HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA QUI TRÌNH 1962.
Đầu năm 1957, HĐVN đã làm đơn
xin gia nhập tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới. Văn phòng HĐTG có thông tư
số 14 (Circular No 14 of 1957) yêu cầu HĐVN bổ sung vào Lời hứa của Qui Trình
1952, yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh (Vì Lời hứa HĐVN trong Qui Trình
1952 không có yếu tố tôn giáo) cho đúng với Hiến chương của HĐTG. Tiếp đó Tổng
Uỷ viên Tôn Thất Dương Vân đã bổ sung đầy đủ yếu tố tôn giáo theo yêu cầu của
Văn phòng HĐTG. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1957, Văn phòng HĐTG mới gởi thông tư số
20 (Circular No 20), thông báo chấp thuận công nhận Hội HĐVN là thành viên thứ
64 của HĐTG: “Các bạn Việt Nam thân mến.
Do đã bổ túc thêm theo Thông tư số 14 của chúng tôi, nay tôi rất vui được thông
báo với các bạn rằng: Phù hợp với các điều khoản qui định trong Hiến chương của
Hội nghị Hướng đạo quốc tế, đã chấp thuận công nhận Hội Hướng đạo Việt Nam…”
Phía trên Thông tư có ghi dòng chữ: “Vietnam Scout Association the 64th
Member of the World Organiation of Scouting Movement” (Hội HĐVN là thành
viên thứ 64 của Tổ chức Phong trào HĐTG).
Vì thế mà Đại Hội đồng năm 1962 đã bổ sung
và chỉnh sửa lại một số điều theo Qui Trình 1952 nên gọi là Qui Trình 1962.
Trong Qui Trình
1962, Lời hứa HĐVN 1962 có thêm “làm trọn
bổn phận đối với tôn giáo của tôi.”.
Đến năm 1965, Đại Hội đồng tại cơ quan Nông Tín Cuộc, đường Đinh Tiên Hoàng tỉnh Gia Định (nay là trường Võ Thị Sáu) các Trưởng đã tranh luận sôi nổi về từ “Tôn giáo” trong Lời hứa của Qui Trình 1962. Có lập luận cho rằng, hiện tại có nhiều em HĐS không theo hoặc chưa theo một tôn giáo nào rõ rệt như Công giáo, Phập giáo, Tin lành, Cao Đài…mà chỉ có tín ngưỡng thờ cúng Ông Bà, nên đề nghị tu chính lại Lời hứa thay vì dùng từ Tôn giáo” (có ý nghĩa trong phạm vi hẹp), xin dùng từ “Tín ngưỡng tâm linh” (Có ý nghĩa rộng hơn) để cho phù hợp với ai có tôn giáo cũng như ai có tâm linh thờ cúng, vì dân tộc Việt Nam chúng ta theo đạo Ông Bà cũng nhiều. Sau những trao đổi bàn luận rất sôi nổi Đại Hội đồng đã biểu quyết chấp thuận thay đổi cụm từ trên trong Lời hứa HĐVN. Kể từ năm 1965 đến nay cụm từ “Tín ngưỡng tâm linh” được dùng xuyên suốt, thay cho từ tôn giáo trước đây. Vì thế chúng tôi goi Qui Trình 1962-65 là do năm 1965 Đại Hội đồng đã sửa đổi lại Lời hứa HĐVN của Qui Trình 1962 cho hoàn chỉnh hơn.
2. NỘI DUNG
QUI TRÌNH 1962 (65)
PHẦN I: QUY TRÌNH HĐVN
CHƯƠNG I
MỤC ĐÍCH – PHƯƠNG PHÁP – PHẠM VI
Điều thứ 1:
Hội Hướng đạo Việt Nam thành lập với mục
đích giáo dục thanh thiếu nhi trong toàn cõi Việt Nam về ba phương diện: đức,
thể, thực – theo tôn chỉ và phương pháp “Hướng Đạo” dẫn giải trong ba cuốn sách
căn bản sau đây của Cố Huân Tước Baden-Powell of Gilwell:
- Sách Sói Con
(The Wolf Cub’s Handbook)
- Sách Hướng Đạo
(Scouting for Boys)
- Đường Thành Công
(Rovering to Success)
Điều thứ 2:
Hội Hướng đạo Việt Nam thâu nạp hội viên
không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, và quốc tịch.
Hội Hướng đạo Việt Nam không hoạt động và
cổ động chính trị.
Trụ sở đặt tại Saigon.
Điều thứ 3:
Trong
khuôn khổ lệ luật hiện hành về hiệp hội, Hội Hướng đạo Việt Nam hoạt động theo
hai phương thức sau đây:
A) Thành lập, tổ chức và điều khiển
các đoàn thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, hoạt động theo Quy Trình và Nội Lệ
của Hội.
B) Xuất bản các báo chí, sách vở; tổ
chức các buổi nói chuyện, các cuộc hội họp, thi đua và biểu diễn Hướng đạo.
Điều thứ 4:
Phương pháp Hướng đạo lấy “LỜI HỨA”,
“LUẬT” và “CHÂM NGÔN” Hướng đạo làm căn bản.
A. Lời hứa Hướng đạo Việt Nam:
Tôi xin đem danh dự mà hứa sẽ cố
gắng hết sức để:
- Trung thành với Tổ Quốc và làm
tròn phận sự đối với tôn giáo của tôi.(đến 1965 thì đổi “Tín ngưỡng tâm linh”)
- Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào.
- Tuân theo Luật Hướng Đạo.
Mỗi tôn giáo có thể dùng danh từ
thích hợp để thay thế các chữ “làm tròn phận sự đối với tôn giáo của tôi”,
nhưng cần phải cho Hội đồng Trung ương biết trước.
B. Luật Hướng đạo:
1) Hướng Đạo sinh trọng danh dự: ai
cũng có thể tin được lời nói của Hướng Đạo sinh.
2) Hướng Đạo sinh trung thành với tổ
quốc, với cha mẹ, với người cộng sự.
3) Hướng Đạo sinh có bổn phận giúp
ích mọi người.
4) Hướng Đạo sinh là bạn khắp cả mọi
người, và coi Hướng Đạo sinh nào cũng như ruột thịt.
5) Hướng Đạo sinh lễ độ và liêm
khiết.
6) Hướng Đạo sinh yêu thương các
sinh vật.
7) Hướng Đạo sinh vâng lời cha mẹ và
huynh trưởng mà không biện bác.
8) Hướng Đạo sinh gặp nỗi khó khăn
vẫn vui tươi.
9) Hướng Đạo sinh tằn tiện của mình
và của người.
10) Hướng Đạo sinh trong sạch từ tư
tưởng, lời nói đến việc làm.
C. Châm ngôn Hướng đạo: “Sắp Sẵn”
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC – QUẢN TRỊ - PHONG NHẬM
Điều thứ 5:
Hội
Hướng đạo Việt Nam gồm có các hạng Hội viên:
a) Hội viên danh dự.
b) Hội viên ân nghĩa.
c) Hội viên bảo trợ.
d) Hội viên hoạt động (Uỷ viên và
huynh trưởng các cấp).
e) Hội viên tham dự (các đoàn sinh).
Hội viên các hạng a, b, c và d phải
là người trưởng thành theo luật pháp hiện hành.
Điều thứ 6:
Tư
cách hội viên có thể mất vì từ chức hoặc bị khai trừ. Có thể bị khai trừ, những
hội viên:
- Không đóng niên liễm;
- Phạm lỗi nặng.
Khai trừ hội viên các hạng a, b, c,
thuộc quyền Hội đồng Trung ương. Khai trừ hội viên hạng d, thuộc quyền Bộ Tổng
Uỷ viên. Khai trừ hội viên hạng e, thuộc quyền các huynh trưởng hữu trách.
Điều thứ 7:
Hội Hướng đạo Việt Nam tổ chức như sau:
- Bộ Tổng Uỷ viên và hệ thống trực
thuộc.
- Hội đồng Trung ương
- Các ban Bảo trợ
- Các ban Chuyên môn
BỘ TỔNG UỶ
VIÊN
Điều thứ 8:
Bộ
Tổng Uỷ viên gồm có:
a) Tổng Uỷ viên
b) Phó Tổng Uỷ viên
c) Tổng Thư ký
d) Uỷ viên Quốc tế
e) Uỷ viên Huấn luyện toàn quốc
f) Ba Uỷ viên Ngành: Ấu, Thiếu,
Tráng
g) Các Uỷ viên Công cán.
Trực thuộc Bộ Tổng Uỷ viên có:
A. ĐOÀN, hoặc ĐƠN VỊ HƯỚNG ĐẠO
Các thanh thiếu nhi gia nhập Hội
Hướng đạo Việt Nam, được tập hợp thành Đoàn, tức là những đơn vị Hướng đạo. Mỗi
trẻ trong đoàn, gọi là đoàn sinh. huynh trưởng phụ trách một Đoàn, gọi là Đoàn trưởng
hay là Trưởng Đơn vị.
Tuỳ hạng tuổi của đoàn sinh, các
Đoàn chia ra làm ba ngành riêng biệt:
A1) Ấu sinh, cũng gọi là Sói con, là
những trẻ từ 7 đến 12 tuổi.
Sáu Sói con họp thành một Đàn, do
một Sói con trong Đàn, gọi là Sói Đầu đàn hướng dẫn. Từ 2 đến 4 Đàn họp thành một
Bầy, tức là Ấu đoàn, do một huynh trưởng gọi là Bầy trưởng hay là Ấu trưởng
điều khiển. Ấu trưởng phải có một hay nhiều Phó Ấu trưởng (Phó Bầy trưởng) giúp
việc.
Ấu Trưởng và các Phó có thể là phái
nam hay phái nữ.
A2) Thiếu sinh, cũng gọi là Hướng Đạo
sinh, là những trẻ từ 11 đến 18.
Từ 4 đến 8 Thiếu sinh họp thành một
Đội, do một Thiếu sinh trong Đội, làm Đội trưởng điều khiển. Từ 2 đến 4 Đội hợp
thành một Thiếu đoàn, do một Huynh trưởng gọi là Thiếu trưởng điều khiển. Thiếu
trưởng phải một hay nhiều Phó Thiếu trưởng giúp việc.
(Thiếu sinh từ 16 đến 18 tuổi có thể
hơp thành một Đội riêng, gọi là Đội kha, đặt trong Thiếu đoàn. Nhiều Đội kha có
thể hợp thành một Đoàn kha do một Thiếu Trưởng kha điều khiển. Thiếu Trưởng kha
phải có một hay nhiều Phó Thiếu trưởng giúp việc).
A3) Tráng sinh, là những thanh niên
từ 17 đến 25.
Từ 5 đến 10 Tráng sinh hợp thành một
Toán, do một Toán trưởng điều khiển. Từ 2 đến 4 Toán hợp thành một Tráng đoàn,
do một Tráng trưởng điều khiển. Tráng trưởng phải có Cố vấn và một hay nhiều
Phó Tráng trưởng giúp việc.
B.
LIÊN ĐOÀN
Một Liên đoàn có thể gồm có:
- Hoặc là một Ấu đoàn và một Thiếu đoàn;
- Hoặc là một Thiếu đoàn và một
Tráng đoàn hay một Toán;
- Hoặc là một Ấu đoàn, một Thiếu đoàn
và một Tráng đoàn hay một Toán.
Mỗi Liên đoàn do một Liên Đoàn trưởng
phụ trách và phối hợp các hoạt động.
C.
ĐẠO
Nhiều Đoàn và Liên đoàn, tuỳ theo
điều kiện địa dư và số đoàn sinh, hợp thành từng Đạo, do một Đạo trưởng quản
trị và phối hợp các hoạt động. Một Đạo không được gồm quá 8 Liên đoàn. Đạo trưởng
có các Phó Đạo trưởng giúp việc.
Điều thứ 9:
Bộ Tổng Uỷ viên, do một Tổng Uỷ viên điều
khiển, là cơ quan lãnh đạo phong trào Hướng Đạo VN.
Bộ Tổng Uỷ viên mỗi năm hợp bốn lần.
Ngoài ra, khi nào cần, có thể có những buổi họp bất thường.
Bất cứ thường hay bất thường, các
buổi họp đều do Tổng Uỷ viên triệu tập ít nhất là 15 ngày trước, và phải có tỷ
số tối thiểu là phân nửa Uỷ viên trong Bộ Tổng Uỷ viên.
Điều thứ 10:
Tổng Uỷ viên do Đại Hội đồng bầu ra, nhiệm
kỳ ba năm. Tuy nhiên, để hướng dẫn phong trào được liên tục, một năm trước khi
nhiệm kỳ của Tổng Uỷ viên tại chức chấm dứt, Đại Hội đồng bầu sẵn một Tổng Uỷ viên
mới. Trong năm thứ ba, Tổng Uỷ viên tại chức sẽ chỉ dẫn Tổng Uỷ viên đắc cử về
các vấn đề chính yếu có liên hệ đến phong trào, và Tổng Uỷ viên đắc cử chỉ
chính thức nhậm chức trong kỳ họp Đại Hội đồng năm sau, khi nhiệm kỳ của Tổng
Uỷ viên chấm dứt.
Tổng Ủy viên tuyển chọn Phó Tổng Uỷ viên,
và các nhân viên trong Bộ Tổng Ủy Viên, với sự chấp thuận của Đại Hội đồng. Phó
Tổng Ủy viên sẽ phụ giúp các công việc do Tổng Ủy viên ủy nhiệm.
Tổng Ủy viên bổ nhiệm các Đạo trưởng,
Phó Đạo trưởng, Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng và thừa nhận các đơn vị theo thủ
tục.
Điều thứ 11:
Nhiệm
kỳ của các ủy viên trong Bộ Tổng Ủy viên, các Đạo trưởng, là ba năm, kể từ ngày
phong nhậm.
Nhiệm kỳ của Trưởng đơn vị tùy ở
quyết định của Bộ Tổng Ủy viên.
HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG
Điều thứ 12:
Hội đồng Trung ương gồm có:
a) Hội trưởng
b) Một hay hai Phó Hội trưởng
c) Thủ quỹ
d) Các nhân viên sau này của Bộ Tổng
Uỷ viên:
- Tổng Uỷ viên
- Tổng Thư ký
- Uỷ viên Huấn luyện
toàn quốc
- Uỷ viên Quốc tế
e) Trưởng ban Bảo trợ toàn quốc
f) Một đại diện của mỗi Tôn giáo có
trong Hội Hướng đạo Việt Nam.
Tổng Thư ký của Bộ Tổng Uỷ viên là
Tổng Thư ký của Hội đồng Trung ương. Tổng Thư ký có thể có một Phó Thư ký để
giúp việc và thay mặt mỗi lúc Tổng Thư ký khiếm diện.
Điều thứ 13:
Hội đồng
Trung ương quản đốc công việc chung của Hội, chú trọng về hai phương diện tinh
thần và tài chánh.
Hội đồng Trung ương thi hành các
quyết nghị của Đại Hội đồng, về chương trình hoạt động, cũng như về việc sử
dụng tài nguyên. Mỗi năm, Hội đồng Trung ương trình bày ở Đại Hội đồng các
khoản chi thu trong năm vừa qua.
Hội đồng Trung ương mỗi năm họp hai
lần. Ngoài ra, khi nào cần, có thể có những buổi họp bất thường. Mỗi phiên họp
có biên bản do Hội trưởng và Tổng Thư ký cùng ký.
Các biên bản này phải đánh máy hoặc
viết bằng tay không có chỗ nào xóa bỏ hoặc thêm bớt mà không chứng nhận, trong
một quyển sổ có nhà chức trách kiểm ký.
Hội đồng Trung ương có thể uỷ quyền
cho một Ban Thường vụ, gồm có Hội trưởng, Tổng Uỷ viên, Tổng Thư ký, và Thủ quỹ.
Ban Thường vụ phải báo cáo cho Hội đồng Trung ương biết sớm chừng nào hay chừng
nấy những công việc đã được giải quyết.
CÁC BAN BẢO TRỢ
Điều thứ 14:
Tại Trung ương, cũng như tại Các Đạo, có
thể thành lập những Ban Bảo trợ, với sự tham gia của những cựu Hướng Đạo sinh
và những người có cảm tình với phong trào Hướng Đạo, để giúp đỡ phong trào về
mặt tinh thần và vật chất.
CÁC BAN CHUYÊN MÔN
Điều thứ 15:
Hội
đồng Trung ương có thể thành lập những Ban Chuyên môn, gồm những người trong
hoặc ngoài Hội, để giúp Bộ Tổng Uỷ viên nghiên cứu những vấn đề đặc biệt.
ĐẠI HỘI ĐỒNG
Điều thứ 16:
Đại
Hội đồng mỗi năm họp một lần, do Hội trưởng triệu tập thành phần như sau:
a) Hội trưởng
b) Phó Hội trưởng
c) Thủ quỹ
d) Bộ Tổng Uỷ viên
e) Trưởng Ban Bảo trợ toàn quốc
f) Một đại diện cho mỗi Tôn giáo có
trong Hội Hướng đạo Việt Nam
g) Các Đạo trưởng, hoặc Hiệp Đoàn trưởng
ở những tỉnh chưa thành lập Đạo.
Điều thứ 17:
Đại Hội
đồng nghe trình công việc năm vừa qua, xét bảng chi thu năm đó, tỏ bày các
nguyện vọng về tương lai và biểu quyết chương trình hoạt động cùng bảng chi thu
dự trù cho năm tới.
Đại Hội đồng bầu cử Hội trưởng, Phó
Hội trưởng, Thủ quỹ, mỗi năm một lần, và Tổng Uỷ viên ba năm một lần, theo thể
thức ghi ở điều thứ 10. Các vị này có thể tái cử.
Điều thứ 18:
Đại Hội đồng có thể họp bất thương do Hội trưởng
triệu tập, hoặc do ít nhất một phần ba hội viên yêu cầu để thảo luận những vấn
đề đặc biệt.
Điều thứ 19:
Bất cứ họp thường hay bất thường, các
quyết định của Đại Hội đồng chỉ có giá trị trong trường hợp có sự hiện diện của
ít nhất là một phần ba số nhân viên của Đại Hội đồng (dẫn ở điều thứ 16). Nếu
không đủ số tối thiểu ấy, thì 15 ngày sau có thể họp lại, và trong trường hợp
này, không kể số người có mặt, các quyết định đều có giá trị.
Các quyết định đều do đa số tuyệt
đối, và không được đầu phiều bằng thư.
Các phiên họp của Đại Hội đồng đều
có biên bản, do Chủ toạ và Thư ký buổi họp cùng ký.
Điều thứ 20:
Về mặt pháp lý, Hội trưởng là đại diện
chính thức của Hội Hướng đạo Việt Nam.
Trong trường hợp Hội trưởng vắng mặt, Phó
Hội trưởng có thể thay thể.
CHƯƠNG III
TÀI CHÁNH
Điều thứ 21:
Các khoản thu của Hội gồm có:
- Tiền góp của các hạng Hội viên.
- Tiền trợ cấp của Chánh Phủ nếu có,
và của các Hội khuyến thiện v.v… nếu được phép nhận.
- Hoa lợi do các động sản của Hội.
- Tiền thu trong các cuộc vui do Hội
tổ chức nếu được phép tổ chức.
Điều thứ 22:
Các giấy tờ khế ước về mặt tài chánh đều
do Hội Trưởng ký.
Điều thứ 23:
Hội giữ
một quyển sổ kế toán để kê ghi hàng ngày các khoản chi và thu, và một sổ kê
khai tài sản của Hội, gồm các văn kiện chứng minh quyền sở hữu. Hai quyển sổ
này do Thủ quỹ phụ trách.
CHƯƠNG IV
NỘI LỆ - THAY ĐỔI – GIẢI TÁN
Điều thứ 24:
Các chi tiết thi hành Quy trình này được
ấn định trong bản Nội Lệ, do Hội Đồng Trung ương soạn thảo.
Điều thứ 25:
Mọi
sự thay đổi trong Quy trình này hoặc sự giải tán của Hội phải do một cuộc đầu
phiếu của Đại Hội đồng, và phải được đa số hai phần ba hội viên có mặt tán
thành.
Sự đề nghị thay đổi Quy trình và sự
giải tán Hội phải do Hội Đồng Trung ương nêu ra, hoặc do sự yêu cầu của ít nữa
là một phần ba Hội viên của Đại Hội đồng.
Điều thứ 26:
Trong trường hợp Hội giải tán, tài nguyên
còn lại của Hội, sẽ phân chia cho các Hội thiện. Sự phân chia này do Đại Hội đồng
quyết định.
CHƯƠNG V
TIỀN HỘI – ĐỒNG PHỤC – HUY HIỆU
CHƯƠNG TRÌNH – NGHI THỨC
Điều thứ 27:
Hội lấy tên chánh thức là Hội “HƯỚNG ĐẠO
VIỆT NAM”, viết tắt là “H.Đ.V.N”. Những chữ “HƯỚNG ĐẠO” trong tên này thuộc
quyền sở hữu tuyệt đối của Hội.
Điều thứ 28:
Các Hội trước kia gọi là Hội Hướng Đạo
Trung Việt, Hội Hướng Đạo Nam Việt, v.v… nay sát nhập vào Hội Hướng Đạo Việt
Nam, là Hội duy nhất tại Việt Nam được Văn phòng Hướng đạo Thế giới (Boy Scouts
World Bureau) thừa nhận để áp dụng phương pháp giáo dục Hướng đạo, dẫn ở điều
thứ 1.
Điều thứ 29:
Đồng
phục Hướng đạo, cùng với hệ thống huy hiệu của đoàn sinh các Ngành, đã được quy
định trong Nội Lệ, thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của Hội.
Điều thứ 30:
Huy hiệu chánh thức của Hướng đạo Việt
Nam, theo hình vẽ đây, thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của Hội.
Điều thứ 31:
Trên cờ của Hội có vẽ huy hiệu này trên
nền lục lá cây.
Điều thứ 32:
Chương trình huấn luyện các môn và các cấp
đoàn sinh và Huynh trưởng, đều do Bộ Tổng Ủy viên ấn định.
Điều thứ 33:
Các huy hiệu thứ hạng, cấp bậc, v.v… cũng
do Bộ Tổng Ủy viên ấn định.
Điều thứ 34:
Các huy chương để ân tặng những vị có công
với Hướng đạo do Hội Đồng Trung ương ấn định và cấp phát.
Điều thứ 35:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét