Tuấn Mã kiên cường Võ Công Thảo
Trong những ngày qua,
thiên tai bão lụt, chiến tranh, tai nạn… xảy ra trên khắp cùng trái đất! Và vì
sự sinh tồn, những mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn luôn mong chờ sự
tương trợ cứu giúp của mọi người. Tôi đọc tin trên báo thấy những hoạt động cứu
trợ trong và ngoài nước (cơn bão YAGI và MILTON) trong đó bóng dáng những anh
chị em Hướng Đạo - là người lớn cũng như đoàn sinh - không phải là ít. Đặc biệt
trong các công cuộc này thể hiện tình huynh đệ Hướng Đạo của những người anh em
trong phong trào cũng như những “bạn khắp mọi người”.
Lướt FB, bắt gặp mẫu
tin của một Trưởng Hướng Đạo: “… tôi thấy
các em ít biết chào hỏi…biết nhiều mà không biết điều” cùng những bình luận
đầy âu lo (?)! Tự nhiên tôi cũng phân vân và đồng cảm. Đọc tin nhắn của những
bậc sư huynh biết tin về những biến động của đơn vị và của những người quen…
lại thấy đâu đó có điều gì hụt hẫng. Tôi nghĩ đến tình huynh đệ trong Hướng Đạo
với một vài suy tư dù mình không phải là một nhà nghiên cứu có chuyên môn về
khoa học tâm lý, nên viết như là tự sự và muốn được chia sẻ.
Đã lâu rồi, nhiều người
biết đến tình bạn tuyệt vời bên Tây của Thomas Edison và Henry Ford, bên Đông
của Lý Bạch - Đỗ Phủ, của Bá Nha và Tử Kỳ… Đây là những mẫu tình bạn vĩ đại
cách chúng ta từ trên một trăm năm đến trước Công nguyên! Khi ấy phong trào
Hướng Đạo chưa là một bào thai! Như vậy tình bạn, tình huynh đệ đã có từ lâu
rồi, có từ khi con người biết sống họp đoàn với nhau. Và gần đây hoặc ngay lúc
này chúng ta cũng có những người bạn, người anh em trong lớp học, trong công
sở… Vậy có gì khác biệt giữa tình bạn, tình anh em trung tín tri âm tri kỷ của
người xưa, của bạn học, anh em đồng sở ngày nay với tình bạn, tình huynh đệ
Hướng đạo?
Phong trào Hướng đạo
Thế giới – WOSM - có chung một Lời Hứa, Hướng đạo tại mỗi quốc gia tuy có cách
diễn tả riêng những điều luật nhưng cũng cùng bao hàm các giá trị cốt lõi giống
nhau của phong trào. Tình bạn, tình huynh đệ là một trong những giá trị cốt lõi
đó. Hướng đạo Việt Nam (PSV) nêu rõ trong điều 4 của Luật Hướng Đạo: “Hướng Đạo sinh là bạn khắp mọi người và coi
Hướng Đạo sinh nào cũng như anh (chị) em”. Như vậy tình huynh đệ Hướng đạo
là tình cảm anh em của những người cùng trong phong trào, cùng chơi cùng làm
Hướng đạo. Bạn không thể có tình huynh đệ Hướng đạo khi bạn không phải là “dân bắt
tay trái”. Thế nên khi bạn tuyên Lời Hứa gia nhập phong trào thì mặc nhiên bạn
là thành viên của Hướng đạo Thế giới và khởi đầu cho một hành trình khám phá,
rèn luyện, tu dưỡng để thăng tiến và phục vụ. Trên con đường này, từng bước bạn
sẽ thấm đậm tình huynh đệ Hướng đạo. Đây là tình cảm của những người tự nguyện,
cùng yêu thích cuộc sống ngoài trời và phục vụ (brotherhood of open
air and service) là của các thành viên trong phong trào từ tuổi
Nhi đến tuổi Tráng, vì Hướng đạo “tạo
dựng tình huynh đệ giữa các Hướng Đạo sinh trong tất cả các quốc gia và phát
triển hòa bình, hạnh phúc lớn lao trên địa cầu cũng như thiện chí giữa người
với người” (B.P).
Tình huynh đệ Hướng đạo
bao hàm sự trung tín, lòng nhân ái, sự tôn trọng, thủy chung và vô vị lợi. Có
người phân biệt anh em bạn bè thường có hai thành phần, “bạn” và “bè”. Bạn là
người anh em trung tín, biết ta lầm lỗi chỉ cho ta biết cái sai, khi ta gặp khó
khăn thì hết lòng giúp đỡ sẻ chia… Bè là người để tụ họp vui chơi, họ sẵn sàng
chia xa khi không còn niềm vui hay có sự cố bất trắc. Huynh đệ Hướng đạo không
như vậy, không phải là “bè” để rồi trôi xa khi đến kỳ giông tố! Tình huynh đệ
Hướng đạo nảy sinh từ trong phong trào nên cũng mang những nét đặc trưng của
phong trào là không phân biệt màu da, chủng tộc, giai cấp, trình độ, quốc tịch,
tôn giáo và vùng miền… Trong một đơn vị Hướng đạo, mối quan hệ anh em thân hữu
được xây dựng không phải chỉ giữa đoàn sinh với đoàn sinh, huynh trưởng với
huynh trưởng mà còn theo đường chéo giữa huynh trưởng với đoàn sinh và ngược
lại. Thế nên không lạ khi một người trẻ tuổi đáng con cháu xưng hô với Trưởng
của mình là anh em, là Trưởng hoặc “Anh Xám” – trong ngành Ấu – hoặc như giữa
Trưởng lớn tuổi và Trưởng trẻ. Vì môi trường đơn vị như một mái nhà chung,
trong đó nền nếp sinh hoạt có trật tự, có trách nhiệm. Sự vâng phục người
Trưởng của đơn vị nói lên trật tự đó và điều này cũng là chất liệu góp phần xây
dựng tình huynh đệ, làm mẫu gương cho các thành viên trong đoàn noi theo (điều
7, Luật Hướng Đạo Việt Nam).
Tình huynh đệ Hướng đạo
cũng không phải là một khái niệm lý thuyết trừu tượng mà là một tình cảm được
thể hiện sống động. Cho dù thật sự mỗi một cá nhân đều có tính cách khác nhau
và tôn trọng sự khác biệt là điều rất cần thiết để vun xới tình huynh đệ. Nhưng
chúng ta cũng cần cẩn trọng vì có khi vô tình đào sâu hố khác biệt (khác với
tôn trọng sự khác biệt) để đưa đến hòa nhập bất thành. Nói như vậy không có
nghĩa để có tình huynh đệ Hướng đạo chúng ta
phải luôn ở thế bị động, tức là phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt
kiểu một chiều! Thật ra sự tôn trọng luôn là con đường hai chiều mà mỗi bên đến
gặp gỡ nhau đều có chiều kích cân bằng trong sự khác biệt được tôn trọng.
Cũng có nghiên cứu cho rằng con người có hai thuộc tính tự nhiên
là vị kỷ (egoism) và tính dục (libido), thế nên mới có “hòn đá ném đi hòn chì ném lại”, mới có sự chinh phục và phần hơn
thiệt riêng tư. Trong tình huynh đệ Hướng đạo, những thuộc tính vốn có này được
tiết chế một cách âm thầm, giống như khơi dẫn dòng nước bằng những con rạch
nhỏ, dẫn dòng chảy vào nơi cần thiết… Dòng chảy càng dài càng quanh co uốn khúc
thì nước càng thấm đẫm vào đất, rất tự nhiên và thầm lặng đến nỗi không thể cảm
nhận. Hướng Đạo sinh có tình bạn chân thành, tự nhiên và vô vị lợi. Tình huynh
đệ Hướng đạo vì thế chỉ có thể hình thành và lớn lên từ tình yêu Hướng đạo.
Tình huynh đệ Hướng đạo
được thể hiện rất kỳ lạ, ngẫm càng sâu càng thú vị. Để nhận ra một Hướng Đạo
sinh, người anh em Hướng đạo có thể dùng tín hiệu âm thanh và cũng có thể quan
sát thái độ hành vi của người đối diện. Người Hướng đạo có cái hương cái nét
riêng rất lạ mà không diễn tả được bằng lời, họ bắt tay nhau bằng tay trái, thể
hiện sự tin tưởng, thương yêu, tôn trọng và gần gũi. Họ đến với nhau bằng sự
thôi thúc từ bên trong lòng mình, họ giúp đỡ nhau một cách nhưng không và với
sự cố gắng hết sức, vì họ cảm nhận được hạnh phúc thật từ sự cho đi. Ai có một
lần đi xa đến nơi miền đất lạ, được sự dẫn dắt tận tình của một người bạn Hướng
đạo, ai có một lần nhọc nhằn cô đơn và bất lực được sự trợ giúp của một người
không quen nhờ vào tiếng huýt sáo vô tình… sẽ cảm nhận nhiều điều tuyệt vời từ
tình huynh đệ Hướng đạo.
Tình huynh đệ Hướng đạo không phải là một món quà được gói ghém
bằng bao bì nhãn mác cầu kỳ màu sắc để trao tay người khác. Giáo dục tình huynh
đệ Hướng đạo có lẽ nên bắt đầu từ tình yêu Hướng đạo, từ sự làm gương của người
Trưởng. Chiếc gương của Trưởng là chiếc gương soi mình cho người khác (đoàn
sinh) nhìn thấy và noi theo, chiếc gương ấy không phải để người Trưởng nhìn và
phát hiện những vật thể phía sau vì như vậy nó chỉ là chiếc gương chiếu hậu!
Nếu ai có đến tham quan trại trường Hướng đạo, người xem sẽ được nhìn thấy từng
khóa sinh cúi mình chui qua một cái ách đôi để vào trại trường – biểu tượng này
có nhiều ý nghĩa, trong đó có ý nói lên sự gánh vác, chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt
đầy yêu thương của tình huynh đệ Hướng đạo. Phương pháp giáo dục Hướng đạo là
phương tiện chuyển tải tình yêu Hướng đạo và tình huynh đệ Hướng đạo đến với
mỗi đoàn sinh. Tình huynh đệ Hướng đạo lớn lên từng ngày với đời sống hàng đội,
với sự hòa nhập thiên nhiên và xã hội, với sự giúp đỡ của người lớn, với cách
rèn luyện tiệm tiến học tập trong công việc, với các kỳ trại họp bạn trong nước
và thế giới… Tình huynh đệ Hướng đạo lớn lên âm thầm tự nhiên để rồi trở thành
một biểu tượng được ngưỡng mộ và là niềm tự hào của tất cả Hướng Đạo sinh.
Các bạn Hướng Đạo sinh
trẻ hiện nay thì sao. Thật khó để đánh giá cho đúng về sự cảm nhận và mức độ
hình thành tình yêu phong trào, tình huynh đệ của các em. Nếu nói ta chưa chú
trọng đúng mức việc giáo dục các em về các giá trị đạo đức nhân bản thì cũng
không sai, nhưng trách làm sao được nếu còn đâu đó chút sai sót hoặc đá sỏi
trong tư duy, trong thái độ của các em. Các Trưởng làm sao quên được những lời
hát “Hải ly chia nhau chiếc bánh, Hải ly
chia nhau cây kem… nào ta cùng chia”, “gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài
người. Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối…”, chúng ta cũng không
quên những câu chuyện dưới cờ, những đêm “Lửa dặm đường”… vì đây là một phần vũ
khí để các Trưởng chinh phục các tâm hồn và cũng là chút hương lửa nhóm lên
tình huynh đệ Hướng đạo nơi các em. Các Trưởng vẫn mãi gieo một cách cần mẫn và
luôn mong mỏi đất tốt trời lành để công sức của mình góp phần làm nên mùa thu
hoạch hoa trái tốt tươi.
Có câu “Hướng đạo một ngày là Hướng đạo cả đời”- Lord Kitchener -, tình huynh đệ Hướng đạo cũng mãi tồn tại suốt đời với mỗi Hướng Đạo sinh.
Võ Công
Thảo Tuấn Mã kiên cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét