Nhân vừa rồi
đọc trên tài khoản facebook của một số “anh chị em bắt tay trái” có trao đổi về
Nghi thức Lễ Tuyên lời hứa (thường gọi tắt là Lễ Tuyên hứa). Cá nhân tôi cho việc
“anh chị em bắt tay trái” chúng ta thường xuyên trao đổi những hiểu biết về
Phong trào là cần thiết và bổ ích cho những ai đã, đang là Hướng đạo sinh (HĐS)
và cũng tốt cho những ai chưa là HĐS. Bởi vì sự hiểu biết, kiến thức về phong
trào Hướng đạo thế giới nói chung và phong trào Hướng đạo Việt Nam (HĐVN) nói
riêng của ai đó cũng chỉ là rất nhỏ, rất hạn hẹp so với lịch sử và sự phát triển
của phong trào Hướng đạo (HĐ), một Phong trào có sự phát triển sâu rộng, nhanh
chóng và lâu dài như vậy. Một Phong trào mà ban đầu hình thành qua một cuộc cắm
trại thử nghiệm đối với 20 em thiếu niên, trên một hòn đảo nhỏ nước Anh có tên
là Browsea, vào năm 1907. Đến nay theo thống kê (tương đối) hiện có khoảng 50
triệu đoàn sinh đang sinh hoạt (và có
khoảng 300 triệu người đã có thời gian sinh hoạt HĐ) tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ (có một số quốc
gia đã đưa chương trình sinh hoạt Hướng đạo vào học đường), có nhiều quốc gia,
mà nguyên thủ quốc gia là “Hội trưởng danh dự” HĐ của quốc gia mình và Phong
trào này đã tồn tại 112 năm qua, hiện đang phát triển mạnh và cũng có thể khẳng
định rằng Phong trào này sẽ đồng hành cùng nhân loại bởi vì sự hữu ích của nó đối
với đời sống xã hội con người.
Vì vậy bản
thân tôi rất hoan nghênh những sự trao đổi như vậy. Tuy nhiên có một điều cần
lưu tâm đó là chúng ta nên trao đổi trên tinh thần cầu tiến, trọng thị, không
nên có một mảy may khích bác, moi móc sai sót hoặc so sánh hơn thua. Bởi vì sự
hiểu biết của một ai đó chỉ là “hạt cát” trong “sa mạc kiến thức” chung của nhiều
người. Và hơn nữa chúng ta phải đặt sự giao lưu này trên tinh thần hướng đạo,
vì sự phát triển của Phong trào.
Một chút
đáng buồn là hiện nay có một số người vì do chưa có sự đồng thuận, bất mãn về
việc cá nhân với nhau đã lợi dụng những thiếu sót nhỏ trong việc thực hành nghi
thức Hướng đạo của số ít đơn vị rồi công khai chê bai, khích bác nhau, thiếu sự
tương kính nhau, làm tấm gương xấu cho các em, ảnh hưởng uy tín của Phong trào.
Họ coi sự sai sót, thất bại của người khác là thành công của họ và chỉ có họ là
luôn luôn đúng. Họ là tu hú trong loài người như BIPI đã nói trong quyển Đường
Thành công “… họ tự mãn,bất kỳ trong vấn đề gì, cũng cho quan điểm của mình là
phải, không đếm xỉa đến ý kiến kẻ khác. Họ chỉ chú ý cá nhân họ, và ở đời họ chỉ
làm việc gì có lợi cho họ…”.
Vậy để tìm
ra tiếng nói chung trước tiên ta hãy cùng nhau trao đổi về danh từ NGHI THỨC
nói chung và NGHI THỨC Hướng đạo như thế nào:
NGHI THỨC.
Nghi thức đồng
nghĩa với nghi tiết là toàn bộ nói chung những điều quy định có tính chất
nghiêm túc, theo quy ước của xã hội hoặc theo thói quen, cần phải làm đúng
trong giao tiếp, ứng xử… (theo từ điển Việt – tra tu. Soha.vn)
Tóm lại
Nghi thức nói chung là những điều đã quy định có tính bắt buộc, khi thực hiện
không thêm không bớt.
Trong Phong
trào Hướng đạo, các ngành cũng có những quy chế, nghi thức cho riêng ngành
mình, bắt buộc các đoàn sinh cũng như các đơn vị phải tuân thủ.
-
Nghi thức ngành Ấu: Theo quy chế ngành Ấu năm 2017
Ngoài những
qui định về đồng phục, huy hiệu (đẳng hiệu, cấp hiệu, chuyên hiệu), cờ và gậy
biểu tượng, chào, tập họp và hiệu lệnh thì Nghi thức ngành Ấu còn có các nghi lễ như sau:
Tiếng
rống lớn, tuyên hứa (nhập bầy), tiễn sói lên đoàn,
Sói mở mắt,
gắn đẳng hiệu Sói nhảy cao, gắn đẳng hiệu Ấu sinh VN, phong nhậm đầu đàn, trao
khăn quàng Sói sơ sinh, chào cờ, đón Hải ly bơi lên (nhập bầy).
-
Nghi thức ngành Thiếu: Theo quy chế và nghi thức ngành Thiếu năm 2014
Ngoài những
qui định về đồng phục, huy hiệu, cờ ,
các lối đi đứng chào, tập họp, các hiệu lệnh, thì Nghi thức ngành Thiếu còn có
các nghi lễ sau đây:
1. Rước cờ,
chào cờ, hạ cờ.
2. Nhập
đoàn (nhận Sói lên đoàn, trao khăn quàng).
3. Lửa tĩnh
tâm.
4. Tuyên hứa.
5. Trao
chuyên hiệu, đẳng thứ. Công nhận đẳng thứ Thiếu sinh Việt Nam.
6. Nhận
trách vụ (phong nhậm).
7. Tiễn Thiếu
lên Kha đoàn, đón Sói lên Thiếu đoàn;
8. Nghi thức
lửa.
-
Nghi thức ngành Kha: Theo quy chế và nghi thức
ngành Kha năm 2011
Ngoài những qui định về đồng phục, huy hiệu, băng danh dự, cờ, đẳng hiệu,
các thế đứng và chào, hiệu lệnh tập họp, còn các nghi lễ sau:
Rước
quốc kỳ, chào cờ, hạ cờ, lễ nhập Kha đoàn, lễ tuyên hứa, lễ phong nhậm, lễ tấn
phong, lễ tiễn Kha sinh lên Tráng, lễ trao chuyên hiệu.
-
Nghi thức ngành Tráng: Theo quy chế và nghi thức ngành Tráng năm 2016
Ngoài những
qui định về đồng phục, huy hiệu, cờ, đẳng hiệu, các thế đứng và chào, hiệu lệnh
tập họp còn các nghi lễ sau:
Chào
cờ, tĩnh tâm, tuyên hứa, lên đường, phong nhậm tráng huynh.
TẬP TỤC.
Tập
tục là phong tục và tập quán, là thói quen đã thành nếp, đã ăn sâu vào đời sống
xã hội, được nhiều người công nhận và làm theo. (theo từ điển tiếng Việt).
Tập
tục trong phong trào Hướng đạo là những sinh hoạt đã trở thành tập quán, là
thói quen đã ăn sâu vào đời sống của phong trào Hướng đạo. Có những tập tục mất
đi bởi vì nó không còn phù hợp với thực tiễn (thử thách khi lấy tên rừng, hoặc
tiễn đoàn sinh lên đoàn, qua đó có môt số tập tục có tính hơi bạo lực và quá sức,
ảnh hưởng không tốt sức khỏe, an toàn cho người thực hiện) và cũng có những tập
tục phát sinh tùy theo từng nơi, từng lúc, nghĩa là ở đơn vị này thì có , đơn vị
khác thì không, vì tập tục không mang tính bắt buộc như nghi thức. Đôi khi có những tập tục hay và thiết thực
cho sinh hoạt thì tập tục được trở thành
nghi thức (ví dụ như ban đầu tập tục lửa trại của Hướng đạo bắt nguồn từ tập tục
đốt lửa ban đêm của những người có đời sống du mục thuở sơ khai. Sau một ngày
săn bắn, hái lượm, họ ngồi bên đống lửa để xẻ chia những sản vật, thực phẩm họ
đã tìm được trong ngày qua và trao đổi công việc cho ngày hôm sau. Đồng thời đống
lửa sẽ làm cho loài thú hoang dại hoảng sợ, tránh xa. Đây là một tập tục tốt
nên được phong trào HD áp dụng và lưu truyền, nhằm giúp cho đoàn sinh được thư
giãn cùng nhau vui chơi, tâm tình, chia sẻ cho nhau sau một ngày trại, trao đổi
công việc sẽ làm trong ngày hôm sau và làm cho tình cảm anh em HD thêm gắn kết
trên tinh thần điều luật thứ Tư. Do tập tục này hay, có tính thiết thực, gần
gũi với đời sống trại của Hướng đạo nên đến nay đã trở thành nghi thức lửa trại).
-
Tập tục ngành Ấu :Tiếng reo Sói con; Đêm hoa đỏ; Các điệu múa rừng; Giấu đuôi;
Về hang; Xây hang; Trang trí hang Đàn; Ngồi xuống; Đứng lên.
-
Tập tục ngành Thiếu, Kha : Tùy theo truyền thống của ngành và của từng đơn vị .
-
Tập tục ngành Tráng: Lửa dặm đường, lấy tên rừng
và riêng của
Tráng đoàn.
Tóm lại có
thể hiểu nghi thức là luật, tập tục là lệ và trong thực tế đời sống xã hội cũng
như Hướng đạo, 2 cái đó luôn song hành. Nghi thức hiện hành thì phải tuân thủ
nghiêm còn tập tục có thể có hoặc không và có thể thêm bớt cho phù hợp.
Nhưng chúng
ta đều thấy Phong trào luôn có điều qui định.
1. Nghi thức
ngành được quy định chi tiết trong Quy chế về nghi thức ngành .
2. Tập tục của các ngành về nguyên tắc
vẫn giữ theo truyền thống của Phong trào.
3. Các Ngành và Khối Sinh hoạt có
trách nhiệm nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi về nghi thức phù hợp với
nhu cầu thực tiễn.
Điều này nói lên nghi thức không là
những qui định cố định, không thay đối mà sẽ có sự thay đổi cho phù hợp với thực
tiễn.
Trở lại vấn
đề tôi đề cập để cùng trao đổi là TẬP TỤC VÀ NGHI THỨC HƯỚNG ĐẠO qua câu chuyện
về nghi thức tuyên hứa. Nội dung như sau :
Có một bạn
Tráng sinh hỏi một Trưởng :“Vừa rồi Tráng
đoàn em có làm lễ tuyên hứa cho một
Tân tráng , trong đó có 2 Tân
tráng chưa tuyên hứa cũng tham dự và
tham gia cầm cờ làm nghi thức tuyên hứa. Em đã kể lại cho một em Thiếu sinh, em ấy bảo
thế là không đúng nghi thức vì trong lễ tĩnh tâm và tuyên hứa không được có HĐS
chưa tuyên hứa.Vậy đúng sai thế nào?”
Theo lý
thuyết thì câu hỏi này chắc ai cũng có thể trả lời dễ dàng vì chúng ta đã có
nghi thức của các ngành qui định rồi. Ai không tuân thủ đúng như qui định là
sai chứ còn gì.
Thế nhưng
chuyện không đơn giản vậy. Đã có 2 nhóm ý kiến:
Nhóm 1 -Có
người thì bảo như vậy là sai nghi thức tuyên hứa của nghi thức ngành Thiếu năm
2014 có qui định ở mục 2c Điều 29. Tất cả các Thiếu sinh đã tuyên hứa và chuẩn
bị tuyên hứa y phục chỉnh tề, tập họp hình chữ U, bán nguyệt, hàng ngang…Kể
cả nghi thức, quy chế ngành Kha 2011 trong đó có ghi: “Lễ tuyên hứa: Tất cả các
Kha sinh đã tuyên hứa, y phục chỉnh tề, tập họp theo hình bán nguyệt...”
Nhóm 2- Có
người bảo cũng không sai lắm vì cuốn “Nghi Thức Hướng Đạo” của Hội Hướng Đạo Việt
Nam, được in vào năm 1964 và tái bản năm 2003, trang 53 “ Lễ tuyên hứa của Thiếu
sinh ghi: Cả Đoàn y phục chỉnh tề (có gậy
và nón) sắp theo hình chữ nhật…” và theo nghi thức ngành Tráng 2015 thì lễ tĩnh
tâm gồm tất cả những Tráng sinh đã tuyên hứa cùng các Trưởng … nhưng trong lễ
tuyên hứa của Tráng sinh ghi: “Tất cả tập trung thành hình chữ U hoặc bán nguyêt…”
như vậy cũng có thể nói là không quy định tất cả đoàn sinh đã tuyên hứa.
Có người bảo
việc tuyên Lời hứa của các tân sinh không có gì bí mật cả, nên việc để cho các
em chưa tuyên Lời hứa được tham dự là điều bình thường, trước nay vẫn thế, vừa
tạo khí thế cho Đoàn, vừa tạo tinh thần khuyến khích các em chưa tuyên hứa cố gắng
hoàn thành những điều cần thiết để được tuyên hứa. Các đơn vị mới thành lập với
một đội kiểu mẫu khi cho một hai em đầu tiên tuyên hứa thì Đoàn đâu có đoàn
sinh đã tuyên hứa để dự, nên các em chưa tuyên hứa vẫn dự là bình thường.
Trước tiên,
nếu nói về Luật hay Nghi thức là sai, vì theo nghi thức hiện hành đã ghi rõ là
chỉ có những đoàn sinh đã tuyên hứa và sắp tuyên hứa trong buổi lễ mới được
tham dự. Tuy nhiên tôi cũng có chút đồng tình với ý kiến của nhóm thứ 2, về thực
tế có những đơn vị mới thành lập, thiếu đoàn sinh nên các em chưa tuyên hứa vẫn
dự là bình thường, vừa tạo khí thế cho Đoàn, vừa tạo tinh thần khuyến khích các
em chưa tuyên hứa cố gắng hoàn thành những điều cần thiết để được tuyên hứa.
Theo ý kiến
cá nhân, thì trong thực tế đôi khi Luật hay Nghi thức chỉ phù hợp với một giai
đoạn trước đó, nay do vì thực tiễn phát
sinh những tình huống không phù hợp với quy định nữa nên sẽ xảy ra trường hợp
phải có cách ứng xử mới cho phù hợp với thực tiễn gọi là tiền lệ được công nhận,
làm khuôn mẫu và cơ sở để áp dụng cho những trường hợp có tình tiết hay vấn đề
tương tự sau đó cho đến khi có sự điều chỉnh, bổ sung nghi thức mới. Nên việc
cho các em chưa tuyên hứa dự lễ tuyên hứa cũng không sai nhưng chúng ta chỉ nên
áp dụng với những trường hợp đặc thù như nói trên, còn lại tất cả đều phải tuân
thủ nghi thức hiện hành, nếu không thì mạnh ai nấy làm theo cảm tính, thì không
còn quy củ, thể thống gì cả.
Đây cũng là
quan điểm giải quyết dung hòa bởi vì không có gì là tuyệt đối, là hoàn hảo, mà
nên cố gắng tiến đến sự hoàn thiện mà thôi. Nói cho cùng Hướng đạo cũng là những
trò chơi có tính giáo dục các em, các Trưởng phải giúp các em phát triển tối đa
về thể lực, trí lực, cảm xúc, các khả năng xã hội và tâm linh. Vậy nên trong
khi thực hiện các nghi thức cũng không nên cứng nhắc, phải đúng qui định 100%,
nên có sự linh hoạt theo thực tế. Vấn đề ở chỗ là việc thực hiện những nghi thức,
tập tục của Phong trào cốt để các em hình thành nhân cách, biết tôn trọng, có
trách nhiệm với bản thân và tập thể, quen sống với cộng đồng, sống trong tình
“Tứ hải giai huynh đệ”, hướng các em sẽ thành những người tốt trong xã hội,
công dân tốt của quốc gia.
Bài
viết này là những hiểu biết hạn hẹp và ý kiến cá nhân muốn trao đổi và xin nhận
những lời góp ý theo như tinh thần đã nêu trên, để chúng ta cùng nhau thực hiện
tốt những nghi thức của Phong trào.
Nhân
đây tôi xin kể lại một buổi thực hiện nghi thức tiễn Thiếu lên Kha đoàn có nhiều
cảm xúc thật sự.
Trong
buổi sinh hoạt thường kỳ chiều hôm ấy có điều gì đó khác thường, có chút gì đó
lắng đọng trong lòng mỗi một đoàn sinh và cả các Trưởng trong Thiếu đoàn Hải
Vân khi BHT thông báo “ Chiều nay chúng ta sẽ thực hiện nghi thức chia tay, tiễn
đội trưởng đội Hổ lên Kha đoàn Hải Vân”. Dẫu biết rằng không thể nào khác được,
bởi đây là quy chế của phong trào, khi đến độ tuổi qui định là phải tiễn đoàn
sinh lên đoàn để cho phù hợp với tâm sinh lý của các em. Nhưng sao vẫn thấy có
chút tiếc nuối, lưu luyến và bịn rịn, mặc dù trong những ngày tới họ vẫn cùng
sinh hoạt trong một Liên đoàn, cùng chơi trên một bãi cỏ của Công viên 29 tháng
3 này. Lúc này đây hình như kẻ ở và người đi cố nhìn kỹ nhau hơn, cố kéo dài
giây phút chia tay này, mặc cho có tiếng vẫy gọi từ bên kia của Kha đoàn cũng
đang chờ đón một Thiếu sinh sắp trở thành Kha sinh của đơn vị mình. Hơn bao giờ
hết trong lòng mỗi người, họ đều cố nhớ lại những giây phút cùng nhau sinh hoạt,
cùng nhau vui đùa, cùng nhau thao thức trong những đêm lửa trại ngoài trời, hòa
mình với thiên nhiên, núi rừng; cùng ăn những bữa cơm nhiều tầng (tầng bị khê,
tầng bị nhão…) do chính mình cùng nấu. Họ đã có những lời chúc, lời hứa hẹn, dặn
dò cho nhau. Và cảm xúc đã dâng trào khi Đội trưởng Khoa đi vòng quanh ôm và bắt
tay trái từng người thay cho lời tạm biệt trong lúc một Trưởng trong BHT đã bắt
bài hát “Giây phút chia ly” (Farewell)
mà người Do Thái đã hát cho nhau khi phải chia ly, rời xa tổ quốc mình
làm người vong quốc, hẹn ngày trở lại. Lời bài hát sao nó phù hợp với tâm trạng
mỗi người lúc này đến thế. “Rời tay phút chia ly, Bạn ơi vui lên đi, bạn ơi vui
đi. Gian khó ta không nề. Luôn có nhau trong đời. Từ nay cách xa”. Trong tiếng
hát của các em tôi nghe như có gì nghèn nghẹn kèm với những đôi mắt đỏ hoe.
Cuối
cùng Trưởng Thiếu trưởng đã đi cùng em ấy sang giới thiệu cho Kha đoàn. Những
cái vẫy tay đầy lưu luyến và những ánh mắt như cùng hướng về một phía cho đến
khi Đội trưởng Khoa mất hút sau những lùm cây trong công viên.
Chắc
cũng có người bảo “chỉ là thủ tục, nghi thức tiễn đoàn sinh lên đoàn thôi mà,
làm gì mà có những xúc cảm đến thế”. Theo tôi, về mặt hình thức thì đây chỉ là
những nghi thức đã qui định. Nhưng về phần nội dung nó chất chứa bao điều về
tình cảm, chỉ có những người trong cuộc, những người đã có một khoảng thời gian
cùng sinh hoạt với nhau mới cảm nhận sâu sắc điều này. Tôi cũng đã từng chứng
kiến những buổi tiễn Sói lên đoàn đầy xúc cảm, nhiều Akela đã ôm chặt chú Sói
con của mình như không muốn rời xa trong tiếng sụt sùi và ngấn lệ. Bởi vì họ đã
từng sống với nhau cùng một mái lều, Akela lo cho các Sói từng miếng ăn giấc ngủ,
đêm không tròn giấc vì thao thức lắng nghe tiếng mưa rơi để che chắn cho các
Sói có chỗ nằm không bị ướt.
Chỉ
có những tình cảm chân tình, ruột thịt
như Hướng đạo thì mới vậy.
Hoẵng điềm đạm Nguyễn Đức Là RS
Liên đoàn Hải Vân,
Đạo An Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét