Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

MỘT SỐ TRAO ĐỔI VỀ CHÍNH SÁCH CỦA HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI VỀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ.

                                               

                                                                     Nguyễn Đức Là

 




      Cụ tổ BIPI đã nói “Hướng đạo là trò chơi của trẻ, nhưng lại là công cuộc của người lớn”.

Đúng vậy, đối với trẻ thì Hướng đạo không gì to tát lắm, chỉ là một cuộc chơi và như các em đoàn sinh hay nói: “Em chơi Hướng đạo đã mấy năm rồi”, hoặc “Em mới vào chơi Hướng đạo nhưng em thấy chơi Hướng đạo cũng hay hay”. Còn đối với người lớn là các huynh trưởng, thì lúc nào cũng lo ngay ngáy. Làm thế nào để hấp dẫn các em, nhằm duy trì sự gắn bó của các em với đơn vị, với phong trào. Nào là phải lo việc tiền trạm cho cuộc thám du, cuộc trại Thiếu đoàn, Liên đoàn, Đạo, Họp bạn… sắp tới, để các em tham gia đông đủ, đúng thành phần, lại phải chọn thời gian nào phù hợp với thời gian học tập, công việc của các em. Tính toán kinh phí vừa tiết kiệm nhưng phải đảm bảo cho cuộc vui của các em trọn vẹn; Đề ra các biện pháp để đảm bảo an toàn trong các sự kiện nói trên. Còn cái lo lâu dài, là phải làm thế nào để hình thành nhân cách cho các em, để trở thành con ngoan trò giỏi, công dân tốt, biết nhiều kỹ năng sống để có cuộc sống tốt hơn cho mình và giúp người xung quanh, sống có ích cho xã hội, sống phải luôn nghĩ tới và giúp ích tha nhân, cộng đồng, là người tử tế như lời dạy của BIPI: “Hạnh phúc khi ta mang hạnh phúc đến cho người khác”. Rồi phải xây dựng đơn vị như thế nào, kế hoạch huấn luyện đào tạo cho các em ra sao, để có thể trao trách vụ cho lớp kế tục. Đúng là cả một công cuộc, để góp phần cùng với gia đình và nhà trường, giáo dục các em thành những “công dân toàn cầu năng động”; Nên rất cần nhiều người chung sức, từ các Trưởng tiền bối, kỳ cựu, trong và ngoài đơn vị, đến cả sự góp sức của các “Người trẻ”. Các Trưởng rồi cũng thành những người lớn tuổi, cách nói tránh là “Người già”, nên sự nhạy bén, năng động, tháo vát, có phần hạn chế. Chậm tiếp thu những tiến bộ, phát triển về khoa học trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, nên khó đáp ứng đầy đủ vai trò của một huynh trưởng HĐ trong cuộc sống hiện đại. Trong khi đó, các em với sức trẻ, tiếp thu nhanh hơn. Các Trưởng lớn chỉ còn những trải nghiệm, kinh nghiệm quí báu, giúp cho cân đối vấn đề “kế thừa và phát triển nhanh, nhưng bền vững” trong phong trào.

    Cần lưu ý một nguyên tắc cơ bản: Phong trào HĐ là của người trẻ, được sự hỗ trợ của người lớn, chứ không đơn thuần là một phong trào dành cho người trẻ, nên vai trò và sự tham gia của Người trẻ vào quá trình ra quyết định cũng là điều mấu chốt, giúp cho Người lớn đưa ra những quyết định thấu đáo, toàn diện hơn. Do đó HĐ tạo ra một môi trường có mối quan hệ hỗ tương, nhằm rèn luyện, học hỏi, không những cho Người trẻ (đoàn sinh) mà cả cho Người lớn (huynh trưởng), nơi mà Người trẻ và Người lớn làm việc cùng nhau trên tinh thần thân ái, anh em một nhà. Tôi rất thú vị khi nhìn thấy hình ảnh có hai con trâu, “một trẻ” và “một già” trong cùng một cái ách, đang cùng làm một công việc là kéo xe hoặc cày ruộng, để diễn tả ý nghĩa của nội dung nói trên. Trong đó con trâu trẻ thì dùng sức mạnh của mình giúp con trâu già cùng vượt qua những nơi khó khăn, đồng thời con trâu già cũng giúp con trâu trẻ cách khéo léo chung lưng để vượt qua những lúc có trở ngại.

 

    Và cũng thuận theo tự nhiên và qui luật ở mọi nơi và muôn đời là “Tre già thì măng mọc”. Bởi vậy, từ năm 1969, Hội Hướng đạo Thế giới (WOSM) đã có Hội nghị khuyến khích các Hội Hướng đạo Quốc gia (NSO) và Khu vực tổ chức các hội nghị và diễn đàn dành cho Hướng Đạo sinh (HĐS) trẻ nhằm tăng cường cho sự tham gia của HĐS trẻ vào quá trình ra quyết định của phong trào. Hội nghị đã ra Nghị quyết (NQ) 12/69 trong đó công nhận sự đóng góp của HĐS trẻ và NQ 13/69 về việc (v/v) đưa các HĐS trẻ vào các đoàn Đại biểu dự các Hội nghị Thế giới và kêu gọi các Hội Hướng đạo Quốc gia (NSO) triển khai thực hiện NQ này. Đến năm 1993 Hội nghị đã ra Nghị quyết 2/93: công nhận vai trò của HĐS trẻ và thông qua Chính sách về sự tham gia của HĐS trẻ tham gia vào quá trình ra các quyết định của phong trào trên nguyên tắc dân chủ, nhằm tăng cường hơn nữa việc thực hiện Chính sách chương trình trẻ Thế giới đã được hội nghị WOSM lần thứ 32 đã thông qua vào năm 1990. Và tiếp sau đó các NQ 6/02 v/v HĐS trẻ tham gia vào việc ra quyết định, NQ. 11/05 v/v trong đó có việc ghi nhận tiến độ đã đạt được trong việc thực hiện ưu tiên chiến lược 1 về sự tham gia của người trẻ và coi Ban đại diện HĐS trẻ và Diễn đàn HĐS trẻ là công cụ chuyển tiếp, nhằm tăng cường sự tham gia của HĐS trẻ vào WOSM. NQ 14/08 v/v Sự tham gia của Người trẻ vào quá trình ra quyết định. NQ 8/11 v/v Sự tham gia của Người trẻ trong việc ra quyết định trong các Hội nghị của NSO và Phong trào Hướng đạo Thế giới. Do thế giới đang trong thời kỳ phát triển quá nhanh về mọi mặt, làm cho khuynh hướng của Người trẻ cũng thay đổi theo, nên để đáp ứng cho những chuyển biến này, phiên bản thứ 2 của Chương trình Trẻ đã được thông qua tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới lần thứ 40 tại SLOVENIA năm 2014. Nói tóm lại, vai trò và sự tham gia của Người trẻ vào sự phát triển của phong trào ngày càng được nâng cao và coi trọng.

     Chính sách này nhằm tăng cường và đảm bảo sự tham gia của Người trẻ ở tất cả các cấp trong phong trào Hướng đạo bằng việc đưa ra những định hướng về sự tham gia của Người trẻ trong phong trào.

     Như vậy về lý luận, về thực tiễn và pháp lý, đã đủ cơ sở để các Hội Hướng đạo Quốc gia (NSO) triển khai vấn đề CHÍNH SÁCH CỦA HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI VỀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ, tại các quốc gia theo tình hình thực tế của quốc gia mình. Vấn đề còn lại là các bước tiến hành như thế nào, phương pháp vận hành ra sao để vừa đảm bảo tính kế thừa và phát triển.

    Chúng ta cùng thống nhất về định nghĩa của các từ: Người trẻ, sự tham gia, sự trao quyền, Người trẻ ra quyết định…

- Người trẻ trong Phong trào là nói tất cả những đoàn sinh thông thường từ 5 tuổi đến 26 tuổi, không phân biệt nam, nữ.

- Sự góp sức của Người trẻ là một quá trình đảm bảo cho các bạn trẻ được tham gia và trao cơ hội đóng góp vào những quyết định, để người trẻ vừa được góp sức, vừa có cơ hội quan sát, học tập để phát triển.

- Sự tham gia của Người trẻ là một quá trình xây dựng năng lực, tạo điều kiện cho Người trẻ tích cực chia sẻ trách nhiệm với Người lớn để giúp Người lớn (Trưởng) đưa ra quyết định. Người trẻ được đóng góp các đề xuất thông qua việc trao đổi, phản biện và biểu quyết (ví dụ qua Hội đồng đơn vị như Hội đồng Thiếu đoàn, Hội đồng Tráng đoàn…).

- Sự trao quyền cho người trẻ là cả một quá trình, Người trẻ vừa được đào tạo vừa dần dần chuyển giao trách vụ, trách nhiệm cho Người trẻ ở các cấp độ: Ấu (Đầu đàn), Thiếu (Đội trưởng), Kha (Tuần trưởng), Tráng (Toán trưởng), giai đoạn này người trẻ được giao nhiệm vụ và được thông báo; ý kiến của Người trẻ được xem xét và bước sau cùng là Người trẻ tự khởi xướng nhưng vẫn còn được định hướng

- Người trẻ ra quyết định…Đây là giai đoạn chuyển giao chính thức, chuyển giao thế hệ. Người trẻ tự khởi xướng, cùng quyết định với Người lớn và chịu trách nhiệm về việc mình làm. Người lớn chỉ tham gia với tư cách hỗ trợ.

- Chuyển giao thế hệ là sự bàn giao trách vụ, nhiệm vụ của lớp Người lớn tuổi và lớp người trẻ tuổi.

- Chương trình trẻ có đối tượng là Người trẻ và họ cũng là trung tâm, là sự tổng hợp những cơ hội học hỏi mà từ đó Người trẻ được hưởng lợi từ sự hiểu biết và trải nghiệm phương pháp HĐ. Với mục đích cuối cùng là hình thành những công dân toàn cầu năng động nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng, xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn. Nói rõ hơn là tạo ra những cá nhân được trao quyền tự chủ, có trách nhiệm, tương trợ, hữu ích, giữ cam kết, khẳng định bản thân và thích ứng với các nền văn hóa trên toàn cầu.

              Để thực hiện chính sách VỀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ đạt hiệu quả, điều kiện ắt có và đủ là Người lớn và Người trẻ phải nhận thức đúng đắn về sự cần thiết về tham gia của người trẻ và sự tất yếu của việc chuyển giao thế hệ trong phong trào Hướng đạo. Trong đó Người trẻ (đoàn sinh) phải năng động, mạnh dạn tham gia trong sinh hoạt HĐ, mạnh dạn đề xuất Trưởng của mình giao cho mình những nhiệm vụ từ thấp đến cao và sẵn sàng nhận trách vụ khi được giao. Còn Người lớn (Trưởng) cần sâu sát để thấu hiểu hành động, năng lực, nguyện vọng của đoàn sinh mà mạnh dạn trao quyền cho đoàn sinh trẻ của mình mà không ưu tư lo lắng, sợ các em chưa đủ sức để nhận trách vụ mới, sợ các em đi chệch hướng…vô tình dẫn đến dễ bị hiểu lầm là “sợ mất ghế”, ngáng đường lớp trẻ, tạo ra sức ì, lực cản trong đơn vị…. Theo Adam Fletcher thấu hiểu hành động của trẻ là trước tiên phải lắng nghe tiếng nói của trẻ, ghi nhận sự đóng góp, tham gia, gắn kết của trẻ. Có như thế thì Trưởng mới có cơ sở, mạnh dạn trao quyền và đánh giá cao quyền lãnh đạo của trẻ một cách bình đẳng, công bằng để ngày càng thay thế cho người lớn tuổi và đó cũng là qui luật “Tre già măng mọc.”

     Đối với Phong trào HĐVN, phải trung thực mà nói nếu không có sự nhiệt huyết Hướng đạo, sự hy sinh to lớn và không biết mệt mỏi của lớp huynh trưởng lão làng U75-80 hiện nay, thì Phong trào khó có thể duy trì và phát triển như hiện nay và đã được WOSM tái công nhận là thành viên chính thức 170 từ ngày 10.01.2019 (thực tế phong trào HĐ nước ta hiện đang phát triển rộng khắp từ Nam chí Bắc).

  Bởi vì, do ảnh hưởng của thời cuộc nên sự phát triển phong trào đã bị gián đoạn trong một thời gian dài không có sinh hoạt, không phát triển đoàn sinh, không đào tạo Trưởng để cầm đoàn, chúng ta đã đi lên từ đốm lửa tàn. Thực tế là thiếu Trưởng trầm trọng, nên các Trưởng dù đã quá lớn tuổi cũng phải đương đầu, cố gắng đảm đương để cầm đoàn, mong sẽ vực dậy phong trào, chứ không phải vì danh vọng, lợi lộc gì mà mang tiếng chịu lời “cố đấm ăn xôi”, khư khư giữ ghế, đôi lúc vô tình vi phạm quy chế về tuổi qui định. Còn lớp trẻ thì quá mới mẻ với phong trào đồng thời cuộc sống hiện đại đã có nhiều điều lôi cuốn, cám dỗ nên các em đến với phong trào đã khó, lại càng khó hơn khi kỳ vọng các em gạt bỏ những đam mê đời thường để sẵn lòng hy sinh cho lý tưởng Hướng đạo của BIPI mà các em đã chọn. Do đó các Người trẻ không mạnh dạn để nhận trách vụ là huynh trưởng trẻ. Đó là những nguyên nhân làm cho phong trào chúng ta hiện tại đa phần là Trưởng lớn tuổi, sự tham gia của Người trẻ và sự trao quyền cho Người trẻ là rất chậm, mặc dù trong thời gian gần đây có một số Người trẻ đã thành những Trưởng trẻ, đảm nhận trách vụ cao hơn và đề ra những chương trình mang sức sống mới, bắt nhịp với thời đại, hấp dẫn và hiệu quả. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là những tín hiệu vui chưa trở thành xu thế.

     Để khắc phục tình trạng này, theo cá nhân tôi có suy nghĩ:

Điều đáng mừng là tháng 5/2022 vừa rồi, với sự kết hợp với BĐH HĐ Quốc gia và APR đã tổ chức Xưởng huấn luyện về CHÍNH SÁCH CỦA HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI VỀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ tại VN. Bởi vậy Hội HĐVN chúng ta cần sớm hoàn thành khung hoạt động hoàn chỉnh cho hệ thống Ban đại diện HĐS trẻ cấp đơn vị (Châu), quốc gia và các dự án hoạt động cho HĐS trẻ trong tương lai, dựa trên khung chương trình của WOSM và phù hợp với nước ta, dựa trên sở thích, nhu cầu và khả năng của Người trẻ. Thực tế vừa qua, ngày 30/7/2022 tại Đà Nẵng đã có tổ chức Xưởng giới thiệu chính sách SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ khu vực miền Trung (Châu Đà Nẵng, Quảng Thừa, Liên Quảng).

     Phải xem đây là công việc thường xuyên và có sự quan tâm đặc biệt. Tiếp đến xây dựng khung thời gian để thực hiện và tự đánh giá về chính sách này theo Quy chuẩn chất lượng của WOSM – Quy chuẩn Hỗ trợ đánh giá toàn cầu (GSAT);

- Nghiên cứu ấn định tỷ lệ Người trẻ tham gia vào các Hội nghị quốc gia, vào BĐH chương trình trẻ;

- Đẩy mạnh đào tạo Trưởng trẻ và đổi mới, phong phú hóa nội dung đào tạo cho phù hợp thời đại “4.0”…

- Khuyến khích Người trẻ mạnh dạn nhận trách vụ mới từ Người lớn tuổi, đồng thời tạo điều kiện, tạo sân chơi mới cho những Trưởng lớn tuổi còn năng lượng, khả năng và nhiệt huyết sau khi chuyển giao mà vẫn có điều kiện phục vụ phong trào.

Vì sự phát triển nhanh và bền vững của phong trào HĐVN, vì xu thế của phong trào HĐ toàn cầu nói chung, tôi là một trong những Trưởng lớn tuổi rất tin tưởng, kỳ vọng và rất mong những Người trẻ hãy tăng thêm nhiệt huyết HĐ, dấn thân để tự khẳng định mình, mạnh dạn nhận trách vụ mới. Còn đối với những Trưởng lớn tuổi hãy chú tâm đào tạo và mạnh dạn trao quyền cho Người trẻ để họ sớm trở thành một huynh trưởng trẻ của phong trào. Công việc này hãy thực hiện một cách tích cực từ hai phía, trên tinh thần Huynh đệ nhất gia.

 

 

 

Thân ái bắt tay trái.

 

                             Hoẵng điềm đạm Nguyễn Đức Là. RS     

                                    Tráng trưởng Tráng đoàn Hải Vân.

 

 

Bài viết có tham khảo tư liệu của:

-Hội đồng HĐ Thế giới - CHƯƠNG TRÌNH TRẺ;

-Xưởng Giới thệu Chính sách về sự tham gia của người trẻ Khu vực miền Trung;

-Bài khóa Ôn luyện HHR 2022.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét