Gấu Co Hoàng Ngọc Hùng
Anh (Chị) Xám (ACX) đóng góp cho sự thành công của Khóa Huy Hiệu Rừng (HHR) qua việc giúp ích Khóa trưởng, giúp Đầu đàn, giúp khóa sinh. Nhưng khác với các Sói ở đơn vị, các Sói ở Khóa HHR đa phần là người lớn, có kinh nghiệm sống, có ít nhiều chuyên môn hướng đạo … Vì vậy, không thể đưa các kỹ năng giúp ích của ACX ở Đàn quen vào Đàn lạ của Trại trường. Hơn nữa, nhiều khóa sinh và ACX khi về trại trường mới gặp nhau lần đầu. Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân làm giảm thành quả hoạt động của ACX ở các đợt học Khóa HHR. Sau đây là một số điểm cần chia sẻ nhằm góp phần khắc phục những hạn chế này.
1. NHIỆM VỤ:
Được Khóa trưởng chọn giao vai trò Anh Chị Xám (ACX), mỗi ACX sẽ nhận ra nhiều việc cần làm, tuy nhiên có 2 nhóm nhiệm vụ chính là:
1.1 Giúp Đầu Đàn.
1.1.1 Chỉ huy: ACX giúp Trưởng Đầu đàn trong việc chỉ huy Đàn (đơn vị khóa sinh tại Khóa HHR ngành Ấu) thực hiện các hoạt động phục vụ khóa học.
1.1.2 Giám sát: ACX giúp Đầu đàn thu thập thông tin về khóa sinh suốt khóa để cung cấp, bổ sung cho Đầu đàn khi lượng giá (cuối buổi, cuối ngày, cuối đợt, cuối khóa).
1.2 Giúp khóa sinh (cố vấn & giám sát).
1.2.1 Giải đáp: ACX vui vẻ đáp các câu hỏi từ khóa sinh – phục vụ việc chung của Đàn.
1.2.2 Cố vấn: ACX đưa ra những lời khuyên, những giải pháp cho khóa sinh tham khảo để chọn (hoặc không chọn) trước khi giải quyết việc chung của Đàn.
2 XƯNG HÔ:
Ngoài nhiệm vụ giúp cho Đầu đàn và cố vấn cho khóa sinh, ACX còn là bảo huynh (hoặc bảo tỷ) của Đàn, vừa bảo vệ Đàn vừa là người anh, chị quý của khóa sinh; Do đó, khóa sinh gọi ACX là “bảo huynh”, “bảo tỷ”. Ngược lại, bảo huynh sẽ gọi khóa sinh (ví dụ: khóa sinh tên Lê) là “Sói Lê”; trong đối thoại, Sói tùy tuổi để tự xưng là em, chị, anh cho hợp lễ.
3 ĐƯỢC GIÚP:
ACX được Trưởng Đầu đàn giúp qua 3 việc sau:
3.1 Hiểu người: Đầu đàn tìm hiểu sở trường, sở đoản của ACX để giao việc (hoặc giúp đỡ phù hợp), tránh để ACX lúng túng trước khóa sinh. Mỗi buổi, Đầu đàn cần hội ý ACX trước khi ACX đến với Đàn.
3.2 Giao việc: Định rõ việc (số lượng việc) ACX cần làm để giúp khóa sinh, giúp Đầu đàn. Ngược lại, ACX cần nhớ (ghi chép) việc được giao, hỏi lại Đầu đàn về mục đích, phạm vi từng việc. Khi hai bên hiểu đúng, đủ, Đầu đàn giới thiệu ACX trước khóa sinh của Đàn và nêu rõ những công việc (trách nhiệm, quyền hạn) của ACX.
3.3 Giữ uy: Khi ACX đang hướng dẫn, giúp đỡ,…khóa sinh; Đầu đàn không can thiệp. Nếu cần, Đầu đàn góp ý riêng ACX với sự kiên nhẫn, chủ động, bí mật (không hướng dẫn ACX trước khóa sinh).
4 KHÓ ĐẤY:
Theo câu thơ “Làm anh khó đấy” trong bài “LÀM ANH” của Phan Thị Thanh Nhàn để thấy việc “bảo huynh/tỷ” của ACX là chẳng dễ. Ít nhất là các nhóm việc sau đây:
4.1 Phải thạo các kỹ năng liên quan các bài khóa và các hoạt động của khóa sinh ở Trại huấn luyện
4.2 Phải hiểu tập quán của con vật đặt tên Đàn và cố gắng tìm biết về thói quen, sở trường, năng khiếu của các khóa sinh
4.3 Phải nắm địa hình đất trại, trại trường, nơi sẽ diễn ra các sinh hoạt của khóa sinh nói chung và của Đàn nói riêng.
4.4 Theo yêu cầu của Khóa trưởng, từng Đàn có lượng giá về nhiệm vụ của ACX của Đàn. Việc tổng kết có thể chỉ là dùng bút để đánh dấu vào 1 phương án trên phiếu lượng giá ACX, cũng có thể là vòng họp chung với những lời phát biểu từ Sói (khóa sinh HHR). Dù theo cách nào, ACX luôn vui tươi nhận sự nhận xét, đánh giá, xếp hạng của khóa sinh; luôn ghi nhớ, cảm ơn.
5 SÂU RỘNG:
ACX là Trưởng đã nhận HHR, giàu kinh nghiệm. Ngay sau khi nhận phân công từ Khóa trưởng, ACX cần dành thời gian để:
5.1 Đọc: Các tài liệu ngành Bầy. Với nhiệm vụ được giao, ACX có thể yêu cầu Khóa trưởng và Đầu đàn giúp đỡ về tài liệu; ngược lại, khóa trưởng và Đầu đàn chủ động chia sẻ những tài liệu liên quan để ACX tự nghiên cứu để phát triển sâu rộng hiểu biết.
5.2 Viết: Khóa trưởng có thể yêu cầu ACX viết thu hoạch (viết về từng tài liệu đã giao ACX, viết về một nội dung tự chọn trong sách hướng dẫn nghề trưởng).
Hướng đạo có nhiều gương sáng về nghĩa tình giữa bảo huynh/tỷ với khóa sinh, sự quý trọng giữa hai bên sâu nặng lâu bền tới đâu còn do ý thức của ACX với việc, với người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét