LT. Trần Hòa
Chúng ta thường hay bối rối, lo lắng khi phải tìm một người cộng tác với mình trong công việc nào đó, và nhất là khi phải đề bạt ai vào vị trí lãnh đạo khá quan trọng, thì chạy đôn, chạy đáo không biết tìm ai. May quá, Benjamin Bloom, một nhà tâm lý giáo dục có tiếng ở Hoa Kỳ, đã cống hiến cho chúng ta một bảng tiêu chuẩn khá chính xác và rất có hiệu quả để ta dùng làm tiêu chuẩn đánh giá con người, gọi là ASK.
ASK là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của một người, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và hệ thống hóa đầy đủ do Benjamin Bloom, nhà tâm lý giáo dục Hoa Kỳ xây dựng nên.
Khi nghiên cứu, người ta thấy có nhiều yếu tố làm chuẩn. Người Việt mình thường nói đến tài và đức; người khác lại nói phải có bằng cấp cao, kiến thức rộng; người lại bảo trước hết phải có đạo hạnh, phẩm chất rồi muốn làm gì cũng được... Riêng Benjamin Bloom sau khi so sánh và tổng hợp lại thì thấy 3 yếu tố A.S.K là đầy đủ nhất.
A (Attitude) là thái độ,
S (Skill) là kỹ năng,
- A (Attitude) là thái độ của ta, trước ngoại cảnh người, vật, sự vật hay biến cố, ta có cảm xúc thế nào và do đó có thái độ ra sao. Có người thấy máu me là chóng mặt, ngất xỉu; bị la mắng là giận dữ muốn tấn công lại ngay; có người thấy tiền là sáng mắt lên, chưa biết là mình có quyền xài hay không; có người thấy nguy hiểm là bỏ chạy, không kể gì đến trách nhiệm với người khác... Những người ấy, yếu tố A còn quá kém. Phải chăng yếu tố A là rất quan trọng? Nói cách khác yếu tố này nói lên năng lực, phẩm chất tốt của một con người. Nó điều tiết mọi sinh hoạt, đem lại sự quân bình cho cuộc sống của ta, như người xưa nói, phải sống sao để : “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi đại trượng phu”
Yếu tố A này cũng có hai phần gồm: Những thái độ, tư cách tốt đẹp do thiên phú, sinh ra bản chất là hiền lành rồi, nên lúc nào cũng hiền, từ bẩm sinh đã thương người nên ai đối xử tệ với người khác là không chịu được...Và có những phẩm chất ta tập tành mà có được. Loại này khá nhiều trong cuộc sống. Phong trào HĐ là môi trường rất thuận lợi cho việc rèn luyện những đức tính tốt của người công dân.
- S (Skill) là kỹ năng, khả năng thực thi công việc. Yếu tố S gồm có những kỹ năng học trên ghế nhà trường bao gồm việc áp dụng những kiến thức đã học được, nhất là những ngành nghề chuyên môn như quản trị, kinh tế, y khoa, kỹ thuật... Yếu tố S cũng còn gồm phần lớn những kỹ năng ta thâu hái được trong đời thường như khả năng tự sắp đặt, tổ chức và thực hiện những việc thường ngày không cần nhờ đến thợ chuyên môn, khả năng tự nhận định và cải tiến công việc cho hợp lý, đạt năng suất cao… Những khả năng này lại đóng góp tới 80% cho thành công của ta. Một bác sĩ y khoa nếu chỉ giới hạn trong những kiến thức, kỹ năng học được ở nhà trường thì không thể tiến lên, nhưng sau một vài năm làm việc với kinh nghiệm, kiến thức, nghiên cứu, thực hành, đã giúp cho thầy thuốc thành một bác sĩ giỏi. Những kỹ năng học nơi trường đời thật quan trong. HĐ không phải là môi trường giáo dục lý thuyết nhưng là thực hành: “Học bằng thực hành” (learning by doing).
- K (Knowledge) là những kiến thức ta học được nơi nhà trường, tiêu biểu là văn bằng, chứng chỉ ... và những kiến thức trong đời sống thông qua sách vở, làm việc, tiếp xúc... mà ta có được. Những kiến thức này cũng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống và giúp ta thành công. Nước Nhật đã trở thành nước phát triển nhất nhì thế giới đã khởi đi từ kiến thức trường học và trường đời: người người học, nhà nhà học. Thủ tướng Mahathir Mohamad mới đây đã khuyên dân Malaysia: “Đất nước chúng ta muốn phát triển hãy học tập mọi cái của người Nhật Bản.”(báo Thanh Niên)
Việc học ở nhà trường là cần thiết, nhưng đồng thời ta cũng thấy những kiến thức học được trong cuộc sống đôi khi lại góp phần lớn hơn cho thành công của ta mà ta không thể bỏ qua.
Nhiều nhà kinh doanh lớn ở Mỹ đã thành công mà không qua trường lớp chuyên môn, nhưng có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong trường đời. Michael Dell, Tổng Giám đốc công ty sản xuất máy vi tính Dell, tài sản hơn 12 tỷ USD, chưa từng học đại học. Henry Ford nhà sản xuất xe hơi giàu nhất thế giới chưa học hết trung học. Bill Gates, bỏ ngang Đại học đi làm, thành công với tài sản hơn 80 tỷ USD; John Davison RockeFeller vua dầu lửa Mỹ, giàu nhất thế giới, chưa học hết cấp III....
Nhiều khi chúng ta quá đề cao bằng cấp mà không quan tâm đến những yếu tố khác, để rồi phải thất vọng, vì bằng cao học, tiến sĩ, dù ở nước ngoài về, cũng chỉ nằm gọn trong yếu tố K (Knowledge) mà thôi, còn khả năng áp dụng kiến thức, thuật lãnh đạo, thuật dùng người, những đức tính cần thiết khác của người lãnh đạo, người cộng sự, chuyên môn, không có thì chắc phải thôi việc, phải gãy đổ thôi... Theo các nhà nghiên cứu xã hội, văn bằng chỉ góp 20% cho những thành công của ta. Hơn nữa, bằng cấp đôi khi còn làm cho ta ngộ nhận và lên mặt kiêu căng, cho rằng mình giỏi rồi không cần học hỏi gì thêm nữa. Nhiều công ty, tổ chức nước ngoài coi giá trị bằng cấp chỉ giới hạn để nộp đơn xin việc, còn nhận hay không là tùy nơi kết quả thử việc.
Chúng ta có thể áp dụng mô hình ASK vào việc huấn luyện các huynh trưởng HĐ. Một Trưởng HĐ phải có đủ tiêu chuẩn ASK nghĩa là có những đức tính tốt của một nhà giáo dục, phải có khả năng lãnh đạo, điều hành và huấn luyện các em, phải nắm vững những nguyên tắc, mục tiêu và phương pháp giáo dục HĐ. Ngày nay vì thiếu Trưởng HĐ nên việc huấn luyện đôi khi chộp giật, chắp vá, kém chất lượng và không theo dõi trại sinh sau khi đi trại về để biết rõ khả năng thực sự của trại sinh.
Chúng ta cũng có thể áp dụng mô hình ASK trong việc bầu chọn các ứng viên vào các chức vụ lãnh đạo, điều hành các cấp từ trung ương đến địa phương, bất kể đạo, đời. Thiết nghĩ ta nên bỏ việc đề bạt, “trao đuốc” theo thói quen xưa nay của HĐ chỉ căn cứ vào sự tín nhiệm của một vài cá nhân.Thay vào đó, chúng ta phải tổ chức bầu cử công khai : cho biết số chức vụ cần thiết, giải thích rõ trách nhiệm của từng chức vụ sẽ bầu chọn và bầu bằng phiếu kín tất cả các chức vụ lãnh đạo, căn cứ trên tiêu chuẩn ASK. Ai có điểm số ASK cao, người ấy sẽ thắng cuộc, chứ không do thâm niên, bằng cấp cao hay cảm tình với cấp trên...
Nhân vô thập toàn, nhưng trong số “nhân” ấy vẫn có những người có khả năng, đủ yếu tố ASK. Điều quan trọng là chúng ta phải loại bỏ những quan niệm cũ: quá coi trọng bằng cấp mà ít lưu tâm đến các yếu tố khác và cố gắng khám phá ra những con người có đủ ASK ấy mà giao việc, mà bầu chọn. Mong thay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét