Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

QUI TRÌNH HĐVN NĂM 1952.

  1.   HOÀN CẢNH RA ĐỜI QUI TRÌNH 1952

      Sau Hội nghị Trưởng năm 1946, tình hình sinh hoạt HĐ lúc này cực kỳ khó khăn. Đến ngày 19 tháng 12 năm 1946 là ngày “Toàn quốc kháng chiến”, phần lớn các Trưởng đều tham gia kháng chiến, nên các đơn vị HĐ cũng tự giải tán. Một vài năm sau đó cục diện đất nước lại bị chia thành những vùng “tự do” (hay là vùng Cách mạng) và những vùng “tạm chiếm”. Tại những vùng tạm chiếm có vài nơi bắt đầu chơi HĐ trở lại. Từ thập niên 50, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng…phong trào HĐ dần dần phục hoạt và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

    Khoảng cuối tháng 2 năm 1951, một cuộc Hội nghị Huynh trưởng HĐVN được tổ chức tại Sài Gòn, có huynh trưởng ở Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An cũng như ở Sài Gòn tham dự hội nghị.

(Ở Huế có cử Trưởng Trần Điền, Trưởng Nguyễn Thúc Toản đi dự Hội nghị, nhưng vào phút chót không đi được).    

     Sau Hội nghị này bản Qui Trình HĐVN mới được nhóm trách nhiệm biên soạn. Đến ngày 7 tháng 6 năm 1952, Chủ tich Hội HĐVN Trần Văn Thân đã chính thức ký vào bản Qui Trình này, cùng với chữ ký của Tổng Thư ký Trần Ngọc Chu và Tổng Uỷ viên Vũ Văn Hoan.

    Sau đó Hội HĐVN mới trình xin Chính Phủ cho phép Hội HĐVN được hoạt động. Ngày 9 tháng 2 năm 1953, qua Nghị Định số 326-NĐ/TN của Ông Bộ Trưởng Thanh Niên Và Thể Thao “Cho phép Hội Hướng Đạo Việt Nam hoạt động, Trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Nội dung của Qui Trình 1952 cũng dựa trên Qui Trình 1946, (cũng có 6 Chương, 26 điều như Qui Trình 46)

    Một điểm cần lưu ý là Qui Trình 1952 này không có yếu tố tôn giáo trong Lời hứa, nên năm 1957 khi HĐVN xin gia nhập HĐTG thì Văn phòng HĐTG yêu cầu HĐVN tu chính Lời hứa, bổ túc thêm yếu tố tôn giáo để được chấp thuận cho gia nhập phong trào HĐTG. Có lẽ vì không có bản Qui Trình 1952 gốc, nên có nhiều Trưởng đã nhầm và ghi lại Lời hứa của Qui Trình 1952 có yếu tố tôn giáo, “…làm bổn phận đối với tôn giáo của tôi”.  làm cho nhiều người tham khảo cũng bị nhầm theo, ngay cả trong cuốn Tín Ngưỡng Tâm Linh của tôi (Phạm Cảnh Đáng), nơi trang 78, cũng ghi lại là Lời hứa HĐVN của Qui Trình 1952 có “làm bổn phận đối với tôn giáo của tôi”, do tôi tham chiếu ở quí Trưởng đàn anh. Nhân đây cũng xin lỗi quí vị và cho tôi được đính chính là trong Lời hứa của Qui Trình 1952 không có yếu tố tôn giáo.

  2. NỘI DUNG QUI TRÌNH 1952.

      Bản Qui Trình 1952 này, do Phạm Cảnh Đáng chuyển ngữ từ bản Pháp văn có tiêu đề: “Statuts de L’association de Scoutisme du Vietnam”, do trang nhà Bách Hợp Tình Thân sưu tầm.

     Trước khi đi vào nội dung của Qui Trình 1952, chúng tôi giới thiệu đến quí vị Nghị Định số 326 của Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao, đã phê duyệt Qui Trình HĐVN 1952 và cho phép HĐVN được hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

  

      NGHỊ ĐỊNH SỐ 326 – NĐ/TN ngày 9 – 2 – 1953

 Của ÔNG BỘ TRƯỞNG THANH NIÊN và THỂ THAO

        Cho phép Hội Hướng Đạo Việt Nam hoạt động

                     Trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

    BỘ TRƯỞNG BỘ THANH NIÊN VÀ THỂ THAO

 

- Chiếu Dụ số 1, ngày 1.7.1949: tổ chức và quản lý các cơ quan công quyền.               

- Chiếu Dụ số 2, ngày 1. 9. 1949, ấn định qui chế các công sở.

- Chiếu Sắc lệnh số 49-CP, ngày 6. 6. 1952, và các nghị định bổ túc, ấn định thành phần Chính phủ.

- Chiếu Sắc lệnh số 57-TN, ngày 18.6.1950, ấn định quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao.

- Chiếu Dụ số 10, ngày 6.8.1950, ấn định thể lệ các hiệp hội.

- Chiếu Dụ số 24 ngày 19.11.1952, sửa đổi Dụ số 10 ngày 6. 8. 1950 đã nói trên.

- Chiếu Đơn số 003-NT/HĐ ngày 12. 6. 1952 của Ông Hội Trưởng Hướng Đạo Việt Nam.

- Chiếu Công văn thỏa hiệp số 462-MI/DAP ngày 2. 2. 1953 của Ngài Thủ Tướng Chính phủ, kiêm Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ.

 

                             NGHỊ ĐỊNH:

 

Điều thứ nhất.

      Hội Hướng Đạo Việt Nam được phép hoạt động trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam theo bản Điều lệ đính kèm theo nghị định này.

Điều thứ hai.

      Hội trên đây phải tuân theo những thể lệ hiện hành về các hiệp hội.

Điều thứ ba.

      Chánh văn phòng Bộ Thanh Niên và Thể Thao, Chánh Sự Vụ Sở Thanh Niên Trung Ương, chịếu nhiệm vụ thi hành Nghị Định này.

 

                                        Sài Gòn, ngày 9 tháng 2 năm 1953

                                  Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên Thể Thao.

                                          Ký tên: VŨ-HỒNG-KHANH

 

                       BẢN SAO XÁC THỰC:

           Chánh Sự Vụ Sở Thanh Niên Trung Ương

                    Ký tên: PHẠM-BÁ-TƯỜNG.

 

 

  NỘI DUNG QUI TRÌNH 1952

          

             QUI TRÌNH (ĐIỀU LỆ)

           HỘI HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM

       (Statuts de L’association de Scoutisme du Vietnam)

 

 

CHƯƠNG I

 

                   MỤC ĐÍCH – PHƯƠNG PHÁP – PHẠM VI

ĐIỀU 1.

     Hội Hướng Đạo Việt Nam được thành lập nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên trong toàn cõi Việt Nam về ba phương diện:

 Đức dục, Thể dục và thực hành, theo tinh thần và phương pháp được trình bày trong ba cuốn sách:

- Sách Sói Con. (Louveteaux)       

- Sách Hướng Đạo sinh. (Eclaireurs - Scouting for Boys)

- Sách Đường thành công. (La Route du succès - Rovering to Success) của Baden Powell.

Hội Hướng đạo Việt Nam bao gồm các thành viên thuộc mọi thành phần xã hội không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay quốc tịch.

Tất cả các tôn giáo đều được tôn trọng ở đây.

Hội Hướng đạo Việt Nam không sinh hoạt chính trị, không tuyên truyền.

Hội Hướng đạo Việt Nam hoạt động vô thời hạn.

Trụ sở chính tại 124 đường Tamboura Hà Nội (trước ngày 20-7-54).

 

ĐIỀU 2.

    Hội có hai ngành hoạt động:

1. Tổ chức và điều hành các Đơn vị Hướng đạo Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo Điều lệ và Quy chế của Hội.

2. Xuất bản tạp chí và tờ rơi; tổ chức các cuộc nói chuyện, các cuộc mít tinh, các cuộc thi hoặc các sự kiện hướng đạo.

 

ĐIỀU 3.

Hội bao gồm các loại thành viên như sau:

1. Hội viên danh dự

2. Hội viên ân nghĩa

3. Các Trưởng

4. Các đơn vị Hướng đạo

5. Các thành viên của các Ban Bảo trợ, Đại biểu của các Ban này theo tỷ lệ mỗi Châu 2 người.

Các đơn vị Hướng đạo bao gồm:

1. Bầy ấu: dành cho thiếu nhi từ 7 đến 12 tuổi.

2. Thiếu đoàn: cho thiếu niên tuổi 11 – 18 tuổi.

3. Tráng đoàn: dành cho thanh niên từ 17 tuổi.

ĐIỀU 4.

 Tư cách hội viên có thể bị mất do:

1. Từ chức

2. Khai trừ

Tuyên bố khai trừ do Tổng Ủy viên Hướng Đạo Việt Nam. Sự khai trừ này do:

• từ chối đóng niêm liễm

• có hành vi sai trái nghiêm trọng.

 

ĐIỀU 5.

Khi đã hiểu Luật Hướng đạo và được hướng dẫn đầy đủ để áp dụng Luật này, Hướng Đạo sinh có thể tuyên Lời hứa sau đây:

           Lời Hứa Hướng Đạo sinh Việt Nam.

 

      Tôi xin lấy danh dự mà hứa:

-Trung thành với đất nước của tôi

- Giúp đỡ người khác trong mọi hoàn cảnh

-Tuân theo Luật Hướng đạo.

                           

                                   LUẬT HĐS

1. Người ta có thể tin vào danh dự của một HĐS.

2. HĐS trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự.

3. HĐS có bổn phận hữu ích cho người khác và giúp đỡ họ.

4. HĐS là bạn của mọi người, và là anh em của tất cả các HĐS khác

5. HĐS lễ độ

6. HĐS là bạn của động vật.

7. HĐS vâng lời cha mẹ, và các Trưởng.

8. HĐS cười và huýt sáo khi gặp khó khăn.

9. HĐS tiết kiệm.

10.HĐS trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm

 

 

CHƯƠNG II

                     TỔ CHỨC – BỔ NHIỆM – HÀNH CHÍNH

 

ĐIỀU 6.

Hội Hướng Đạo Việt Nam được tổ chức như sau:

 

Đoàn. (Đơn vị) (Unit)

 -Ấu đoàn: 6 Sói con tạo thành một Đàn do Sói Đầu Đàn phụ trách. Hai đến bốn Đàn tạo thành một Bầy (Ấu đoàn), do một Bầy trưởng (nam hay nữ) chỉ huy. Bầy trưởng có một hoặc nhiều phụ tá (hoặc trợ lý).

-Thiếu đoàn: 6 Thiếu sinh (số lượng tối đa) thành một Đội, do Đội trưởng phụ trách; 2 đến 4 đội tạo thành một Thiếu đoàn do một Thiếu trưởng điều hành. Thiếu trưởng có thể có một hoặc nhiều phụ tá.

-Tráng đoàn: Tráng đoàn do một Tráng trưởng lãnh đạo, bao gồm một số Tráng sinh nhất định. Tráng trưởng có thể có một hoặc nhiều phụ tá. Tráng đoàn có thể được chia thành các Toán, do các Toán trưởng phụ trách.

 

Liên đoàn (Groupe)

Nếu hữu ích thì một (hoặc nhiều) Bầy, một (hoặc nhiều) Thiếu đoàn, một (hoặc nhiều) Tráng đoàn, có thể thành một Liên đoàn.

 

Đạo (Secteur)

 Sự hợp nhất của các đơn vị và Liên đoàn, theo các điều kiện địa dư hoặc các điều kiện khác, họ tạo thành một Đạo (Secteur) do một Ủy viên Đạo lãnh đạo, với sự giúp đỡ của một hoặc nhiều Ủy viên, phụ trách ngành.

 

Châu (District)

Tất cả các Đạo hợp thành 12 Châu.

Hậu Giang; Tiền Giang; Gia Định; Trường Sơn (các tỉnh miền núi phía Nam Trung Bộ); Hải Nam (từ Phan-Thiết đến Quảng-Ngải); Hải Trung (từ Quảng-Nam đến Quảng Bình); Thanh Nghê Tinh; Sơn Nam (Hà-Nam, Nam-Định, Thái-Bình, Ninh-Bình, Hòa-Bình, Sơn-La, Lai-Châu); Hải Bắc (Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh); Thăng Long; Sơn-Hưng-Vê-Tuyên; Cao-Bắc-Lạng.

     Mỗi Châu được điều hành bởi một Ủy viên Châu trưởng, và được một hoặc nhiều Ủy viên phụ trách Ngành phụ tá.

           

         BỘ TỔNG UỶ VIÊN HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM     

(COMMISSARIAT GÉNÉRAL DU SCOUTISME DU VIETNAM)

 

Tất cả các Châu được đặt dưới sự điều hành của Bộ Tổng Ủy Viên Hướng Đạo Việt Nam bao gồm:

a. - Một Tổng Ủy viên

b. - Một Tổng Thư ký

c. - Một Giám đốc Trại - Trường

d. - Một Ủy Viên Truyền Thông

đ. - Ba Ủy Viên Ngành.

 

                         HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG

                            (COMITÉ CENTRAL)

Ban Chấp hành Trung ương gồm có:

a. - Chủ tịch

b. - Phó Chủ tịch

c. - Thủ quỹ

d. - Tổng ủy viên

đ. - Tổng thư ký

f. - Giám đốc Trại-Trường

g. - Đại diện của mỗi Tôn giáo có tín đồ trong Hội Hướng Đạo Việt Nam.

Ủy ban Kỹ thuật:

Hội Đồng Trung ương có thể thành lập Ủy ban Kỹ thuật bao gồm những người trong hoặc ngoài Hội, để nghiên cứu các vấn đề đặc biệt, dưới sự kiểm soát của Tổng Thư ký.

 

                                 ĐẠI HỘI ĐỒNG

                      (ASSEMBLEE GENERALE)

     Đại Hội Đồng Hướng Đạo Việt Nam gồm có:

a. – Ban Chấp hành Trung ương (Hội Đồng Trung ương)

b. - Bộ Tổng Ủy viên

c. - Các Ủy viên Châu trưởng.

d. - Đại diện mỗi Châu 2 đại biểu.

 

 

                    BỔ NHIỆM – QUYỀN HẠN

 

ĐIỀU 7.

     Tổng Ủy viên do Đại Hội Đồng bầu ra

     Tổng Ủy viên chọn và bổ nhiệm các Trưởng huấn luyện của các Châu, theo đề nghị của Giám đốc Trại Trường, chọn và bổ nhiệm các Trưởng trong Bộ Tổng Ủy viên, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Trung ương.

 

ĐIỀU 8.

     Các Ủy viên Đạo đại diện cho các Ủy viên Châu trong Châu của họ, điều hành Đạo, nghiên cứu các chương trình đào tạo của các Đơn vị và xem xét việc mở rộng Phong trào trong Đạo của họ.

 

ĐIỀU 9.

   Các Ủy viên Châu đại diện cho Bộ Tổng Ủy viên, điều hành Châu của minh, xem xét việc huấn luyện các Trưởng và mở rộng Phong trào trong Châu của họ.

ĐIỀU 10.

      Bộ Tổng Ủy viên là cơ quan hành chính của Ban Chấp hành Trung ương. Tổng Ủy viên tổ chức các Châu và điều hành mọi hoạt động của Hội.

     Tổng Ủy viên công nhận các đơn vị trực thuộc Hội, bổ nhiệm các cấp Ủy viên, và Trưởng các đơn vị, theo đề nghị của các Ủy viên Châu trưởng.

    Tổng Ủy viên được Bộ Tổng Ủy viên giúp đỡ trong công việc hàng ngày.

    Đối với những vấn đề quan trọng, Tổng Ủy viên được giúp đỡ bởi Hội đồng Trung ương Hướng Đạo Việt Nam.

 

 

             HỘI HỌP CỦA BỘ TỔNG ỦY VIÊN

    Bộ Tổng Uỷ viên mỗi năm họp một lần, khi ở miền Bắc, khi ở miền Trung, khi ở miền Nam Việt Nam, với ít nhất ¼ số thành viên.

     Ngoài ra, khi cần thiết, Tổng Ủy viên có thể triệu tập cuộc họp Bộ Tổng Ủy viên.

     Đối với một cuộc họp bình thường hoặc bất thường, Tổng Ủy viên phải thông báo trước cho các thành viên một tháng.

 

              BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

           (Comite Central) (Hội Đồng Trung Ương)

 

ĐIỀU 11.

     Ban Chấp hành Trung ương điều hành các hoạt động của Hội, đặc biệt quan tâm đến tinh thần và tài chánh.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định thu, chi trong phạm vi dự toán đã được Đại Hội đồng thông qua. Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại Hội đồng báo cáo thu và chi tiêu trong năm qua.

     Ban Chấp hành Trung ương mỗi năm họp một lần. Biên bản được lập có chữ ký của Chủ tịch và Tổng Thư ký.

     Biên bản này được chép tay trong cuốn sổ do Thị trưởng Hà Nội ký tắt. Không chấp nhận tẩy xóa.

     Ủy ban Trung ương có thể ủy quyền cho một văn phòng hành chính bao gồm Chủ tịch và Tổng thư ký.

 

ĐIỀU 12.

     Thông thường, Đại Hội đồng họp mỗi năm một lần, theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương.

     Đại Hội đồng nghe báo cáo tổng kết năm, kiểm tra tình hình thu chi năm qua và biểu quyết dự thảo ngân sách cho năm tới.

     Đại Hội đồng nghe báo cáo hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, trình bày những ước nguyện trong tương lai và thông qua các quyết định có tính chất tổng quát.

     Đại Hội đồng bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thủ quỹ, Thư ký Hội. Các chức danh này có thể tái cử, nhưng không có phụ cấp.

Ban Trị sự của Đại Hội đồng là Ban Trị sự của Hội Hướng đạo Việt Nam.

 

ĐIỀU 13.

     Đại Hội đồng có thể họp bất thường theo triệu tập của Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo thẩm quyền của 1/3 số thành viên, để thảo luận về những vấn đề đặc biệt.

 

ĐIỀU 14.

      Trong Đại Hội đồng thường hoặc bất thường, các công việc của đại hội chỉ có giá trị khi ít nhất ¼ số đại biểu có mặt. Sau 15 ngày Đại Hội đồng sẽ họp lại và lần này các cuộc thảo luận và quyết định vẫn có hiệu lực, bất kể số lượng thành viên có mặt.

     Các quyết định được đưa ra theo đa số tuyệt đối, phiếu bầu qua đường bưu điện không được chấp nhận.

       Tất cả các cuộc họp của Đại Hội Đồng đều có biên bản do Chủ tịch và Tổng Thư ký ký.

 

ĐIỀU 15.

     Về mặt tư pháp, Hội trưởng và Thư ký là đại diện của Hội Hướng đạo Việt Nam.

 

CHƯƠNG III

                                             TÀI CHÍNH

 

ĐIỀU 16.

 Các khoản thu của Hội bao gồm:

1. Đóng góp của các đơn vị.

2.  Đóng góp của các Trưởng

3. Đóng góp của các hội viên hảo tâm

4. Đóng góp của các thành viên Ban Bảo trợ

- Trợ cấp từ Chính phủ cho Hội để khuyến khích những sự kiện thiện ích.

- Thu nhập từ các bất động sản của Hội.

 

ĐIỀU 17.

     Các giấy tờ, hợp đồng liên quan đến tài chính của Hội phải có chữ ký của Chủ tịch và Tổng Ủy viên Hội.

 

ĐIỀU 18.

 Sổ sách thu chi phải được cập nhật hằng ngày.

 

CHƯƠNG IV.

                                          NỘI QUI.

                                 (Règlement intérieur)

ĐIỀU 19.

 Ban Chấp hành Trung ương soạn thảo Nội qui, quy định những điều khoản áp dụng không được quy định trong Điều Lệ (quy trình) này. (bổ nhiệm Trưởng, công nhận các đơn vị, từ nhiệm, khai trừ, đồng phục, cấp hiệu, v.v.)

 

CHƯƠNG V

                               SỬA ĐỔI VÀ GIẢI THỂ

 

ĐIỀU 20.

 Mọi sửa đổi Điều Lệ hiện hành hoặc giải thể Hội phải được quyết định bằng biểu quyết của Đại Hội đồng, với đa số 2/3 số thành viên có mặt tại cuộc họp này.

     Những đề nghị sửa đổi Điều Lệ hoặc giải thể Hội Hướng đạo Việt Nam chỉ được xem xét nếu do Ban Chấp hành Trung ương đưa ra hoặc do nguyện vọng của ít nhất một phần tư hội viên của Hội.

 

ĐIỀU 21.

     Sau khi Hội giải tán, hiện kim sẽ được phân chia cho các hội thanh niên

 

CHƯƠNG VI

          CHƯƠNG TRÌNH – PHÙ HIỆU – NGHI THỨC

 

ĐIỀU 22.

     Chương trình huấn luyện các cấp, chuyên ngành, và chương trình đào tạo Trưởng do Bộ Tổng Ủy viên ban hành.

 

ĐIỀU 23.

    Cấp hiệu huynh trưởng, đẳng thứ và thâm niên cũng do Bộ Tổng Ủy viên quy định.

 

ĐIỀU 24.

    Bộ Tổng Uỷ viên cũng ấn định nghi thức của Hội.

 

ĐIỀU 25.

    Phù hiệu chính thức của Hội Hướng đạo Việt Nam theo hình vẽ ở trang cuối, là tài sản của hội.

 

ĐIỀU 26.

     Trên cờ của Hội có phù hiệu chính thức của Hội, trên nền màu xanh lá cây. Lá cờ này có thể được treo cùng với lá cờ quốc gia.

 

 

                                                     Hà Nội, 7-6-1952

                                                            Chủ tịch

                                                  Ký tên: Trần Văn Thân

 

 

 

                Tổng thư ký

     Ký tên: Trần Ngọc Chu     

 

               Tổng Ủy viên

          Ký tên: Vũ Văn Hoan

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét