Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

KÝ ỨC VỀ HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẠO Ở ĐẠO ÁI TỬ, QUẢNG TRỊ TRƯỚC NĂM 1972.

Nguyễn Xuân Tăng



      Tuy rời xa Ái Tử - Quảng Trị yêu dấu đã gần ½ thế kỷ, từ những năm 1965-1966 đến nay! Nếu như ai đó không dính dáng gì đến Ái Tử - Quảng Trị thì chắc chắn đã quên đi hết mọi chuyện trên đời cho khỏe, chứ phải nhớ làm gì cho thêm mệt!

     Nhưng đối với riêng tôi thì khác vì có quá nhiều kỷ niệm sâu sắc về bản thân, về gia đình và nhất là về Hướng đạo, nơi quê hương nắng lửa mưa dầu này. Vả lại theo yêu cầu của các em đoàn sinh cũ của tôi cũng như với bổn phận và trách nhiệm của một HĐS cũ của Ái Tử - Quảng Trị, cho nên tôi phải cố moi từ trong ký ức mình để nhớ lại và viết nên những dòng này, mà chắc chắn không sao tránh khỏi những thiếu sót vì thời gian xa cách đã quá lâu! Như quý trưởng đã biết, Ái Tử là đơn vị xa nhất của miền Nam, nằm ở tỉnh giới tuyến, theo Hiệp định Genève (20-7-1954).

     Tôi đã nhiều lần ra Quảng Trị từ những năm 1955 - 1957 vào các dịp nghỉ hè, cùng với một người bạn thân, học cùng lớp với tôi và Trưởng Vĩnh Tôn, từ những năm 1952 - 1953 ở trường Khải Định, Huế (sau này là trường Quốc Học), chắc hồi đó Trưởng Tôn cũng chưa sinh hoạt HĐ. Người đó là anh Trần Văn Dật, sau này trở thành giáo sư Quốc văn ở trường Nữ Trung học Quy Nhơn và quen thân với Trưởng Võ Ái Ngự, giáo sư Anh văn ở trường Trung học Cường Để, vì cả hai cùng là người Quảng Trị.

     Đến năm 1958 tôi học Sư Phạm, ra trường lại được bổ về dạy ở Quảng Trị và tiếp tục sinh hoạt Hướng đạo với Ái Tử từ đó. Mặc dầu gốc của tôi từ Tráng đoàn Trường Sơn (Huế), cùng thời với các Trưởng Dương Tấn Vang, Nguyễn Nhượng (bào huynh của các Trưởng Nguyễn Liêm, Nguyễn Trực) do hai Trưởng Bùi Ngươn Khánh và Nguyễn Thúc Toản thành lập, làm cố vấn.

     Tôi đã tập sự tại Thiếu đoàn Trường Sơn của Trưởng Đoàn Mộng Ngô ở Huế, thế mà khi ra Quảng Trị tôi “không dám” trình diện với tân Đạo trưởng Nguyễn Đức Phúc (mới được Trưởng Tôn Thất Dương Thanh trao đuốc).

     Chừng vài tháng sau, Trưởng Phúc biết được tôi là một Trưởng của Đạo Thừa Thiên-Huế nên gọi tôi về trình diện để giao nhiệm vụ (đảm nhiệm Thiếu đoàn La Vang).

     Và cũng từ đó, qua những câu chuyện tâm tình với các Trưởng Lê Hành (Hiệu trưởng trường Nam Tiểu học Quảng Trị, sau là Thanh tra Giáo dục), nguyên là Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Vĩnh Định; rồi với các Trưởng Hồ Bính, Hồ Thỉnh (Giáo viên trường Nam Tiểu học Quảng Trị), với Trưởng Hồ Doãn Diễn (Thanh tra Giáo dục, sau là Trưởng ty Giáo dục Quảng Trị).

     Sau năm 1963, Trưởng Diễn vào làm Thủ quỹ, Phát ngân viên tại Viện Đại học Huế, có kể cho tôi nghe những năm đầu hình thành và phát triển của Đạo Ái Tử - Quảng Trị...

     Theo các Trưởng trên kể lại: Từ những năm 1938-1939, Trưởng Tôn Thất Dương Vân, làm cán sự Bưu điện ở Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) lập Bầy Ái Tử, trong đó có Sói con điển hình là Lê Hiếu Kính, sau này trở thành thầy giáo Lê Hiếu Kính và là Bầy trưởng của các con của Trưởng Tôn Thất Dương Vân ở Huế. Ban huynh trưởng của Bầy Ái Tử lúc này có sự cộng tác của các thầy, cô giáo như: Thầy Trần Trọng Sanh, Thầy Dương Túy cùng các cô Oanh, cô Liên và các anh như anh Trần Hữu Khuê, anh Trần Thanh Vệ, anh Trần Như Hạo giúp sức. Ở Đông Hà lúc này lại có luật sư Phan Thanh Hy (sau này trở thành Hội trưởng của Hội HĐVN) cùng ở một nhà với Trưởng Tôn Thất Dương Vân, cũng đang công tác ở Đông Hà...

     Qua những năm 1940 - 1941 vì nhu cầu cho các em được chơi HĐ, một Bầy khác cũng được thành lập là Bầy Long Phúc, trong Bầy có các sói như: Võ Ái Ngự, Quỳnh Hòe (con của Trưởng Tôn Thất Dương Vân), Cao Trọng Bình...

     Khoảng 1952, anh Võ Ái Ngự vào Huế, học tại trường Khải Định rồi trở thành giáo sư Anh văn ở trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn và là một Trưởng HĐ giỏi ở Đạo Bình Định, mất sau năm 1975.

     Theo lời kể của một số công chức ở các Ty Công Chánh, Ty Thanh Niên, Ty Giáo Dục và Tòa sứ Quảng Trị, thời đó các trưởng Hướng đạo đã tổ chức hai cuộc đua xe đạp đầu cầu Hiền Lương (sông Bến Hải) vào tỉnh lỵ Quảng Trị. Thành phần tham gia gồm các công chức, giáo viên công tác tại Quảng Trị. Trong đó, phải kể đến các Trưởng HĐ như thầy giáo Phạm Tri (sau này là Phó Tỉnh trưởng Quảng Trị, Trưởng Trần Hữu Khuê, Trưởng Trần Như Hạo, Trưởng Tôn Thất Dương Thanh... đều ở Đạo Ái Tử. Cả hai lần, giải quán quân đều thuộc về cua rơ tài tử (nghiệp dư) Tôn Thất Dương Vân.

     Cũng trong những năm ấy, Hướng đạo ở Đạo Ái Tử đã làm được nhiều việc thiện, hữu ích như tải thương trong chiến tranh Nhật-Pháp, giúp đồng bào lánh nạn, lạc quyên tiền bạc, áo quần giúp cho đồng bào nghèo chạy giặc.

     Sau CMT8 (1945), mọi sinh hoạt và hoạt động khác của HĐ Ái Tử đều bị gián đoạn. Đến giữa năm 1950 - 1951, các đoàn ở Đạo Thừa Thiên-Huế và Đạo Đà Nẵng được hoạt động trở lại thì Ái Tử cũng tái hoạt động.

     Đến lúc này, Trưởng Tôn Thất Dương Vân chuyển vào Huế, trao đuốc lại cho Trưởng Tôn Thất Dương Thanh (Trưởng ty Giáo dục QT) làm Đạo trưởng.

     Sau năm 1954, các Trưởng Nguyễn Đức Phúc từ miền Bắc, Trưởng Trần Cứu từ Đồng Hới (Quảng Bình) di cư vào sống ở Quảng Trị, cùng tham gia sinh hoạt trong Tráng đoàn Ái Tử.

     Từ đó về sau Đạo Ái Tử có các đơn vị:

* Ngành Ấu:

1/ Bầy La Vang (LĐ La Vang) do Akela Trần Cứu thành lập.

2/ Bầy Hoa Lư do Akela Bùi Hữu Cơ thành lập (từ Huế ra làm hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hưng)

3/ Bầy Vĩnh Định (LĐ Vĩnh Định) do Trưởng Lê Xuân Vĩnh làm Bầy trưởng và Trưởng Trần Ngọc Quỵ phụ tá...

* Ngành Thiếu:

1/ Thiếu đoàn La Vang do Trưởng Mầu, Trưởng Cứu điều khiển. Sau đó có tôi (Nguyễn Xuân Tăng) giúp sức khi tôi mới ra Quảng Trị.

2/ Thiếu đoàn Vĩnh Định (LĐ Vĩnh Định) do Trưởng Cao Xuân Yên nắm Quyền Thiếu trưởng và Trưởng Hồ Bính giúp sức. LĐ Vĩnh Định sinh hoạt khu vực chợ Sãi (Hậu Kiên và Cổ Thành), khu huyện lỵ quận Triệu Phong.

3/ Thiếu đoàn Lam Sơn do Trưởng Nguyễn Quang Bụi (vốn là Tráng sinh Trường Sơn, Huế, ra dạy học ở Mỹ Chánh thành lập và điều khiển; còn có sự giúp sức của Trưởng Dương Xuân Huyên (Hiệu trưởng trường Hải Chánh, Hải Lăng).

4/ Thiếu đoàn Hoa Lư do Nguyễn Xuân Tăng thành lập ở thị xã, có Trưởng Phạm Phúc Nguyên (Ty Thanh Niên) phụ tá.

 

* Ngành Tráng:

1/ Tráng đoàn Ái Tử do Trưởng Nguyễn Đức Phúc làm Tráng trưởng, Trưởng Tôn Thất Viễn Bổn (Ty Công Chánh) phụ tá.

2/ Tráng đoàn Vĩnh Định do Trưởng Lê Hành, Liên đoàn trưởng kiêm Tráng trưởng, cùng các Trưởng Hồ Thỉnh và Đỗ Xuân Khôi phụ tá.

* Hội đồng Đạo Ái Tử gồm có:

Đạo trưởng Tôn Thất Dương Thanh, đến năm 1959 trao đuốc cho Trưởng Nguyễn Đức Phúc.

Trưởng Hồ Doãn Diễn, sau 1963 đổi vào Viện Đại học Huế.

* Trưởng Nguyễn Đức Phúc, Đạo trưởng 1959 - 1972 vào làm tại Văn phòng Hội HĐVN, tại 18 Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng, Q1) Saigon, lìa rừng năm 2001.

Thư ký Đạo: Trưởng Trần Cứu (kiêm Liên đoàn trưởng LĐ La Vang) đến 1972 vào Đà Nẵng và làm Đạo trưởng Đạo An Hải.

     Đạo quán: Tọa lạc trên đường Lê Thái Tổ, từ ngã ba đường Duy Tân (trường Trung học Nguyễn Hoàng và Ty Thông tin đi vào, bên tay trái khoảng 200m).

Ban Bảo trợ: Trưởng Võ Thanh Khiết (Bào đệ của Trưởng HSDM Võ Thanh Minh).

     Các cựu huynh trưởng của Đạo như: Tôn Thất Dương Vân, Tôn Thất Dương Thanh, Trần Trọng Sanh, Dương Túy, Phạm Trị, Hồ Doãn Diễn, Nguyễn Xuân Đê, Nguyễn Trung Thoại, Tạ Thúc Thọ... lúc ở Ái Tử thường xuyên sinh hoạt với Đạo trong đồng phục Hướng Đạo (trừ Trưởng Phạm Trị lúc đó đã lớn tuổi)

     Cuối năm 1965, được tin Trưởng HSDM Võ Thanh Minh về Quảng Trị, ở nhà Trưởng Võ Thanh Khiết, tôi tìm đến thăm. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, Trưởng HSDM ân cần thăm hỏi cặn kẽ về gia đình, công việc của tôi và nhất là về sinh hoạt Hướng đạo... Đầu năm 1966, sau khi ăn tết với gia đình ở Quảng Trị (sau nhiều năm xa cách), Trưởng quyết định vào sống tại Nhà thờ cụ Phan Bội Châu (dốc Bến Ngự, Huế). Hàng ngày, ngoài việc dạy hai ngoại ngữ (Anh và Pháp) cho các sinh viên, Trưởng dành thời gian rảnh thăm viếng gia đình các Trưởng HĐ sinh sống ở Huế; thỉnh thoảng Trưởng gặp gỡ, nói chuyện với các Tráng sinh, Kha sinh... nghe mà thấm thía! Còn dạy học thì sinh viên trả “học phí” bằng 5 - 3kg gạo hay vài chai xì dầu, nước mắm v.v... Khoản “thu nhập” từ dạy học quá lớn so với nhu cầu, Trưởng dùng không hết lại đem tặng các gia đình nghèo khắp xóm Bến Ngự. Thỉnh thoảng, Trưởng lại đạp xe ra Quảng Trị; mỗi lần đi và về, Trưởng đều ghé lại nhà tôi (Ở cửa Chánh Tây, gần cầu An Hòa, QL1 trên đường Huế ra Quảng Trị.

     Mỗi lần như thế, tôi có cảm giác Hồng Sơn Dã Mã không còn là Ngựa Rừng nữa mà là một Eagle Scout, với hình ảnh sải cánh là tấm áo choàng đen tung bay trên các đoạn dốc dọc Quốc lộ 1, đoạn Phò Trạch - Mỹ Chánh v.v...

     Từ năm 1954 cho đến lúc về sống ở Nhà thờ cụ Phan, năm nào Trưởng cũng “nhịn ăn” (tuyệt thực) từ 20-7 đến 20-8, chỉ uống nước chanh đường. Và đến biến cố “Tết Mậu Thân” (1968), Trưởng đã vĩnh viễn xa rời chúng ta, để lại bao nhiêu tiếc thương trong lòng mọi người.

     Sau Tết Mậu Thân, một số đông các Trưởng ở Huế đã cùng với gia đình Trưởng Khiết đi tìm, nhưng chẳng thấy đâu; cuối cùng đành phải “Chiêu hồn nhập cốt” mộ ở chùa Tường Vân. Về sau mới đem về khu Vườn của Cụ Phan. (Hiện nay đã dời về quê quán ở Hoà Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

     Tôi cùng Liên đoàn Tân Việt và Kha đoàn Thái Phiên đã được nghe nhiều câu chuyện sâu sắc, dí dỏm mà Trưởng đã kể lại, ghi đậm trong ký ức của mỗi chúng tôi, khó phai mờ!...

     Hình như sau Mậu Thân (1968), ở Đông Hà còn có một Liên đoàn của các Thầy dòng gọi là LĐ Kontiki (?) và Thiếu đoàn Đống Đa do em Lê Tất Bản (nguyên là một Đội trưởng của Thiếu đoàn Hoa Lư) thành lập. Hiện nay ở Đà Lạt có một đoàn sinh cũ của Thiếu đoàn Đống Đa là Dương Đức Thành. Anh Thành bây giờ (2022) là giám đốc Trung Tâm Xã Hội tại TP Đà Lạt. Hiện nay, em Dương Đức Thành Tâm (con trai của anh Thành) là Đội trưởng Nhất của Thiếu đoàn Lạc Long Quân, Liên đoàn Hùng Vương, Đạo Lâm Viên Đà Lạt…

     Anh Thành còn cho biết có quen biết anh Ái, một thiếu sinh cũ của TĐ Hoa Lư hồi ở Quảng Trị. Năm 1972, anh Ái và gia đình theo Linh mục Lê Hữu Từ vào định cư ở Ninh Sơn, Ninh Thuận và hiện vẫn còn ở đó. Còn có em Kế cũng là một HĐS trước ở Quảng Trị; hiện nay, Ái và Kế đã thành lập được một Liên đoàn ở đó và đang hoạt động khá tốt.

     Đây là một số kỷ niệm vui buồn về Đạo Ái Tử. Còn những kỷ niệm buồn vui sinh động, sôi nổi trong sinh hoạt hay những kỳ trại họp bạn tôi xin để lại một dịp khác sẽ kể tiếp.

     Kính thưa quý Trưởng, trên đây là những gì mà tôi biết về Đạo Ái Tử (Quảng Trị) chắc còn nhiều thiếu sót. Kính mong quý Trưởng bổ sung thêm để được đầy đủ hơn.

       Xin chân thành cảm ơn quý Trưởng.

 

 

 

                      Rừng Lâm Viên, cuối Đông Canh Dần (2010)

                         Ngựa đằm thắm - RS Nguyễn Xuân Tăng

 

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét