Phạm
Cảnh Đáng
Trong cuộc sống xã hội, người ta thường dùng lời hứa để thể hiện một sự cam kết. Trên phương diện pháp lý, cam kết trong những cuộc giao dịch xã hội dân sự thường được thể hiện bằng văn bản, giấy trắng mực đen, thì mới có giá trị pháp lý. Nhưng mọi thứ cam kết: bằng văn bản, lời nói, hay hành động, chỉ có giá trị pháp lý khi được thực hiện bởi người đã đến tuổi trưởng thành (18 tuổi trở lên), và trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, tự do.
Lời Hứa và Luật Hướng Đạo
Phương pháp
giáo dục Hướng đạo chủ yếu là dựa trên Lời hứa và Luật Hướng đạo. Lời hứa Hướng
đạo – chỉ là lời tự cam kết của các em thanh thiếu niên, chưa trưởng thành, nên
mặc dầu không có giá trị pháp lý như một sự cam kết trong sinh hoạt xã hội –
nhưng chính là yếu tố cốt lõi giúp cho các em sống hạnh phúc và trở thành người
công dân tốt. Đó cũng là mục đích của phong trào Hướng đạo.
Các Hội Hướng đạo Quốc gia (HĐQG) (National Scout Organization = NSO), căn cứ vào bản Lời hứa và Luật Hướng đạo do Baden Powell, Vị Sáng Lập, đề ra, để làm nên bản Lời hứa và Luật HĐ của quốc gia mình, thích hợp với nền văn hoá, văn minh của quốc gia, dân tộc, và được Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement = WOSM) chuẩn thuận. Do vậy, mỗi Quốc gia chỉ có một Hội HĐ (NSO) là tổ chức có quyền lập ra và sửa đổi bản Lời hứa và Luật HĐ mà thôi.
Trước hết
chúng ta thấy Lời hứa và Luật HĐ là 2 phần riêng, nhưng chỉ là một yếu tố và đó
cũng là yếu tố đầu tiên trong 8 yếu tố cấu thành hệ thống “Phương pháp giáo dục
Hướng đạo”. Lời hứa và Luật HĐ được
liên kết với nhau một cách chặt chẽ, không thể tách rời được, và làm thành một
tập hợp chuẩn mực đạo đức và nhân cách sống của một “con người” đúng nghĩa.
Trong chương đầu tiên của tập sách chỉ nam “Scouting for boy”, in năm 1908,
Baden Powell đã đề ra “A Scout Promise and Law” – Một Lời hứa và Luật Hướng đạo
-, mà chúng ta quen gọi theo quán tính là “3 Lời hứa và 10 điều luât Hướng đạo”.
Điều mà ai cũng
có thể nhìn thấy một cách rõ ràng là Lời hứa và Luật HĐ, chính là sức sống của
PTHĐ, vì nó được đặt trên nền tảng “Tôn chỉ và Mục đích của Phong trào”, tức là
phát triển con người toàn diện theo 3 chiều kích: Hướng thượng (tâm linh) – Tổ
quốc và xã hội – Bản thân. Một khi Lời hứa và Luật HĐ đã thấm nhập, đã hòa tan
vào chính cuộc sống của một HĐS một cách tiệm tiến, từ tuổi ấu thơ (Ấu sinh)
cho đến tuổi trưởng thành (Tráng sinh RS), tức khắc nó biến người HĐS đó thành
một người có tinh thần hướng đạo (l’Espris de scout), mà xã hội Việt Nam chúng
ta trước đây thường tặng cho họ một danh xưng, vừa thân thương vừa quí trọng:
“Dân Xì cút, Dân Hướng đạo”. Còn Trưởng Kitchener, Liên Đoàn trưởng Liên đoàn
HĐ Luân Đôn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, thì gọi là những “người có
Tập quán (thói quen) Hướng đạo” (habit of Scouting) hay cụ thể hơn là “Phẩm chất
đạo đức Hướng đạo”. Vì chính Lời hứa và Luật HĐ là những tố chất mà qua Phương
pháp Hướng đạo như: Làm việc nhóm, Khung biểu tượng, Thiên nhiên, với sự giúp đỡ
hướng dẫn của người lớn… các tố chất đó sẽ lắng đọng, bồi đắp, hòa trộn một
cách âm thầm, nhẹ nhàng, tự nhiên nơi tâm hồn của các HĐS, từ đó tạo thành một
triết lý sống, một nhân cách sống, một tính khí sống nơi các em. Chính Baden
Powell đã khẳng định rằng: “Tôi thành thật tin rằng: bất cứ HĐS nào đã suy gẫm
và thực hành Lời hứa và Luật HĐ vào cuộc sống hằng ngày, vào cuộc chơi (đời là
trò chơi), không phải chỉ khi còn trẻ mà là suốt đời (thói quen), tôi tin rằng,
HĐS đó sẽ được thành công trong cuộc sống của mình” (Theory of Scouting
training). Baden Powell dám khẳng định như thế là vì Cụ đã dựa vào những chuẩn
mực đạo đức của các Hiệp sĩ thời xưa như Saint George, hay như các Tráng sĩ
Đông phương ngày trước, để lập nên Lời hứa và Luật cho PTHĐ. Tuy nhiên Baden
Powell đã không dùng hình thức Lời Thề hay Lời Tuyên thệ (a Oath) như các Hiệp
sĩ, mà chỉ dùng với hình thức nhẹ nhàng hơn là Lời hứa (a Promise), thích hợp
cho tuổi trẻ (Vị thành niên), và không bị ràng buộc về mặt pháp lý cũng như các
hình thức chế tài. Nói đến đây có bạn sẽ thắc mắc là tại sao Phong trào HĐ ở
Hoa Kỳ (Hội Nam HĐ) lại dùng Lời Tuyên thệ (a Oath) chứ không dùng Lời hứa (a
Promise).
Đúng là Hội Nam HĐ Hoa Kỳ (cả HĐ Philippines nữa) ngay từ lúc thành lập (1911) đã dùng danh từ “Lời Thề và Luật HĐ” (A Scout Oath and Law), chứ không dùng Lời hứa như Baden Powell chủ xướng, vì HĐ Hoa Kỳ muốn lời hứa của các HĐS phải mang một sự quyết tâm mạnh mẽ hơn, một sự cam kết quyết liệt và sâu xa hơn là Lời hứa, tức là một sự cam kết có giá trị suốt đời. Tuy nhiên trong các “Thủ bản của Thanh sinh, Thiếu sinh mới in sau này (2009) thì có ghi cả 2 cách: “Lời tuyên thệ HĐ hay Lời hứa HĐ” (Scout Oath or Scout Promise). Hiện nay HĐHK cũng đã nói rõ là Lời thề HĐ có 3 lời hứa và Luật HĐ có 12 điều. (The Scout Oath has three promises” and “The Scout Law has 12 points” -
Ở đây chúng ta
thấy BP chọn “Lời hứa” chứ không chọn “Lời thề”, là vì Cụ đã tiên liệu được những
đặc tính phù hợp cho công cuộc giáo dục nhân cách cho các HĐS. Trước hết các em
vị thành niên không thể bị ràng buộc về mặt pháp lý như một cam kết trong sinh
hoạt xã hội. Hứa hay không hứa là hoàn toàn tự do tự nguyện không ai bắt buộc cả.
Hơn nữa, nội dung của Lời hứa và Luật đều mang tính tích cực, giúp cho HĐS làm
những điều tốt, điều thiện, điều có ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội,
chứ không hề cấm đoán, hay mệnh lệnh. Hướng đạo là thực hành, là hành động chứ
không lý thuyết, không giáo điều. Cứ phát triển cái tốt nhiều lên thì cái xấu sẽ
bị chìm xuống. Lời hứa và Luật HĐ không có cấm đoán, nên cũng không có biện
pháp chế tài, không có tòa án dân sự, tòa án Hiệp đoàn, có chăng là do tòa án
lương tâm của chính đương sự phân xử: dày vò hay cắn rứt, vì Lời hứa và Luật HĐ
đều đặt trên tinh thần trọng “danh dự” của từng HĐS.
Hướng đạo là tự
nguyện, không ai ép buộc phải hứa, nhưng muốn trở thành thành viên của phong
trào thì “Tất cả thành viên của PT.HĐ được yêu cầu cam kết vào một Lời hứa và
Luật HĐ, trong một lối hành văn phù hợp với nền văn hóa và văn minh của mỗi tổ
chức HĐ quốc gia (NSO), và được tổ chức HĐTG chuẩn thuận, diễn đạt các nguyên tắc
bổn phận đối với Thượng Đế (TNTL), bổn phận đối với kẻ khác và bổn phận đối với
chính mình, phỏng theo bản Lời hứa và Luật HĐ do Vị Sáng lập đặt ra lúc nguyên
thủy” (Nguyên lý HĐ của Tr. Vĩnh Đào – năm 2009 – trang 38).
Điều này cũng
nhắc nhở các huynh trưởng là phải hướng dẫn và giúp cho từng em sống tinh thần
Lời hứa và Luật, chứ không phải chỉ cho các em học thuộc lòng để trả bài cho
Trưởng. Điều này cũng giúp cho chúng ta phân biệt một cách rõ ràng, ai là HĐ
chân chính (Sống tinh thần Lời hứa và Luật HĐ) và ai là HĐ danh nghĩa (chỉ thuộc
Lời hứa và Luật HĐ).
Trong 115 năm
qua, Phong trào HĐTG nói chung, Phong trào HĐQG nói riêng, đã cung cấp cho xã hội
loài người biết bao nhân tài, biết bao vị lãnh đạo tài ba cho đất nước, cho dân
tộc của họ; Đã giúp cho một bộ phận giới trẻ đã trở thành những công dân hữu
ích cho cộng đồng xã hội, cho gia đình và cho chính họ. Số lượng thành viên
ngày càng tăng thêm, và được hầu hết các quốc gia và lãnh thổ đón nhận một cách
trân quí. Phong trào HĐ cũng được cộng đồng quốc tế công nhận là phong trào hữu
ích. Lửa thử vàng còn thời gian thử sức, 115 năm cũng đủ để nói rằng: PTHĐ có một
sức sống mãnh liệt, có những giá trị phổ quát mà mọi thời đại, mọi quốc gia lãnh
thổ đều công nhận.
Trong niềm tự
hào chính đáng của một HĐS, một thành viên của Phong trào HĐ, chúng ta không thể
nào quên cái ngày đẹp trời, trong bầu khí tinh anh của buổi sáng tinh mơ, ta đã
đứng giữa đất trời và nhân danh “danh dự” của mình để hứa với Phong trào và đất
trời:
“Tôi lấy danh dự
hứa cố gắng hết sức:
-Làm bổn phận
đối với Tín ngưỡng tâm linh và Quốc gia tôi
-Giúp đỡ mọi
người bất cứ lúc nào
-Tuân theo Luật
Hướng đạo”.
Đúng vậy.
Hướng đạo
một lần (tuyên hứa), Hướng đạo mãi mãi.
Phạm Cảnh Đáng.RS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét