Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Thành lập Đạo Điện Hải (Châu Phía Bắc, Hướng đạo Việt Nam)


Trong thời gian qua, Đạo An Hải đã phát triển rất mạnh mẽ, từ 3 Liên đoàn, Đạo đã phát triển lên thành 7 Liên đoàn với trên 700 thành viên. Để phù hợp với phương pháp giáo dục mà Thủ lĩnh BP đã đề ra, Hội đồng đạo quyết định tách 3 Liên đoàn để thành lập một Đạo mới lấy tên là Đạo Điện Hải.


Sau một thời gian chuẩn bị, chiều ngày 14.07.2019, tại Công viên 29-3, thành phố Đà Nẵng, Châu Phía Bắc đã tổ chức nghi thức thành lập Đạo Điện Hải. Trưởng Trần Xê, Phó Ban điều hành HĐVN, Châu Trưởng Châu Phía Bắc đến tham dự và chủ trì buổi lễ. Cùng về tham dự buổi lễ có Trưởng Phạm Cảnh Đáng, Phụ tá Châu trưởng, phụ trách quản trị Châu Phía Bắc; Trưởng Nguyễn Viết Thiếp, nguyên Đạo trưởng Đạo An Hải; Các Lão Trưởng; Các Trưởng trong Toán Lãnh Đạo của Đạo Bắc Đẩu, Đạo Tam Giang (Huế), Đạo Quảng Nam; Các Trưởng trong Ban huynh trưởng các Liên Đoàn thuộc Châu Phía Bắc và hơn 650 Hướng đạo sinh. Trưởng Trần Xê, Phó Ban điều hành HĐVN, Châu trưởng Châu Phía Bắc đã trao cờ Đạo Điện Hải và trao chứng thư thành lập Đạo Điện Hải thuộc Châu Phía Bắc, đồng thời cũng trao chứng thư bổ nhiệm Đạo trưởng tiên khởi cho Trưởng Nguyễn Công Kỳ, nguyên Phó Đạo trưởng Đạo An Hải. Được biết Đạo Điện Hải gồm có :Toán Lãnh Đạo gồm Đạo trưởng Nguyễn Công Kỳ, 2 phó Đạo trưởng là Trưởng Nguyễn Bốn và Trưởng Nguyễn Trung Hiếu với các Ủy viên các ngành, và 3 Liên đoàn trực thuộc: Liên đoàn Nguyễn Hoàng, Liên đoàn Lam Sơn, Liên đoàn Ngũ Hành Sơn, với hơn 300 đoàn sinh. 

Cũng trong dịp nầy Trưởng Trần Xê, Đạo trưởng Đạo An Hải đã trao đuốc Đạo trưởng Đạo An Hải lại cho Trưởng Phạm Văn Thành.Toán Lãnh đạo Đạo An Hải hiện nay có 2 Đạo phó là Trưởng Nguyễn Thanh Chanh và Trưởng Võ Văn Tuấn, với Ủy viên ngành Tráng do Trưởng Nguyễn Thanh Chanh kiêm nhiệm, Ủy viên ngành Kha do Trưởng Huỳnh Tấn Thưởng, Ủy viên ngành Thiếu là Trưởng Nguyễn Văn Đức …Buổi lễ kết thúc vào chiều cùng ngày. 

Để hiểu rõ hơn về địa danh lịch sử Điện Hải, xin quí vị cùng đọc bài viết của Trưởng N.T.H (Báo sốt sắng), Phó Đạo trưởng Đạo Điện Hải.


VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH ĐIỆN HẢI- ĐÀ NẴNG

... Tai nghe súng nổ cái đùng
Tàu Tây vừa đến Vũng Thùng hôm qua !

Thành Điện Hải hôm nay, vốn là một công trình phòng ngự quan trọng, trước gọi là Đồn Điện Hải được xây dựng vào thời Gia Long năm thứ 12 (1813), cùng lần với đồn An Hải. Cả hai cơ sở quân sự phòng ngự đều nằm ven sông Hàn, Đà Nẵng phía hạ du, án ngữ cửa biển từ sông Hàn thông ra Vũng Thùng (Vịnh Đà Nẵng).

Đồn Điện Hải nằm ở tả ngạn (phía Tây) và đồn An Hải nằm ở hữu ngạn (phía Đông) của sông.

Đến đời vua Minh Mạng thứ 4 (năm 1823), thì đồn được di dời vào sâu trong đất liền và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay (thuộc địa phận phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

Ban đầu cả hai đồn đều được xây dựng bằng đất. Năm 1847, Đồn Điện Hải được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556m, được bao quanh bởi các hào sâu 3m, và được đổi tên là Thành Điện Hải.

Trong thành có các công trình như kỳ đài, hành cung, các cơ sở chứa lương thực, thuốc súng, đạn dược và đặc biệt có thể chứa được 30 ụ đại bác cỡ lớn.

Trong trận chiến đầu tiên chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858 đánh vào Đà Nẵng, Dũng tướng Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy hơn 10 ngàn dân, binh, bốn tỉnh: Nam, Ngãi, Bình, Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) anh dũng bảo vệ chủ quyền quốc gia, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược bằng tàu đồng, đại bác, buộc liên quan Pháp - Tây Ban Nha phải rút quân sau 3 năm giành giật với nhau từng mét đất.

Trong ba năm chiến đấu nghĩa sĩ Nam, Ngãi, Bình, Phú đã anh dũng hy sinh hơn một vạn người, được chôn cất tại nhiều nghĩa trang, trong đó tập trung ở hai Nghĩa trủng Nam Dương, Khuê Trung và vẫn được người dân hương khói, chăm sóc...

Sau Hòa ước năm 1862, Pháp chính thức đặt chân lên đất Đà Nẵng và cho tu sửa lại thành Điện Hải theo kiến trúc Vauban, bằng vật liệu gạch như hiện thấy.

Thành Điện Hải là hệ thống kiến trúc phòng thủ đầu tiên của đất nước và may mắn duy nhất còn đứng vững đến hôm nay. Công trình có ý nghĩa tinh thần vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ là chứng nhân lịch sử chống ngoại xâm của ông cha, mà mỗi mét đất của thành còn thấm đẫm xương máu tiền nhân; thể hiện ý chí kiên cường, bền bĩ bảo tồn nền độc lập, tự do của Tổ quốc, của dân tộc.

Trước tháng 3.1975 một số đơn vị Hướng Đạo Việt Nam đã chọn nơi này là địa điểm sinh hoạt thường kỳ.

Liên quan đến địa danh này, vùng Quảng Nam còn có câu ca dao: Từ ngày Tây lại cửa Hàn. Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu...



Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét