Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

“KIM CHỈ NAM CỦA HUYNH TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO”

  (tiếp theo VT số 24)

Trang tư liệu xưa

Giới thiệu tập sách

PHẦN BA “KIỆN KHANG & THỂ DỤC”

 


     Kim Chỉ Nam của Huynh trưởng Hướng đạo do Robert Baden Powell viết năm 1919, nhằm hướng dẫn cho các huynh trưởng HĐ nắm vững các nguyên lý, và hiểu biết phương pháp giáo dục thanh thiếu niên, của phong trào HĐ.

    Tập sách quan trọng này đã được Trưởng Nguyễn Hữu Tạo, Uỷ viên HĐ Hải Phòng, Cửa Cấm chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Pháp và được Liên hội Hướng đạo Đông Dương xuất bản năm 1942. Sách dày 162 trang và được chia thành 5 Tiết. Nội dung căn bản gồm có:

Tiết thứ 1: Làm thế nào luyện một người thiếu niên.

Tiết thứ 2: Tính cách.

Tiết thứ 3: Kiện khang và thể dục.

Tiết thứ 4: Để doanh nghiệp.

Tiết thứ 5: Giúp người.

Và cuối cùng là phần phụ lục.

     Tuy ngôn từ và cách hành văn thời xưa chưa được trong sáng nhẹ nhàng, nhưng tác giả đã trung thành với ý hướng của Baden Powell và cố gắng chuyển tải trọn vẹn quan điểm của BP về phương pháp giáo dục các thanh thiếu niên của phong trào HĐ. Có nhiều từ cổ xưa làm cho chúng ta hơi khó hiểu nếu như chúng ta không quen với những từ cũ xưa này, chẳng hạn như: “các trò du hý” (trò chơi hấp dẫn của HĐ). “Đổi câu mà nói” (Nói cách khác), “Phát siển” (phát triển) v.v.

     Tuy nhiên tập sách này giúp cho các Trưởng biết được ý định của Vị Sáng Lập về phương pháp giáo dục thanh thiếu niên, đúng theo mục đích (trong sách gọi là “chủ nghĩa Hướng đạo”) của phong trào HĐ.

Kỳ trước chúng ta đã lược ghi những điều quan trọng trong tiết thứ nhất: “Làm thế nào luyện một người thiếu niên”. Tiếp đó chúng ta qua tiết thứ hai: “Tính cách”. Số này chúng ta qua tiết thứ ba: “Kiện khang và Thể dục”.

     Kiện khang là gì? Kiện khang bởi đâu mà ra?

      Đó là hai vấn đề đặc biệt quan trọng được Baden Powell đề cập đến trong tiết thứ ba này.

     Trước hết, BP cũng cho chúng ta biết rằng nền giáo dục của nước Anh thời Cụ cũng lộn xộn, không coi trọng sự “Kiện khang”, đặt Kiện khang sau “Trí thức” và không bàn đến “Tính cách”. Theo BP thì một người muốn thành công phải đặt Tính cách, Kiện khang  trước Tri thức.

     BP nói rõ: “Mục đích lớn của ta (Hướng đạo) là bày cho trẻ cách tốt nhất để luyện mình nên cường tráng, kiện khang, và dạy cho chúng biết rằng tự mình phải có trách nhiệm đối với sức khoẻ của mình”.

     Những cách luyện tập thể dục theo kiểu nhà binh (quân đội) là chỉ trau chuốt cơ bắp của những người đã lớn tuổi. Cách luyện tập ấy là hoàn toàn nhân tạo.

     Muốn cho con người được kiện khang, cường tráng thì phải “chơi giữa trời, ăn tốt, nghỉ đủ, những cái đó đem lại cho các em sự kiện khang, cường tráng và sinh lực một cách tự nhiên chứ không chút nhân tạo nào cả” (sđd trang 80).

     BP nói thêm: “Nhìn điệu bộ đi có thể đoán tính cách… Người không biết chơi, chạy, nhảy bao giờ thì có bước đi chậm chạp, nặng nề, không thể đi ung dung nhẹ nhàng được” (sđd trang 81).

    Để giúp cho các trẻ được cường tráng, kiện khang thì không phải chỉ có thể dục mỗi buổi sáng, mà phải có môi trường rèn luyện cần thiết sau đây:

•         Tham gia “Cuộc chơi có tổ chức”.

     Tổ chức những cuộc chơi cho các em, đó là phương cách rèn luyện tốt nhất cho các em về thể lực lẫn đạo đức. Hướng đạo chúng ta phải dạy (tổ chức) cho các em chơi. Làm thế ta phát triển nguồn vui về sinh hoạt, vừa làm khoẻ người, vừa luyện tính khí cho các em. Ta cũng nên nhớ rằng: Rèn luyện sức khoẻ là ngay khi còn ấu thơ chứ không phải đợi đến lúc trưởng thành mới luyện tập như khi vào quân đội.

•         “Có dưỡng khí mới khoẻ được

     Baden Powell rất đồng ý quan điểm của Alexandre Dumas con, khi ông ta viết rằng:

     “Nếu tôi là vua nước Pháp, tôi sẽ không cho phép một đứa bé nào dưới 12 tuổi vào thành phố. Từ tấm bé cho đến 12 tuổi, chúng phải sống nơi khoáng đãng, dưới ánh mặt trời, ngoài đồng ruộng hay trong rừng; Chơi nghịch với chó, ngựa; Tiếp xúc với cảnh thiên nhiên…để cho thân cường tráng, mở mang trí tuệ, làm cho óc có hồn thơ và gợi trong tâm hồn tính hiếu kỳ, có giá trị trong công cuộc giáo dục hơn hết thảy các văn phạm của thế giới” (sđd trang 85).

     Theo Alexandre Dumas con thì: Bước đầu của trẻ em trong đời phải là thể dục tự nhiên.

•         “Có nơi cắm trại tốt

     Hướng đạo chúng ta phải cố gắng làm sao cho có nơi để các em cắm trại. Khu đất cắm trại đó là mục tiêu chính đáng của Phong trào Hướng đạo. Nơi đó phải ở nơi khoáng đãng để cho thân thể cường tráng cho tâm hồn HĐS mạnh mẽ.

     Baden Powell khuyên mỗi đơn vị cố gắng làm sao để có một khu đất cắm trại tương đối thoáng, dễ đến và gần gũi thiên nhiên, núi rừng… Nơi đó sẽ lợ ích vô cùng cho các sinh hoạt của Hướng đạo và cả huấn luyện nữa.

•         “Có sự tiết độ”.

    Các em nhỏ không nên ăn quá nhiều. Người lớn cũng không nên ăn uống quá độ.

“Không nên hút thuốc”. Chúng ta không nên ra lệnh “cấm hút thuốc”, mà Trưởng phải giải thích sự nguy hại của thuốc lá để các em thấy sợ mà tự rèn luyện mình. Chúng ta “cấm” có thể làm cho các em tò mò và thích thử. Baden Powell đã nói:

Cấm các trẻ làm một điều gì thường là một sự nguy hiểm. Làm thế chỉ gợi ngay tính hiếu kỳ của trẻ đối với điều cấm, làm cho nó thèm thuồng và làm trái hẳn mệnh lệnh.

Khuyên các em đừng làm một điều gì đó hãy bảo chúng rằng: làm thế là đáng xấu hổ hay ngu ngốc, rồi các em sẽ tránh ngay. Tôi chắc rằng đó là đường phải theo, khi ta khuyên, dặn về nói tục, cờ bạc, hút thuốc và các tật xấu của trẻ”. (sđd trang 91)

                                 (Còn tiếp) 

                                                                                  Duy Trà

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét