Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Kenya ký

Võ Công Thảo

  
Tuấn Mã tôi may mắn được Linh mục Paul Nguyễn Trọng Xuân, Quản Hạt Hòa Thanh, Giáo phận Xuân Lộc, gọi tháp tùng chuyến đi Kenya (Cộng Hòa Kenya – vùng Đông Phi) dự   lễ truyền chức linh mục cho Thầy Peter Nguyễn Trọng Nghĩa, nghĩa tử của Ngài, đang tu học và làm mục vụ truyền giáo tại Phi Châu. Đối với tôi chuyến đi này thật sự là một may mắn, vì ngoài việc được tham dự một thánh lễ quan trọng đầy ân phúc, thì Kenya còn là quốc gia Châu Phi đầu tiên mà tôi được đặt chân đến, nơi đó có mộ phần của Huân Tước Baden Powell và phu nhân Olave BP, người khai sinh phong trào Hướng đạo Thế giới.Với tâm trạng nôn nao bồi hồi, tôi chuẩn bị hành trang và âm thầm thủ sẵn bộ đồng phục Hướng đạo chờ đợi ngày khởi hành.



Được biết, đi Kenya có hai đường bay, hoặc qua lối Dubai hoặc qua đường Thái Lan; Cả hai tuyến đều phải bay chuyển tiếp đến Nairobi, thủ đô Kenya. Đoàn chúng tôi gồm chín thành viên chọn bay đường Thái Lan vì mua được vé giá rẻ. Sáng ngày khởi hành (07-07-2019) thời tiết Biên Hòa âm u, về trưa có mưa và gió mạnh, thế nhưng khi vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì nắng ráo, mây trời quang đãng… như hứa hẹn một chuyến đi nhiều niềm vui và thú vị.
            Phi cơ đáp quá cảnh phi trường Bangkok lúc 21:00 và chờ chuyến bay tiếp lúc 01:20 sáng hôm sau. Thời gian trống còn nhiều, tôi lang thang qua các hàng quán trong ga hàng không theo kiểu “window shopping”. Đã lâu không trở lại sân bay Bangkok nên nay nhìn cái gì cũng mới, tiện nghi và hoành tráng! Mừng cho sự phát triển của nước bạn !
            Chuyến bay đi Nairobi là chuyến liên doanh giữa hàng không Thái Lan và Kenya, nên khi lên tàu, bóng dáng xinh xinh thanh lịch của các cô cậu tiếp viên Thái phải nhường chỗ cho các đồng nghiệp Kenya da màu to khỏe, nói tiếng Anh thông thạo, và đi đến đâu cũng để lại mùi nước hoa thơm lừng dễ nhớ… Máy bay đáp lúc 05:30AM giờ địa phương, nhìn lại đồng hồ lúc ấy đã 09:30AM giờ Việt Nam. Nhìn qua cửa phi cơ sương mù dày và lạnh. Những cột đèn chiếu sáng cao vút tỏa ánh như những que kẹo bông đường khổng lồ lặng lẽ trong đêm sương. Tiếp viên trưởng thông báo ngoài trời nhiệt độ 140C.


            Thủ tục VISA nhập cảnh tại sân bay nhanh gọn, với lệ phí 50 USD/ người (không phải xin VISA trước như các nước khác). Nhân viên hải quan sân bay lịch sự và thân thiện. Nhìn xung quanh cơ sở vật chất nơi đây cũng không kém Tân Sơn Nhất… Chúng tôi được đón tiếp và về lưu trú tại Don Bosco Utume Salesian Theological College, là nơi tu tập, làm việc của Cộng đoàn tu sĩ dòng Don Bosco khu vực Châu Phi nói tiếng Anh. Trên đường chúng tôi đi qua những khu rừng rộng lớn được rào chắn, hỏi ra mới biết đó là vùng bảo tồn các loài thú hoang dã, được bảo vệ và cấm săn bắt.
            Sau cơm trưa, việc đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn đi xem ca nhạc dân tộc và mô hình dân cư của 23 bộ tộc Kenya. Trong nhà hát rất đông các em học sinh độ tuổi Sói Con, được quí thầy cô hướng dẫn vào chỗ rất trật tự . Rất lạ, là các em như có “nhịp điệu âm nhạc trong máu” nên mỗi khi được bắt nhịp một bài hát tập thể là các em nhún nhảy với âm thanh tiếng hát tuyệt vời. Đâu đây có tiết tấu của những nhạc phẩm sinh họat Hướng Đạo nghe rất quen… Các tiết mục biểu diễn hầu hết là dân vũ với tiếng trống dập dồn, tiếng hát vút cao lẫn tiếng hú dài ngắn, thanh âm trầm bổng hút hồn người nghe. Tôi cứ ngỡ như đang trong một đêm lửa trại… chỉ thiếu ngọn lửa bập bùng giữa vòng người đắm say.
            Tan buổi hát chúng tôi ra ngoài và lại thích thú với sự thân thiện dễ mến của các em học sinh. Các em chào chúng tôi bằng cách chạm nắm đấm, chạm bàn tay, thích chụp hình chung với nụ cười rạng rỡ. Các em “Hello, nị hào ma” vì cứ tưởng khách là người Trung Quốc, còn chúng tôi thì luôn phải cải chính và tập cho các em phát âm tiếng chào Việt ngữ !
            Vào thăm khu mô hình giới thiệu đời sống cư dân bản địa. Có 23 bộ tộc, họ sống theo lối quần cư nhiều thế hệ trong khu đất riêng tư. Đàn ông đựợc đa thê, những người vợ được phân biệt thứ lớp (bà cả, bà hai, bà ba...), mỗi người đều có nhà riêng quanh nhà của chồng. Nhìn chung người bản địa sống ở vùng xa còn nghèo và thiếu điều kiện tiếp xúc với ánh sáng văn minh.
            Chiều về Don Bosco Utume chúng tôi được các Soeur Việt Nam đến chào thăm. Mới hay nhiều năm nay các Soeur Việt Nam đã đến Kenya hợp cùng các nữ tu từ Myanma, Philippin và các nước Á Âu… làm mục vụ truyền giáo. Có Soeur làm việc tại đây gần 19 năm nên rất thông hiểu đời sống, tập quán và việc đi lại tại quốc gia Đông Phi này. Qua câu chuyện, được biết các Soeur từ nhiều cộng đoàn hội dòng khác nhau nhưng lại rất gắn bó với nhau. Có khi đó là tình yêu Thiên Chúa và tình quê hương hòa trộn vào nhau một cách lạ lùng. Ở đây ai cũng rất nhớ các món ăn Việt Nam nên “một gói mì gói đã là thiên đường” (lời vui của một nữ tu)! Cứ mỗi độ Xuân về các Soeur lại tổ chức họp mặt đón Tết, để vơi nỗi nhớ quê nhà và cũng là dịp để giới thiệu văn hóa Việt với các bạn tu sĩ quốc tế. Công việc phục vụ của các Soeur rất phong phú trong các lãnh vực như truyền giáo, bác ái xã hội, y tế, giáo dục… Tận đáy lòng mình, tôi cảm mến và kính phục sự hy sinh, lòng can đảm và tình yêu tha nhân của các Soeur trong sự dấn thân nơi đất khách quê người này.


            Sáng ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi thức sớm quây quần bên nhau dâng lễ sáng trong một căn phòng nhỏ. Thánh lễ ngoài các Linh mục trong đoàn còn có Linh mục, tu sĩ  người Việt từ Sudan, Uganda, Ethopia sang, không khí thật thánh thiêng ấm cúng, đầy tình thân ái. Sau đó chúng tôi đi thăm Bảo Tàng Quốc Gia Nairobi. Nơi đây trưng bày giới thiệu về địa lý, văn hóa, lịch sử, chính trị, tài nguyên thiên nhiên của đất nước Kenya và vùng Đông Phi, với những bộ sưu tập rất phong phú và giá trị. Hướng dẫn viên của bảo tàng rất nhiệt tình và dễ mến. Qua lời giới thiệu, chúng tôi biết Cộng Hòa Kenya trước đây là thuộc địa của Anh, được độc lập vào năm 1963, có đường biên giới tiếp giáp với Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania,,Uganda và hướng ra Ấn Độ Dương, dân số gần 50 triệu người, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và du lịch. Diện tích Kenya gần 600.000 km2, tuy nhiên phần lớn đất đai phía bắc là vùng khô cằn khí hậu khắc nghiệt, thu nhập bình quân đầu người thấp và sự phân hóa giàu nghèo rõ nét. Vùng trung tâm (thủ đô Nairobi, Nyeri) có khí hậu cao nguyên là vùng trù phú phát triển nhất. Người dân Kenya 47% theo đạo Tin Lành, trên 30% Công giáo, phần còn lại là Hồi giáo và các tôn giáo khác. Trong sinh họat, đặc biệt dân Kenya không sử dụng bao bì PE và chỉ hút thuốc đúng nơi qui định. Nước uống và nước sinh họat là một khó khăn cho người dân, chi phí khoan giếng khoản 20.000 USD – 30.000 USD cho một giếng với độ sâu trên dưới 200m (!).
            Ngày thứ ba, chúng tôi tham quan Lake Naivasha, một hồ nước ngọt rộng lớn ôm gọn vùng đảo cỏ xanh và những hàng cây dù (umbrella tree) thơ mộng, cách trung tâm Nairobi chừng 5-7 km. Theo qui định, mọi người mặc áo phao lên thuyền dạo quanh hồ thỏa thích ngắm nhìn các loài chim như đại bàng, bồ nông, bói cá và rất nhiều loài lông vũ khác đang săn mồi hoặc sải cánh mơ màng trong nắng ấm. Tiếng máy nổ của con thuyền làm giật mình những cánh chim đang tạo dáng làm đẹp trên những cành cây khô giữa hồ và làm xao động hai gia đình hà mã đang vui đùa trong biển nước mát. Trên bờ, vô vàn các loài chim đậu trên cây, bay chuyền cành, lượn vòng trên bầu trời xanh với những âm thanh rộn ràng khó tả…
            Rời thuyền lên đảo, được biết đây là vườn quốc gia bảo tồn các loài động vật hoang dã ăn cỏ, chúng tôi thấy từng đàn nai, mểnh, hươu sao, ngựa vằn, lợn rừng, bò tót… đang gặm cỏ hoặc chạy lượn lờ trước mắt, những con hươu cao cổ đang say sưa cắt tỉa cho cây gai cao thành “umbrella tree” trông như những nghệ nhân cần mẫn.
            Buổi trưa, cả đoàn tổ chức barbercue dưới bóng cây trên đảo thật thú vị. Khí trời mát lạnh, vừa nướng vừa ăn, vừa canh đuổi những bạn khỉ tập tành làm kẻ trộm…
            Ngày tiếp theo, chúng tôi theo chân các Linh mục  đến thăm một vùng nông thôn cách Nairobi khoảng hơn 100 km. Vào làng qua con đường đất gập gềnh và bụi mù, hai bên đường là những ruộng bắp thiếu nước khô cháy, có lẽ không ai buồn chăm sóc. Chúng tôi ghé thăm một trường nội trú do Linh mục Josepth dòng Phanxico thành lập để nuôi dạy các em mồ côi, bệnh xã hội… Thăm và tặng quà cho những cụ già neo đơn và một số gia đình khó khăn trong vùng. Các cụ già vui nhận quà và hát tặng chúng tôi những bản dân ca âm điệu rộn ràng. Tôi ngạc nhiên và thích thú khi nghe các cụ hát nhạc điệu một bài hát Hướng đạo “ngày dần tiêu tan, đứng vòng quanh đây, cùng nắm tay ta nhắn nhủ lời…” Được biết khu vực này mỗi năm chỉ có vài ba cơn mưa vào tháng mười, có khi cả năm không mưa. Các tổ chức thiện nguyện nước ngoài đến đây tài trợ khoan giếng cho dân làng, người dân phải đi khá xa để đến lấy nước tại giếng khoan, có khi phải dùng xe lừa kéo thay sức người.
            Trên đường về chúng tôi được giới thiệu món ăn trưa Ugali (bột bắp khuấy ăn với rau xắt sợi xào dầu) và Githeri (hạt đậu đỏ và hạt bắp luộc có cho tí muối) thức uống là bia Tusker chai. Trước và sau khi ăn mỗi người được phục vụ đem nước để rửa tay… ăn bốc.
            Sau ngày tham dự  thánh lễ truyền chức Linh mục, Tuấn Mã tôi xin phép đòan để đi Nyeri viếng mộ BP. Ban đầu tôi định đặt xe đi một mình nhưng may sao Linh mục Josepth ngỏ ý giúp, Linh mục Chánh Tín (xứ Lộ Đức – Gp. Xuân Lộc), một người yêu thích Hướng Đạo, và Soeur Hà dòng Đức Mẹ Truyền giáo đang làm mục vụ tại Kenya cũng muốn cùng đi, thế là thay vì một mình nay có nhóm bốn người. Sáng sớm Tuấn Mã tôi diện đồng phục Hướng Đạo và lên đường.
Nyeri là vùng cao nguyên cách Nairobi khỏang 150 km về hướng bắc, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi trù phú. Đường đi qua những con dốc thoai thoải uốn lượn như Đà Lạt, sau 03 giờ chạy xe chúng tôi đến Nhà thờ Chính Tòa Nyeri. Vào thăm nhà thờ, lén chụp vội vài tấm hình rồi hỏi thăm đường đến nghĩa trang St. Peter (nhà thờ cấm chụp hình vì lý do an ninh). Qua khỏi nhà thờ một đọan phố ngắn, xe rẽ phải vào nghĩa trang. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cánh cổng màu tím với khung cổng to lớn và tường cao màu gạch đỏ, bên trên có dòng chữ BADEN POWELL HISTORICAL GARDENS và phù hiệu nam nữ Hướng đạo. Tuấn Mã tôi thở phào mừng vui vì đã được đến thăm nơi an nghỉ của BP và phu nhân.
Vào trong khuôn viên, bên trái là nhà lưu niệm (trung tâm thông tin) hình cung tròn, tường trắng, viền và chữ hiệu màu tím. Chính giữa, một công viên rộng như mở vòng tay chào đón, hai bên lối đi là hai hàng cột cờ cao, dưới thảm cỏ xanh thẳng tắp những bảng nhỏ màu trắng ghi những giá trị cốt lõi của Hướng đạo. Đi về bên phải, gặp cánh cổng nhỏ, trụ cổng bên trái ghi lời hứa và huy hiệu Nam HĐ, trụ bên phải ghi lời hứa và huy hiệu Nữ HĐ, qua cổng này là khu vực nghĩa trang, mộ phần BP nằm chính giữa, hướng về núi Kenya với hàng rào cây xanh vuông vắn bao quanh và một cổng gỗ nhỏ lối vào tím màu xinh xắn. Thông thường người ta an táng vợ chồng cạnh nhau nhưng Ông Bà BP thì khác, họ cùng trong một nấm mồ đơn sơ màu trắng toát lên sự khiêm tốn và giản dị với mộ bia ghi ngắn gọn vài dòng bên dưới hai phù hiệu Nam Nữ Hướng Đạo:

ROBERT BADEN - POWELL
Trưởng Hướng Đạo Thế giới
22 tháng 2 năm 1857,
08 tháng 01 năm 1941.
OLAVE BADEN – POWELL
Trưởng Nữ Hướng Đạo Thế giới
22 tháng 02 năm 1889,
25 tháng 06 năm 1977

và dưới cùng là hình dấu đường vòng tròn có chấm tâm. Được biết những năm cuối đời BP làm việc tại Nyeri rồi mất, phu nhân Olave tiếp tục công việc của chồng và qua đời 36 năm sau đó tại Anh, tro thân của Bà được đem về đặt bên chồng như lời di nguyện. Nay mộ phần của Ông Bà được nhà nước CH Kenya công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuấn Mã tôi đến bên mộ nghiêm chào hai Trưởng, lòng  xúc động nhớ lại những ngày bắt đầu sinh hoạt Thiếu đòan Triển Dương cho đến ngày trưởng thành, biết bao điều Hướng đạo và các Trưởng đã tôi luyện hình thành nên con người tôi với những phẩm hạnh và tính cách hôm nay. Tôi biết ơn BP, biết ơn Hướng đạo, biết ơn các Trưởng của tôi. Nhìn hình dấu đường bên dưới bia mộ, tôi thầm nghĩ, dấu đường là ký hiệu của người đi trước lưu ký cho người theo sau, do vậy tôi không nghĩ rằng BP đã về nhà mà là đã đến đích. Phải chăng đây là một thông điệp của BP hoặc của những Trưởng kế tục sự nghiệp BP gởi cho HĐS như tôi: hãy cố gắng đến đích, hãy đi cho trọn cuộc đời vì  lý tưởng cao đẹp. Ngay tại phần mộ này biết bao bài học mà Tuấn Mã tôi còn thiếu sót… Tôi vào nhà thông tin ghi tên vào sổ khách và rời Nyeri.
            Về Nairobi, đêm xuống, trong niềm hạnh phúc tôi tìm đọc thông tin trên mạng, tình cờ xem trang của Sáo lý luận (USA) mới hay thời gian ở tại Nyeri, BP đã lưu trú và làm việc trong một căn nhà nhỏ gọi là PAXTU trong khuôn viên OUTSPAN HOTEL bên cạnh chân núi Kenya, mà nay được dùng làm bảo tàng Hướng đạo (PAXTU MUSEUM). Thôi rồi, tôi đã đặt máy bay về Việt Nam ngày mai, làm sao đây, tiếc thay.
Tạm biệt Kenya, đất nước con người diệu kỳ và thân thiện. Biết bao điều muốn nói và còn nhiều điều với Kenya, với Nyeri. Hẹn lại lần sau.

                                                            Võ Công Thảo,

LĐ Trường Giang Tam Kỳ

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét