Gấu tận tuỵ Trần Anh Mỹ
Trong bài “Miền Trung – Bóng dáng Hướng đạo” của Gấu tận tụy Trần Anh
Mỹ, đăng trong tập san Vững Tiến số 26 (tháng 06-2024) có nhắc đến Trưởng Trần
Bá Vỵ (trang 12). Tập san Vững Tiến lần này xin được phép đăng nguyên văn bài
phỏng vấn của nhà báo Thiết Mai, trên tờ Hà Thành Ngọ Báo số 2021, ra ngày 2
tháng 6 năm 1934, với lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn, để tưởng nhớ đến người
đã có công gầy dựng phong trào Hướng đạo ở miền Trung, cách đây 90 năm về
trước.
Cuộc phỏng vấn ông Hội trưởng
Hướng Đạo Đoàn ở Huế
Thiết Mai thực hiện
Đứng trước một cái nhà ngói đã cũ mới sửa
lại mà ở Huế thường gọi là cái «bộ»(1) xung quanh bao một bức thành trắng,
người mà tôi hỏi thăm đã chỉ cho tôi đó là nhà ông Trần-bá-Vị hội trưởng đòan
Hướng đạo Trung-kỳ.
Bước vào sân thấy Trần viên-ngoại, một
người đã có râu bận bộ pyjama đang ngồi trong nhà xem sách. Viên-ngoại ngước
mắt trông ra, thấy có khách vào, đứng dậy ra đón thì tôi cũng vừa bước lên bực
thềm, chìa tay bắt lấy tay của chủ đưa ra vừa tự giới thiệu.
--Thưa ngài, tôi muốn đến phỏng-vấn ngài
về chuyện Hướng đạo ở đất Thần-kinh.
Trần hội trưởng tươi cười, dắt tôi
vào trong nhà và sau những câu hỏi thường, hội trưởng trả lời câu hỏi tôi:
--Kể về câu chuyện Hướng đạo ở đất này thì
ban đầu – như ngài đã thấy – có nhiều người công-kích, công-kích đó chắc là vì
ganh ghét. Họ bảo tôi đã lớn tuổi mà còn chơi theo đám trẻ em, họ bảo tôi muốn
cầu danh mà ra đảm đương việc lập Hướng đạo đoàn, họ lại còn bảo tôi không đủ
tư cách làm hội-trưởng nhưng ngài thử nghĩ xem mục-đích Hướng-đạo là để luyện
đức-dục, trí-dục thì tuổi nào lại không làm Hướng-đạo-sinh được. Còn như cầu
danh thì trước tôi làm với Chánh-phủ Bảo-hộ nay về bên Nam-triều làm chức Viên
ngoại thì việc nhà nước có việc nhà nước, việc Hướng-đạo có việc Hướng-đạo, nhà
nước có ghép công bên Hướng-đạo với công bên việc quan mà tưởng thưởng đâu; nhà
nước có bảo rằng tôi có công với đám thanh niên mà cho tôi lên chức đâu.
Bảo tôi không đủ tư-cách làm hội-trưởng thì mười mấy năm ở Bắc-hà tôi đã
giúp biết bao hội của thanh niên luyện về thể-dục và trí-dục, vẫn đã có giấy
của quan Thống-sứ Bắc-kỳ ban khen, nếu tôi không đủ tư-cách thì Hoàng-thượng và
quan Khâm-sứ Thibeaudau đâu có nhận chức danh dự hội-trưởng, các nhà đương chức
tai mắt ở đây đều có thơ viết khuyến khích tán thành.
Rồi Trần hội trưởng mở tủ lấy một trồng giấy cao, soạn ra đưa tôi coi
những bức thơ đó và nói:
--Đó, tôi có bằng chứng rõ ràng chớ có
phải nói ngoa đâu. Này đây là thư của Hoàng-thượng gửi cho đoàn Hướng-đạo
300p., này đây là thơ của ngài cho Hướng-đạo sinh vào bái yết, này là thơ tin
vãng lai với các hội trưởng Hướng-đạo đoàn ngoài Bắc và trong Nam, này những
bức ảnh chụp hôm 2 avril 1934 là hôm được vào yết Hoàng-thượng tại điện
Kiến-trung, ảnh hôm lễ chào cờ.
--Vậy muốn nhập đoàn thì phải theo thể lệ
thế nào, tôi hỏi.
--Muốn nhập đoàn thì viết đơn có dán ảnh
kèm theo một tờ trình về hạnh kiểm và tờ thuận nhận của cha mẹ cho con vào
Hướng-đạo. Việc làm có ngăn nắp lề lối như thế đó chớ có phải làm lấy rồi được
đâu. Hướng-đạo chúng tôi, cốt yếu nhất là phải cho nghiêm nghị và quả quyết,
luật cũng như luật nhà binh, trong đoàn ai phạm luật gì đó thì có hội đồng họp
xử và có làm biên bản gởi lên tòa Công-sứ.
--Muốn vào phải đóng bao nhiêu và quần áo
may thế nào?
Trần hội trưởng đang vui bỗng rầu
nét mặt thong thả đáp:
--Hội chúng tôi nghèo lắm, theo như ngài
mới coi bản điều lệ tạm hồi nãy thì mỗi năm, Hướng-đạo sinh chỉ phải góp mỗi
người là 0p.60. Thế mà họ có góp một lần cho đâu, khi nay 1 hào, khi khác 2
hào. Tuy vậy mặc dầu tôi cũng vui lòng, vì đang buổi đầu, mình phải chịu nghèo
đã, nhưng nghèo mình lại ăn ở theo cách nghèo, còn áo quần thì Hướng-đạo sinh
phải tự sắm lấy. Tôi, mới rồi, cũng có điều đình với hiệu Nam-hóa là hiệu bán
toàn đồ nội-hóa để may áo quần Scout bằng vải của người mình thì một bộ chỉ mất
3 đến 4p.00 là cùng. Số tiền ấy Hướng-đạo sinh có thể trả làm mấy kỳ đó, tùy
lòng chủ hiệu còn những vật dụng để cắm trại thì hội phải chịu. Không nói giấu
chi ngài chỉ sắm một lá cờ cũng không có đủ tiền… may Hoàng-thượng có ban 300p.
tiền ấy sẽ để dành mà sắm mấy chiếc «tăng» (tente) không thì biết lấy vào đâu…
--Mấy tuổi mới được nhập đoàn?
--Hướng-đạo sinh nhận vào hội thì tôi chỉ
lấy từ 20 sắp xuống, tuổi ấy dễ tập luyện hơn.
--Mới vào đã được gọi là éclaireurs đâu.
--Vâng, mới vào thì chỉ gọi là «tập sự»
(novices) phải tập luyện, phải cho có mặt trong 7 hay 8 kỳ hội đồng hay diễn
thuyết (causeries) và có đi tập ở ngoài mỗi tháng 2 kỳ mới được làm «thí- sinh»
(aspérant) lên chức Hướng-đạo.
--Hiện nay có mấy đoàn rồi?
--Hiện nay có được 2 đoàn, một đoàn
Gia-long do ông Cao-minh-Phủ, một người Bắc trước có làm đoàn trưởng ở Haiphong
chỉ huy và một đoàn Triệu-tổ ông Thái-thúc-Hồ làm đoàn trưởng.
Nói đến đây
có đoàn trưởng đoàn Gia-long bước vào, ông Trần-bá-Vị đứng dậy giới thiệu rồi
cùng ngồi nói chuyện. Tôi hỏi Trần hội trưởng:
--Thưa, có phải là ở Huế sẽ có nữ hướng đạo
như lời đồn không?
--Vẫn có và về chuyện đó thì tôi rất ưng
nhưng để cho bên nam giới được tròn tiếng tăm đã, rồi hãy lo bên nữ giới. Nếu
nữ hướng-đạo có thì bà cụ Thượng Hồ-phú-Viên sẽ làm hội trưởng vì tôi xem bà có
thể đảm đương việc ấy được. Còn tôi chỉ lo về sự tổ chức, phương pháp dạy dỗ
cho nữ hướng-đạo thì tôi giao các Đoàn trưởng đưa thể thức và bài vở cho bà để
dạy lấy chớ không dạy chung với hướng-đạo sinh bên nam giới.
Nghỉ một chốc
Trần hội trưởng lại tiếp:
--Hiện ở Huế có một người Tây đã lên chức
Chevalier bên Pháp rất sốt sắng với đoàn Hướng-đạo của ta và rất chăm nom luyện
tập dùm, thật là quí hóa quá, cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể mong được thấy
ngày kết quả tốt đẹp.
Người ở đây
hay sợ thẹn lắm, lúc đầu một vài người Hướng-đạo đi ra phố sợ thẹn hay xây mặt
đi chỗ khác, tôi phải ra làm gương cho họ, đi đứng mạnh mẽ lần lần họ mới quen
mà không e lệ nữa.
--Từ lúc mới lập đến nay đã đi cắm trại
lần nào chưa?
--Đã đi rồi, một đoàn đã vào Đà-nẵng, một
đoàn đã ra Quảng-trị còn các lăng tẩm cũng có đi viếng và cắm trại. Nội trong
tháng này đoàn Hướng-đạo sẽ tổ chức một lễ tuyên thệ long trọng và đến tháng
Juillet sẽ có một cuộc hội họp rất lớn của Hướng-đạo đoàn ba xứ, chúng tôi đã
thảo chương trình và ngày ấy sẽ mời Hoàng-thượng, quan Khâm-sứ và các quan lại
Tây Nam đến dự. Lễ ấy tất phải tốn tiền nhiều mà khổ thay, hội chúng tôi đang
nghèo nàn quá.
--Thế thì nên tổ chức các cuộc hát hay
biểu diễn về Hướng-đạo để lấy tiền bổ vào quỹ hội.
--Vâng, tôi muốn để cho ông chủ gánh hát
hay chủ phường hát nào đó tổ chức dùm thì càng quý lắm.
Nét mặt không vui, Trần hội trưởng tiếp: khổ
nhất là tiền tài eo hẹp, mà trong cuộc đón tiếp anh em hai kỳ không được «dễ
coi» thì mang tiếng với anh em lắm…
Tôi đứng dậy
từ tạ ra về thì Trần hội trưởng vui cười mà nói:
--Với ngài là người đã vui lòng đến đây
phỏng vấn tôi thì tôi đã đem hết giấy tờ của hội ra để ngài coi, vậy ngài cứ
thật tình mà viết đăng lên báo chương và nếu hội chúng tôi có làm điều gì sơ
sót xin ngài cứ thẳng mà nói, tôi rất lấy làm đội ơn.
Rồi Trần hội trưởng đọc cho tôi tên của
những người trong ban trị sự của hội:
Hội trưởng: M.M. Trần-bá-Vị.
Phó hội trưởng:
Hoàng-trọng-Thược.
Thư ký: Hoàng-trọng-Liễu.
Thủ quỹ: Ưng-Hạnh.
Kiểm soát: Pierre Quýnh,
Ban kiểm sát quỹ hội:
Dương-Seng, Cao-xuân-Tạo, Đỗ-như-Hải, Đặng-ngọc-Vinh.
Sau một cái
bắt tay, khách từ giã chủ, Trần hội trưởng vẫn tươi cười vui vẻ.
*
* *
Hướng-đạo! Hai chữ ấy bên các nước Âu châu
đã cò từ lâu rồi mà bên nước ta, ở Hanoi, Saigon cũng đã nghe thấy, không phải
lạ lùng gì, duy chỉ ở xứ Trung-kỳ nay mới biết mà thôi.
Mục đích Hướng đạo, cả toàn cầu đã công
nhận là hay, là tốt, có ảnh hưởng lớn đến sự giáo-dục trẻ con, đến sự luyện tập
về đức-dục, trí-dục, thể dục của công dân trong nước, thế thì ở Huế cần phải có
một đoàn Hướng-đạo để nêu cao tinh thần thượng võ của bà con ở đất Thần-kinh
thì tưởng thật không phải là vô ích vậy.
(1) «bộ» là nơi
của một ông quan ở.
__________
Ghi chú của
Gấu Tận Tụy:
Nguyên văn
bài báo này ở trên mạng: http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Rhc19340602.2.29&srpos=&e=-------vi-20--1--img-txIN------#
Một vài hình
ảnh Đức vua Bảo Đại đón tiếp Trưởng Trần Bá Vỵ và đoàn Hướng đạo Trung Kỳ ở
Điện Kiến Trung (Huế) ngày 2 tháng 4 năm 1934.
Trưởng Trần Bá Vỵ và đoàn Hướng đạo Trung Kỳ đáp xe lửa lên đường
tham dự Trại Họp bạn “Huynh Đệ”, được tổ chức tại Sài Gòn cuối tháng 12 năm
1935.+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét