Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Hướng dẫn ngành Tráng


(VĂN PHÒNG HĐTG PHÁT HÀNH)
                                  (Tiếp theoVT. 16)

 Võ Văn Tuấn  – Nai thiện chí


BBT :

Để giúp cho việc tìm hiểu, nhìn nhận một cách đúng đắn, nhằm  xây dựng một chương trình học tập, rèn luyện phù hợp cho Tráng sinh, nhân dịp mừng 100 năm huấn luyện trưởng  (HHR),(1919-2019); Chúng tôi sẽ tiếp tục trích dịch tập tài liệu “Guidelines for the Rover Scout Section” (Hướng dẫn cho Ngành Tráng) của Văn phòng HĐTG phát hành, đến quý độc giả Vững Tiến.

Đây là tập tài liệu, với các hướng dẫn và ý tưởng, giúp cho những người xây dựng Chương trình Tráng sinh của Ngành Tráng,(Cấp quốc gia) mà Tráng trưởng cần biết.

       Mời quý Trưởng tiếp tục tìm hiểu Chương 5.

CHƯƠNG 5:
HỆ THỐNG HÀNG ĐỘI Ở NGÀNH TRÁNG


Khái niệm chính:
        Ở ngành Tráng, cho dù là cách tiếp cận cá nhân mạnh mẽ, vẫn có ý nghĩa khi đưa vào một hệ thống hàng đội, “một cấu trúc xã hội có tổ chức và hệ thống dân chủ của sự tự quản dựa vào Luật Hướng đạo” như BP. đã vạch ra.
        Cộng đồng Tráng sinh là một Tráng đoàn, gồm nhiều Toán, đôi lúc được hình thành từ những nơi khác nhau.
        Có ba loại về việc hình thành nhóm ở Tráng đoàn; các Toán hoạt động cố định, Toán phục vụ và Toán công tác.
        Mỗi Tráng sinh là thành viên của một Toán, ở đó người Tráng sinh có thể tìm được sự hỗ trợ về việc suy ngẫm và đánh giá tiến trình thực hiện các hoạt động và dự án.
        Ở ngành Tráng: từ việc thanh niên mới trưởng thành tham gia cho đến vị trí lãnh đạo; các vai trò chủ yếu đều được Tráng sinh đảm nhận.



1.      Giới thiệu:

Hệ thống hàng đội là một yếu tố cơ bản của Phương pháp Hướng đạo và áp dụng cho tất cả các ngành của Phong trào Hướng đạo theo cách tùy thuộc vào mỗi lứa tuổi. Ở ngành Tráng cũng không khác biệt.

Ở ngành Tráng, do chúng ta đang giao tiếp với các thanh niên mới trưởng thành, điều đó càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta theo đuổi thực hiện “một cấu trúc xã hội có tổ chức và một hệ thống dân chủ về sự tự quản dựa trên Luật Hướng đạo” như Baden Powell đã mô tả “Hệ thống hàng đội”.

Có một số thách thức cho người phát triển chương trình và các NSOs khắp thế giới liên quan đến hệ thống hàng đội. Những thách thức này gồm:
       Cho rằng hệ thống hàng đội không áp dụng cho ngành Tráng
       Cho rằng hệ thống hàng đội nên áp dụng theo cách như đã áp dụng cho các ngành nhỏ tuổi hơn.
       Cho rằng những trẻ mới trưởng thành là những cá nhân với các mối quan tâm, lợi ích khác nhau, và không mong muốn mình là một phần của Toán.
       Những trẻ mới trưởng thành đó không cần đến sự hỗ trợ của Toán.
Để đáp lại những thách thức đó, chương này nhằm cung cấp thông tin, lời khuyên và hướng dẫn:
       Các đặc tính về hệ thống hàng đội ở ngành Tráng;
       Cách thực hiện hệ thống hàng đội ở ngành Tráng;
       Hỗ trợ trẻ mới trưởng thành về hệ thống hàng đội
Để phát triển chương trình ngành Tráng, các NSOs nên:
       Nghiên cứu về sự cân đối giữa cách tiếp cận cá nhân với hệ thống hàng đội; và
      Nghiên cứu những tính chất cụ thể của hệ thống hàng đội và cách áp dụng cho nhu cầu của NSO của bạn.

2. Tính chất tự nhiên của hệ thống hàng đội:

“Tôi gặp bạn”
Trong các bộ lạc ở phía Bắc Natal, Châu Phi, lời chào hỏi phổ biến nhất, tương tự như “hello” trong tiếng Anh, là cụm từ: Sawu bona, theo nghĩa đen là “Tôi gặp bạn”. Nếu bạn là một thành viên của bộ lạc, bạn có thể đơn giản đáp lại bằng cách nói Sikhona, “Tôi đây”. Thứ tự về sự viếng thăm giữa hai người rất quan trọng: Cho đến khi bạn gặp tôi, thì tôi không tồn tại. Như thế, khi bạn gặp tôi, bạn mang đến cho tôi sự tồn tại.
Ý nghĩa này, ẩn tàng trong ngôn ngữ, là một phần của tinh thần ubuntu (lòng tốt), một trạng thái tâm trí thường thấy ở các dân tộc bản địa ở Châu Phi phía dưới Sahara. Từ ubuntu (lòng tốt) bắt nguồn từ dân gian nói Umuntu ngumuntu nagabantu, mà từ Zulu, dịch nghĩa đen là: “Một người là một người vì người khác”. Nếu bạn lớn lên với quan điểm này, danh tính của bạn dựa trên thực tế bạn được nhìn thấy – rằng những người chung quanh tôn trọng và thừa nhận bạn là một con người”.

Trong ngành Tráng, cách tiếp cận cá nhân có ưu thế hơn so với các ngành khác, vì giới trẻ cần sự giúp đỡ để tìm được bản sắc riêng của mình. Chúng ta đang đối phó với mỗi trẻ, với những thách thức, sự lựa chọn, mơ ước, năng lực và khó khăn của họ. Ngành Tráng Hướng đạo là một thời điểm rất quan trọng để định rõ hành vi cá nhân.

Khi chúng ta nói điều này, không có nghĩa là phải dành thời gian cho riêng mình hoặc theo chủ nghĩa cá nhân; thực sự không nên như vậy. Nên tìm được sự cân đối giữa các quyết định cá nhân và các hoạt động (nâng cao tính tự chủ) với các cơ hội mà trong đó người thanh niên có thể chia sẻ với những người khác, vui vẻ với họ và khai thác những lợi ích chung, tiếp tục thực hành cách đóng vai trò của mình trong một nhóm.
Tuy nhiên, hệ thống hàng đội thường bị hiểu lầm. Trong một số trường hợp, nó được xem như một “hệ thống hình chóp” chặt chẽ theo cách làm việc của quân sự, người lớn đóng vai trò lãnh đạo và ra lệnh cho các đội trưởng. Một số trường hợp, nó lại được mô tả như một “hệ thống làm việc theo các nhóm nhỏ”, trong khi, nếu bạn nhìn dưới bản chất thực sự của nó, đó chính là một hệ thống về sự tham gia của trẻ vào việc ra quyết định.

Thực sự, hệ thống hàng đội là một công cụ sẵn có để chúng ta tăng cường sự tham gia của trẻ; sự thực hiện đầy đủ hệ thống hàng đội thường là một điểm khởi đầu tác động mạnh mẽ cho hành động cá nhân có ý nghĩa của mỗi hướng đạo sinh ở trong những môi trường khác nhau, nơi họ đang sống (gia đình, trường học, câu lạc bộ và xã hội nói chung).

Sự tham gia của trẻ vào việc ra quyết định hàm ý sự tồn tại của những tổ chức khác nhau. Trong bất cứ một nền dân chủ nào, ít nhất có ba loại tổ chức:

        Cộng đồng địa phương: Nơi các công dân sống cùng nhau trong cùng lãnh thổ. Chức năng của loại hình tổ chức đầu tiên này là thúc đẩy những mối quan hệ tốt và đoàn kết giữa các công dân, cho phép họ đưa ra quyết định ở cấp độ của họ và cử đại diện đến các cơ quan ra quyết định cao hơn. Trong một đơn vị Hướng đạo, “cộng đồng địa phương” là các Toán (Đội, Tuần, Đàn). Toán được hình thành từ một nhóm nhỏ những người bạn đã chọn ở bên nhau và trong chính họ bầu ra một "người lãnh đạo” và là đại diện cho mình.

        Quốc hội (cơ quan lập pháp): nơi đây, tất cả các công dân được đại diện để cùng nhau ra những quyết định lớn hơn và bỏ phiếu về các quy định. Trong một đơn vị Hướng đạo, “Quốc hội” là Hội đồng Đoàn, tập họp tất cả các Hướng đạo sinh để chọn lựa các hoạt động, các dự án, đánh giá sinh hoạt Đoàn và xây dựng các quy tắc dưới sự soi sáng của Luật Hướng đạo.

        Chính phủ: (cơ quan điều hành) nơi đây, các bộ trưởng quản lý và thực hiện các quyết định được Quốc hội ban hành. Trong một đơn vị Hướng đạo, “Chính phủ” là Hội đồng Toán trưởng, nơi tập hợp các Toán Trưởng và các Huynh trưởng, quản lý và thực hiện các quyết định của Hội đồng Đoàn. Hội đồng Toán trưởng tổ chức các hoạt động và vạch kế hoạch theo một lịch chung.
Trong môn Khoa học Giáo dục, hệ thống như thế được mô tả “thể chế giáo dục” (giới trẻ được tham gia vào tiến trình ra quyết định thông qua một thể chế dân chủ). Hệ thống như thế được xem như là rất hiện đại hoặc “cách mạng”, trong khi nó đã được thực hiện trong Hướng đạo từ lúc khởi đầu của Phong trào.

3. Các đặc điểm của hệ thống hàng đội trong ngành Tráng

Ba bộ phận cơ bản (Toán, Hội đồng Đoàn, Hội đồng Toán trưởng, (Đội, Tuần trưởng..) có ở tất cả các ngành theo lứa tuổi của Hướng đạo sinh, phù hợp với đặc tính của mỗi lứa tuổi.

Trẻ em không thể tham gia những cuộc họp dài và vạch ra các hoạt động với mọi chi tiết. Vì vậy trong ngành Ấu, các cuộc họp rất ngắn và huynh trưởng phải dẫn dắt để hết sức giúp cho Bầy.

Ở ngành Thiếu và ngay cả ngành Kha, mức độ tham gia của trẻ cao hơn. Với ngành Tráng, chúng ta thấy từ sự tham gia đến việc lãnh đạo của giới trẻ cao nhất trong việc đánh giá và ra quyết định (xem hình 1)
  




Sự phát triển của các lãnh đạo trẻ bắt đầu từ rất nhỏ nhưng có ý nghĩa ở ngành Ấu, và tiếp tục trưởng thành lên ngành Thiếu. Ở ngành Tráng, sự lãnh đạo của trẻ đã phát triển đến mức tất cả các vị trí lãnh đạo đều được Tráng sinh đảm nhận, huynh trưởng chỉ giữ vai trò cố vấn. Đây là một nguyên tắc cần thiết nếu chúng ta muốn đào tạo các Tráng sinh trở thành những công dân năng động và có trách nhiệm.

Chúng ta hãy xem những kết quả của nguyên tắc này đối với những “cơ quan” khác nhau của hệ thống hàng đội.

4. Các yếu tố của hệ thống hàng đội ở ngành Tráng

Mỗi Tráng sinh trực thuộc một Toán Tráng, ở đây họ có thể tìm thấy sự hỗ trợ cho việc suy ngẫm và đánh giá tiến trình của họ hoặc việc thực hiện các hoạt động, dự án. Một Toán Tráng được hình thành từ những trẻ mới trưởng thành, những người đã quyết định đến cùng nhau để chia sẻ các hoạt động và suy nghĩ.



Chúng ta có thể tìm thấy ba loại hình thành nhóm tiêu biểu trong một Cộng đồng Tráng sinh (Tráng Đoàn):

        Toán cố định: Một nhóm các Tráng sinh, những người cùng nhau phát triển các hoạt động và dự án, chia sẻ kinh nghiệm, cùng suy ngẫm và đánh giá kế hoạch cá nhân của họ.

        Toán phục vụ: Một nhóm các Tráng sinh, cùng tham gia một hoạt động giúp ích ngoài Tráng Đoàn. Chủ yếu thời gian của họ ở cùng nhau trong nhóm này sẽ tham gia thực hiện dự án giúp ích, họ cũng tìm thấy được cơ hội để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, suy ngẫm và đánh giá dự án. Tuy nhiên, họ sẽ tách khỏi các hoạt động của Tráng Đoàn với các Toán cố định của họ.

        Toán công tác: Tráng Đoàn có thể được thúc đẩy để thiết lập nhóm công tác chuyên biệt để chuẩn bị cho một số hoạt động hoặc dự án. Toán công tác được định hướng chủ yếu cho một hoạt động đặc biệt, thường là ngắn hạn. Điều này có rất nhiều trong một đơn vị luôn sẵn sàng hành động.

4.1.   Cộng đồng Tráng sinh (Tráng Đoàn)


Cộng đồng Tráng sinh là một Tráng Đoàn. Nó bao gồm nhiều Toán. Khuyến nghị nên trực thuộc một Liên đoàn, nhiệm vụ của Toán là thực hiện Chương trình Tráng sinh cho giới trẻ có lứa tuổi 18-22, phục vụ cho những trẻ mới trưởng thành từ các Liên đoàn và cộng đồng địa phương, đem lợi ích đến cho các Hướng đạo sinh trẻ tuổi có nguyện vọng đạt được điều gì đó.
Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét đến việc giảm thấp số đoàn sinh của Ngành Tráng, chưa chắc xảy ra, ít nhất trong giai đoạn đầu tiên, mọi Liên đoàn ở địa phương có thể tạo ra một Tráng Đoàn. Để có hiệu quả, một Tráng đoàn nên có ít nhất 15 đến 20 Tráng sinh.

Vì vậy, Tráng đoàn có thể được “chia sẻ” giữa các Liên đoàn với 1 hoặc 2 Toán Tráng của mỗi Liên đoàn. Ở một số quốc gia, một Tráng đoàn có thể được tạo nên từ một Đạo (cụ thể là khi các Liên đoàn có ít đoàn sinh ở lứa tuổi Tráng) hoặc là trong một trường Đại học của thành phố (tiếp nhận tất cả những Tráng sinh phải sống ở một thị trấn khác suốt trong những năm tháng hình thành nhân cách và giúp cho họ giữ được kết nối với Phong trào Hướng đạo).

Tất cả nỗ lực nên được thực hiện tránh tách biệt các Toán Tráng. Sự tương tác giữa các Toán Tráng sinh với nhau là cốt lõi của hệ thống hàng đội và cũng là cơ hội học tập tốt nhất về những thử thách, việc sống cùng với người khác, cùng nhau đưa ra quyết định và thực hiện. Ngoài ra sự tương tác giữa các loại Toán Tráng khác nhau (xem ở trên) với trọng tâm khác nhau có thể tạo ra một nền tảng phong phú để khai thác được những trải nghiệm khác nhau và mở rộng quan điểm, kinh nghiệm của Tráng sinh.

Cộng đồng Tráng sinh (Tráng đoàn) là cần thiết nếu chúng ta muốn phát triển Chương trình Tráng sinh một cách đầy đủ. Bảng sau đây cho chúng ta thấy rằng Toán nhỏ (6-8 Tráng sinh) không thể đáp ứng các nhu cầu của giới trẻ. Một cấu trúc lớn hơn, như một Tráng đoàn, là cần thiết nếu chúng ta muốn tổ chức đa dạng cho các hoạt động và đáp ứng toàn bộ các nhu cầu của giới trẻ. Điều này có nghĩa rằng, cũng như các ngành khác, trong một Tráng đoàn cả hai việc hợp thành nhóm (các toán nhỏ và nhóm lớn) đều quan trọng vì chúng đóng các vai trò khác nhau và nhu cầu giáo dục khác nhau.        
Hơn nữa, thông qua Tráng đoàn nó có thể đem đến cho giới trẻ mở rộng phạm vi các vai trò và có nhiều cơ hội lãnh đạo. Bằng cách khuyến khích sự tự quản (trong việc hình thành nhóm nhỏ và nhóm lớn hơn) chúng ta trao cho Tráng sinh chịu trách nhiệm lãnh đạo và tiếp tục phát triển các kỹ năng lãnh đạo, đó chính là nền tảng khi chúng ta xét đến nghĩa vụ công dân tích cực.

4.2. Hội đồng Tráng đoàn

Hội đồng Tráng đoàn gồm tất cả các thành viên của Tráng đoàn và đó là nơi đưa ra các quyết định lớn. Hội đồng Tráng đoàn họp định kỳ ít nhất một quý một lần để:
        Đánh giá tình hình chung của Tráng đoàn và đưa ra quyết định để định hướng các hoạt động theo cách đáp ứng những nhu cầu đã được nhận biết;
        Ra quyết định về các hoạt động và dự án của Tráng đoàn;
        Thông qua các quy tắc chung;
        Công nhận sự thăng tiến cá nhân;
        Bầu chọn các Trưởng của Tráng đoàn.

      

4.3. Hội đồng Toán trưởng

Hội đồng Toán Trưởng là cơ quan điều hành của Tráng đoàn, được hình thành gồm tất cả các Toán trưởng và được sự trợ giúp của Tráng trưởng. Hội đồng Toán trưởng họp định kỳ ít nhất một tháng một lần, có nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt cho Tráng đoàn, theo dõi công việc của các Toán, nhóm công tác và đảm nhận tất cả  việc quản lý và đề ra các quyết định.
Vai trò của Hội đồng Toán trưởng rất quan trọng bởi vì do nhu cầu và đặc tính của nhóm lứa tuổi này, đoàn có một số yếu tố riêng biệt ảnh hưởng đến sự quản lý:
        Tại bất cứ thời điểm nào cũng có thể có cùng lúc các dự án và các hoạt động đa dạng được thực hiện bởi Tráng đoàn, các Toán, các nhóm công tác và các cá nhân.
        Một số Tráng sinh sẽ dành hầu hết thời gian vào các dự án cá nhân của họ và chỉ trở lại Tráng đoàn để tìm sự hỗ trợ ở Toán của mình hoặc nhận sự tư vấn từ Tráng trưởng hoặc một Trưởng ở ngành Tráng nào đó.
        Một số hoạt động của Tráng sinh sẽ không theo khuôn mẫu các buổi họp thường kỳ.

       

 4.4. Toán trưởng

Tráng đoàn tạo cơ hội cho Tráng sinh thực hành công tác lãnh đạo. Các Toán trưởng là những trẻ mới trưởng thành, được bầu chọn giữ các vị trí có trách nhiệm hay lãnh đạo:
        Vai trò Toán trưởng, chịu trách nhiệm lãnh đạo một toán cụ thể
        Vai trò Người điều phối nhóm công tác, chịu trách nhiệm lãnh đạo một nhóm công tác
        Vai trò Chủ tịch, chịu trách nhiệm chuẩn bị và chủ trì các các cuộc họp
        Bất kỳ vai trò nào khác được Tráng đoàn xem là có liên quan trong bối cảnh cụ thể mà nó đang hoạt động.
Các Toán trưởng được chọn bởi các thành viên trong toán của họ và được Hội đồng Tráng đoàn phê chuẩn.
Một số Tổ chức Hướng đạo Quốc gia (NSOs), không tạo cơ hội cho những trẻ mới trưởng thành nắm giữ các vị trí có trách nhiệm trong Ngành Tráng, vì thế các Tráng sinh thường lưu tâm đến các ngành có lứa tuối nhỏ hơn, tìm các vị trí có trách nhiệm để chứng tỏ giá trị của họ và khẳng định mình. Xem thảo luận “Tráng sinh hay trưởng” ở Chương “Sự hỗ trợ của Huynh trưởng”.
Trách nhiệm của các Toán trưởng trong Ngành Tráng nên được công nhận một cách đầy đủ và mạnh mẽ ở cùng cấp độ như chức năng của phụ tá huynh trưởng ở các ngành nhỏ hơn.

4.5. Tráng trưởng (Cố vấn Tráng đoàn)

Tráng trưởng có nhiệm vụ riêng biệt để tư vấn, hỗ trợ, trao quyền cho Tráng sinh và là vai trò bảo vệ Sứ mệnh Phong trào Hướng đạo ở Ngành Tráng. Vai trò và công việc của Tráng trưởng được mô tả chi tiết ở Chương “Sự hỗ trợ của Huynh trưởng”.

5. Kết luận:


Giới trẻ có khuynh hướng tự nhiên hình thành các nhóm cùng lứa tuổi. Hệ thống hàng đội là cách sử dụng khuynh hướng tự nhiên này để tạo một môi trường trong đó trẻ thích thú và để hướng đến việc những ảnh hưởng đáng kể tác động lẫn nhau giữa những người đồng trang lứa theo hướng xây dựng.
Những gì giới trẻ gặt hái được từ việc sống và làm việc cùng nhau theo một chuẩn mực của cuộc sống và phát triển những mối quan hệ là kết quả của những cuộc phiêu lưu được chia sẻ là quan trọng về mặt giáo dục cũng như các hoạt động họ tham gia.
        Hệ thống hàng đội là một phần quan trọng của đời sống Tráng sinh.
        Các Tráng sinh đóng được nhiều vai trò, học được nhiều kỹ năng có giá trị.
        Trở thành một Toán trưởng là một trách vụ quan trọng trong Tráng đoàn.
        Tất cả các vị trí lãnh đạo được nắm giữ bởi các Tráng sinh trong Tráng đoàn.
        Hệ thống hàng đội giúp các Tráng sinh hiểu được kinh nghiệm sống trong các tổ chức.

                                                         (Còn tiếp)
          VÕ VĂN TUẤN – Nai thiện chí
(Trích dịch từ “Guidelines for the Rover Scout Section                                                của VP HĐTG phát hành)

(Ảnh màu thaithuan st: EMPOWERING YOUNG ADULTS Guidelines for the Rover Scout section)
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét