Phạm Cảnh Đáng.
Từ khi loài người được sinh ra, con người đã biết tìm mọi cách để trang phục cho mình. Thời kỳ còn săn bắn hái lượm, con người cũng đã biết tìm cây lá thiên nhiên để trang phục, che chắn cho thân thể. Đến khi tiến bộ hơn, con người đã tìm cách dệt vải để che thân. Khi văn minh phát triển, con người lại tìm cách “ăn no mặc ấm”, rồi lần lần tiến đến cách “ăn ngon mặc đẹp”.
Vậy trang phục là gì?
Xin thưa: Trang phục là quần áo, là mũ nón, là giày dép… mà con người dùng, để che kín và giữ ấm cho cơ thể.
Ngày nay, khi đời sống vật chất khấm khá hơn thì trang phục ngoài công dụng che thân giữ ấm, nó lại còn mang một ý nghĩa của văn hóa, là sự biểu hiện của cái đẹp, sự lịch lãm, khả năng sáng tạo (thời trang). Ngoài ra trang phục còn nhằm giúp cho con người được thuận tiện trong những hoạt động, những công việc lao động khác nhau như công nhân lao động, vận động viên thể thao…
Qua những bộ trang phục đó, nó có thể nói lên những giá trị văn hóa của cả cộng đồng, và cao hơn nữa là phản ảnh ý thức cùng giá trị sáng tạo văn hóa của cả một dân tộc. Trang phục là người bạn đồng hành gắn bó với chúng ta. Ngày nay, trang phục không chỉ để che thân, giữ ấm mà còn thể hiện nhu cầu thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Nhiều khi muốn đánh giá tính cách một con người, ta chỉ cần nhìn cách ăn mặc, thái độ đi đứng, cách nói năng, giao tiếp… Quả đúng là cách ăn mặc của con người là cực kỳ quan trọng, bởi ngoài khiếu thẩm mỹ thì bộ trang phục cũng ý tứ nói lên rằng chủ nhân mang nó có lịch sự, có văn hoá hay không. “Nhìn trang phục, biết tư cách” là vậy. Do đó, việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết, là quan trọng hơn hết. Ông cha ta đã nói: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Ta sẽ đẹp hơn rất nhiều khi ta biết chọn cho mình một trang phục đẹp. Nhưng trang phục đẹp là gì?. Trang phục đẹp là trang phục không cầu kì, tuy đơn giản nhưng màu sắc hài hoà, phù hợp với đối tượng, khung cảnh và tuỳ trường hợp giao tiếp. Trang phục còn thể hiện tính cách.
Người có một bộ trang phục đơn giản là người giản dị, không cầu kì. Người có một bộ trang phục hợp thời trang, có sự chăm chút là người thích làm đẹp, quan tâm đến hình thức bên ngoài. Ngoài ra, trang phục có một ý nghĩa rất lớn; Nó góp phần thể hiện nhân cách trong ta, và giúp ta tự tin hơn trong các cuộc giao tiếp. Qua trang phục chúng ta có thể nhận biết được nghề nghiệp, tính cách, thẩm mỹ của mỗi người. Tóm lại việc lựa chọn trang phục cho phù hợp là hết sức quan trọng, vì cách ăn mặc sẽ gây ấn tượng ban đầu và có ý nghĩa không nhỏ đối với việc đánh giá của mọi người.
Từ trang phục riêng biệt của mỗi người, chúng ta lại đi đến chỗ “trang phục giống nhau cho mọi người” tức là Đồng phục (Uniform).
Đồng phục là gì ? Nói nôm na là có cùng một trang phục giống nhau. Có người bảo: “Đồng phục hay bộ đồng phục là các loại quần, áo, mũ nón… giống nhau và được mặc bởi các thành viên của một tổ chức khi tham gia các hoạt động trong tổ chức đó theo quy định, nội quy của tổ chức.”
Người ta cũng không biết chính xác đồng phục ra đời từ lúc nào và ở đâu. Ngay từ thời Đế quốc La Mã người ta đã thấy xuất hiện bộ đồng phục trong các đội quân, để phân biệt đội quân này với đội quân kia. Ngày nay, đồng phục được áp dụng một cách rộng rãi, phổ biến trong xã hội hiện đại. Ngoài các ngành trong quân đội, cảnh sát, đồng phục còn được các trường học, các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể xử dụng. Đồng phục mang đến nhiều ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết đồng phục thể hiện rõ nét tính cộng đồng, tạo thành một khối đoàn kết và thuần nhất, không còn biểu thị sự riêng tư nữa. Đồng phục giúp cho mọi người có sự bình đẳng không còn giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, hay đẳng cấp xã hội. Đồng phục còn tạo cho các thành viên mang lấy sự tự hào, và tinh thần gìn giữ uy tín của đơn vị mình… Đồng phục còn phân định sự khác nhau giữa đơn vị này với đơn vị kia, giữa công ty này với công ty nọ, giữa đoàn thể này với đoàn thể khác. Đồng phục còn giúp cho các đơn vị dễ dàng trong công việc chuyên biệt của mình, như đồng phục thể thao thể dục phải khác với đồng phục công nhân lao động. Ngày nay các trường học đều có đồng phục riêng cho học sinh trường mình. Các nhà thiết kế luôn tìm kiếm, sáng tạo những bộ đồng phục làm sao tăng thêm được nét đẹp của tuổi học trò, tránh kiểu ăn mặc không phù hợp, giúp xóa bỏ sự ngăn cách và mặc cảm về giàu nghèo giữa các học sinh cùng trường.
Một điểm rất quan trọng là đồng phục phải có tính cách bắt buộc. Mọi thành viên phải tuân theo sự qui định chung của đơn vị, tổ chức, không được tùy tiện thêm bớt, xuề xòa, nửa nạc nửa mỡ.
Giờ chúng ta bước sang bộ đồng phục của Hướng đạo.
Trong cuốn sách chỉ nam của HĐ, “Hướng đạo cho trẻ em” (Scouting for Boys) nơi mục :“Câu chuyện lửa trại 4” BP đã nói rõ về Đồng phục HĐ như sau:
“Đồng phục HĐ giống như đồng phục các binh sĩ của tôi trong đoàn quân Cảnh sát Nam Phi khi tôi còn chỉ huy tại đó; Họ đều công nhận là bộ đồng phục này rất bền chắc, tiện lợi và che chở thân thể cách hữu hiệu để chống lại thời tiết. Bởi vậy các HĐS cũng phải cần có một đồng phục tương tự.”
Rồi cụ diễn tả từng món một, bắt đầu là chiếc mũ rộng vành, khăn quàng, áo sơ mi, quần cụt (short), bít tất, túm lông, giày, rồi gậy nữa. Cụ đã nói rất chi tiết về công dụng cũng như ích lợi của bộ đồng phục này.
Sau này các Hội HĐ quốc gia căn cứ vào đó mà đưa ra bộ đồng phục phù hợp với PT HĐ của quốc gia mình. Tại VN thì cũng đã trải qua một vài lần thay đổi đồng phục… Đến năm 1964, Hội HĐVN đã ban hành “Nghi thức Hướng đạo” và ngay chương I đã đề cập đến “Y phục Hướng đạo”. Trong chương I này đã qui định rất cụ thể về đồng phục của Ấu sinh (Sói con), đồng phục của Thiếu sinh và Tráng sinh, cũng như đồng phục của Trưởng và Ủy viên. Đồng thời cũng đã ấn định rõ về đồng phục mùa thường và mùa lạnh. Cũng xin nói thêm một chút là trong tập “Nghi Thức” này, không có qui định đồng phục của ngành Kha, vì lúc đó chưa có ngành Kha. Ngành Kha được chính thức thành lập sau Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc vào năm 1965. Năm 1969 Đại Hội Đồng tại Vũng Tàu mới ra Qui chế ngành Kha, và sau đó từng bước bổ khuyết và chi tiết hóa một số vấn đề của ngành. Hiện nay ngành Kha đang thực hiện theo qui chế năm 2002, trong đó tại Chương III có qui định về đồng phục ngành Kha.
Chúng ta mặc đồng phục để làm gì?
Hãy nghe BP nói về ý nghĩa của đồng phục.
“ Đồng phục giống nhau che dấu tất cả mọi khác biệt và góp phần vào sự bình đẳng bên trong một nước.Nhưng điều quan trọng hơn nữa là bộ đồng phục còn che đậy những dị biệt giữa các quốc gia, chủng tộc và làm cho mọi người cảm thấy đều là thành viên của một đoàn thể huynh đệ thế giới” (trích trong “Scouting (BSA) tháng 3/1932” và trong : “Jamboree 1938”.
Chính vì thế mà mọi thành viên của phong trào ( HĐS) đều phải mặc đồng phục khi đi sinh hoạt hướng đạo, và chỉ khi đi sinh hoạt HĐ mà thôi. Điều quan trọng là phải tuân theo sự qui định hướng dẫn về đồng phục trong qui chế một cách nghiêm túc, không tùy tiện thêm bớt. Sự tùy tiện không đúng qui định sẽ nói lên tinh thần vô kỷ luật, tính phóng khoáng, sự khinh xuất của người mặc đồng phục. Chính BP đã căn dặn :
“Một HĐS lôi thôi lếch thếch, ăn mặc không chỉnh tề,(đồng phục) sẽ làm mất uy tín của Phong trào đối với công chúng” (Scouting BSA, tháng 3/1932)
Mặc đồng phục nghiêm túc, đúng theo qui định, nó nói lên tinh thần tự trọng, sự đúng đắn và tinh thần đồng đội của người mặc.
“Đồng phục lịch sự và chỉnh tề là một chi tiết coi như là nhỏ nhặt, nhưng rất có giá trị trong việc làm nảy nở tinh thần tự trọng và ảnh hưởng lớn đến thanh danh của phong trào đối với người ngoài, vì những người này thường đánh giá phong trào qua những gì mà họ trông thấy”. (Aids.WB 25)
Mặc đồng phục đúng qui định nó còn nói lên tính cách tôn trọng mọi người, xem mọi người đều bình đẳng, giống nhau, đều cùng là anh chị em, không có ai nổi trội, đẳng cấp, cách biệt. BP đã nhắc nhở:
“Đồng phục còn biểu hiện tình bạn vì khi đã giống nhau cả rồi, nó xóa bỏ tất cả những ngăn cách về giai cấp và biên giới. Hơn nữa đồng phục HĐ đơn giản và hợp vệ sinh” (LVL.284-285)”
Không gì khó chịu và làm xấu (mất đẹp) đội hình, khi mọi người đều mặc đồng phục, mà lại có người không mặc đồng phục hoặc chỉ đồng phục một nửa (đồng phục cái áo, còn quần khác màu, hoặc may kiểu 6 túi). Nếu trường hợp này rơi vào các Trưởng đơn vị, hay các Ủy viên (các Trưởng cấp cao), thì hệ lụy lại càng tệ hại hơn. Ngày nay các Trưởng không thể nói là do kinh tế khó khăn chúng ta chưa sắm được đồng phục hoặc ngụy biện rằng: trong giai đoạn giữ lửa nên chưa nghiêm túc. Việc thiếu ý thức tập thể, thiếu gương mẫu này thường do nguyên nhân chính là đương sự thiếu tự trọng, không quan tâm đến tinh thần chung, hoặc không nghiêm túc trong cách trang phục. Điều này cũng là một điều gây nên phản cảm, tạo gương xấu cho người khác, nhất là cho đoàn sinh. Có em Sói con đã từng hỏi Trưởng của mình: “Sao Trưởng đó không mặc quần giống như các Trưởng?”. BP đã khẳng định: Giáo dục HĐ chủ yếu là làm gương.
Trong nghi thức HĐ có phân biệt 2 thứ đồng phục của Trưởng: Đồng phục sinh hoạt và lễ phục. Đồng phục sinh hoạt là loại ngắn gọn để tiện sinh hoạt (áo ngắn tay, quần short), và lễ phục (áo dài tay, quần dài) dành cho những dịp trang trọng, như Hội nghị huynh trưởng, chào cờ Đạo, lễ khai mạc khóa huấn luyện… Vì thế, các Trưởng phải mặc đồng phục cho phù hợp với từng sự kiện. Gần đây, tôi thấy có nhiều Trưởng mặc đồng phục sinh hoạt chưa đúng quy định trong lễ chào cờ khai mạc khóa huấn luyện, làm cho đội hình Trưởng không trang trọng, không đẹp mắt, không đúng theo nghi thức. Ngoài ra, chúng ta chỉ mặc đồng phục khi đi sinh hoạt hay dự các cuộc hội họp HĐ, hoặc tham dự tang lễ của một Trưởng, một HĐS. Khi đi phúng điếu thân nhân của một Trưởng thì ta không nên mặc đồng phục.
Người ta bảo rằng : “Nhìn trang phục, biết tư cách”. Đó là câu đúc kết chính xác, đã được chứng nghiệm qua bao đời nay. Vì thế, để thể hiện tinh thần kỷ luật, tính cách tự trọng, nhân cách mẫu mực, Trưởng và các HĐS phải đồng phục một cách đầy đủ đúng như Nghi thức HĐ đã qui định: Từ quần áo, mủ nón, khăn quàng, giày dép, các huy hiệu,… tất cả đều phải theo đúng qui định, không thêm và cũng không bớt, nói theo kiểu xưa là phải “y chang” nhau. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mặc đồng phục trong khi sinh hoạt HĐ, ngoài sinh hoạt thì phải có ý kiến của Trưởng trách nhiệm, chứ không phải thích là mặc.
Nên chăng có một bài ngoại khóa về Đồng phục HĐ trong các khóa huấn luyện Dự bị Trưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét