Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

QUI TRÌNH HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM NĂM 1946.

 


1. HOÀN CẢNH RA ĐỜI QUI TRÌNH 1946.  

    Phong trào HĐVN có thể nói là được hình thành từ năm 1930, nhưng lúc đó là thời kỳ phôi thai nên chưa có Qui Trình riêng. Đến năm 1937 thì Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương ra đời, gồm 5 xứ là: Bắc kỳ – Trung kỳ – Nam kỳ

Ai Lao và Cao Mên. 5 xứ đều căn cứ vào Qui Trình của Liên Hội (như đã trình bày ở phần trước) mà lập ra Qui Trình cho riêng Hội mình. Đến năm 1945 khi cách mạng tháng 8 thành công thì HĐVN mới sáp nhập 3 hội Bắc kỳ -Trung kỳ - Nam kỳ, thành một Hội HĐVN thống nhất.

    Thứ bảy, ngày 16-11-1945, có một cuộc Hội nghị quí Trưởng chủ chốt, Bộ Tổng Uỷ viên 3 Miền, tại 86 Hàng Trống Hà Nội, gồm có các ông Nguyễn Lễ (Hội trưởng), ông Lang (thư ký), ông Nguyễn Bá Nhân (thủ quĩ), ông Hoàng Đạo Thuý, Ngô Bích San, Trần Duy Hưng, Vương Trọng Thành (Uỷ viên Bắc kỳ), Võ Thanh Minh, Tạ Quang Bửu (Ủy viên Trung kỳ), Trần Ngọc Thạnh (Uỷ viên Nam kỳ).

     Hội nghị đã đồng ý giải tán 3 Hội Hướng đạo 3 Kỳ, để thành lập Hội HĐVN duy nhất. Hội nghị cũng đã bầu nhân sự cho Hội HĐVN duy nhất này:

Hội trưởng     : Ông Nguyễn Lễ

Hội phó          : Nguyễn Văn Hiếu và Kha Vạn Cân

Thư ký Hội    : Trần Duy Hưng

Thủ quĩ          : Nguyễn Bá Nhân

Uỷ viên trưởng          : Hoàng Đạo Thuý

Trại trưởng    : Tạ Quang Bửu

Uỷ viên ngành Tráng           : Hoàng Qúi

Uỷ viên ngành Ấu    : Vương Trọng Thành

Uỷ viên ngành Thiếu           : Lê Duy Thước

Thư ký Bộ TUV        : Ngô Bích San

Uỷ viên cổ động       : Lê Đức Thọ.

 

     Từ đó, Qui Trình HĐVN 1946 ra đời. Qui trình này được soạn thảo vào cuối năm 1945 và đã được Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà Năm Thứ II, phê duyệt ngày 7 tháng 2 năm 1946, do Đổng Lý Văn Phòng, Hoàng Minh Giám, ký thay Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ.

    Đến ngày Chúa nhật, 11 tháng 11 năm 1946, Hội HĐVN tổ chức Hội nghị Huynh trưởng và Tráng sinh tại số 86 Hàng Trống, mục đích thứ nhất là thông qua quyết định hợp nhất ba Hội HĐ Bắc Kỳ -Trung Kỳ - Nam Kỳ vào thành một Hội HĐVN duy nhất; mục đích thứ hai là thông qua Qui Trình 46; và mục đích thứ ba là đổi tên “Hướng đạo Cứu quốc Nghĩa đoàn”, do Trưởng Hoàng Đạo Thuý cổ vũ”, theo như trào lưu lúc bấy giờ. Chính anh Hoàng Đạo Hùng, con trai Hoàng Đạo Thuý, em rể Tạ Quang Bửu, trong tập “Nhớ Anh Chồn” – 1996 – kỷ niệm 10 năm ngày mất của Tạ Quang Bửu, đã viết như sau:

     Cha tôi ở Tân Trào về có viết bài trên báo Hướng đạo Thẳng Tiến, kêu gọi HĐS hưởng ứng Cách Mạng và lập Hướng Đạo Cứu Quốc Nghĩa Đoàn”.

     Trong ngày Hội nghị đầu tiên (11-11-1946) tất cả Hội nghị đều đồng ý giải tán Liên Hội HĐ Đông Dương và sáp nhập ba Hội HĐ Bắc Kỳ-Trung Kỳ-Nam Kỳ thành một Hội duy nhất là Hội HĐVN.

     Đến khi đề nghị đổi tên là “Hướng đạo cứu quốc” (HĐCQ), thì có nhiều ý kiến không tán thành, trong đó có Trưởng Võ Thanh Minh là người phản đối quyết liệt nhất và được các Trưởng lớn như Phạm Biểu Tâm, Bạch Văn Quế, Vĩnh Bang, Hồ Liễn…ủng hộ. Theo Trưởng Võ Thanh Minh thì Phong trào Hướng đạo chủ trương phi chính trị (nopolitic) nên không thể biến Hướng đạo Việt Nam thành Hướng đạo Cứu quốc. Vì thế Hội nghị đã chia thành 2 phe: phe ủng hộ đổi tên, phe chống đối. Hội nghị bắt đầu căng thẳng. Trưởng Hoàng Văn Quí, chủ toạ Hội nghị, tỏ ra bất lực không giữ được trật tự và bình tĩnh. Nhiều cuộc cãi vã, tranh luận quá quyết liệt dẫn đến chỗ hổn loạn. Hội nghị đề nghị thay chủ toạ và Hội nghị đã bầu Trưởng Võ Thanh Minh, nguyên Tổng Thư ký Liên Hội HĐ Đông Dương, lên làm chủ toạ Hội nghị, thay cho Trưởng Quí.

     Trưởng Minh đã lập lại được trật tự cho Hội nghị, nhưng tình hình chính trị đã làm phân hoá, chia rẽ anh em HĐVN quá sâu sắc. Trưởng Minh kêu gọi anh em hãy giữ nguyên tên HĐVN và tiếp tục sinh hoạt theo đúng đường lối Hướng đạo của vị sáng lập. Đoàn viên Hướng đạo có quyền và bổn phận tham gia các hoạt động “yêu nước” và “giành độc lập” với tư cách cá nhân của mình, chứ không phải của phong trào, vì phong trào không được làm chính trị.  Chúng ta cần tránh tất cả những hành động gây chia rẽ, xung đột giữa anh em Hướng đạo với nhau. Nhưng phe đòi đổi tên phản đối quyết liệt. Xem như ngày họp thứ hai không đạt được kết quả nào.

 

    Sang ngày họp thứ ba, Hội nghị phải tạm nghỉ để đi đưa đám tang anh Lê Trác (có chỗ ghi là Lê Văn Trác) vừa mới từ trần ngày hôm qua. Lê Trác là một Tráng sinh tham dự Hội nghị và cũng là “người chất vấn Trưởng Võ Thanh Minh nhiều nhất”. Theo nhận định của Trưởng Minh thì Lê Trác là trưởng nhóm cỗ vũ cho HĐCQ, và dự kiến anh sẽ là người lãnh đạo HĐCQ. Nhưng Trưởng Võ Thanh Minh căn cứ vào mục đích, nguyên lý và phương pháp của phong trào HĐ (Trưởng Minh là một huấn luyện viên tại trại trường Bạch Mã), dựa trên những cuốn sách căn bản của BP, để trả lời cho Tráng sinh Lê Trác, cũng như cho các thành phần tham dự Hội nghị. Trưởng Minh cũng khôn khéo hỏi lại Lê Trác, anh đã đọc và hiểu rõ những cuốn sách đó chưa? Lê Trác phải thú nhận là chưa đọc, nên từ đó anh không dám chất vấn gì nữa.

     Sau cái chết quá bất ngờ của anh Lê Trác (Theo anh Hoàng Đạo Hùng, con trai Hoàng Đạo Thuý, có cho biết là anh Lê Trác bị bệnh tả do Tàu lây sang), và sau đám tang anh Lê Trác, Hội nghị tự động âm thầm giải tán, vì ai cũng đều lo lắng hoang mang, không còn tha thiết gì đến hội nghị nữa. Như vậy mục tiêu đổi tên HĐVN thành HĐCQ và thông qua Qui Trình 1946 chưa được Hội nghị thông qua, xem như không thành hiện thực.

 

     Chúng ta sẽ xem nội dung Qui Trình 1946 sau đây:

 2. NỘI DUNG QUI TRÌNH 46

 

      VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NĂM THỨ II

                  HỘI HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM

                                    *********

                               QUY TRÌNH

 

CHƯƠNG I.  MỤC ĐÍCH – PHƯƠNG PHÁP – PHẠM VI

 

Điều thứ 1:

    Thay và thống nhất ba hội Hướng Đạo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Hội Hướng đạo Việt Nam thành lập với mục đích huấn luyện thanh niên về ba phương diện: đức, thể, thực theo tôn chỉ và phương pháp bày tỏ trong ba quyển: Sách Sói Con, Hướng Đạo Trẻ Con, Đường Thành Công của Huân tước Baden Powell.

            Hội Hướng Đạo Việt Nam gồm đủ các hạng người, không kể giai cấp, chủng tộc và quốc tịch, tôn giáo nào cũng được tôn trọng.

            Hội Hướng Đạo Việt Nam không hoạt động và cổ động về mặt chính trị.

            Hội Hướng Đạo không giới hạn trong thời gian.

            Trụ sở ở Hà Nội.

 

Điều thứ 2:

    Hội có hai ngành hoạt động:

            1) Tổ chức và quản đốc các đoàn thể, thanh niên, Hướng đạo Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy trình và nội lệ của hội.

            2) Xuất bản các cơ quan báo chí, sách vở, tổ chức các buổi nói chuyện, các cuộc họp, các cuộc thi và biểu diễn Hướng Đạo.

 

Điều thứ 3:

     Hội gồm các hạng hội viên:

            1) Hội viên danh dự

            2) Hội viên ân nghĩa

            3) Huynh trưởng

            4) Các đoàn thể Hướng Đạo

            5) Các hội viên bảo trợ, đại biểu các hội đồng bảo trợ mỗi Châu cử hai người.

            Các đoàn thể Hướng Đạo gồm:

            1) Ấu đoàn cho trẻ con từ 7 đến 12 tuổi.

            2) Thiếu đoàn cho thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi.

            3) Tráng đoàn cho thanh niên từ 17 đến 21 tuổi.

 

Điều thứ 4:

     Tư cách hội viên có thể mất vì:

            1) Từ chức

            2) Bị thải

            Sự thải bỏ thuộc quyền Tổng bộ Hướng Đạo Việt Nam. Sự thải bỏ do hai lẽ: lẽ thứ nhất là không trả hội phí, lẽ thứ hai là phạm lỗi nặng.

 

Điều thứ 5:

Hướng Đạo sinh sau khi đã hiểu rõ Luật Hướng Đạo và đã được huấn luyện đến trình độ thực hành Luật ấy sẽ tuyên Lời Hứa sau đây:

 

            LỚI HỨA HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM

Tôi xin đem danh dự hứa rằng:

            Trung thành với Tổ quốc

            Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào

            Tuân theo Luật Hướng Đạo

 

                        LUẬT HƯỚNG ĐẠO

    1) Hướng Đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin được lời nói của HĐS.

    2) Hướng Đạo sinh trung thành với tổ quốc, cha mẹ, với người cộng sự.

    3) Hướng Đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người.

    4) Hướng Đạo sinh là bạn khắp mọi người, coi HĐS nào

cũng như ruột thịt.

    5) Hướng Đạo sinh lễ độ và liêm khiết.

    6) Hướng Đạo sinh yêu thương các giống vật.

    7) Hướng Đạo sinh vâng lời cha mẹ và Huynh trưởng mình.

    8) Hướng Đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.

    9) Hướng Đạo sinh tằn tiện của mình và của người.

   10) Hướng Đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.

                        CHÂM NGÔN: SẮP SẴN

 

CHƯƠNG II. TỔ CHỨC – PHONG NHẬM – QUẢN TRỊ

Điều thứ 6:

     Hội Hướng Đạo Việt Nam tổ chức như sau này:

            Đoàn: Sói con: 6 Sói con họp thành một bộ do một Sói con trong bộ chỉ huy. 2 đến 4 bộ họp thành một Ấu đoàn hay một Bầy có một Ấu trưởng hay Bầy trưởng chỉ huy. Ấu trưởng hay Bầy trưởng có thể nam hay nữ và có Phó Ấu trưởng hay Phó Bầy trưởng giúp việc.

            Thiếu sinh: 8 Thiếu sinh (số tối đại) họp thành một Đội, có một Thiếu sinh trong đội gọi là Đội trưởng chỉ huy. 2 hay 4 Đội họp lại thành một Thiếu đoàn do một Thiếu trưởng chỉ huy. Thiếu trưởng có thể có một hay nhiều Phó Thiếu trưởng giúp việc.

            Tráng sinh: Tráng đoàn gồm có một số Tráng sinh do một Tráng trưởng chỉ huy. Tráng trưởng có thể có một hoặc nhiều Phó Tráng trưởng giúp việc. Tráng đoàn có thể chia ra từng Đội do một Đội trưởng chỉ huy.

            Nếu tiện thì một (hay nhiều) Ấu đoàn, một (hay nhiều) Thiếu đoàn và một (hay nhiều) Tráng đoàn có thể thành một Liên đoàn.

            Đạo: Các đoàn và Liên đoàn họp lại, theo các điều kiện địa dư hoặc điều kiện khác thành Đạo, do một Đạo trưởng quản trị với một hoặc nhiều Phó Ủỷ viên ngành giúp việc.

            Châu: Tất cả các Đạo họp lại thành 12 Châu: Hậu Giang,

Tiền Giang, Gia Định, Trường Sơn (các tỉnh thượng du miền Nam Trung Bộ), Hải Nam (từ Phan Thiết đến Quảng Ngãi), Hải Trung (từ Quảng Nam đến Quảng Bình), Thanh Nghệ Tĩnh, Sơn Nam (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu), Hải Bắc (Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh), Thăng Long (Sơn Hưng Tuyên, Bắc Cao Lạng), do một Uỷ viên Châu trưởng quản trị và một hoặc nhiều Phó Uỷ viên ngành giúp việc.

            Bộ Tổng Uỷ viên Hướng Đạo Việt Nam: Tất cả các Châu sẽ đặt dưới quyền quản trị của Bộ Tổng Uỷ viên Hướng Đạo gồm:

            Một Tổng Uỷ viên

            Ba Uỷ viên ngành

            Một Tổng Thư ký

            Uỷ viên cổ động.

            Tổng bộ Hướng Đạo: Uỷ Viên trưởng, Trại trưởng Việt Nam, Bộ Tổng Uỷ viên, 12 Uỷ viên Châu trưởng.

            Hội đồng Trung ương: Hội đồng Trung ương gồm có:

            a) Hội trưởng

            b) Phó Hội trưởng

            c) Thủ quỹ

            d) Uỷ viên của Uỷ Viên trưởng

            e) Tổng Uỷ viên HĐVN

            f) Tổng Thư ký HĐVN

            Thủ lĩnh: Tất cả đoàn thể Hướng đạo kể trên đều đặt dưới sự lãnh đạo của một vị Uỷ Viên trưởng. Trong các Hội đồng và các hoạt động khác, vị Uỷ Viên trưởng nếu không thân hành tham dự thì có một Uỷ viên của Uỷ Viên trưởng thay mặt.

            Ban chuyên môn: Hội đồng Trung ương có thể đặt những ban chuyên môn gồm những người trong hoặc ngoài Hội, để nghiên cứu những vấn đề đặc biệt dưới sự kiểm soát của Tổng bộ Hướng Đạo Việt Nam.

            Đại Hội đồng: Đại Hội đồng Hướng Đạo Việt Nam gồm:

            a) Uỷ Viên trưởng

            b) Tổng bộ Hướng Đạo Việt Nam

            c) Đại biểu các Châu theo tỷ số mỗi Châu 2 người.

            d) Uỷ viên Châu trưởng

 

                      UỶ NHẬM – CHỨC VỤ

Điều thứ 7:

    Uỷ Viên trưởng Hướng Đạo Việt Nam tuyển và uỷ nhiệm Tổng Uỷ viên Hướng Đạo Việt Nam, các Trại trưởng hàng Châu theo lời đề nghị của Trại trưởng Việt Nam và các vị trong Tổng Bộ theo lời đề nghị của Hội trưởng, Hội đồng Trung ương và của Tổng uỷ viên Hướng Đạo Việt Nam.

Điều thứ 8:

      Các Uỷ viên Đạo trưởng đại diện các Uỷ viên Châu trong đạo của mình, sắp đặt công việc trong Đạo, về mặt quản trị chương trình huấn luyện của đoàn và khuếch trương nền Hướng Đạo trong Châu.

Điều thứ 9:

     Các Uỷ viên Châu trưởng đại diện Tổng Uỷ viên trong Châu của mình, sắp đặt công việc các Đạo, về mặt quản trị huấn luyện các huynh trưởng và khuếch trương nền Hướng Đạo trong Châu.

Điều thứ 10:

    Tổng Uỷ viên là cơ quan hành chính của Hội đồng Trung ướng. Đứng đầu Tổng bộ Hướng Đạo. Tổng Uỷ viên sắp đặt công việc các Châu và quản đốc các ngành hoạt động của Hội.

Tổng Uỷ viên thừa nhận các đoàn vào Hội, phong bổ các Uỷ viên và huynh trưởng của đoàn theo lời đề nghị của các Uỷ viên Châu.

Trong công việc hàng ngày Tổng Uỷ viên có Bộ tổng Uỷ viên giúp việc.

Trong công việc quan trọng, Tổng Uỷ viên có Tổng bộ Hướng Đạo Việt Nam giúp đỡ.

            Mỗi năm họp 4 lần, 2 lần ở Bắc bộ, 1 lần ở Trung bộ, 1 lần ở Nam bộ với tỷ số tối thiểu là ¼ hội viên.

            Ngoài ra, khi nào cần Tổng Uỷ viên có thể chiêu tập Tổng bộ.

            Không kể họp thường hay bất thường, các hội viên phải tiếp thông cáo của Tổng Uỷ viên một tháng trước kỳ họp.

Điều thứ 11:

     Hội đồng Trung ương quản đốc hoạt động của Hội, chăm chỉ về phương diện tinh thần và tài chính.

     Hội đồng Trung ương mỗi năm họp 2 lần. Lần nào cũng có biên bản, Hội Trưởng và Thư ký phải ký vào biên bản ấy. Các biên bản ấy phải sao lại bằng tay, không có chỗ nào xoá bỏ và thêm bớt trên một quyển sổ có Thị Trưởng thành phố Hà Nội chứng nhận.

     Hội đồng Trung ương ấn định các khoản chi tiêu trong giới hạn đăng bản đã được Đại hội đồng chuẩn y. Mỗi năm Hội đồng Trung ương trình bày ở Đại Hội đồng bản thanh toán các khoản chi thu trong năm vừa qua.

     Giữa hai khoá, Hội đồng Trung ương có thể uỷ quyền cho một ban hành chánh gồm Hội Trưởng và Tổng Uỷ viên.

Điều thứ 12:

      Theo lệ thường Đại Hội đồng một năm họp một lần, do Hội đồng Trung ương chiêu tập.

     Đại Hội đồng nghe đọc tờ trình về hoạt động năm vừa qua, xét bản thanh toán vừa xong và bỏ phiếu về đăng bản chi thu sắp tới.

     Đại Hội đồng bầu cử Hội trưởng, phó Hội trưởng, Thủ quỹ và Thư ký của Hội. Các vị này khi nào cũng có quyền tái cử nhưng không được hưởng lệ phí.

      Ban trị sự của Đại Hội Đồng là Ban trị sự của Hội Hướng Đạo Việt Nam.

Điều thứ 13:

      Đại Hội đồng có thể họp bất thường, do Hội đồng Trung

ương chiêu tập hoặc do ít nữa 1/3 Hội viên yêu cầu, để thảo luận những vấn đề đặc biệt.

Điều thứ 14:

     Bất cứ họp thường hay bất thường, công việc của Đại Hội Đồng có tính cách chính thức nếu ít nữa là ¼ hội viên có mặt. Nếu không đủ số ấy thì 15 ngày sau có thể họp lại, và khi này không kể số có mặt cũng có thể quyết định thảo luận.

     Các quyết định đều đa số tuyệt đối, không được bầu phiếu bằng thơ.

     Các buổi Đại Hội đồng đều có biên bản, có chữ ký của Hội trưởng và Thư ký.

Điều thứ 15:

     Trước Toà án và Pháp viện, đại diện của Hội là Hội trưởng và Thủ quỹ.

 

CHƯƠNG III.         TÀI CHÍNH

Điều thứ 16:

    Các khoản thu của Hội gồm:

            1) Tiền góp của các Đoàn

            2) Tiền góp của Hội viên ân nghĩa

            3) Tiền phụ cấp của Chính phủ, của các Hội khuyến thiện v.v…

            4) Hoa lợi của các động sản và bất động sản của Hội.

Điều thứ 17:

     Các giấy má, khế ước về mặt tài chính của Hội phải có chữ ký của Hội trưởng và một trong hai người hoặc Thủ quỹ hoặc Tổng Uỷ viên của Hội.

Điều thứ 18:

    Hàng ngày sẽ có giữ một quyển số thanh toán gồm cả chi thu.

 

CHƯƠNG IV.             NỘI LỆ

Điều thứ 19:

     Hội đồng Trung ương sẽ thảo một bản Nội lệ ấn định các chi

tiết về thi hành không có trong bản quy trình nầy (uỷ nhiệm các huynh trưởng, công nhận các đoàn, từ chức, thải bỏ, y phục, huy hiệu v.v…)

 

CHƯƠNG V.    THAY ĐỔI VÀ GIẢI TÁN

Điều thứ 20:

 Một sự thay đổi gì trong Quy trình nầy, hoặc sự giải tán của Hội đồng phải do một cuộc đầu phiếu của Đại Hội đồng và phải được đa số 2/3 của số cử tri có măt.

     Sự đề nghị thay đổi Quy trình và giải tán Hội Hướng Đạo Việt Nam phải do Hội đồng Trung ương hoặc do sự yêu cầu của ít nữa là ¼ tổng số hội viên của Hội.

Điều thứ 21:

 Số tiền thăng hạ sau khi giải tán chi cho các hội thanh niên.

 

CHƯƠNG VI.

CHƯƠNG TRÌNH – HUY HIỆU – NGHI THỨC

Điều thứ 22:

      Chương trình các cấp, các môn và đào tạo các huynh trưởng là chương trình do Tổng bộ Hướng Đạo Việt Nam ấn định.

Điều thứ 23:

     Các huy hiệu của nhiệm vụ thứ cấp và niên hạn cũng do Tổng bộ ấn định.

Điều thứ 24:

     Nghi thức cũng do Tổng bộ ấn định.

Điều thứ 25:

     Huy hiệu chính thức của Hội Hướng đạo Việt Nam, theo vẽ trang sau, thuộc quyền sở hữu của Hội.

Điều thứ 26:

     Trên cờ của Hội có vẽ huy hiệu của Hội trên nền xanh lá cây. Cờ nầy có thể kéo lên cùng với Quốc kỳ Việt Nam.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét