Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Thú đọc sách


BBT: Trong thời đại 4.0, người ta dễ dàng quên đi “Văn Hóa Đọc”, nói cách khác còn mấy ai có cái “Thú Đọc Sách”. Đọc sách chính là cái thú mở cửa các kho tàng tri thức, giúp cho cuộc sống của chúng ta thêm phong phú…

Để biết cách thức đọc sách có hiệu quả và thích thú, BBT xin gởi đến quí bạn bài CÁCH ĐỌC SÁCH, do Lm Trần Hòa viết theo cuốn “How to Read a Book” của  J.Adler và V.Doren

Lm. Trần Hòa


     Sau khi rời ghế nhà trường, chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi thêm, ít nhất là về chuyên môn, nhân bản và kiến thức phổ thông. Có nhiều cách học hỏi thêm ngoài nhà trường như: đi du lịch, tham dự hội thảo và đọc sách. Đọc sách là cách học tập dễ thực hiện nhất.

I. ĐỌC SÁCH LÀ HỌC HỎI THÊM

     A. Lý do chúng ta phải học thêm.

1. Vì thời nay khác ngày xưa, mọi cái thay đổi rất nhanh chóng, nếu chúng ta không học thêm, chúng ta sẽ bị tụt hậu, thiệt thòi, và sẽ bị xã hội đào thải.
2. Hơn nữa, những kiến thức chuyên môn (nghề nghiệp) đòi ta phải cập nhật luôn luôn, mà ta lại không có cơ hội tới trường lớp. Hãy đọc sách để thế lại
3. Những kiến thức về nhân bản, sinh ngữ, văn hóa phổ thông, xã hội cung cấp cho ta rất phong phú và đa dạng, nếu ta không biết, ta sẽ bị xã hội đẩy lại phía sau.
4. Nhiều người lầm tưởng, nghe, xem những quảng cáo, giới thiệu, sinh hoạt, trình diễn ào ạt, hết sức hấp dẫn trên mạng là những điều ta cần biết và đủ rồi! Theo học giả Adler và Doren, những giới thiệu, quảng cáo, trình bày nói trên chỉ là những thông tin sơ khởi, đa tạp, hỗn độn, hoa mỹ bên ngoài…Chúng không cung cấp cho chúng ta những hiểu biết rõ ràng, sâu xa và có thể dùng được trong cuộc sống. Ta nên hạn chế xem, đọc những loại ấy.
     Chúng ta phải suy nghĩ và nhận định cho thấu đáo giá trị của học thêm bằng đọc sách. Học ở trường là học có thầy; đọc sách là học bằng khám phá, không có thầy. Cả hai cách học cùng quan trọng.
      Ai trong chúng ta cũng ngại đọc sách, nhưng khi đọc nhiều rồi, ta sẽ say mê, không cần ai nhắc nhở nữa. Điều khó khăn là ta phải cố gắng vượt qua thời gian đầu, khi mới tập thói quen đọc sách.

     B. Chọn sách đọc là điều quan trọng.

     Theo học giả Adler và Doren (USA) trong “HOW TO READ A BOOK”: trừ khi có người giới thiệu sách tốt cho ta, nếu không ta có thể chọn sách dễ dàng, lanh lẹ bằng cách sau đây :
- Đọc và suy nghĩ tên cuốn sách (ghi trên bìa sách), ví dụ: Cách dạy trẻ em, Phương pháp đọc sách…
- Đọc lời nói đầu (Foreword) để biết loại sách gì.
- Đọc mục lục để biết sơ nội dung cuốn sách.
- Đọc tên các chương (đoạn) để hiểu thêm về nội dung…
- Đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản thường ở tờ bìa sau hoặc cạnh bìa sách.
     Nếu thấy sách phù hợp, ta chọn sách đó để đọc. Người ta phân chia các loại sách : sách thuyết trình (sách trình bày một lý thuyết), sách tiểu thuyết, sách thi ca, sách lý thuyết, sách thực hành (dạy cách làm)…
     Nếu ta không làm như thế, bạ cuốn sách nào ta cũng đọc thì mất thời giờ, nhiều khi còn gây tác hại cho ta nữa.

II. ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH THẾ NÀO :

     Chúng ta đọc sách theo các bước sau đây:
1. Đọc để hiểu nội dung cuốn sách: chúng ta đọc lướt qua để hiểu khái quát nội dung sách nói về vấn đề gì. Nói cách khác là đọc để hiểu theo mặt chữ những ý tưởng trong toàn bộ cuốn sách.
     Chúng ta nên đọc lướt nhanh trong thời gian ngắn mà hiểu được nội dung cuốn sách ngay. Cách đọc nhanh: chập ngón cái và ngón trỏ lại đặt lên dòng chữ lướt nhanh tới và mắt cố gắng theo cho kịp. Ta tập nhiều sẽ quen.
2. Đọc phân tích cuốn sách: đó là đọc như nhai và như nuốt cuốn sách vậy. Sách trở thành chất liệu cho người đọc: hiểu, nắm rõ từng nội dung, giải đáp được những câu hỏi đặt ra cho cuốn sách.
     Bốn câu hỏi ta đặt ra cho bước này là:
- Tổng quát cuốn sách nói về vấn đề gì? Nội dung mỗi phần thế nào?
- Nội dung cuốn sách được trình bầy như thế nào? Tác giả muốn nói gì với ta (đầu sách tác giả thường đặt vấn đề và nội dung sách là câu trả lời)?
- Đánh giá cuốn sách mặt đúng, mặt không đúng?
- Nội dung sách có những điều nào quan trọng đối với bạn?
3. Đọc tổng hợp và so sánh: người đọc thấy rõ sự tương quan giữa các sách mình đã đọc với cuốn sách đang đọc và đưa ra những phân tích so sánh, đánh giá rõ ràng.

III. CÁCH GHI CHÚ TRONG CUỐN SÁCH:

     Khi đọc sách, ta nên cầm 1 cây viết chì hay viết bi, vừa đọc vừa ghi chú.Việc ghi chú vừa giúp ta tập trung, vừa làm rõ tư tưởng ta đọc. Sau đây là một số ghi chú phổ thông:
- Gạch dưới những từ, những câu quan trọng.
- Kẻ dọc ngoài lề đoạn văn quan trọng để thay cho gạch dưới.
- Ghi hoa thị hay gạch ngang ngoài lề để nhấn mạnh đoạn văn, ý tưởng quan trọng.
- Khoanh tròn từ khóa hay cụm từ quan trọng.
- Ghi chú ngoài lề hay đầu trang hay cuối trang
- Ghi số đầu câu, đầu phần để phân chia cho rõ các phần.
- Ghi tóm tắt nội dung chương đã đọc vào trang cuối của chương chỗ trống hoặc dán thêm miếng giấy phụ để ghi.
     Hoàng Sơn Cốc nói: “Ba ngày không đọc sách thì lời nói trở nên vô vị, mặt mũi thì lơ láo.” Phải chăng đọc sách là chính cuộc sống của mỗi người chúng ta.
        

                                 Trần Hòa

(viết theo cuốn “How to Read a Book” của  J.Adler và V.Doren)

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét