Lâm Vinh
Nhắc
đến Đài Loan, chúng ta thường liên tưởng ngay hai văn hào nổi tiếng mà những
tác phẩm của họ, đã từng một thời làm mưa làm gió trên văn đàn cũng như trong
phim ảnh như “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Thần Điêu Đại Hiệp” hay
“Mùa Thu Lá Bay”, “Hải Âu Phi Xứ”, “Hoàn Châu Cách Cách”… Đó chính là Kim Dung
tiên sinh và Nữ sĩ Quỳnh Dao !
Nhân
chuyến du lịch tại quốc đảo hiền hòa Đài Loan vừa qua, được chứng kiến tận mắt
nhiều chuyện hay ho ở xứ người, trong lúc bản thân lại là một huynh trưởng
Hướng đạo, tôi có đôi điều trăn trở.
Vào một buổi sáng đẹp trời cuối xuân, khi đang lang thang để chờ xem tận mắt nghi thức thay đổi phiên trực cực kỳ hấp dẫn của đội lính canh tại Khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, tôi tình cờ được gặp một Hướng đạo sinh (HĐS) cao tuổi người địa phương, chủ động đến hỏi han và làm quen, có lẽ do ông ta thấy tôi mặc đồng phục hướng đạo với đầy đủ comple nón mũ, giây da, gỗ và khăn quàng Gilwell trên người.
Qua
tìm hiểu từ vị HĐS này tôi được biết rằng, Phong trào Hướng đạo (PTHĐ) tại xứ
sở được mệnh danh “Formosa-Hòn đảo xinh đẹp” đã được du nhập từ rất sớm. Đặc
biệt, ngay trong nhà trường, các hình thức sinh hoạt hướng đạo kiểu Boy-Scouts
(Nam Đồng Quân), Girl-Scouts (Nữ Đồng Quân) cũng đã được người ta chú trọng đưa
vào để khuyến khích các em tham gia, với mục đích giúp phát triển toàn vẹn đủ
các mặt thể lực, trí lực, tâm lý, tinh thần và cảm xúc cho học sinh các bậc Phổ
thông. Do đó, khi trưởng thành các em đã gần như là một công dân gương mẫu.
Hiện nay, nhân viên người Đài Loan tại các công ty hoặc công sở được nhiều
người đánh giá rất cao là cần cù, chăm chỉ, không chây lười, không trốn việc,
không cắp vặt, không bao giờ nói dối hoặc lừa gạt chủ hay người điều hành,
không phàn nàn khi gặp công việc khó…Chính nhờ những đức tính cao đẹp này cho
nên, Đài Loan hiện đang là nước rất phát triển, và là một trong những con rồng
Châu Á có thu nhập GDP đầu người trên cả Singapore.
Điều
đáng khâm phục nhất, năm 2022 mặc dù đang còn mắc kẹt trong cơn đại dịch
Covid19, Đài Loan vẫn tiến hành tổ chức long trọng lễ Kỷ Niệm 110 năm ngày
Trung Hoa Dân Quốc gia nhập Phong trào Hướng đạo Thế giới (1912-2022).
Đích
thân Tổng thống Thái Anh Văn, với tư cách Chủ tịch Tổng hội Hướng đạo Trung Hoa
Dân Quốc, đã có bài phát biểu ấn tượng và sâu sắc. Đại khái, Bà Thái nhấn mạnh,
bất kỳ một Hướng đạo sinh nào cũng cần thực hiện “Châm ngôn hướng đạo” với ba
mục tiêu rõ ràng: Sẵn sàng - Làm việc thiện mỗi ngày - Lấy việc phục vụ cộng
đồng làm mục đích cuộc sống!
Tổng thống Thái Anh Văn đón nhận Huy chương Danh dự tại Lễ hội Kỷ niệm 110 năm
Nước
Trung Hoa Dân Quốc được thành lập năm 1911, và chỉ một năm sau, Phong trào
Hướng đạo đã được du nhập vào Trung Quốc bởi sự vận động và giới thiệu của Mục
sư Yen Jia Lin vào ngày 25 tháng 2 năm 1912 tại Vũ Xương, rồi lan tỏa nhanh cả
nước. Đến năm 1937 Trung Hoa Dân Quốc đã là thành viên của Phong trào Hướng đạo
Thế giới.
Điều
thú vị là, với thủ hiệu chào ba ngón tay của HĐS, người quốc đảo này có cách
giải thích rất độc đáo gồm ngón giữa là Nhân (仁: tình yêu thương đồng loại,
lòng nhân); ngón trỏ Trí (智: tức là sự sáng suốt, trí tuệ); và ngón áp út Dũng (勇: chỉ tính cách mạnh mẽ, dũng
khí). Mặc dù, chữ “Nhân” vẫn được đề cao như trong Ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa,
Trí, Tín), tuy nhiên người Đài Loan vẫn xem trọng sự dũng khí hơn. Vị HĐS này
giải thích, nếu anh có lòng thương người, có tư duy để phân biệt đúng sai,
nhưng mỗi khi gặp chuyện sai trái, bất công mà không có dũng khí để lên mặt đấu
tranh, không dám đương đầu với cái xấu thì anh chỉ là môt thằng hèn. Ngoài ra,
ngón cái tượng trưng cho kẻ mạnh bảo bọc và giúp đỡ người yếu. Logo Hướng đạo
chính của Đài Loan cũng có ba chữ Trí-Nhân-Dũng.
Logo Hướng đạo sinh Đài Loan
Khởi thủy xuất phát từ Vương
quốc Anh những năm đầu thế kỷ 20, nhưng mục đích của PTHĐTG cho đến giờ vẫn
mang tính thời sự và khoa học. Đó là, hỗ trợ gia đình và học đường để giáo dục
cho thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt. Có thể nói đây là một hình
thức giáo dục Phi Chính Quy thông qua các trò chơi, các hình thức vận động
ngoài trời trên tinh thần đồng đội (Teams). Bên cạnh đó, các anh chị phụ trách
đơn vị (Huynh trưởng hay Trưởng) cũng thường xuyên được tập huấn, hoặc tham gia
các khóa huấn luyện chuyên môn từ thấp lên cao theo một trình tự cụ thể với hệ
thống nhất quán của Phong trào Hướng đạo Thế giới (PTHĐTG). Do đó, cho dù vừa
mới thành lập không lâu, mặc dù đã bị ảnh hưởng bởi hai cuộc thế chiến (1914-1918
và 1939-1945) nhưng sau những năm 1945, PTHĐTG càng ngày càng uy tín, đồng thời
được nhiều quốc gia ủng hộ và phát triển không ngừn
Tác giả tại Khu tưởng niệm Cố TT Tưởng Giới Thạch (Thủ đô Đài Bắc)
Như vậy, khi đã mang danh là một Trưởng Hướng đạo, tức anh hoặc chị, đã
chấp nhận dấn thân để giúp ích cộng đồng trên tinh thần tự nguyện không điều
kiện một cách vô tư mà vui vẻ. Có thể xem đây là một sứ mệnh cao cả! Thế thì,
người Trưởng phải luôn chuẩn mực từ tác phong đến cách hành xử trong đời thường
để làm gương cho các em cùng phụ huynh.
Từ chuyện xứ người, tôi lại
cảm thấy PTHĐ nước ta tuy có bề dày lịch sử đáng trân quí (1930), với nhiều
đóng góp, hy sinh của biết bao thế hệ huynh trưởng đàn anh. Thế nhưng, cho đến
hôm nay vẫn còn có Trưởng tuy tham gia lâu năm, lại có những cách hành xử không
đúng chuẩn mực và tùy tiện, nên vô tình làm xa rời Nguyên Lý và Phương pháp
Hướng đạo truyền thống đã được tôi luyện cùng thử thách qua năm tháng.
Hệ thống giáo dục của PTHĐ
được phân thành năm ngành chính là Ngành Nhi (Mẫu giáo), Ngành Ấu (Tiểu học),
Ngành Thiếu (Trung học Cơ sở), Ngành Kha (Trung học Phổ thông) và Ngành Tráng
(Sinh viên và người trưởng thành). Mỗi ngành đều có sự nghiên cứu, chắt lọc từ
lý thuyết đến thực hành, dựa trên sự phát triển các tố chất cơ thể tự nhiên,
cùng tâm sinh lý đặc thù riêng cho từng lứa tuổi để phù hợp với sự chuyển biến
của thời đại. Bởi vậy, khi đào tạo Nguồn Nhân lực Trưởng, người ta đã rất chú
trọng đến tính chuyên môn của mỗi ngành. Cho nên, không có chuyện đánh đồng cá
mè một lứa như kiểu “gắp râu ông nọ cắm cằm bà kia” làm ảnh hưởng đến phương
pháp huấn luyện nói riêng và PTHĐ nói chung.
Đành rằng, PTHĐ được ví von
như một cuộc chơi, nhưng là một cuộc chơi đẳng cấp do người trưởng luôn mang
trên mình trọng trách thiêng liêng là sứ mệnh giáo dục. Giáo dục thông qua
những trò chơi, kỹ năng, với mục đích cao cả làm sao góp phần tạo nên những
người con, người em có ích cho gia đình, xã hội và cộng đồng. Vì thế, đã là
những bậc “trưởng bối” thì phải chơi sao cho công bằng và đúng luật để phong
trào luôn giữ được bản sắc đáng quý của nó. Chơi đúng luật cũng nói lên phong
cách một con người. Đời người ngắn ngũi, một trăm năm được sánh như khoảnh khắc
thời gian “bóng câu qua cửa sổ” mà thôi. Vậy thì, chúng ta hãy sống xứng đáng
như một con người và cống hiến hết mình để không hổ thẹn trước khi trả xong nợ
đời. Nữ sĩ Quỳnh Dao có một tâm sự đáng để chúng ta suy ngẫm:
“Khi sống nguyện như ngọn lửa,
đốt cháy đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Khi chết nguyện như hoa tuyết,
bay lất phất để hóa thành cát bụi !”
Viết xong tại Đà Nẵng, Tiết
Thanh Minh Quý Mão 2023
LV
(Đại Bàng Tự
Tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét