thanh. Trưởng Nguyễn Hoàng Bảo Huy, phụ tá và Huấn Luyện viên. Xưởng hoàn thành công việc trong một ngày và đạt được những kết quả tốt đẹp…

     Theo nội dung trình bày của xưởng, thì đến năm 1993 HĐTG mới có quyết nghị về việc tham gia của người trẻ vào sự quyết định của phong trào. Thật ra không phải đến năm 1993 mới có quyết nghị về sự tham gia của người trẻ trong phong trào Hướng đạo, mà việc để cho người trẻ tham gia vào các hoạch định sinh hoạt của phong trào, đã được chủ trương ngay từ đầu, nhưng đến năm 1993 HĐTG mới chính thức xác nhận việc người trẻ tham gia vào phong trào, để chính thức lưu ý, nhắc nhở các Trưởng mà thôi. Chúng ta nên biết rằng, BP là nhà thực nghiệm, không phải lý thuyết suông nên cụ đưa tất cả nội hàm của phương pháp HĐ vào trong các hoạt động, sau đó Hội HĐTG mới lần lượt đúc kết các tư tưởng phương pháp đó qua những quyết nghị, như quyết nghị 1993 mà chúng ta đề cập ở trên. Nói cách khác, là đến năm 1993 HĐTG mới đúc kết sự tham gia của người trẻ một cách cụ thể. Chúng ta biết rằng HĐ là trò chơi của trẻ, nhưng là công cuộc của người lớn (Trưởng), nên BP đã để cho các em tham gia vào công cuộc sinh hoạt của chính các em một cách sâu rộng, mà nếu dùng phương pháp nấc thang về sự tham gia của người trẻ do Roger Hart cung cấp, thì có nơi có lúc, các em đã tham gia đến cấp độ 6 hoặc 7.

 

    Trưởng Phạm Cảnh Đáng, tham dự viên, đã đưa ra 2 ví dụ cụ thể mà chính Trưởng đã trải qua, và cách đây cũng trên 50 năm rồi, để nói lên rằng, nếu Trưởng đơn vị áp dụng đúng đắn về mục đích và phương pháp giáo dục của phong trào, nhất là qua phương pháp hàng đội, thì chúng ta sẽ thấy sự tham gia quyết định của trẻ vào mọi sinh hoạt của Đoàn là rất cao.

      Ví dụ đầu tiên là ở Thiếu đoàn La Vang, Liên đoàn La Vang, Đạo Phú Xuân. Mọi chương trình sinh hoạt của Thiếu đoàn là do Hội Đồng đoàn quyết định. Muốn tổ chức một kỳ trại hè thì Hội đồng Thiếu đoàn họp để bàn thảo và quyết định, mà Hội đồng Thiếu đoàn thường có đến 8 Thiếu sinh (Đội trưởng và Đội phó) và nhiều nhất cũng chỉ có hai ba Trưởng (Thiếu trưởng, Thiếu phó, phụ tá). Như vậy quyết định của Hội Đồng đoàn chính là quyết định của các em: đi trại ở đâu, mấy ngày, địa điểm, thời gian nào… đều do chính các em đồng ý và quyết định, vì các em chiếm đến 80% của Hội Đồng đoàn. Ở đây nếu căn cứ vào nấc thang phát triển về sự tham gia của người trẻ do Royer Hart đã đề ra, thì phải là nấc thang thứ 6.

     Một hình ảnh khác là khi sinh hoạt ở Tráng đoàn Bàn Sơn (Đạo Phú Xuân Huế), lúc đó Trưởng Đáng là Toán trưởng, toán của Trưởng Đáng đề nghị Tráng đoàn cho Toán được nhận công việc quét vôi tường rào cổng ngõ cho một trường học, để gây quĩ cho Toán. Tráng đoàn đã chấp thuận ngay. Như vậy chính Tráng sinh đã tự quyết định công cuộc của mình qua sự đồng ý, giúp đỡ và giám sát của người lớn. Ở đây nếu dùng nấc thang phát triển về sự tham gia của người trẻ thì đạt đến độ cao nhất là cấp 7.

Như vậy, trong phương pháp HĐ của BP đã để cho chính giới trẻ tham gia vào công cuộc của các em rồi, chứ không phải đến năm 1993, khi có Quyết nghị về sự tham gia của người trẻ, thì người trẻ mới được tham gia.

     Đặc biệt qua xưởng này, chúng ta thấy quí Trưởng tham dự viên đã bày tỏ một cách tâm huyết với công cuộc xây dựng cho phong trào ngày càng tốt đẹp hơn. Điều đó được thể hiện qua cách trả lời những câu hỏi thăm dò mà Xưởng muốn tìm hiểu.

     Trong khóa xưởng có nêu lên nhiều câu hỏi về sinh hoạt HĐ để các tham dự viên góp ý kiến. Trong đó có câu hỏi rất quan trọng về những hoạt động của Uỷ Ban Quốc gia (UBQG) hiện nay với 4 nội dung: UBQG cần: “Giữ lại”, “Cải tiến”, “Dừng lại” và “Bắt đầu” những công việc cụ thể nào. Sau khi tất cả các nhóm luân phiên đóng góp ý kiến, thì toán Sao Băng đã đúc kết và lên trình bày trước mọi ngưòi, về phần trả lời các câu hỏi này. Rất may mắn là có Trưởng Trần Minh Thiện, Trưởng UBQG đang hiện diện.

Nội dung cụ thể như sau.

1.UBQG “Giữ lại” những gì? 

    UBQG giữ lại: “Họp định kỳ để đánh giá các hoạt động và định hướng mới. Tạo sự gắn kết nhau”.

2. UBQG “Cải tiến” những gì?

    UBQG cải tiến: “Công tác quản trị (số hóa...). Cải tiến chương trình sinh hoạt. Cải tiến truyền thông, Tu thư”.

3. UBQG “Dừng lại” những gì?

   UBQG dừng lại:  “Sự kèn cựa, phân hóa, mất đoàn kết. Dừng lại việc kiêm nhiệm nhiều chức trách, và dừng lại việc thực hiện sai qui chế, Hiến chương”.

4. UBQG “Bắt đầu” những gì UBQG bắt đầu: “Cập nhật thông tin HĐTG cho ngưòi trẻ HĐVN. Tạo cơ hội cho ngưòi trẻ tham gia Hội đồng Quốc gia. Và phải thực hiện đúng Hiến chương HĐVN”.  

 

Những góp ý trên của 66 tham dự viên tiêu biểu từ 3 Châu miền Trung bao gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi chức trách từ Châu trưởng, Đạo trưởng đến các Tráng sinh và Kha sinh, phần nào đó đã thể hiện sự quan tâm đến việc hưng thịnh của phong trào mà quí Trưởng lãnh đạo cấp TƯ cũng nên quan tâm.

 

     Chắc Trưởng Thiện cũng đã nghe rõ ý nguyện xây dựng phong trào của tất cả HĐS, vì phong trào HĐ không của riêng ai.

                                                               PV/VT

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét